Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

TẾT ÔNG TÁO - TRUYỀN THUYẾT VÀ NGHI LỄ


Truyền thuyết về Táo Quân

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo.

Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:

- Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
- Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
- Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Truyền thuyết này thể hiện rất đậm nét trong sinh hoạt của người Việt. Trong bếp ngày xưa, thường có ba "ông đầu rau" - tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi xanh đun bếp, trong đó hai hòn nhỏ hơn hòn thứ ba. Và nhân dân có tục lệ thờ "hai ông một bà", ngày 23 tháng Chạp hàng năm làm "lễ Táo quân", "Tết ông Công ông Táo", "tiễn ông Táo lên chầu Trời"... Đây rất có thể là ảnh hưởng của phong tục thờ thần lửa - một phong tục có từ lâu đời của nhiều dân tộc, tuy nhiên cách thể hiện ở mỗi nước một khác. Ví như ở Trung Quốc, từ thời cổ đại, Táo quân (còn được gọi là "Táo thần", "Táo vương", "ông Táo") đã được coi là một trong bảy vị thần đất được toàn dân cúng lễ. Nhưng nguồn gốc của Táo quân thì không nhất quán. Theo sách Hoài Nam Tử, Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa đến cho dân nên khi chết được thờ làm thần bếp. Sách Lã Thị Xuân Thu lại coi Chúc Dung mới là thần quản lý lửa (do Viêm Đế mang tới) nên khi chết người dân thờ làm thần lửa. Còn sách Tây Dương tạp trở thì kể: thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Ổi hay Trương Đan, tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về việc người nào có lỗi...

Chuyện truyền miệng của người Trung Quốc lại cho rằng trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối (ngày cuối tháng âm lịch) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình (nhất là về những người đàn bà làm điều xấu); sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp. Đến ngày ấy, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo; đặc biệt có thêm cả nước và cỏ khô (cho ngựa của vua bếp "ăn" để bay và chở vua lên trời - khác với Táo quân của ta thì cưỡi cá chép lên trời). 

Tại sao ông Táo lại cưỡi cá chép về trời mà không phải các con vật khác? 

Phong tục của người Việt, ngày 23 tháng chạp, nhà nào cũng tiễn ông Táo lên chầu trời. Trên bàn thờ có ba chiếc mũ mới bằng giấy: một màu vàng ở giữa, hai màu đen ở hai bên - tức hai ông, một bà - không có cỗ mặn, chỉ cúng hương hoa, sau có 3 con cá chép đang bơi trong chậu thau. 3 con cá chép có ý nghĩa làm "ngựa" để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông...

Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.

Sớm ngày 23 Tết, các bà nội trợ của mỗi gia đình đã xách túi ra chợ chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Táo quân. Một thứ không thể thiếu trong buổi đi chợ là cá chép.

Cá Chép Vàng hay còn gọi là (Cá Chép Tiên) là một loài động vật sống ở trên Thiên Đình, hồi trước sống trên trời, do phạm phải lỗi, nên bị Thượng Đế đày xuống trần gian để tu hành để chuộc lại tội lỗi của mình gây ra. Sau khi tu hành có chính quả, thì cá Chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên Trời. Còn Ông Táo là do Thượng Đế phái xuống trần tục để theo dõi loài người, xem ai là người Thiện, người Ác.

Sau đó Ông Táo bay về Thiên Đình để tâu lên Thượng Đế những việc ở dưới trần gian Nhưng mà muốn bay lên Trời, thì Ông Táo phải nhờ đến cá Chép mới lên được. 

