Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

CUỘC XƯỚNG HỌA GIỮA HAI ĐOÀN NGOẠI GIAO VIỆT - HÀN NĂM 1718

Về văn bản thơ xướng họa giữa Nguyễn Công Hãng (Việt Nam) với Du Tập Nhất, Lý Thế Cẩn (Hàn Quốc) trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1718

Lý Xuân Chung
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Lời dẫn của Lâm Khang chủ nhân: Năm 1718, sứ thần Việt Nam là Nguyễn Công Hãng, Trưởng đoàn ngoại giao (Chánh sứ) Việt Nam đi sứ Yên Kinh (TQ). Tại Yên Kinh, đoàn ngoại giao Việt Nam và Triều Tiên (do Du Tập Nhất làm Trưởng đoàn) đã được nước chủ nhà bố trí ăn nghỉ tại Nhà khách Ngọc Hà (lúc đó gọi là Ngọc Hà quán). Hai đoàn ngoại giao VN và Triều Tiên đã ở cùng với nhau hơn 01 tháng tại Ngọc Hà quán và đã xướng họa thơ văn với nhau. Bài viết dưới đây của TS. Lý Xuân Chung (Viện KHXH Việt Nam) sẽ cho chúng ta biết về cuộc xướng họa của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên trong thời gian này. Xin cảm ơn TS Lý Xuân Chung!
Một trang thơ đi sứ của sứ thần Việt Nam
Nguyễn Công Hãng (1680 - 1732) tự Thái Thanh, hiệu Tĩnh Am, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc Tiên Sơn, Bắc Ninh). Năm 1700, ông thi đỗ Tiến sĩ, làm quan tới các chức Hữu Thị lang, Tả Thị lang Bộ Binh rồi Thượng thư, Tham tụng trong phủ chúa. Ông được chúa Trịnh Cương tin dùng, ban chức trọng yếu, giữ chức Tể tướng suốt 13 năm. Trịnh Giang sau khi lên ngôi chúa còn tin dùng ông một thời gian, sau nghe lời gièm, giáng xuống làm Thừa chính xứ Tuyên Quang rồi bức tử vào năm 1732. 

Trong thời gian giữ trọng trách trong phủ Chúa, năm 1718, ông được cử đi sứ Trung Quốc.

Về thơ văn, các sách như Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp; Từ điển văn học của Lại Nguyên Ân chủ biên; Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh chủ biên; Thơ đi sứcủa Phạm Thiều - Đào Phương Bình chủ biên... đều thống nhất ghi rằng, ông có Tinh sà thi tập một quyển, làm trong chuyến đi sứ Trung Quốc.

Lần tìm trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu - cũng như Thư mục ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi không tìm thấy cuốn sách có đầu đề như vậy. Có điều là, chúng tôi tìm thấy một cuốn có ghi chép thơ văn của Nguyễn Công Hãng được làm trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1718, tức năm Vĩnh Thịnh thứ 14. Đó là cuốn Bắc sứ thi tập, ký hiệu VHv.2166, bản viết tay, chữ tốt, dễ đọc, 72 trang, khổ 26 x15cm, gồm 2 tập thơ đi sứ của Đào Công Chính và Nguyễn Công Hãng. Thơ văn của Nguyễn Công Hãng duy nhất có cuốn này, tuy mới có thêm bản chụp mang ký hiệu VHc.304 thì cũng là photocopy từ bản này, trong đó, từ tờ 31b đến tờ 34a có phần thơ xướng họa giữa Nguyễn Công Hãng với Du Tập Nhất và Lý Thế Cẩn, tổng cộng 12 bài, gồm 4 bài xướng của Nguyễn Công Hãng, 4 bài họa của Du Tập Nhất và 4 bài hoạ của Lý Thế Cẩn.

