Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Nhà thơ Hữu Loan: KỂ CHUYỆN BỐ MẸ VỢ BỊ HÀNH QUYẾT



Lời tự thuật của Thi sĩ HỮU LOAN, 
tác giả "MÀU TÍM HOA SIM"

Hữu Loan 

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và …tôi – Nguyễn Hữu Loan.

Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà.

Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ” Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chổ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …..

Có lần tôi kể chuyện ” bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành… Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ… Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …..Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:- Thầy có thích ăn sim không ?- Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ ...

Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.- Thầy ăn đi.Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ:-Ngọt quá.Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì….tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa.

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ …

Chín năm sau, tôi trở lại nhà…Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp….Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ” soạn kịch bản”.

Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: ” yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ.

Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại…..Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống. Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn …

Dường như càng kềm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội… Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh…” Tôi về không gặp nàng…Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh.

Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim. Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim… Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt…Và chiều hoang tím có chiều hoang biết…Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.”

Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi” hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá! Với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi!

Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cạn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng….Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông …

Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi …

Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi. Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956 , khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm!

Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955. Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học , lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa.

Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền. Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chổ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông.

Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng. Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.

Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó , bữa đói bữa no…. Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa! Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì.

Năm 1988, tôi ” tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự. Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyển bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán.

Màu tím hoa sim
(Nguyên văn của tác giả)

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệrớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…

(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)
Hữu Loan



© Hữu Loan
Nguồn: Huỳnh Ngọc Chênh blog.

25 nhận xét :

  1. KTS Trần Thanh Vânlúc 11:37 15 tháng 8, 2014

    MÀU TÍM HOA SIM là bài thơ tình hay nhất mà tôi được đọc gần như thuộc lòng từ khi còn chưa biết tình yêu là mầu tím.
    Đó là bai thơ tình hay nhất trong suốt cả cuộc đời tôi

    Trả lờiXóa
  2. Thơ ông lãng mạn và buồn. Cũng như cuộc đời ông, nhiều khí khái, nhưng đượm một nỗi buồn mênh mông...

    Trả lờiXóa
  3. Giai điệu buồn man mác của bài hát màu tím hoa sim do Dũng Chinh phổ thơ Hữu Loan đã thấm vào cái tâm hồn vốn đã rất buồn của tôi từ khi mới hơn mười tuổi. Hồi đó tôi luôn băn khoăn rằng bài hát này nói về tình yêu của người lính VNCH và cô gái hậu phương nhưng tại sao lại là chiến trường Đông Bắc...Cho đến một trưa hè oi ả của xứ Đoài Hà Tây xưa (nay đã bị bức tử thành Hà Nội) tôi tình cờ đọc được một mẫu báo cũ nói về nhà thơ Hưux Loan mới vơx lẽ ra rằng bài thơ này đã có từ thời chống Pháp...qua một người bạn, tôi hỏi dò được điaj chỉ của thi sĩ và quyết định tìm về thăm ông nơi vùng quê rất nghèo vốn là đặc trưng của vùng Nga Sơn cũng như bao miền quê Thanh Hoá...Người bạn tôi dặn rằng đừng hỏi nhà cụ Hữu Loan mà phải Hỏi nhà cụ Tú Loan thì ai cũng biết. Quả là như vậy, tôi bươcs vào cái ngõ nhỏ giữa khu vườn toàn chuối và cây dại mọc đầy bên cái ao nhỏ cạn nước bên cạnh căn nhà nhỏ thấp hơi u tối và thi sĩ râu tóc bạc phơ đang ngồi giữa hiên nhà bên khay trà và ít hoa trái bày trên chiếu, cuộc sống quá đơn sơ khiến tôi không khỏi chạnh lòng...trái lại với sự cáu kỉnh khi tiếp khách chính quyền(cụ vẫn có nhưngx cuộc gặp không mong đợi với chính quyền) mà bạn tôi kể, cụ tiếp chúng tôi, những người đồng đội hậu thế chưa từng biết đến chiến tranh của cụ rất vui vẻ, giải thích sơ qua về người gái nhỏ hậu phương thắc mắc chính của tôi, cụ chỉ vào người phụ nữ vừa bước ra từ trong căn nhà treo đầy những bài thơ, lời đề tặng của khách văn nghệ...và giới thiệu ...đây là vợ sau cua tôi, còn đoi sim xưa nay người ta đã phá hết rồi cháu ạ...Thế rồi cụ say sưa kể về những tháng năm tuổi trẻ, đặc biệt là giai đoan cực kỳ căng thẳng, khó khăn của nhân văn giai phẩm...nhưng khi nghe tôi nhắc đến nhà thơ Lê Đạt và tập thơ của ông mà chị Thuỵ Khuê ( phụ trách văn nghệ của đài RFi) tặng cho tôi thì cụ bất ngơ nổi giận và dùng những lời lẽ rất thiếu thiện cảm để nói về Lê Đạt khiến chúng tôi là những người hâm mộ vốn không biết chút gì về văn nghệ và quan hệ giữa các cụ bỗng thấy căng thẳng và khó hiểu...Thơi gian không còn nhiều, măt trời đã xế bóng, chúng tôi vội cáo từ và hẹn trong lòng sẽ sắp xếp thời gian đên thăm lần sau...cuộc sống bon chen đưa đẩy, thời gian thấm thoắt qua nhanh, lời hẹn trở lại chưa thực hiện thì được tin thi sĩ tài hoa đã qua đời...Thôi đành lại hứa với lòng mình rằng một ngày nào đó, sẽ về lại xứ Thanh để thắp một nén nhang cho người Thi Sĩ tài hoa khốn khổ....

