Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Cổ tục VN: CHƠI TẾT MÙNG BA THÁNG BA và BÁNH TRÔI BÁNH CHAY


Chơi Tết mồng ba tháng ba 
là “phong tục cổ của An Nam từ xưa” 

Trần Thị Băng Thanh 

Nhân dân ta từ rất xa xưa có tục ăn tết Mồng ba tháng ba. Trong ngày tết ấy người dân không nhóm lửa, chỉ ăn đồ nguội, vì thế Tết mồng ba tháng ba còn gọi là “Tết hàn thực” (Tết ăn đồ nguội). Ngày nay tục lệ ấy vẫn thịnh hành. Giải thích về tục lệ này, nhiều người đều cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn với câu chuyện về cái chết thương tâm của Giới Chi Thôi.

Tích truyện kể rằng Tấn Văn Công trong những ngày gian khổ mưu cầu sự nghiệp bá vương, có lúc bị đói, Giới Chi Thôi đã cắt thịt đùi mình dâng ông ăn. Sau khi thành công, khen thưởng, Tấn văn Công quên Giới Chi Thôi, Giới buồn hận bỏ đi. Sau Văn Công nhớ ra triệu vời nhưng Giới không đến, trốn vào rừng. Tìm gọi mãi không được, Tấn Văn Công sai đốt rừng để Giới phải chạy ra; nhưng Giới Chi Thôi ôm cây chịu chết cháy chứ nhất định không tha thứ cho vị quân chủ mà Giới cho là vô tình. Tấn Văn Công sửa lỗi, nhưng lỗi lại chồng thêm lỗi nên hối hận, từ đó sai lệnh cấm lửa trong ngày này (mồng 3 thấng 3) để tưởng nhớ người bề tôi trung thành mà ông vì vô tâm đã bỏ quên. Cho đến ngày nay, chắc chắn chúng ta cũng đinh ninh nguồn gốc của ngày tết này là như thế. 

Nhưng cách đây đúng 720 năm, Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã nói rõ đó là “phong tục cổ của An Nam từ xưa”. Ông khẳng định điều đó trong một bài thơ kèm theo mâm bánh biếu sứ giả nhà Nguyên Trương Hiển Khanh (tên là Lập Đạo) sang Việt nam năm 1292. Bài thơ như sau:

                                    Giá chi vũ bãi thí xuân sam,
                                    Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.
                                    Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,
                                    Tòng lai phong tục cựu An Nam.
                                    (Múa giá chi rồi, thử áo xuân
                                    Hôm nay Hàn thực, buổi thanh thần
                                    Bánh rau tinh khiết đầy mâm ngọc
                                    Phong tục An Nam theo cổ nhân.)
                                                Biếu Trương Hiển Khanh bánh xuân
                                                                                    (Trần Lê Văn dịch)

Bài thơ giọng điệu trang nhã, vừa rất ân cần với khách vừa ý tứ sâu xa. 