Làm lễ cúng ông Công ông Táo tùy nếp từng nhà nhưng mâm cúng thường bao gồm: 

- "Phục trang" của ông Công ông Táo.
- Ba con cá chép vàng (loại nhỏ để cúng), nhớ để vào cái bình cao cao kẻo cá nhảy ra ngoài. Tuy nhiên có nhà không cần cá sống vì đã có cá chép giấy thường bán kèm trong túi "phục trang". Nhà nào gần ao hồ, sông suối thì nên mua cá sống, cúng xong thì đem thả (nếu nhà có trẻ con, cho các cháu đi thả cá và giảng giải cho các cháu biết phong tục thì rất hay). Thả cá xong, xin nhớ đừng vứt túi ni-lông xuống sông hồ kẻo coi như là không những không được phúc phóng sinh mà còn bị vướng vào nghiệp sát sinh.
- Thịt lợn luộc: 1 miếng, thịt vai gáy. Nên đi chợ sớm mua thì được thịt tươi ngon
- Một món canh: canh măng với xương.
- Một món xào có rau.
- Một đĩa muối.
- Hoa quả vàng mã.
*Lập riêng bàn thờ cúng tiễn Táo Quân ở khu vực nhà bếp.

VĂN KHẤN LỄ ÔNG TÁO CHẦU TRỜI
Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân !
Tín chủ con là:.............
Ngụ tại:.......................
Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
Nguyễn Xuân Diện sưu tầm.

Ghi chú: 

Thưa chưa vị,
1. Nếu chư vị vẫn muốn đặt bàn thờ Ông Táo ở khu vực bàn thờ gia tiên thì cũng được, nhưng phải làm thành một mâm riêng, phân biệt mâm cúng gia tiên.

2. Sau ngày 23 tháng Chạp, thì các gia đình có thể tiến hành dọn bàn thờ (quét, đánh bóng các đồ thờ bằng đồng, lau rửa bát hương...), tỉa chân hương, hoặc thậm chí bỏ hết chân hương cũ. Nếu thay bát hương hoặc bàn thờ, xin đem đốt hoặc thả xuống sông lớn.

3. Ngày tiễn ông Táo, nhà nhà đều cúng bái, đốt hương, hóa mã...vậy xin bà con hết sức cảnh giác để tránh hỏa hoạn cho nhà mình và nhà hàng xóm. Vàng hương khi đốt xong, cần gom lại cho sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh cho môi trường.

4. Nếu nhà có trẻ con, nên giảng giải cho các cháu bé hiểu biết về phong tục cúng ông Táo.

* Bài này đáng lẽ để vào ngày 23 tháng Chạp mới đăng, nhưng có bác cứ đề nghị đăng trước để còn biết sự tích và mua sắm lễ vật, in bài văn khấn ra để đọc, nên cứ đăng vào hôm nay. 

.

39 nhận xét :

  1. cam ơn ban nhiêu

    Trả lờiXóa
  2. ● Thổ Công: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
    ● Thổ Địa: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.
    ● Thổ Kỳ: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

    Đông Trù: Cai quản việc bếp núc nói chung.
    Thổ Địa: Cai quản việc nhà cửa.
    Thổ Kỳ: Trông coi việc chợ búa???

    Thổ Kỳ theo quan niệm khác lại là 5 vị thần: Ngũ Phương Thần.
    Ngũ phương thần, tương ứng với Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ (Tây, Đông, Nam, Bắc, Trung ương).
    Kim - Tây phương thần, trang phục màu trắng.
    Mộc - Đông phương thần, trang phục màu xanh.
    Thủy- Bắc phương thần, trang phục màu đen, tím, lam.
    Hỏa - Nam phương thần, trang phục màu đỏ.
    Thổ - Trung ương thần, trang phục màu vàng.

    Mong anh Diện chỉ giáo thêm!!! Xin cảm tạ

    Trả lờiXóa
  3. Ông Táo trong văn hóa truyền thống Việt, không phải của Tàu đâu anh Diện.
    http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-08-minh-triet-viet-trong-su-tich-ong-tao-phan-2-

    Trả lờiXóa
  4. bay giờ mới rõ. cám on anh Diện

    Trả lờiXóa
  5. Rất chi tiết và ý nghĩa.