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đã khóc khi đọc bài thơ và đoạn hồi ký của ông!
    Thời đó là Hồ Chí Minh đang lãnh đạo mà!? À...thì ra là vậy...!?!?!?

    Trả lờiXóa
  5. Ai đọc bài thơ tình Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan mà không xúc động ? Ai nghe Thái Thanh hát bài thơ do Phạm Duy phổ nhạc mà không xốn xang tâm hồn ?

    Trả lờiXóa
  6. Hữu Loan sẽ sống mãi, màu sim tím vủa ông cũng sẽ tồn tại mãi vói thời gian. Cuộc đời của ông là cả một nhân cách mà mọi người phải ngả mũ cúi chào. Người ta hô hào học tập này nọ. Nhưng tôi thấy nhân cách của nhà thơ Hưu Loan đáng học lắm!

    Trả lờiXóa
  7. Số phận con người trong chiến tranh, thế hệ tôi cách xa bài thơ gần 30 năm. Biết bao chàng trai giã biệt tình yêu vào chiến trận 'kỷ nhân hồi"!

    Trả lờiXóa
  8. Một tình yêu đẹp hơn cả giấc mơ, một nhân cách đẹp như bông sen mọc giữa bùn, đã khiến cho cuộc đời đầy bão tố của nhà thơ Hữu Loan trở nên vĩ đại và đáng trân trọng biết bao, đó cũng là lý do để ông ra đời một tuyệt tác "màu tím hoa sim". Xin được ngả mũ chào ông - Nguyễn Hũu Loan.
    CON DÂN VIỆT

    Trả lờiXóa
  9. Thơ ông hay vì nó là máu và nước mắt của ông.

    ÔI những bọn cuồng loạn đang hiếp dâm thơ... Mà có thằng còn điên khùng dám hiếp dâm cả Thơ Thiền.

    Không sợ quả báo à?