Trước hết hãy nói về Trương Hiển Khanh. Người Việt nam chắc ai cũng nhớ, vào năm 1288 nước ta vừa “đại phá” cuộc xâm lược của nhà Nguyên lần thứ ba. Vua Nguyên (Hốt Tất Liệt) vốn rất hận, đã tập trung lực lượng chuẩn bị đánh lần thứ tư vào năm 1294. Trương Hiển Khanh là Thượng thư bộ Lễ của Nguyên triều sang Việt Nam có nhiệm vụ “dụ” vua Trần phải thực tâm thần phục, sang triều kiến vua Nguyên và chịu làm theo mọi điều kiện nhà Nguyên áp đặt, nếu không thiên triều sẽ “trừng phạt”. Có thể Trương Hiển Khanh cũng còn một nhiệm vụ nữa là quan sát xem nước Việt sau năm năm với hai cuộc chiến khốc liệt, thế và lực ra sao. Vua tôi nhà Trần hiểu rất rõ điiều đó, cho nên cuộc tiếp sứ lần này thực chất là một cuộc đấu tranh ngoại giao gai góc chứ không phải là cuộc thăm hỏi xã giao. Nhưng Trần Nhân tông hết sức chủ động, nhà vua chủ trương “hóa giải” tình hình đó, trước hết với vị sứ thần có địa vị cao trong Nguyên triều và chắc chắn có học vấn. Vua tiếp sứ giả ở Điện Tập hiền với phong cách rất thân mật, chủ tâm theo phong tục An Nam: đặt tiệc mời toàn hải sản, trong lúc trò chuyện thỉnh thoảng lại mời ăn trầu, thậm chí còn mời vào trong trướng “ngồi xuống đất”. Trong cả chuỗi sự kiện tiếp đãi với tinh thần khẳng định bản lĩnh dân tộc đó, vua Nhân Tông trong ngày tết Mồng ba tháng Ba đã biếu Trương Hiển Khanh một mâm bánh với bài thơ trên. Các vua nhà Trần là những người có học, chắc chắn nhà vua biết rõ câu chuyện Giới Chi Thôi, nhưng với căn cứ gì vua Nhân Tông khẳng định đó là “phong tục cổ An Nam từ trước tới nay”? Trần Nhân Tông không ghi chú rõ, nhưng gần đây tìm hiểu ý tứ của bài thơ này, chúng tôi đã thấy một căn cứ. Nguyên là theo sách Kinh Sở tuế thời ký thì ngày thứ 105 trong tiết đông, thường có mưa to gió lớn, gọi là tiết Hàn thực, người ta cấm lửa trong 3 ngày; Lời chú của sách này nói: Theo lịch thì tiết ấy vào khoảng trước thanh minh 2 ngày, cách ngày đông chí 106 ngày. Một sách “biệt lục” của Lưu Hướng cũng nói tiết Hàn thực có từ đời Chu; tiết này được gắn với truyện Giới Chi Thôi là từ thời Hậu Hán. Cũng sách này còn ghi người bản địa “thổ nhân” trong ngày 3 tháng ba còn ra bến sông, thả chén chỗ sông quanh vui uống rượu. Như vậy có thể nói ngày 3 tháng ba là một lễ hội của cư dân nông nghiệp phía nam, từ vùng Kinh Sở trở xuống (mà Việt Nam ngày nay xa xưa cũng là một trong Bách Việt. Bách Việt khác Hán tộc). Vì thế Nhân Tông mới nhấn mạnh đây là “phong tục cổ của An Nam”. Cũng có thể còn thêm một căn cứ nữa là nếu cứ theo tích Giới Chi Thôi thì tết mồng ba tháng ba là một cái tết buồn, nhưng trái lại với Việt Nam đây là một lễ hội vui, có múa hát, có mặc áo mới và ăn một thứ bánh có rau, tinh khiết như “hồng ngọc” mà vua gọi là “bánh xuân”. Bài thơ hai mươi tám chữ tặng Trương Hiển Khanh của Trần Nhân Tông quả là có một chiều sâu tư tưởng, một vẻ đẹp nhân văn rất đáng để hậu thế chiêm ngưỡng và suy ngẫm. 

Sau những động thái trong cuộc tiếp sứ của vua tôi nhà Trần, Nguyên sứ Trương Hiển Khanh đã không thể tuyên dụ được những chỉ dụ của vua Nguyên trong cuộc đối thoại mà đành viết lại thành văn bản trao sau. Và lúc đó thì “thiên sứ” đã lên đường về nước. Quả là sau khi tiếp xúc với Trần Nhân Tông, Trương Hiển Khanh đã có một cách nhìn, cách nghĩ khác về An Nam. Khi về, ông đã viết trong một bài ký: “Vua An Nam tiếp chuyện vui vẻ luôn luôn làm thơ tặng thiên sứ. Lập Đạo tức thì làm thơ đáp lại. Tiệc gần xong, mời Lập Đạo vào trong trướng, đều ngồi trên đất”. Với quan sát của Lập Đạo bây giờ “An Nam là nước nhỏ, nhưng có văn chương, không thể nói bừa họ là ếch ngồi đáy giếng”. Và ông thể hiện suy nghĩ đó trong một bài thơ với nhiều cảm tình:
.
                                                Dao vọng thương yên toả mộ hà,
                                                Thị triều nhân viễn cách yên hoa.
                                                Cô hư đình viện vô đa sở,
                                                Thịnh mậu viên lâm chỉ nhất gia.
                                                Nam chú hùng tân Thiên Hán thuỷ,
                                                Đông khai cao thụ mộc miên hoa.
                                                An Nam tuy tiểu văn chương tại,
                                                Vị khả khinh đàm tỉnh để oa.
.
Bản dịch An Nam chí lược:
.
                                                Ngắm cảnh chiều hôm khói mịt mờ,
                                                Xa nơi thành thị đỡ huyên hoa.
                                                Quạnh hiu đình viện không nhiều sở,
                                                Tươi tốt vườn cây chỉ một nhà.
                                                Thiên Hán bến Nam tuôn mạch nước,
                                                Mộc miên cây lớn trổ cành hoa.
                                                An Nam tuy nhỏ văn chương thịnh,
                                                “Ếch giếng”, khuyên đừng chế giễu ngoa.
.
Thực ra những ngày tết lễ, những phong tục tốt đẹp được hình thành là sáng tạo văn hóa của nhân loại. Nếu người ta thấy hay, thấy đẹp thì học theo, cũng chẳng có điều gì phải ngần ngại; cũng như giới trẻ ngày nay đã rất thích ngày Tết tình yêu 14 – 2, hay mọi người đều rất thích tục tặng quà cho con trẻ trong Đêm Chúa giáng sinh 25 – 12 ... Có điều tìm đến gốc gác một phong tục để biết thêm vẻ đẹp nhân văn của nó cũng là một việc rất nên biết. Huống nữa trả lại cái ý nghĩa sâu xa vui vẻ và đầy sức sống như thế cho ngày tết mồng 3 tháng Ba cổ truyền của người Việt lại càng là một việc rất nên làm.
_______________
Những tư liệu viết bài này lấy từ các sách: Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội in năm 1985 và An Nam chí lược, bản dịch, Tài liệu tham khảo của Thư viện văn học và Bản dịch, NXB Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, in năm 2002, Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán (Trung Quốc) xuất bản năm 1947.