    Trả lờiXóa
  6. Thưa anh Diện,bài này đăng trước 23 tháng chạp là đúng lắm.ngày kia ( 21 tháng chạp)tôi có giỗ mẹ tôi,xin anh bài văn khấn .Cảm ơn anh !
    Chúc anh chị và các cháu mạnh khoẻ ,an lành ,hạnh phúc !

    hungtienyt@gmail.com

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn anh Nguyễn Xuân Diện dã đăng bài Tết ông Táo đúng lúc bà con đang cần. Bài văn khấn ngắn gọn mà đầy đủ có thể dùng làm "cẩm nang" khấn tết ông Táo vào 23 tháng chạp hàng năm. Tôi đã nghe nhiều về "sư tích ông Công ông Táo" với nội dung không giống nhau, tôi thích nội dung trong bai này vì nó có vẻ thuần Việt hơn. một lần nữa xin chân thành cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  8. Hay quá, cảm ơn bác nhiều, bác có thể đưa nhiều phong tục tập quán người Việt lên đây được không ?

    Trả lờiXóa
  9. ruoc ong ba thi vai nhu the nao? nho anh chi giao. toi sai loai may ho cam dao nen khong co dau , mong anh thong cam

    Trả lờiXóa
  10. Báo thể thao 24h ngày thứ sáu ngày 13/1 có dăng tại trang 3 các lãnh đạo VPF ăn tối với Thủ tướng tại khách sạn để làm việc về Hợp đồng bản quyền truyền hình và hôm sau có công văn hỏa tốc của VPTT gửi Bộ TT-VH. Như vậy thủ tứơng ở trong túi các đại gia à

    Trả lờiXóa
  11. Bài viết hay lém...!

    Trả lờiXóa
  12. Nếu ai biết từ nguyên của các từ "ĐẦU RAU", "TRỌNG CAO", "THỊ NHI", "PHẠM LANG" thì cho cháu biết với. Cháu bị trẻ con hỏi: "Nghĩa gốc "đầu rau" là gì?" mà cháu chịu. Hình như thầy dạy văn học dân gian của cháu đã giải thích cho cháu một lần nhưng ngữ âm lịch sử rắc rối quá, cháu quên mất.

    Trả lờiXóa
  13. Thêm chút chi tiết về ông Táo chầu Trời :
    Vào ngày 23 tháng Chạp , người ta mua hai cái mũ đàn ông và một mũ đàn bà bằng hàng mã cùng một con cá chép để vua bếp lên chầu Trời. Và bây giờ
    mỗi khi vẽ ông Táo người ta thường vẽ Ông đội mũ cưỡi con cá bay trong mây, nhưng rất tiếc lại không mặc ... quần .

    Bởi vậy mới có bài thơ rằng :

    Hăm ba ông Táo dạo chơi xuân
    Đội mũ mang hia chẳng mặc quần

    Thượng Đế hỏi rằng sao chướng vậy
    Tâu rằng hạ giới nó duy tân .

    Trả lờiXóa
  14. "Đội mũ đi hia chẳng mặc quần".

    Thành ngữ ám chỉ Tam vị Táo Quân này có từ những năm đầu 1950.

    Là do phần lễ vàng mã cúng tiễn các ngài lên chầu trời
    các tín chủ chỉ biện có MŨ, HIA và ÁO THỤNG
    cùng giấy tiền, vàng lá mà thôi,
    không có quần.
    Mấy tờ báo có xu hướng cổ vũ duy vật thời đó
    mới nhân đó mà chế ra câu diễu vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  15. Bác Diện viết:
    "- Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
    - Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
    - Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần".
    Xin hỏi Bác Diện khi khấn tại sao chỉ có Kính lạy Phạm Lang:

    "Nam Mô A Di Đà Phật!
    Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân !
    Tín chủ con là:............."

    Như vậy còn thiếu danh xưng của 2 Vị còn lại?
    Mong được Bác chỉ giáo!

    Kính!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin phép bác Hà Quang và bác Diện cho tôi được... "bàn loạn" tí. Tôi cũng thắc mắc như bác Hà Quang khi đọc bài văn khấn, nhưng ngẫm lại câu chuyện truyền thuyết cảm động về ba vị Táo quân Việt Nam, tôi nghĩ nếu phải chọn ra giữa ba vị đó một người làm "tổ trưởng" (hay dùng từ đẹp hơn là "gia trưởng", vì cả ba sau khi cùng chọn cái chết cho trọn tình trọn nghĩa, giờ đây xem như họ đã là người cùng một nhà rồi, dù là nhà ở thế giới bên kia), thì vị xứng đáng nhất chính là bác Phạm Lang, người chồng sau.