    Trả lờiXóa
  10. Như vậy , lịch sử VN có 2 câu chuyện tình đẹp nhất trong 4 ngàn năm văn hiến !
    - Một là chuyện tình cuả công chuá Tiên Dung và Chư Đồng Tử.
    - Hai là chuyện tình cuả Hữu Loan phản động lấy con gái điạ chủ ác ghê làm vợ!
    Tuy nhiên công bình mà nói chuyện tình cuả Hữu Loan và cô bé lọ nồi con của điạ chủ mới là " Chuyện tình đẹp nhất thế giới " . Chuyện tình cuả Tiên Dung và Chư Đồng Tử , nó chỉ là cuộc tình rất lãng mạn và nói lên sự gạt bỏ giai cấp . Chuyện tình cuả Romeo và Juliet đã làm nhân loại say mê , và nó vượt qua được sự thù hận cuả hai gia đình , tuy nhiên nó vẫn thuộc nhóm cuả công chúa Tiên Dung ! Chuyện tình Hữu Loan và cô bé lọ nồi bị chính quyền và xã hội xua đuổi như cùi hủi , làm vỡ tim độc giả ! Và chuyện tình trai gái nầy nó vượt qua thường tình mà chuyện tình nầy đã hòa nhập vào tình yêu " thập loại chúng sinh " . Chao ôi , đôi khi trong thi sĩ cũng có thấp thoáng cuả một đạo sư , như tôi có một lần thốt lên trong một còm trên Nguyễn Tường Thuỵ .

    Trả lờiXóa
  11. Những thủ đoạn được đảng đối xử với cô gái 17 tuổi con địa chủ (vợ ông Nguyễn Hữu Loan), nay được chính lực lượng an ninh áp dụng triệt để đối với những người bất đồng chính kiến như vợ chồng anh Lê anh Hùng, anh Nguyễn Bắc Truyển, cô Nga, anh Nguyễn Chí Đức ... chỉ có điều khốc liệt hơn, tàn bạo hơn, giấu mặt và tinh vi hơn. Đảng CS thật khủng khiếp và quá đáng sợ.

    Trả lờiXóa
  12. Bài này rất hay, nhân đây xin cảm ơn bác Nguyễn Xuân Diện đã cho đọc rất nhiều bài rất hay và có ý nghĩa.

    Trả lờiXóa
  13. THƯƠNG TIẾC MỘT ĐỜI HOA

    Kính viếng nhà thơ Hữu Loan

    Chúng tôi lớn lên
    Chưa biết yêu đã nằm lòng bài hát
    “Mầu tím hoa sim”

    Đường hành quân
    Không nhớ bao suối ngàn, dốc mỏi
    Thương người chờ
    Mùa về tím những ước mơ…

    Đêm mật tập công đồn
    Ém mình bên gốc sim cháy rụi
    Nhớ câu thơ
    “Lỡ khi mình không về…”
    Thanh thản nguyện cầu
    Hạnh phúc của người
    Có thêm phần hạnh phúc cuả tôi

    Chiến tranh đã qua lâu
    Thương đồng đội
    nhiều người không trở lại
    Bài hát cùng chúng tôi đi mãi
    Qua những mùa hoa sim
    Tới mùa hoa sim
    Tím hoàng hôn cách biệt

    Ai thấu được nỗi đau
    Thấm trong từng câu hát
    Tình người răng mà bạc!
    Khổ chi rứa thi nhân

    Ngày mai
    Có ai về quê mẹ xứ Thanh
    Thắp hộ tôi một nén hương lòng
    Tiễn đưa người
    Bồng bềnh, cánh Hạc trắng qua sông
    Bay về cõi vĩnh hằng
    Để lại cho đời
    Thiên tình ca
    “ Tím tình trang lệ rớm…”

    Nha Trang, ngày 19 / 3 / 2010

    Trả lờiXóa
  14. Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cạn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì!
    (cố thi sĩ Hữu Loan)
    ____________________

    Các thợ viết nghe chửa? làm thợ viết thì chỉ có cơm thừa canh cặn mà thôi! Phục vụ, bưng bô cho nó mà nó vẫn khinh, và người đời thì phỉ nhổ! Nhục nhé!