* Tác giả Trần Thị Băng Thanh là PGS.TS, công tác tại Viện Văn học, đã nghỉ hưu. 

TS. Nguyễn Hồng Kiên giảng về Bánh trôi - Bánh Chay: 


TẾT BÁNH TRÔI BÁNH CHAY CỦA NGƯỜI VIỆT ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC TRÍCH DẪN 1 QUAN ĐIỂM rất SAI LẦM THEO TẾT HÀN THỰC CỦA TQ
Để giải thích ngọn ngành hơi mất thì giờ.
Nhưng RÕ RÀNG LÀ Tết/tiết mồng Ba tháng Ba người Việt gọi là "Tết Bánh trôi-bánh chay". 

Chỉ với món bánh làm từ GẠO (lúa nước- thứ mà vùng Trung nguyên của người Hán không trồng được) đủ cho thấy tổ tiên người Việt không bị ảnh hưởng từ cái tết Hàn thực của TQ.

Đã nhiều lần nhà cháu giải thích về các TẾT (tiết khí) trong 1 năm của âm lịch (lịch Trăng) Việt. Đó là các tiết khí của phương Nam, gắn với văn minh lúa nước. 

Cái mà bây giờ mọi người hay trích dẫn là chuyện ảnh hưởng NGƯỢC rất muộn, từ Trung Hoa. Họ du nhập của phương Nam, rồi SÁNG TÁC lại truyền thuyết cho LY KỲ thôi. 

Mặt khác, sau 1000 năm Bắc thuộc, nhiều phong tục của người Việt, hoặc bị khoác áo Hán hóa, hoặc các cụ ẨN vào đó để duy trì, tồn tại cái cốt lõi văn hóa mình.

Có thể đọc: "Trong lễ hội Trôi nước ngày mồng 3 tháng 3, ngày giỗ Nam phương Thánh mẫu cũng như ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba, ngày hội đền Hát Môn thờ hai Bà Trưng ngày mồng 5 tháng 3 dân làng nào cũng làm một mâm bánh Trôi gồm 100 bánh làm lễ vật dâng cúng. Sau khi hạ lễ, ông Trưởng lão trước gọi là Già làng về sau gọi là Tiên Chỉ đem 50 bánh đặt trên bè sen thả trôi sông và 50 bánh đem đặt lên núi để nhắc nhở đến sự tích “Bọc điều trăm họ thai chung”, năm mươi con theo cha xuống vùng sông nước, năm mươi con theo mẹ Âu lên vùng rừng núi chia nhau mà trị theo lời dặn dò của Bố Lạc." 