Theo Bắc sứ thi tập, trong chuyến đi sứ năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), Nguyễn Công Hãng khi đó đang giữ chức Binh bộ Hữu thị lang được cử làm Chánh sứ, dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta sang Trung Quốc. Trong thời gian ở Bắc Kinh, đoàn sứ bộ nước ta đã gặp đoàn sứ bộ Triều Tiên do Chánh sứ Du Tập Nhất, hiệu là Thủ Huyền cư sĩ, giữ chức Hình bộ Thượng thư cùng với Phó sứ Lý Thế Cẩn, hiệu là Tĩnh Hiên cư sĩ, giữ chức Phán quan dẫn đầu. Nguyễn Công Hãng là người gửi bài thơ xướng và Du Tập Nhất, Lý Thế Cẩn làm thơ họa lại.

Khi tới Hàn Quốc, chúng tôi đã mất công tìm kiếm nhưng chưa tìm thấy thi tập của Du Tập Nhất, chỉ tìm thấy tập thơ văn của Lý Thế Cẩn, nhan đề Tĩnh Hiên tập, có phần thơ văn xướng họa với Nguyễn Công Hãng.

Theo Tĩnh Hiên tập, tr.352, 353, tư liệu ở Thư viện Quốc gia Trung ương, Seoul, Hàn Quốc cho biết, hai đoàn sứ thần khi tới Bắc Kinh thì được bố trí ở chung tại quán nghỉ Ngọc Hà hơn 40 ngày, đôi bên thường xuyên qua lại thăm hỏi lẫn nhau và trao đổi thơ văn. Có điều là, Tĩnh Hiên tập chỉ ghi chép 8 bài thơ xướng hoạ giữa Nguyễn Công Hãng với Lý Thế Cẩn, Nguyễn Công Hãng làm bài xướng (4 bài), Lý Thế Cẩn họa lại (4 bài).

Đối chiếu từng câu từng chữ ở 8 bài có trong hai văn bản, thấy có đôi chỗ xuất nhập, chúng tôi chọn 8 bài trong Tĩnh Hiên tập để phân theo thứ tự (sau đây gọi là bản A, còn bản Bắc sứ thi tập gọi là bản B) để xem xét. 

Bài thứ nhất: có 3 chỗ xuất nhập ở câu 1, 4 và 5:

Câu 1, bản A chép: 故 園 歸 夢 不 言 賒 - Cố viên quy mộng bất ngôn xa.

Bản B chép: 故 園 於 夢 不 憚 賒 - Cố viên ư mộng bất đạn xa. Xét về nghĩa: ngôn  nói, đạn  sợ, ngại. 

Bất ngôn xa có nghĩa không nói là xa; Bất đạn xa có nghĩa là không ngại xa, không sợ xa. Xét về niêm luật thì ở chữ thứ 6 này phải là vần bằng, chữ đạn vần trắc ở đây là thất niêm nên bất ngôn xa hợp lý hơn bất đạn xa. Chữ quy và chữ ư ở hai câu cũng cần xem xét. Về nghĩa, câu của bản A có thể hiểu là: mộng về quê cũ chẳng nói là xa. Nếu thay chữ ư vào chữ quy thì có thể hiểu là: Quê cũ ở trong mộng không nói là xa, xem ra câu thơ thuận lý hợp tình. Như vậy, câu này sẽ là: Cố viên ư mộng bất ngôn xa.

Câu 4, bản A chép: 驛 梅 新 放幾 枝 花 "Dịch mai tân phóng kỷ chi hoa". Bản B bỏ trống hai chữ 新 放tân phóng. Bởi thế, hai chữ tân phóng của bản A đã hoàn thiện cho câu thơ của bản B. Nghĩa cả câu là: 

Cây mai ở trạm nghỉ mới nở mấy nhành hoa. 

Câu 5, bản A chép: 玉 樓 寒 盡 猶 瞻 極 - Ngọc lâu hàn tận do chiêm cực. 