      Bác Phạm Lang đã chẳng có lỗi gì trong cuộc tình tay ba ngang trái này. Bác ý lại đã hai lần làm việc nghĩa: một là vì yêu mà đón nhận người thiếu phụ lạc loài bất kể quá khứ của cô ấy, và hai là dám chết theo cô ấy. Hi hi, nếu bác Hà Quang là Ngọc hoàng Thượng đế thì chắc nhìn đi nhìn lại, bác cũng sẽ chọn ông Phạm Lang làm gia chủ, phải không ạ? Vậy thì thôi khi làm văn khấn, chỉ cần khấn danh xưng của vị gia chủ đại diện cho cả nhà là được rồi. Ba vị giờ đây đã "tuy ba mà một, tuy một mà ba".

      Nhưng cái đẹp của tâm hồn người Việt còn đẹp lạ lùng ở chỗ này: trong ba hòn đất nặn thành "ông đầu rau" để kê bếp, có một hòn đất lớn hơn hẳn hai hòn kia. Tôi đoán rằng nếu hỏi thử 10 người Việt, chắc rằng cả 10 sẽ trả lời rằng cái hòn to hơn ắt phải là... Thị Nhi, tức người vợ.

      Vâng, chủ gia đình thì phải là người đàn ông oai phong bệ vệ, và ông Phạm Lang chồng sau xứng đáng nhất cho vai trò này. Ông Trọng Cao chồng trước thì khiêm tốn ở lại trong nhà, nhận cái chức Thổ địa trông coi cửa trước nẻo sau, cốt để được muôn muôn kiếp ở kề bên mà đền bù cái lỗi với người vợ xưa. Nhưng nhân vật trung tâm của gia đình hai ông một bà này thì lại là người vợ. Cô Thị Nhi là linh hồn của gia đình, là trung tâm của tình yêu, là trung tâm của mái ấm! Thành ra lạ lùng là khi Táo quân chầu Trời, cái nội dung báo cáo quan trọng nhất ra như lại là... hạnh kiểm của người vợ, lý do vì sao nếu không phải vì cả ba vị Táo quân đều thống nhất rằng vai trò của người vợ là quan trọng bậc nhất trong gia đình?

      Xóa
    2. Em cũng thắc mắc là tại sao có 3 mà khi cúng lại nêu danh có một...?

      Xóa
  16. Xin hỏi bác Diện sao trong bài văn khấn lại mở đầu bằng câu " Nam mô A Di đà Phật!"?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này em đọc qua là thấy thắc mắc giống bác :D

      Xóa
    2. - Tục đưa ông Táo về trời, mặc dù là phong tục truyền thống nhưng nó vẫn tồn tại song hành với Phật giáo. Trên thực tế, người Phật tử tuy quy y Tam bảo nhưng vẫn không bỏ những tục lệ thờ cúng của cha ông. (Nam Mô A Di Đà Phật! 3 lần - đầu và cuối bài khấn)
      - Ông Táo thăng Thiên giờ Thìn (8-10 giờ sáng). Nên cúng giờ đó.
      - Cũng nên đón Ông Táo quay về nhà chúng ta (30 Tết, hay 7 tháng Giêng, tùy nơi)
      Xin mạo muội bổ sung ý kiến.

      Xóa
  17. cảm ơn anh DIỆN chúc anh sang năm mới AN KHANG THỊNH VƯỢNG

    Trả lờiXóa
  18. Cảm ơn anh Diện !
    Cảm ơn các com.
    Nội dung rất hay, rất ý nghĩa. Các câu hỏi của com cũng rất phổ biến, mong anh Diện và các com hồi âm và đóng góp ý kiến.
    Nhân dịp Xuân mới, xin kính chúc anh Diện cùng các com một năm mới an khang, thịnh vượng, mạnh khỏe, may mắn và thành công.