SO SÁNH LUÔN KHẬP KHIỄNG. Nhưng nói các tiết/Tết của lịch Trăng Việt là theo TQ thì CHẢ KHÁC GÌ NÓI "RÉT NÀNG BÂN" CŨNG CÓ GỐC TQ ;)

Thêm nữa:

Đã nhiều lần nhà cháu giải thích về các TẾT (tiết khí) trong 1 năm của âm lịch (lịch Trăng) Việ là các TIẾT của KHÍ HẬU, THỜI TIẾT phương Nam, gắn với văn minh lúa nước, CHẢ MẤY LIÊN QUAN ĐẾN NÔNG NGHIỆP KHÔ của vùng bờ Bắc sông Hoàng

Người Hoa Hạ du nhập nhiều văn hóa/văn minh của phương Nam, rồi SÁNG TÁC, bịa thêm truyền thuyết cho LY KỲ và nhằm mục đích CƯỚP ĐOẠT VĂN HÓA thôi.

BI ZỜ, ĐẾ CÓ THỂ SÁNG TỎ ĐÔI CHÚT VỀ CHUYỆN NÀY, NHÀ CHÁU XIN ĐẶT RA 3 CÂU HỎI:


1- BÁNH TRÔI BÁNH CHAY LÀM BẰNG GÌ Ạ?


Bằng bột nếp (có pha tí Tẻ) đúng không ạ? 


Văn hóa/văn minh lúa nước cho dù vưỡn chưa được thống nhất cho lắm, nhưng chắc chắn là KHÔNG PHẢI CỦA NGƯỜI HOA HẠ. 


Vậy thì món CHÍNH (Main dish) của Tết mồng Ba tháng Ba, tức thị là CÁI LÀM NÊN cái Tết này, đâu liên quan gì đến cái ông Giới Tử Thôi bên Tàu VÀ CẢ CÁI 'THẾ GIỚI TRUNG HOA' (Le Monde de Chine) ?

Có nhẽ lại phải nhắc lại chuyện Thày Vưng GIẢNG cho chúng cháu: Khổng tử từng mắng vợ là HOANG, khi DÁM nấu cơm đến 2-3 lần trong 1 tháng. TỨC LÀ GẠO LÚA NƯỚC CHÍNH XÁC LÀ ngọc thực!


Có bác sẽ chất vấn là ở Việt Nam còn có món Bánh Trôi Tàu?


Để so sánh và tìm ra lý do gọi tên món 'chè' Tàu đó với món bánh trôi nước của Việt, xin NHƯỜNG cho các bác SÀNH ăn và các chuyên gia ẩm thực (nhà cháu không 'hảo ngọt').


Riêng nhà cháu nghĩ đó KHÔNG PHẢI LÀ món ăn của người Hoa Hạ. Vả chăng, không chỉ tên gọi, món đó được người Hoa ở Việt Nam chế biến, ăn và bán quanh năm, KHÔNG CHỈ TRONG 1 NGÀY, như người Việt.

2- CÁI GÌ LÀ CỐT LÕI CỦA TẾT HÀN THỰC?


Nhà cháu chưa tra được món CHÍNH (Main dish) của phong tục này ở Tàu là gì. Mà mỗi ngày lễ/tết trên khắp thế giới đều thường gắn với một món đặc biệt nào đấy (ăn ngỗng dịp Giáng sinh chẳng hạn). 


Cái cốt lõi của tết Hàn thực Trung Hoa là để tưởng nhớ một ông bị chết cháy nên kiêng không nổi lửa, chỉ ăn đồ nguội, nấu từ hôm trước.


Chuyện đó là NGĂN CẢN ĂN chứ đâu KHUYẾN KHÍCH ĂN (các cụ răng đen vưỡn bảo là ĂN Tết cơ mà?). Ngay điều đó cũng cho thấy RÕ cái vỏ khá muộn của giai thoại về tết này của Trung Hoa. 


Hơn nữa, mọi sự kiện văn hóa/văn minh đều BẮT NGUỒN từ cuộc sống của cả một cộng đồng, thật khó tin chuyện lại VÌ 1 cá nhân mà có thể hình thành 1 tập quán.


Vả chăng, từ bé nhà cháu vưỡn thấy bà, mẹ (rồi hôm nay thấy bà dì) VƯỠN NỔI LỬA NẤU BÁNH TRÔI-BÁNH CHAY ĐÚNG TRONG NGÀY 3/3. (Chả biết nhà các bác có nấu từ đêm hôm qua ?) Nghĩa là cái CẦN THỰC HIỆN của tết Hàn Thực 'à la Chinois' đâu có tồn tại trong Tết bánh Trôi-bánh Chay của người Việt?