Bản B chép: 玉 樓 寒 盡 惟 吟 日 - Ngọc lâu hàn tận duy ngâm nhật".

Xét về niêm luật thì cả hai câu đều đúng. Xét về ý nghĩa thì khác nhau: Ngọc lâu hàn tận do chiêm cực".

Nghĩa là: Ở lầu ngọc, lạnh đã hết, có thể phóng hết tầm mắt.

"Ngọc lâu hàn tận duy ngâm nhật"

Nghĩa là: Ở lầu ngọc, lạnh đã hết, chỉ là ngày ngâm vịnh.

Đây là bài thơ Lý Thế Cẩn họa thơ Nguyễn Công Hãng, bởi thế, về mặt văn bản, ba chữ do chiêm cực của bản A có lẽ hợp hơn. Hơn nữa, xét đối với câu dưới: 銀渚 春 生 未 返槎 - "Ngân chử xuân sinh vị phản sà". Nghĩa là: Ở Ngân đảo, xuân đã đến, (mà) chưa thể quay bè sứ trở về.

Ta thấy, câu chữ của bản A có lẽ đẹp hơn, hay hơn, hợp hơn với nỗi niềm của người đi sứ nhớ quê hương. 

Bài thứ ba: có ba chỗ xuất nhập ở câu 4, 5 và 7.

Câu 4 và 5, bản A chép:
書中慕子三冬足
旅次嗟予兩 鬢 花 

"Thư trung mộ tử tam đông túc,
Lữ thứ ta dư lưỡng mấn hoa".

Nghĩa là:

Trong thư được biết và hâm mộ ông ở đây đã ba mùa đông,
 Than cho tôi là kẻ lữ thứ đôi bên tóc mai đã đốm hoa.

Bản B chép:
觀 光 慕 子 雙 眸 闊
作 客 嗟 予 兩 鬢 花 

"Quan quang mộ tử song mâu khoát,
Tác khách ta dư lưỡng mấn hoa".

Nghĩa là:

Xem (tướng mạo) sáng sủa, hâm mộ ông có đôi mắt rộng,
Than cho tôi là kẻ làm khách đôi bên tóc mai đã đốm hoa.

Hai chữ lữ thứ  tác khách ở câu 5 không khác nhau lắm về ý nghĩa. Nhưng, ở câu 4, bản B dùng cả một câu khen tướng mạo sứ thần nước bạn, hâm mộ đôi mắt (to) rộng thì thấy có vẻ không ổn. Trong các bài thơ gửi tặng Nguyễn Công Hãng, Lý Thế Cẩn không giấu nổi nỗi buồn chưa hoàn thành việc đi sứ, phải ở lại lâu ngày ở quán khách, lẻ loi buồn rầu. Ở bài thứ 6, Lý Thế Cẩn viết rõ:
悄然孤館等禪居
無 限 羈 愁 萬 斛 餘 

Thiểu nhiên cô quán đẳng thiền cư,
Vô hạn ky sầu vạn hộc dư.

Nghĩa là:

Buồn rầu lẻ loi ở quán trạm, tựa như sống trong cảnh thiền,
Nỗi buồn vô hạn, uống rượu nhiều.(1) 

Hoặc như:
故 園 於 夢 不 言 賒
客 館 經 年 便 作 家 

"Cố viên ư mộng bất ngôn xa,
Khách quán kinh niên tiện tác gia".

Nghĩa là: 

Quê cũ ở trong mộng, không nói là xa,
Ở quán khách trải bao năm bèn coi như nhà mình.

Như vậy, câu chữ ở bản A có lẽ hợp lý hơn.

Câu thứ 7, bản A chép: 歸 來 相 憶 形 聲 夢 -Quy lai tương ức hình thanh mộng". Nghĩa là: Trở về, cùng nhớ hình bóng, tiếng nói ở trong mộng.

