Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

BÁNH TRÔI BÁNH CHAY LÀ CỦA TA HAY CỦA TÀU?


Bánh Hàn thực 

Trần Quang Đức

Ngày 3.3 âm là tết Hàn thực. Tuy biết tục này "phỏng theo người phương Bắc, kỷ niệm ngày Giới Tử Thôi chết cháy" (1) song ở ta "chỉ cúng gia tiên, chứ không ai tưởng gì đến Giới Tử Thôi" (2). Vào ngày này, người Việt thường "làm bánh trôi nước, bày cỗ bàn, cúng gia tiên" (3), cho nên bánh trôi còn được gọi là bánh Hàn thực (4). 

Tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam nhiều khả năng được du nhập vào thời Lê, thịnh hành vào giai đoạn Lê Trung Hưng - Nguyễn. Năm 1773, Lê Quý Đôn cho biết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn" (5) Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (được viết vào khoảng thế kỷ 16 thời Lê) giải thích: "Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh".(6)

Trước đó, theo ghi chép của Lê Tắc (sang Trung Quốc năm 1287), người thời Trần, vào "tiết Hàn Thực, đem bánh cuốn tặng nhau" (7). Qua bài thơ Tặng bánh xuân cho ngài thiên sứ Trương Hiển Khanh, làm năm 1291, Trần Nhân Tông viết: "Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh Xuân thái, đây là phong tục cũ của An Nam xưa nay." (8) Theo Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, bánh Xuân thái cũng chính là tên gọi khác của bánh cuốn. Sách này đồng thời cho biết: Quyển bính nhiều nhân càng ngon, hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay (9).

Như vậy, vào thời Trần, thậm chí có thể truy lên thời Lý, nhằm tiết Hàn thực, người Việt ăn bánh cuốn và có tục đem bánh cuốn tặng nhau, chưa có tục ăn bánh trôi như thời Lê Nguyễn về sau. Bánh cuốn còn được gọi là bánh Xuân thái (thái: rau), trong có nhân (có thể gồm cả rau lẫn thịt), được cuốn tròn lại, hình dạng khá gần với bánh cuốn ngày nay.

PS: Tôi đã nhiều lần đề cập, có nhiều phong tục, truyền thống cũ được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định rồi mất đi, nhường chỗ cho phong tục mới, ''truyền thống mới''. Từ đầu tóc, áo quần, cho chí đồ ăn, nước uống đều như vậy. Cho nên thiết kị thấy tục nào đó, hình ảnh nào đó khác với cái ta quen thuộc, cái định kiến của ta thì bảo rằng nó không thuần Việt. Và cũng chớ nhẹ dạ cả tin, nghĩ rằng phong tục nào cũng là phong tục truyền thống, có tự ngàn đời (ngàn năm).

Chú thích:
1, 3. Tiểu học Bản quốc phong tục sách (còn gọi An Nam phong tục sách).
2. Việt Nam phong tục.
4. Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, trong Tạp thảo tập và Xuân Hương thi sao được chép với tên Vịnh Hàn thực bính (Vịnh bánh Hàn thực).
5. Vân đài loại ngữ.
6, 9. Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa.
7, 8. An Nam chí lược.

______________

(Lê, thế kỷ 16, 17) Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa: "Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh."

(Nguyễn) Kỹ thuật của người An Nam: "Bánh trôi nước".

(Lê 1773) Vân đài loại ngữ: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn."

(Nguyễn) Tiểu học Bản quốc phong tục sách: "Mùng 3 tháng 3 là tết Hàn Thực, cũng gọi là tết Thanh minh. Người ta làm bánh trôi, bày cỗ bàn cúng tế gia tiên. Phỏng theo người phương Bắc kỷ niệm ngày Giới tử thôi chết cháy, cũng có người nhân ngày ấy đi tảo mộ. Dân gian phần nhiều không theo (tức theo tục kỷ niệm Giới Tử Thôi).


_____________

(Trần) An Nam chí lược: "Hàn Thực, đem bánh cuốn tặng nhau"; "Đời thứ tư, Trần Nhân vương Trúc Lâm đạo sĩ, tặng Thiên sứ Trương Hiển Khanh bánh xuân. Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh Xuân thái, đây là phong tục cũ của An Nam xưa nay."

(Nguyễn) Kỹ thuật của người An Nam: "Bán bánh quấn".