3- VẬY THÌ TẾT BÁNH TRÔI-BÁNH CHAY LÀ 'TƯỢNG' CHO CÁI GÌ ?


Vầng, truyền thuyết/giai thoại hay nguồn gốc của Tết mồng Ba tháng Ba là gi?
Thật khó truy nguyên! 


Vì như đã nói, trong lịch sử nhiều lần các chính thể Phong kiến Quân chủ Việt đã CHỦ ĐỘNG du nhập văn hóa/văn minh Trung Hoa, để chứng tỏ VÔ TỐN (không thua kém). Đó là 1 lớp MỜ, 1 lớp VỎ VĂN HÓA cần được (nhưng không dễ) bóc tách.


Theo nhà cháu, suốt 1000 năm Bắc thuộc, dù không bị đồng hóa, hay chính là để có thể bảo lưu HỒN CỐT, các thế hệ Tổ tiên người Việt có lẽ đã buộc phải MƯỢN TẠM 1 lớp VỎ kiểu Trung Hoa ('à la Chinois') để CHE ĐẬY, ẩn thân. Đó lại là 1 lớp CHỒNG MỜ quá lâu. Những thế hệ sau dần quên mất chuyện THẬT đương nhiên trong thế hệ trước.


Như đã thưa ở stt trước NHÀ CHÁU NHÌN THẤY ẢNH XẠ HUYỀN THOẠI TRĂM TRỨNG trong đĩa bánh chay và bát bánh trôi. Nhưng để RÀNH RỌT thì chỉ mình nhà cháu không thể kham nổi (vì ham chơi hơn)

BỊ MỌI NGƯỜI 'TRUY BỨC' QUÁ, NHÀ CHÁU CHỈ XIN THƯA LẠI THÊM TÍ NHƯ VẬY THÔI Ạ! Nhà cháu đi ăn bánh trôi-bánh chay đây !
 

17 nhận xét :

  1. Ngày bé nhà tôi nghèo lắm, đến dịp 3 tháng 3 âm lịch năm nào có điều kiện mẹ cũng làm bánh trôi, bánh chay, cả bánh khúc nữa. Mẹ bảo ngày mồng 3 tháng 3 là Tết bánh trôi bánh chay.
    Khi có gia đình, ngày các cháu còn nhỏ tôi cũng có làm Tết mồng 3 tháng 3, nhưng một phần do bận nhiều việc không phải năm nào tôi cũng làm được.
    Những năm gần đây có điều kiện, năm nào đến mồng 3 tháng 3 tôi cũng làm bánh trôi bánh chay. Tôi chỉ nghĩ đơn giản đây là một phong tục cổ truyền của người Việt Nam ta nên là người Việt tôi làm tết mồng 3 tháng 3 là để góp phần gìn giữ phong tục ấy cổ truyền ấy.
    Nhờ có bài viết này hôm nay tôi mới có được hiểu biết đến gốc gác, hiểu được ý nghĩa sâu xa một phong tục cổ truyền và biết thêm vẻ vẻ đẹp nhân văn của nó.

    Cảm ơn tác giả bài viết Trần Thị Băng Thanh.
    Cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện đã đăng bài và hơn hết cảm ơn TS đã tặng cho chúng tôi một trang blog hay, nhiều bổ ích.

    Trả lờiXóa
  2. Nhờ giữ gìn được nền văn hóa Việt mà tổ tiên ta giữ gìn đất nước đến bây giờ dù đã bao lần bị xâm lăng, đô hộ mà không mất nước. Mới hay văn hóa dân tộc là linh hồn của quốc gia, lệ thuộc văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc là xem như mất nước.
    Cám ơn tác giả Trần Thị Băng Thanh, cám ơn chủ blog TS Nguyễn Xuân Diện

    Trả lờiXóa
  3. Nhà cháu thì năm nào bà cháu cũng làm tết mùng 3 tháng 3, giờ cháu đi học đại học nhưng cháu vẫn bỏ chút thời gian buổi tối làm bánh trôi cho cả xóm trọ ăn. Cháu thấy phong tục thật là đẹp!

    Trả lờiXóa
  4. Thật xúc động khi đọc bài này, đến nỗi tôi lật đật chạy qua "Gúc gồ" tìm kiếm thêm thông tin, tìm thêm được nhiều bài viết và được thấy cả hình PGS Trần Thị Băng Thanh nữa.