    Trả lờiXóa
  15. Có thể tóm tắt cuộc đời của vĩ đại của cố thi sĩ Hữu Loan qua hai câu hỏi.
    Trước hết, cố thi sĩ Hữu Loan đã có bằng tú tài Tây học. Với cấp bằng tú tài, cố thi sĩ Hữu Loan có thể thi vào trường hậu bổ để làm tri huyện, điều này quá dễ dàng với một người học giỏi như cụ Hữu Loan. Hoặc với cấp bằng tú tài, cụ Hữu Loan có thể làm thầy thông, thầy phán. Thế nhưng cụ đã xếp bút nghiên đi kháng chiến!
    Có thể đặt ra hai câu hỏi:
    _Câu thứ nhất:
    Vì sao cụ Hữu Loan đi kháng chiến?
    Trả lời: vì cụ Hữu Loan yêu nước!
    _Câu thứ hai:
    Vì sao cụ Hữu Loan bỏ đảng? Vì sao cụ Hữu Loan không muốn dính dáng với đảng?
    Trả lời: Vì cụ Hữu Loan yêu dân.
    Có thể nói cuộc đời của cố thi sĩ Hữu Loan là một cuộc đời vĩ đại của một người vĩ đại!

    Trả lờiXóa
  16. Thân mến gửi Tễu.
    Tôi thường vào đọc FB của Tễu nhiều lần cũng có nhận xét, không hiểu sao không được đăng, cũng không có góp ý gì.Tễu có thể cho tôi biết lý do được không?. Cảm ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  17. Đọc bao lần bài nầy và lần nào tôi cũng không cầm được nước mắt!
    Nội chuyện này không cũng đủ nói lên tính vô nhân của một quan điểm, một chế độ, một xã hội...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi cải cách ruộng đất và phong trào Nhân văn giai phẩm tôi đang học cuối cấp 2 ở Nghệ an theo các anh về tiếp quản thủ đô, còn em trai út còn học cấp 1 ở lại quê với cha. Dù là 1 gia đình cách mạng có 4 con trai lớn đang tham gia quân đội và bộ phận giúp việc cho cụ Hồ và ông Phạm văn Đồng nhưng cha già ở quê chỉ có mấy sào ruộng không tự làm được vẩn bị quy địa chủ và bị hành hạ như như 1 phần tử bóc lột phản cách mạng.Thời đó đội đa số chỉ là những bần cố nông vô học nhưng được làm quan tòa ngồi xử án và kết tội tử hình ở xã tôi 4 người,còn 1 cụ là bạn ông Lê Duẫn ở xứ ủy trung kì thông gia với cha tôi cũng bị quy quốc dân đảng phản động bị kết án tử hình...Sau này cha tôi đều làm văn tế cúng các ông.Thời CCRĐ tính mạng con người như ngọn cỏ mọc bên đường.

      Xóa
    2. Tôi và cậu em rất kính trọng nhà thơ Hữu Loan, em tôi(nhà thơ) đã về Thanh hóa-quê hương anh để thăm anh HL - còn tôi không biết nên khi bảo cậu em thì đã chậm rồi!...Sau này định 1 mình đi thì anh Hữu Loan đã mất. Nhà tôi có 3 anh trai cùng sư đoàn 304 với anh H.Loan nên rất biết về cuộc đời đắng cay oan nghiệt của anh của 1 thời không thể quên được.
      Cách đây mấy hôm ngồi uống cafe với anh ở Bát đàn anh đã gặp thêm 2 bố con anh tôi. Tôi rất mừng tình bạn chúng ta có nhiều điểm tương đồng.