(Lê, thế kỷ 16, 17) Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa: "Quyển bính nhiều nhân càng ngon, hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay"; "Xuân thái: Bánh cuốn."



 Nguồn: FB Trần Quang Đức


Đọc thêm trên Nguyễn Trung Thuần FB: 

Nhân có những ý kiến bàn về nguồn gốc Bánh trôi bánh chay, mình thử tìm hiểu bên TQ thì tạm thấy chẳng liên quan đến Tết Hàn thực gì sất. 

Bánh trôi tiếng Hán gọi là Thang viên (汤圆) , một trong những món ăn nhẹ truyền thống , là món ăn vào Tiết Đông chí, phần nhiều làm từ gạo nếp. Ngô ngữ (吴语) gọi là Thang đoàn (汤团); tiếng Hưng Hóa gọi là Hoàn nám (丸囝); tiếng Đài gọi là Viên tử (圆仔); tiếng Khách gia gọi là Bán viên (粄圆), thường làm hai màu đỏ trắng.


Thang viên có nguồn gốc từ đời Tống. Khi ấy các nơi thịnh hành một món ăn mới lạ, dùng các loại mứt quả làm nhân, bên ngoài bọc bột gạo nếp nặn thành hình tròn. Khi cho vào nồi lúc nổi lúc chìm, nên ban đầu nó được gọi là Phù nguyên tử (“浮元子”), các vùng sau này đổi tên Phù nguyên tử thành Nguyên tiêu (元宵). Phần đông người miền Nam TQ có tập tục truyền thống vào sáng sớm Tết cả nhà ngồi xum vầy cùng thưởng thứcThang viên.


Loại bánh này có các dạng khác nhau ở Tứ Xuyên, Phúc Châu, Đài Loan.




 




.

16 nhận xét :

  1. Có lẽ nem rán ngày nay cũng từ kiểu bánh Xuân thái mà ra?lkk

    Trả lờiXóa
  2. Hễ mà phong tục của ta có gì hay là cứ quen tìm nguồn gốc ở Tầu . Cũng như trong văn học ta xưa các điển tích gì cũng là từ Tầu. Truyện Kiều là áng văn lục bát hay nhất trong Văn Nôm VN cũng lấy từ truyện Tầu, các nhân vật, đia danh toàn là bên Tầu . Thế ra bên VN ta chẳng có cái gì hay cả sao ? Cho nên từ xưa đến nay người Việt thuộc sử Tầu hơn sử ta . Tuồng tích gì cũng từ truyện Tầu ! Ngừoi ta kể chuyện Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi còn rành hơn chuyện Trần Quốc Toản , Phạm Ngũ Lão , kể truyện trận Xích Bích còn rành rẽ hơn trận Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Thế thì không bị Tầu hóa sao được ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không những thế, trong khoa học cái gì cũng lấy từ Tây: Toán học, vật lý học, địa chất học, dân tộc học, chính trị học...Nghệ thuật thì thanh nhạc, nhạc lí, nhạc cụ ghi ta, violon, dương cầm...Tuyên ngôn thì mở đầu bằng Mĩ, Pháp. Đến cái chữ quốc ngữ cũng lây mẫu tự la tinh. Ôi thôi! Ôi thôi!

      Xóa
  3. Có bài thơ thật hay của cụ Chu Thần Cao Bá Quát làm vào chập tối ngày mùng 3-3 ở thành Thăng Long mà khó dịch ra thơ quá. Các thân hữu dịch giùm chăng.

    ĐĂNG LONG THÀNH LÃM THẮNG HỮU CẢM

    Đệ nhất phồn hoa thử cựu kinh
    Nùng sơn Nhị thủy tối cao thanh
    Thiên niên thành quách không kim cổ
    Thập lí nha phường lão tử sinh
    Hàn thực hầu gia yên sắc đạm
    Hương phong tửu điếm liễu hoa minh
    Bất kham phiếm đĩnh Tây hồ nguyệt
    Cố quốc tà dương sổ địch thanh.

    Tạm dịch nghĩa:

    Phồn hoa đệ nhất là kinh đô xưa nơi đây
    Núi Nùng sông Nhị tối tôn quý tú lệ.
    Ngàn năm thành quách xưa nay đã rỗng không
    Mười dặm phố xá cũng mỏi mòn trong chuyện sống chết.
    Nhà quan vì tiết Hàn thực nên màu khói lạt lẽo
    Quán rượu hương đưa bên nhánh liễu bày cúng
    Một mảnh trăng trên Tây hồ như thuyền mỏng trôi không níu lại được
    Chỉ còn đôi tiếng sáo là gợi hồn cố quốc mà thôi.