    "Như vậy có thể nói ngày 3 tháng ba là một lễ hội của cư dân nông nghiệp phía nam, từ vùng Kinh Sở trở xuống (mà Việt Nam ngày nay xa xưa cũng là một trong Bách Việt. Bách Việt khác Hán tộc)". Ngay khi đọc khúc đầu tôi đã hồi hộp trông chờ kết luận này, và thật vui khi được nghe chính PGS nhận định như thế. Có lẽ còn rất nhiều tinh hoa văn hóa tổ tiên để lại cho chúng ta mà giờ ta cứ ngỡ là "của Tàu", mà ác cảm và muốn phủ nhận nó.

    Trong câu chuyện này, không những nguồn gốc của ngày Tết 3 tháng Ba, tinh thần vui tươi lạc quan nguyên thủy của lễ hội đó, mà cả chi tiết "ngồi xuống đất" cũng rất đáng chú ý. Thế rồi tại sao về sau lại xuất hiện câu chuyện Giới Chí Thôi, vừa cảm động vừa thú vị?... Chao ôi, tôi nghe mà thích thú, chỉ muốn "lăn mình" vào tìm hiểu. Nghĩ lại tiếc nuối thấy mình hết thời rồi. Giờ chỉ xin trông cậy và phó thác vào các vị học giả đáng kính công cuộc tìm lại khuôn mặt tinh tuyền nguyên thủy của văn hóa cha ông. Kính chúc cách riêng bác PGS Trần Thị Băng Thanh nhiều sức khỏe và linh mẫn để tiếp tục những đóng góp vô cùng quí giá của bác.

    Công cuộc tìm lại "chủ quyền văn hóa" này không có gì là hiếu chiến, hay tự ái, hay hoài cổ vô ích cả. Khác với chủ quyền lãnh thổ lãnh hải hễ dân này chiếm rồi thì dân khác đành chịu mất, những tinh hoa văn hóa cổ là kho tàng chung cho toàn thể loài người, có khả năng sẻ chia vô tận. Dân mình phải tìm lại nguồn cội của chính mình, để biết mình là ai, từ đâu đến và sẽ nên đi về đâu. Làm sáng lại cái Đức Sáng của tổ tiên là nhiệm vụ không những đối với chính dân mình mà còn đối với văn minh chung của nhân loại. Chao ôi, đẹp quá công việc của các vị học giả!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Ha Le! Tôi cũng rất xúc động khi đọc comment của bạn. Cho dù hiện nay bạn đang ở đâu và đang mang quốc tịch gì thì mãi mãi bạn vẫn là NGƯỜI VIỆT, không bao giờ thay đổi. Bạn là đứa con yêu của ĐÂT MẸ VIỆT NAM.

      Xóa
  5. Nhiều lễ ta nhận vơ vào của ta, nay thêm cả Tây, thì lễ hội ở Ta sẽ đầy dẫy lễ hội, vài năm nữa lại nhận lễ Tết tình yêu 14 – 2, cũng của Ta chứ chơi? Ôi đất đa thần, đa giáo, mời bạn đến Tây Ninh mà coi.
    - Nguyễn Công Kha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói như bạn : nguyễn Thông , thì hơi cực đoan . Về lễ hội , phong tục văn hóa ở trên toàn thế giới , nhiều lễ hội hay và bổ ích , đó là tinh hoa của nhân loại . Nó được lan rộng ra trên toàn thế giới là điều hay , nhưng phải biết nó xuất phát từ đâu , nó có ý nghĩa gì . Không nên nói là ta nhận vơ , hay không công nhận nó , không giám đưa một số lễ hội hay của nhân loại trên thế giơi vào VN .Khi ta chơi nhạc ta cũng nên biết âm nhạc đó phát xuất từ đâu , chữ viết của ta phát xuất từ bao giờ ...các phát minh khoa học , các nhà bác học phần lớn ở nước ngoài , ta đều phải đưa và VN cơ mà .

      Xóa
    2. Bạn Ng Thông ơi, không phải nhận vơ đâu mà bị nhồi nhét vào đấy. Liệt kê ra thì nhiều lắm: phật đản (cúng ma ngoại), rằm tháng 7 (cúng ma Tàu), nooel (ma tây), lễ tình yêu, ngày tạ ơn thánh, ngày của mẹ (ma tây) ..., Nhìn chung là muôn dân do Tham Sân Si nên đang nhằm vào cái BÁNH VẼ tây phương cực lạc!