    Lan Hương

    Trả lờiXóa
  19. Với người Nam Bộ thì ngày 23 tháng Chạp, mọi ông Táo bằng đất đều ra gốc cây hết để rước Táo mới về nhà . Ngày nay người ta xài bếp ga bếp điện chẳng thấy ai vứt ra đầu bờ , đầu bụi !

    Trả lờiXóa
  20. Cảm ơn anh Diện!
    Nhân dịp Xuân tới, xin kính chúc anh Diện cùng mọi Người một năm mới an khang, thịnh vượng.

    Trả lờiXóa
  21. Về các từ "ĐẦU RAU", "TRỌNG CAO", "PHẠM LANG", "THỊ NHI"... tôi trước đây khi còn học trong trường, được cụ Nguyễn Hùng Vĩ, dạy môn văn học dân gian giải thích như sau (tôi nhớ không chắc lắm):
    - ĐẦU RAU: Trong tiếng Hán cổ, đọc theo âm Hán - Việt, có các chữ ĐẦU LÔ. Nếu chữ LÔ với nghĩa là SỌ thì dân gian nói ra là ĐẦU LÂU (chỉ sọ người). Nếu chữ LÔ với nghĩa là "đất cứng, đất đen" và "đất nền bệ bếp lò" thì dân gian nói theo dấu tích cổ Hán ngữ sẽ là ĐẦU RAU (Cổ Hán ngữ xa xưa có phụ âm đầu R chứ không chỉ phương nam mới có). Như vậy đất cứng vắt thành hình cái đầu để kê nồi kê vạc mà nấu thì gọi là ĐẦU LÔ, lưu dấu phát âm cổ là ĐẦU RAU.
    - TRỌNG CAO: Các cụ mượn âm CAO với nghĩa là "bánh bột gạo" để chỉ thức ăn chính là CƠM.
    - PHẠM LANG: Các cụ mượn âm LANG, còn có cách đọc là CANH để chỉ món CANH.
    - THỊ NHI: Chữ NHỪ trong tiếng Việt vốn là chữ NHI (đọc theo âm Hán Viêt) với nghĩa là "nấu chín, nấu nhừ".
    Vậy trong truyền thuyết trên, nấu chín cơn canh chính là chức năng của "Ông đầu rau".
    Cụ dạy vậy, tôi biết vậy và thấy hợp lí. Các chư huynh tham khảo góp ý xem.

    Trả lờiXóa
  22. Chào anh Diện, bài viết của anh về truyền thuyết Lễ táo quân rất hợp lý với văn hóa Việt vậy xin phép anh cho tôi được dich sang tiếng Đức để bạn bè có hiểu thêm về một nét văn hóa đẹp của Việt Nam. Cảm ơn anh,
    Lê Thị Lài

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa chị,
      Rất vinh dự được chị ghé thăm hiên trà này. Lại được chị lựa 1 bài để dịch sang tiếng Đức, phổ biến với bạn bè hiểu thêm về văn hóa Việt, lại càng quý hóa lắm!

      Nhân dịp sắp sang năm mới Giáp Ngọ, Kính chúc Chị và quý quyến cùng chư vị bạn hữu xa gần lời cầu chúc An lành - Thịnh vượng!

      Xóa
  23. Trong Nam phần lớn cúng đưa đón Ông Táo (23 và 30 Tết) bằng "Cò bay, Ngựa chạy", mà không phải Cá Chép. Anh Tễu có thể giải thích? Cám ơn trước.

    Trả lờiXóa
  24. Theo tôi, do họ hy sinh trong đống lửa nên cháy hết quần (áo). Lý do đó mà họ măc áo dài lễ mà không có quần.