    "Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung", ngày mùng 3 âm lịch thì vào tà dương, trăng "mùng ba câu liêm" treo trên hồ, phía tây thành Thăng Long. Giỗ Giới Tử Thôi, người ta bày cành liễu vì tương truyền mẹ con ông chết cháy dưới gốc liễu. Rất tiếc bài này Cao tiên sinh Ngắm chứ không Chén nên không thấy bánh trôi đâu cả.

    Trả lờiXóa
  4. Các bác nhận xét sai bét; Hàn có nghĩa là gắn lại, chứ không phải là lạnh => hàn thực có nghĩa là chống đứt bửa ăn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hàn thực theo Tự điển là "Ăn đồ nguội (lạnh)".
      Bạn 1040 chắc là dân cơ khí?

      Xóa
  5. Bánh trôi, bánh chay là của Việt !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nước tàu thật ra cũng là của Việt! Mả cha nó!

      Xóa
  6. Bài thơ Bánh Trôi Nước của nữ sĩ Hồ Xuân Hương :
    Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
    Bảy nổi ba chìm với nước non,
    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
    Mà em vẫn giữ tấm lòng son .

    Trả lờiXóa
  7. Chào Chú Tễu!

    Mấy bữa nay không thấy post bài mới, thấy lo lo cho Chú Tễu.

    Trả lờiXóa
  8. Cái gì là của tàu thì đừng có tâng bốc lên như mấy chục năm nay đang tuyên truyền để đề cao mẫu quốc. muốn mất nước muốn làm nô lệ cho tàu cộng thì cứ cái gì cũng cho tàu là giỏi là hay, đấy là thủ đoạn nô dịch hán hóa về văn hóa và ý thức mà không mấy ai dễ nhận ra.
    (Lính chiến 79 Lạng Sơn)

    Trả lờiXóa
  9. Xin lổi trước vì dám mạn đàm với những vị có bằng cấp ..theo tôi và nhiều nguời nữa cũng cùng có suy nghĩ là tầu là kẽ chuyên đi sao chép từ xa xưa cho đến tận hôm nay ,họ nói nguời Việt ta man di ko có chữ viết ...nhưng trên trống đồng có hình người Việt cầm sách đọc vậy mù chữ mà sao các cụ cầm sách .và trên thanh gươm của Việt Vương Câu tiễn thì lại viết chử gươm bằng chử nôm là sao .Và trong sách "Bách Việt tiên hiiền chí" Ghi là Ông Thái luân ngưòi Việt viết về cách làm giấy dâng lên vua tầu và họ nhận là tầu làm ra giấy ...tôi nói vậy đễ các vị hiểu là ko nên tin vào sữ sách của tầu vì đa số chỉ có nhận vơ thôi ,và củng thêm nữa là Nước Việt ta bị tầu đô hộ bao năm thì ko có lý gì lại được ghi là của Người Việt cả ...nên theo tôi Bánh trôi ,Bánh chay là của người Việt vì lúa gạo là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp của Nước Việt ta .

    Trả lờiXóa
  10. Bánh trôi là của Ta lẫn Tàu. Giống Hoàng Sa ấy...

    Trả lờiXóa
  11. http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/y-nghia-tet-han-thuc-vi-sao-lai-cung-banh-troi-banh-chay-363589.html

    Trả lờiXóa
  12. Người Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên xưa nay không biết đến món "bánh trôi, bánh chay", chỉ những ai sau khi ra bắc (làm việc, học tập ...) thì mới được biết và tiếp xúc với món ăn này. Tuy được dùng để cúng, nhưng "bánh trôi, bánh chay" không ngon như món "bánh ngào" quê tôi.

    Trả lờiXóa
  13. Bánh trôi bánh chay, xôi vò của người miền bắc. Trước 1975 chợ Ông Tạ, Bàn Cờ, Phú Nhuận có bán. Người miền nam thì có chè trôi/xôi nước nấu với đường vàng, nước cốt dừa; ngoài ra còn có xôi xéo (khi nào tôi nấu xôi vò không khéo thì nhà có xôi xéo thế)

    Trả lờiXóa