      Xóa
  6. Bài rất hay. Trần Nhân tông chắc chắn là cháu chắt chút chít của Trần Lãm (Trần Minh công), Trần Lãm là con Trần Đức công. Trần Đức công là người Hán từ Phúc Kiến sang Việt Nam. Trong bài, Trân Nhân Tông không dùng quốc hiệu Đại Việt lúc đó mà dùng hai chữ "An Nam" là đất đô hộ phủ đời Đường đặt thời nội thuộc. Thật là khôn khéo. Nhà Nguyên lại là dân Mông Cổ chiếm Trung Hoa, không phải là dân "văn chương" Hoa hạ. Văn minh lúa nước chắc chắn là văn minh Tày Thái cổ mà người Kinh thừa hưởng. Trong cuộc chống Nguyên, Đại Việt đã khôn khéo đoàn kết cả hậu duệ người Tống...Văn hóa là một quá trình đầy những tiếp biến. Dân tộc (nation), tộc người (ethnie) cũng trải một quá trình như vậy. Người Kinh và người "Việt" là hai thực thể khác nhau. Tích tụ nên một văn hóa lại là khác nữa. Tranh giành gốc tích sự này việc nọ là lỗi thời về nghiên cứu văn hóa, không giải quyết vấn đề gì cả? Tôi yêu văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam này bất chấp những yếu tố văn hóa đó có gốc tích từ đâu, như công dân Mĩ có văn hóa Mĩ (nồi hầm) và họ rất yêu quốc gia, văn hóa họ.

    Trả lờiXóa
  7. Xin chân thành Cảm Ơn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh ,bài viết thật cô đọng và súc tích , với những chi tiết, ,dẫn chứng đắt giá , nó đã góp phần chặn đứng sự xâm lăng văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và khốc liệt xuất phát từ Trung Quốc với sự "Tiếp tay " dù vô tình hay cố ý bởi các phương tiện truyền thông nhà nước ( phim ảnh , truyện TÀU tràn lan khắp nơi ).Một Phong Tục cổ tuy nhỏ nhưng đã được cha , ông ta gìn giữ ,trân trọng và lưu truyền đến nay .Phải chăng đó là một trong những Hồn cốt của văn hóa Việt Nam giúp dân tộc ta tồn tại đến ngày mà không bị đồng hóa .

    Xin chân thành cảm ơn TS NGUYỄN XUÂN DIỆN đã tạo những " Khoảng Lặng " cần thiết khi trích đăng lên đây những bài viết sâu lắng bởi những nhà nghiên cứu văn hóa uyên thâm ,có tâm với đất nước ,với dân tộc .Nó là những luồng gió mát đúng lúc giúp xua đi những ưu phiền luôn gặp thường ngày đối với mỗi người chúng ta .
    Kính chúc TS Nguyễn Xuân Diện , PGS TS Trần Thị Băng Thanh , cùng quý vị bạn đọc nơi đây ,những người mà tôi không hề quen biết ,chưa từng gặp mặt , Những lời chúc tốt đẹp nhất .

    để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  8. Nói Kinh Sở thời Hán không thuộc Hán quốc thì cũng như nói châu Ô châu Rí không thuộc Đại Việt quốc đời Trần, như nói Cần Thơ, Sóc Trăng không thuộc Việt Nam đời Nguyễn vậy. Sao mà thế được.Rồi Điện Biên Lai Châu, rồi cao nguyên trung phần...Quốc là quốc, tộc là tộc. Không nên nhầm lẫn. Còn văn hóa thì có "thuần chủng" bao giờ mà đi tranh dành gốc tích. Cụ Levy Strausse, cụ Phan Ngọc đã cười vào mũi những ai tranh giành gốc tích hiện tượng văn hóa để độc chiếm bản sắc văn hóa từ hơn nửa thế kỉ nay rồi mà bây giờ ta lại cứ sa vào đó. Vấn đề là, ai đã sử dụng và biến nó thành "giá trị" trong tổng thể cơ hữu văn hóa cộng đồng của anh ta. Lòng tự hào văn hóa quốc gia nó nằm ở đó. Một chiếc nghiên ngói (nê nghiễn) nó có từ Trung Hoa nhưng sang Nhật nó được chế thành nghiên ngọc (ngọc nghiễn) thì đó là thành quả và bản sắc Nhật Bản. Thế thôi.