Bản B chép: 歸 來 相 憶 形 客 夢 - Quy lai tương ức hình khách mộng". Nghĩa là: Trở về, cùng nhớ hình bóng khách ở trong mộng.

Về ý nghĩa, sứ thần hai nước Việt - Hàn trong lịch sử luôn có tình cảm tốt đẹp với nhau, coi nhau như bạn thân lâu ngày gặp lại. Điều này đặc biệt phản ánh rõ nét trong nội dung thơ xướng hoja của hai ông. Bởi thế, chữkhách ở đây không hợp ý nghĩa, hơn nữa, lại phạm luật bằng trắc, chữ thứ 6 này phải là thanh bằng mới hợp cách.

Như vậy, câu chữ bản A hợp lý hơn.

Sau khi xem xét tổng thể văn bản của hai bên, sơ bộ, chúng tôi có nhận xét sau:

1. Văn bản Bắc sứ thi tập của Nguyễn Công Hãng ở Việt Nam có nhiều hơn Tĩnh Hiên tập của Lý Thế Cẩn (Hàn Quốc) 4 bài thơ.

2. Trong 4 bài thơ của Lý Thế Cẩn trong Tĩnh Hiên thi tập thì có 2 bài trùng với 2 bài của Du Tập Nhất trong Bắc sứ thi tập. Như vậy, nếu coi bản Bắc sứ thi tập đầy đủ hơn thì bản Tĩnh Hiên thi tập thiếu mất hai bài của Lý Thế Cẩn, thừa ra 2 bài của Du Tập Nhất.

3. Hai văn bản đều thống nhất chép rằng, Nguyễn Công Hãng gửi bài xướng và sứ thần Hàn Quốc Lý Thế Cẩn họa vần.

4. Trong 8 bài ở cả hai văn bản, chỉ có bài thứ nhất và bài thứ ba đều có ba chỗ xuất nhập như đã nêu ở trên.

Dưới đây là phần phiên âm, dịch nghĩa 8 bài thơ trong Tĩnh Hiên tập của Lý Thế Cẩn (Hàn Quốc):

Ở quán Ngọc Hà đáp lại thơ khất họa của Chánh sứ An Nam (Ngọc Hà quán thù An Nam quốc Chánh sứ khất họa vận).

Bài 1: Lý Thế Cẩn họa thơ Nguyễn Công Hãng.
Phiên âm:
Cố viên quy mộng bất ngôn xa,
Khách quán kinh niên tiện tác gia.
Thôn tửu thặng thành liên nhật tuý,
Dịch mai tân phóng kỷ chi hoa.
Ngọc lâu hàn tận do chiêm cực,
Ngân chử xuân sinh vị phản sà.
Đồng thị lữ nhân quân cánh viễn,
Nhất ban sầu tứ tưởng ưng gia.

Dịch nghĩa:

Mộng về quê cũ chẳng kêu xa,
Ở quán khách trải bao năm bèn coi như nhà mình.
Rượu trong thôn vẫn có, thành ra cứ say hết ngày này qua tháng khác,
Cây mai ở trạm nghỉ mới nở mấy nhành hoa.
Ở lầu ngọc đã hết lạnh, có thể phóng hết tầm mắt,
Ở Ngân đảo, mùa xuân đã đến mà chưa thể quay thuyền trở về.
Cùng là khách đi xa, nhưng ông ở xa hơn,
Nỗi buồn như nhau nhưng nỗi niềm nhớ quê hương của ông
hẳn càng sâu nặng hơn.

Bài thứ hai:
Phiên âm:
Các tự Đông Nam hải nhất tâu,
Ngộ ngôn vô lộ chỉ hồi đầu.
Y quan định tập văn minh chế,
Điền phú ưng tòng thượng hạ trù.
Cánh bả thiên chương khâm điển nhã,
Tức tri phong khí tuyệt khoa phù.
Kinh bang đại pháp duy Chu Khổng,
Tu hướng di biên tự tự tu.