      Xóa
  18. Xin góp mấy lời:Hữu Loan chịu khốn khổ vì cuộc chống NHÂN VĂN GIAI PHẨM và ảnh hưởng của cuộc cải cách ruộng đất. Bây giờ nhiều người không hiểu hoặc hiểu lơ mơ ( xin mạo muội nói như vậy ) để dẽ hiểu tôi xin dẫn chứng : Khi cuốn "phê bình khảo cứu..." của Hoàng Tuấn Công phát hành liền có một số "học giả" đòi này, đòi nọ và ẩn sau là những "răn đe". Các bạn nghĩ xem nếu trước đây thì có lẽ HTC thành NHÂN VĂN GIAI PHẨM RỒI. Hai là hiện nay trong cuộc chống tham nhũng nhiều nhà báo đưa tin bài về người này người kia tham nhũng trên một số hiện tượng và dư luận nhưng lại muốn cơ quan có thẩm quyền phải xử lý họ theo tâm nguyện của một số người. Điều đó không được! Dù sao khi xử lý con người cũng cần có chứng cứ cụ thể chứ không xử người ta theo dư luận hay nguyện vọng của ai đó được.Xử không đúng thì cũng không nghiêm , Xử oan thì càng nguy hiểm... vậy cần đúng, không vì dư luận mà làm"ào ào"... nhiều lắm nhưng mong sao đừng để cho VĂN NHÂN GIAI PHẨM VÀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT TÁI LÂP.

    Trả lờiXóa
  19. Xưởng phim chuyện VN mà dựng phim này thì không đến nỗi bị phá sản phải bán như vừa qua !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. đúng thế, đó là phản ánh hiện thực nhất mà chẳng phản ánh, cứ đi dựng phim theo "định hướng" để ca ngợi cái thứ thổ tả lừa đảo thì phá sản là dĩ nhiên- khi người dân người ta đã không còn thể tin ở sự lừa đảo được nữa do có internet để kiểm chứng.

      Xóa
  20. "Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng. Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ."
    CS ác độc và phi nhân quá, Hữu Loan vĩ đại và đáng trân trọng quá.

    Trả lờiXóa
  21. Nhà thơ Hữu Loan KỂ CHUYỆN BỐ MẸ VỢ BỊ HÀNH QUYẾT. Câu chuyện đó đã ghi vào một trang sử u ám, tủi nhục một thời chưa xa lắm của dân tộc ta và bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” cũng đã đi vào lịch sử thi ca trong văn chương nước ta.
    Câu chuyện cuộc đời và cả cuộc tình của nhà thơ Hữu Loan vì đâu nên nỗi ?
    Suy nghĩ theo dòng lịch sử, Mao Trạch Đông, một nông dân võ biên vô học không có tính người muốn làm vua, vớ được học thuyết “Thế giới đại đồng” của một triết gia tư bản như một lá bùa để hắn đẻ ra chính quyền từ họng súng, để hắn làm vua, để hắn ngồi trên đầu thiên hạ. Chủ nghĩa Max-Lenin, TQ chế thành chủ nghĩa Mao-it. Lời bài hát “Đông phương hồng, mặt trời lên,Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông, với muôn dân người là cứu tinh, tinh tang tình . . .” Cộng sản TQ đã ví Mao như mặt trời phương đông. Thời phong kiến, thần dân hô “Đức vua vạn tuế, vạn vạn tuế. Thời nay dân TQ hô, Mao Chủ Tịch muôn năm, muôn năm, muôn năm. Mao không chỉ muốn làm vua TQ mà còn muốn làm vua luôn các nước Đông Nam Á. Muốn làm vua, Mao phải tận diệt những lớp người tài giỏi ưu tú trong xã hội không thần phục Mao, tân diệt, trừ khử cả lớp người ưu tú trong xã hội các nước nhỏ lân bang để dễ bề thống trị. TQ xuất khảu chủ nghĩa Mao-it sang các nước nghèo lân bang.
    Cải cách ruộng đất để diệt lớp người giàu nông thôn, Cải tạo công thương nghiệp để diệt kinh tế thị trường còn mới phôi thai non trẻ của Việt Nam, đàn áp và diệt trí thức tiến bộ, lớp người ưu tú của xã hội không phục tùng là sách lược của Mao.
    Thi sĩ HỮU LOAN là một trong những nạn nhân điển hình của thời thế.
    Cảm thương thay !


    Trả lờiXóa
  22. Thật là bi ai! Người ta trả ơn nhau như thế, người ta xử với đồng chí mình như thế và hơn hết là người ta giam cầm sự tiến bộ như thế, đủ biết chúng ta....

    Trả lờiXóa