Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

BBC: HAI NHẠC SĨ PHAN HUỲNH ĐIỂU VÀ PHAN NHÂN QUA ĐỜI

BBC Việt ngữ

 Giai điệu 'Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời' của nhạc sỹ Phan Nhân 
đã được hát lên qua nhiều thế hệ

Dòng nhạc cách mạng Việt Nam vừa mất đi hai tên tuổi lớn.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, tác giả nhiều ca khúc được ưa thích, qua đời vào lúc 10giờ15 sáng 29/6, hưởng thọ 91 tuổi. Tin tức nói ông đã được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất trước đó ba ngày vì bị sốt.


Chỉ sau đó hơn một giờ đồng hồ, một nhạc sỹ nổi tiếng khác, Phan Nhân, cũng từ trần, thọ 85 tuổi. Gia đình cho biết ông mất tại nhà riêng, cũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng, nguyên quán Quảng Nam.

Khởi đầu bằng ca khúc Trầu cau, viết hồi thập niên 1940, ông đã sáng tác hơn 100 ca khúc về tình yêu, nỗi nhớ và cả những mất mát, chia xa của thời đạn bom. Các tác phẩm của ông luôn toát lên vẻ lạc quan, trong sáng. Sự nghiệp âm nhạc của ông nổi bật với các ca khúc phổ thơ được nhiều thế hệ yêu mến, như Những ánh sao đêm, Ở hai đầu nỗi nhớ, Thuyền và biển.

Các giai điệu của ông cũng mang đậm âm hưởng cách mạng, với Đoàn vệ quốc quân, Hành khúc ngày và đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Bóng cây Kơ-nia và nhiều ca khúc khác.

Nhiều tác phẩm của ông được coi như 'kinh điển' cho dòng nhạc cách mạng, được giới thiệu nhiều trong show 'Giai điệu tự hào' của Đài Truyền hình Việt Nam, một chương trình chuyên về 'nhạc đỏ'.

Ông cũng viết một số ca khúc cho thiếu nhi, mà tác phẩm được biết đến nhiều nhất là Đội kèn tí hon.

Cho tới những ngày cuối đời, ông vẫn sôi nổi xuất hiện trước công chúng trong vai trò giám khảo show 'Tiếng hát mãi xanh'.

Nhạc sỹ Phan Nhân, tên thật là Liêu Nguyễn Phan Nhân, sinh năm 1930, nguyên quán An Giang.

Sáng tác không nhiều như Phan Huỳnh Điểu, nhưng Phan Nhân sẽ luôn có tên trong danh sách các nhạc sỹ viết về Hà Nội hay nhất, với ca khúc để đời Hà Nội - Niềm tin và hy vọng, tác phẩm được ra đời trong bối cảnh Hà Nội bị ném bom dữ dội hồi cuối 1972.

Đây là ca khúc được chọn làm giai điệu chính cho Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ông cũng được nhiều người yêu mến với bài Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Tình ca đất nước và nhất là ca khúc dành cho thiếu nhi Chú ếch con.

Chỉ ít hôm trước, nền âm nhạc Việt Nam cũng vừa mất đi một tên tuổi lớn, Giáo sư Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê.

Người có công quảng bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra thế giới qua đời tại Sài Gòn hôm 24/6, thọ 94 tuổi.

2 nhận xét :

  1. "Cửu long đang cuốn ngàn đau khổ tuôn ra xa vời biển Đông" thưa nhạc sĩ Phan Nhân! và "Nơi sáng lên ngọn lửa là trái tim yêu thương" thưa nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Chúc hai bác nhẹ bước cung mây về tiên cảnh, nơi không có khổ đau, chỉ có nhạc và hoa...

    Trả lờiXóa
  2. Những tên tuổi lớn, những cây đại thụ của nền âm nhạc VN đã dồn dập ra đi. Tất cả đều ra đi ở mảnh đât Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Hình như mảnh đất này là nơi hội tụ của nhiều nhạc sĩ tài ba khắp nước. Họ ra đi ở mảnh đất sôi động, nơi hội tụ nhiều nền văn hóa, nơi mà người ta có thể sống hết mình, làm hết mình, chơi hết mình và cũng bình thản ra đi một cách ấm cúng tình người. Thương cho nhạc sĩ Van Cao, tác giả "Tiến quân ca" - Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ công hòa + nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gần hết cả cuộc đời sống trong sự giám sát và cô đơn. Bài thơ của ông đã phác từ năm 1956 đã nói lên nhiều điều.
    ĐỒNG CHÍ CỦA TÔI
    Người ta các đồng chí của tôi
    Treo tôi lên một cái cây
    Đợi một loạt đạn nổ
    Tôi sẽ dẫy như một con nai con
    Ở đầu sợi dây
    Giống như một nữ đồng chí
    Một anh hùng của Hà Tĩnh
    Tôi sẽ phải kêu lên
    Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
    Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
    Cho mọi người hiểu khi tôi chết
    Vẫn còn là một đảng viên
    Cho mọi người hiểu khi tôi chết
    Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
    Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ
    đã nuôi cách mạng
    Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
    dẫy chết
    Có mẹ tôi
    Ba lần mang cơm đến nhà tù
    Hãy quay mặt đi
    Cho các đồng chí bắn tôi

    Tôi sợ các cụ già không sống được
    Bao năm nữa
    Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
    Của chúng ta.
    Chết đi mang theo hình đứa con

    Bị bắn
    Tôi sợ các em còn nhỏ quá
    Sẽ nhớ đến bao giờ
    Đến bao giờ các em hết nhớ
    Hình ảnh tôi bị treo trên cây
    Bị bắn
    Hãy quay mặt đi
    Cho các đồng chí bắn tôi…

    Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống
    Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
    Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
    Đảng Lao động…
    (1956)


    Trả lờiXóa