Dịch nghĩa:

Tôi và ông từ góc biển Đông và Nam tới,
Gặp nhau, nói không hiểu chỉ ngoái đầu.
Mũ áo nhất định phải phỏng theo chế độ văn minh,
Thuế ruộng nên định theo bờ trên bờ dưới.
Càng nên rèn rũa khâm định văn chương cho thêm điển nhã,
Tức là biết khoa trương phong khí đến mức tuyệt vời.
Phép lớn kinh bang duy chỉ theo Chu Công, Khổng Tử,
Nên theo Ngài tu sửa từng chữ từng chữ trong di cảo.

Nguyễn Công Hãng gửi Lý Thế Cẩn theo vần như trước

Bài 1.
Phiên âm:
Hải quốc Đông Nam vạn lý xa,
Ngọc kinh hỷ ngộ quán thiên gia.
Thư trung mộ tử tam đông túc,
Lữ thứ ta dư lưỡng mấn hoa.
Tưởng thị đồng niên từ giả án,
Cộng tuỳ bát nguyệt phiếm tiên sà.
Quy lai tương ức hình thanh mộng,
Dĩ nghĩ vu kim cánh bội gia.

Dịch nghĩa:

Tôi ở bờ biển Nam, ông ở biển Đông
cách xa nhau hơn vạn dặm,
Vui mừng được gặp nhau ở Yên Kinh, quán Ngọc Hà và cùng vào chầu thiên vương.
Trong thư được biết và hâm mộ ông ở đây đã ba mùa đông,
Than cho tôi là kẻ lữ thứ đôi bên tóc mai đã đốm hoa.
Ngỡ là cùng một năm từ biệt án thư màu đỏ sẫm,
Vào tháng tám, cùng nhau cưỡi bè tiên đi về.(2)
Trở về cùng nhớ hình bóng, tiếng nói ở trong mộng,
Nghĩ đến hôm nay càng nhớ nhau hơn.

Bài 2.

Văn đạo Đông Hàn trạch hải tâu,
Cửu Đô sơn hạ Hán giang đầu.
Văn chương cơ trục cao thiên cổ,
Nghĩa lý uyên nguyên tục cửu trù.
Hàng tửu khử hàn xuân sắc noãn,
Ma y liễm thể tuyết hoa phù.
Tức kim ba thiếp Đông minh cửu,
Cộng dĩ niên niên chức cống tu.
Dịch nghĩa:
Nghe nói nhà ông ở Đông Hàn, bên góc bể,
Ở đầu nguồn sông Hàn(3), dưới chân núi Cửu Đô.
Nếp văn chương có từ ngàn xưa,
Nghĩa lý nguồn sâu kế tục Cửu trù(43).
Uống rượu Hàng Châu xua cái lạnh đi sắc xuân ấm tới,
Thu mình trong tấm áo gai theo hoa tuyết bay.
Cũng tức là nay theo làn sóng về biển Đông quốc
Tôi cùng ông trải mấy năm hoàn thành chức trách đi triều cống.

Lý Thế Cẩn lại gửi bài thơ họa lại thơ của Chánh sứ An Nam Nguyễn Công Hãng

Bài 1.
Phiên âm:

Thủ bả quỳnh cư ngoạn tái tam,
Từ đàn thanh giá trọng song Nam.
Tòng tri vạn quốc đồng văn quỹ,
Cánh hỷ viêm phương dưỡng đạo tàm.
Kinh nghĩa tự lai đa uẩn dữ,
Công phu tu thả cực nghiên đàm.
Hoàn tương vô ngữ thù khuyến ý,
Duyệt nhược tình song đối trần đàm.