    Trả lờiXóa
  9. Cháu thấy khác cô Băng Thanh nói. "Tòng lai phong tục cựu An Nam" thì đó là An Nam nào? Thời Trần, Trần Nhân tông làm bài thơ năm 1292 thì mấy trăm năm trước mới được gọi là "cựu" đây. Môt trăm năm chăng? 500 năm chắc là đã gọi được "cựu" rồi. Ấy là lúc vùng này mang tên An Nam đời Đường vậy. An Nam đô hộ phủ là "cựu An Nam" được chứ còn gì nữa. Câu thơ có thể hiểu là: "Phong tục đất này có từ thời thuộc Đường đến nay". Nhà Trần là dân Trung Hoa ngụ cư. Chả nhẽ cụ Trần Nhân tông không hiểu cội nguồn của chính mình à? Để mà hiểu như cô Băng Thanh à?
    Còn lúa nước thì Ấn độ, cổ Tày Thái, cách nay 5000 năm có rồi. Đó mới là gốc. Người Kinh chúng ta hình thành muộn màng sao cứ tự nhận Việt cho nó dơ. Quốc là khác, tộc người là khác. Nhập nhèm mãi nó thành sô vanh cực đoan đấy. Ngấm vào máu mất rồi. Khoa học thì phải ra nhẽ.

    Trả lờiXóa
  10. Hôm nay là mùng 3 tháng 3, Tết bánh Trôi bánh Dùng, theo cách gọi của người Phú Thọ, nhớ quê, nhớ nhà.
    Thuở còn bé, thời bao cấp, nhà mình nghèo hơn bây giờ nhiều. nghèo thì nghèo, nhưng tết mùng 3 tháng 3 mẹ vẫn làm bánh Trôi bánh Dùng (các vùng khác gọi là bánh Chay), gạo nếp để dành khoảng 1 cân từ trước tết, đường bánh Trôi mua ở chợ được gói trong lá chuối khô, chỉ dám mua loại rẻ có độn thêm bột gì đó, nước bánh Dùng thường làm bằng mật mía hoặc đường đỏ, có ít đường trắng chỉ để dành cho người ốm pha nước đường hay nước chanh thôi. Hơn cân bột chỉ nặn được 3-4 đĩa bánh Trôi viên nhỏ, rồi 4-5 bát bánh Dùng, mà phải pha thêm nhiều gạo tẻ nữa nên bánh hơi cứng. Thắp hương cúng xong mới được ăn mà thường thì mẹ chỉ ăn bánh Trôi làm bằng bột sắn khô nhường cho mọi người bánh gạo.
    Sắp 10-3 giỗ Tổ rồi, sắp được về quê rồi.

    Trả lờiXóa
  11. Ngày này hằng năm làng Mương quê tôi cùng với làng Gáp kế bên cứ vào buổi sáng 3/3 âm lịch là hai làng lại tổ chức hội đánh trận giả, trận giả được diễn ra ở đầu hai làng giáp danh giữa là cầu đá, dân của hai làng dàn hàng ngang nén đất vào nhau ( không được dùng gạch đá) người dân quanh vùng quen gọi là hội ném đất của kẻ Mương kẻ Gáp.Có người nói ném cho được mùa dưa tốt mùa lúa.Thế hệ tôi chẳng ai hiểu gì cả .

    Trả lờiXóa
  12. Các bạn biết đến Lâm Thao quê tôi qua quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội Linh Tinh Tình Phộc, ngôi nhà cổ cố thi sỹ Hồ Xuân Hương nay biết thêm hội ném đất . Tôi tự hào là dân Kẻ Mương

    Trả lờiXóa
  13. Sao tin tức ngày 19 và 20 tháng 4 / 2015 chẳng thấy đâu ? Diễu hành vì cây xanh Hà Nội biến đâu mất rồi . Mong tin quá !

    Trả lờiXóa
  14. Còn nhớ ngày còn bé ngày 3/3 âm lịch gọi là tế thanh minh, sáng ra mọi người ra nghĩa trang tảo mộ thắp hương sau đó về làm bánh trôi bánh chay cúng tổ tiên ông bà.

    Trả lờiXóa