Dịch nghĩa:

Tay cầm ngọc đẹp thưởng ngoạn ngắm nghía hồi lâu(5),
Ông đã nổi tiếng trên văn đàn được cả hai nước tôn trọng.
Từ lâu đã biết các nước đồng văn đồng quỹ(6)
Càng vui hơn khi biết vùng xứ nóng trồng lúa nuôi tằm.
Kinh nghĩa từ trước tới nay đã trao tặng cho nhau nhiều,
Càng phải bỏ công phu nghiên cứu thật sâu xa.
Ngày ông về, chẳng biết nói gì, làm thơ đáp lại tỏ ý khuyến khích,
Vui mừng như cùng ngồi bên song cửa đầy nắng bàn chuyện thế gian.

Bài 2.
Phiên âm:

Thiểu nhiên cô quán đẳng thiền cư,
Vô hạn ky sầu vạn hộc dư.
Đắc thử quỳnh chương song thủ quán,
Thắng ư phỉ kỷ thập niên thư.
Khách trung tuế luật hồi nguyên hiến,
Mộng lý hương tình thuyết Mạnh chư.
Văn đạo tiên sà quy nhật cận,
Xuất phàn phi điểu hứng hà như.

Dịch nghĩa:

Buồn rầu lẻ loi ở quán trạm tựa như sống trong cảnh thiền,
Nỗi buồn nơi đất khách vô bờ bến, uống rượu nhiều.
Nhận được bài thơ như ngọc này, vội rửa sạch hai tay,
Hơn hẳn (thơ) của đồng liêu mấy chục năm đọc sách.
Trong số khách (đến đây), ông đã xong việc tuế cống và được trở về với quê hương văn hiến,
Trong mộng trào dâng tình cảm quê hương và nói chuyện kinh sách thánh hiền.
Nghe nói công việc đi sứ đã xong, sắp đến ngày sứ bộ trở về,
Ra khỏi miền đất này, không biết cánh chim vui thú bay về đâu.

Nguyên vận của Nguyễn Công Hãng

Bài 1.
Phiên âm:

Thương hải dương trần kỷ độ tam,
Viêm bang tự tích trạch giao Nam.
Lục kinh dĩ ngoại vô tha đạo,
Nhất tuế chi trung thục bát tàm.
Vạn hộ ngư diêm thường cấp túc,
Tứ thời hoa thảo cộng phu đàm.
Quy lai tuyên thất như tiền tịch,
Tự dữ quan phong trợ nhất đàm.

Dịch nghĩa:

Trải bao phen vật đổi sao dời,
Vùng đất xứ nóng từ xưa đã ở phương Nam.
Ngoài lục kinh ra(7), chẳng theo đạo nào khác,
Một năm thu hoạch tám lứa tằm.
Nhân dân theo nghề đánh cá làm muối thường no đủ,
Bốn mùa hoa cỏ tốt tươi.
Khi về nhớ cảnh đền đài,
Giống như trong bữa tiệc hôm trước nói chuyện về phong cảnh tham quan.

Bài 2.
Phiên âm:

Địa các Đông Nam hải tế cư,
Kế trình vạn lý hữu linh dư.
Uy nghi cộng bỉnh Cơ gia lễ,
Học vấn đồng tôn Khổng thị thư.
Hảo bả văn chương thông khẳng khái,
Hưu luân ôn bão độ cư chư.
Sứ thiều vân phản trùng tương ức,
Tại tử an tri bất ngã như?

Dịch nghĩa:

Tôi ở bờ biển Nam, ông ở bờ biển Đông,
Đường đi tính ra tới hơn vạn dặm trường.
Nghi lễ cùng theo lễ nhà Chu,
Học vấn cùng theo sách thầy Khổng Tử.
Khéo dùng văn chương khẳng định điều ấy,
Không phải bàn luận chuyện no ấm qua ngày.
Sứ thiều trở về nhớ đến chuyện ở đây,
Biết đâu ông lại chẳng giống như tôi?
__________
Chú thích: 

(1) Hộc: dụng cụ đo dung tích thời xưa; Vạn hộc dư: hơn vạn hộc, ý chỉ uống rượu nhiều. 

(2) Tiên sà: bè tiên, chỉ công việc đi sứ. Đây ý nói vào tháng tám, công việc đi sứ hoàn tất thì cùng chia tay nhau trở về. 

(3) Sông Hàn: theo chữ Hán là Hán giang nhưng đọc theo âm Hàn là Han-Kang, nghĩa là sông lớn, sông cái. Các học giả Hàn Quốc chấp thuận theo cách dịch là sông Hàn chứ không có nghĩa là sông Hán, chỉ Trung Quốc. 

(4) Cửu trù: tức Hồng phạm cửu trù (chín phép cai trị thiên hạ). Tục truyền sau khi nhà Chu diệt xong nhà Thương đã phong vương cho Cơ Tử ở đất cổ Triều Tiên. Cơ Tử là người nắm được Hồng phạm cửu trù và truyền cho Chu Vũ Vương. Ở đây ý nói theo lễ nghi nhà Chu. 

(5) Ở đây, Lý Thế Cẩn ví bài thơ xướng họa của Nguyễn Công Hãng gửi cho như những viên ngọc đẹp. 

(6) Đồng văn đồng quỹ: tức "xa đồng quỹ, thư đồng văn", xe lăn cùng một khổ trục bánh, sách viết cùng một lối chữ, ý nói hai nước cùng theo một đạo học - đạo Nho. 

(9) Lục kinh: 6 bộ sách kinh điển của Nho gia gồm Kinh Thi, Thư, Lễ, Dịch, Nhạc  Xuân Thu, nay kinh Nhạc không còn, chỉ còn lạiNgũ kinh. Đây có ý chỉ đạo Nho. 

Tài liệu tham khảo 

1.Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1993.
2.Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục. 2004.
3.Từ điển văn học Việt Nam (Từ nguồn gốc đến hết TK XIX), Lại Nguyên Ân biên soạn với sự cộng tác của Bùi Văn Trọng Cường, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
4.Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh chủ biên, Nxb. Giáo dục, 2005.
5.Thơ đi sứ. Phạm Thiều - Đào Phương Bình chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993.
6.Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. tập I, II; Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. KHXH, H. 2003.
7.Trần Văn Giáp: Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1971. 
8.Nguyễn Công Hãng: Bắc sứ thi tập; VHv.2166; VHc.2160.
9.Tĩnh Hiên tập, tư liệu thư viện quốc gia Seoul Hàn Quốc./.



2 nhận xét :

  1. Các quan chức VN ta hồi xưa sao mà giỏi thế ? Thơ văn chữ nghĩa , mưu lược đối đáp không những với các quan cao cấp trong triều đình Trung Hoa mà còn xướng hoạ đối đáp với sứ thần các nước khác , khiến họ phải nể phục . Triều đình Trung Hoa xưa là nơi tập trung những tinh hoa, nhưng nhân vật nổi tiếng về nhiều mặt . Sứ thần các nước như Cao Ly cũng là những tay cự phách, không chỉ có tài thơ văn sách vở mà còn là những bậc cái thế trong nước họ .
    Ngày nay VN có toà đại sứ tại nhiều nước trên thế giới . Tại thủ đô các cường quốc VN có đầy đủ phái bộ ngoại giao . Kiều bào ta cũng tại các nước đó cũng không phải là ít . Thật là lợi thế to lớn cho VN và đó cũng là nguồn tài nguyên vô giá của đất nước . Liệu các đại sứ và các thành viên trong các phái đoàn ngoại giao ta đem được những thắng lợi cho Tổ Quốc hay có người lợi dụng vị thế ngoại giao để mưu đồ tư lợi quên mất lợi ích QG !

    Trả lờiXóa
  2. Người Việt Nam xưa kia không ít người tài giỏi, thậm chí là có những người còn được phong làm lưỡng quốc trạng nguyên kia mà.

    Trả lờiXóa