    Trả lờiXóa
  25. Tết ông Công ông Táo
    Lời này đưa vào trang Tễu thì không được đăng, xin bác BVB cho vào đây.
    Ngày Tết ông Công ông Táo là ngày để tín chủ dâng hương hoa tấu trình về gia cảnh sau 1 năm làm ăn sinh sống, và trình xin các thần độ mệnh cho gia nhân trong năm mới.
    Tết ông Công ông Táo cúng vào ngày 22 để ngày 23 các Thần thăng thiên.
    Nếu cúng ngày 23 và khấn Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân là cúng ma tàu. Các anh đọc sách tàu rồi dạy dân cúng ma tàu. Cùng như sách Thọ Mai gia lễ thì “Thọ Mai gia lễ sách ta/ Thực ra thì cũng sáo qua sách tàu”.
    Còn chuyện 2 ông 1 bà hay 2 bà 1 ông là do các “thầy” chẳng biết lí giải thế nào về cái bếp nên nói vậy. Còn đã là Thần Thánh thì làn gì có chuyện chung chạ vợ chồng. Cái bếp có ở mọi nhà, nó thường là cái kiềng 3 chân, hoặc kê 3 cục gạch, 3 nắm đất đắp lên gọi là 3 ông đầu rau. Từ con số3 này mà bịa ra chuyện 2 ông 1 bà đó thôi.
    Thánh Thần luôn ngự nhà mình sao lại cúng ngoài hè, dưới bếp … Xin có đôi lời vậy rồi sau này sẽ bàn thêm.
    Cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  26. Tễu ơi ! Chu đáo quá ! Cảm ơn nhiều .

    Trả lờiXóa
  27. 3 ông đầu rau trở thành huyễn truyền 2 ông 1 bà:
    Nước ta một đất nước thuần phương Đông, thuần nông nghiệp. Bất kì nhà ai cũng có cái bếp đó là tính từ khi phát hiện ra Lửa. Bếp ban đầu chỉ là một ít củi nhóm lửa lên để nướng thức ăn. Đến khi con người biết làm đồ đất nung thì làm ra cái nồi để nấu thức ăn, còn ban đầu nấu thức ăn là dùng thân cây như cơm lam ngày nay. Cái thuở xa xưa con người nấu canh, kho cá thịt đều dùng thân cây rỗng làm “nồi”. Việt Nam thì dùng cây tre. Dùng ống tre làm “nồi” vẫn truyền lại cho đến ngày nay. Cho đến nay, người miền núi đi rừng thường nấu cơm, canh, kho cá thịt bằng “nồi” tre. Cơm lam và cơm nếp lam là loại cơm dễ ăn và rất ngon miệng. Cái bếp của người đi nương, đi rừng thường là vài ba hòn đá xếp lại, dựng kê “nồi” ống tre bên cạnh để nhóm lửa bên dưới. Những khi có nồi thì đặt 3 hòn đá 3 vị trí thành tam giác và đặt nồi lên, rồi đưa củi vào dưới. Loại bếp này phổ biến ở đồng bằng là 3 hòn đã cuội, rồi sau đó là 3 viên gạch, rồi khi có đồ sắt thì hàn/đánh cái kiềng 3 chân.
    Tại sao lại 3 mà không phải là 4?
    Thứ nhất, 3 chân là thế vững chãi; 2 thì không kê được, 4,5… thì quá chật hết chỗ đưa củi vào. Do đó 3 chân là vừa thoáng lại vừa chắc.
    Thứ hai, khi dùng củi để đun thổi thì chỉ đưa vào từ một phía gọi là mặt/cửa bếp, các phía còn lại đôi khi phải che chắn gió khỏi bị mất nhiệt hoặc tắt lửa. Do đó cửa bếp phải đủ rộng để đưa củi vào, nhất là dùng đá, gạch làm chân bếp (ông đầu ra) mà đặt nhiều ông đầu ra thì còn đâu cửa để đưa củi vào.
    Từ 3 ông đầu rau đến 3 chân kiềng rồi huyễn hoặc hoá thành chuyện 2 ông 1 bà là vậy.
    Thổ công và các thần linh và Thành hoàng làng cai quản các nhà là rất linh thiêng. Hàng năm đều phải kính lễ vào ngày 22 tháng Chạp, sớm hơn người Tàu 1 ngày. Mọi Thánh Thần đều ngự trên bàn thờ. Thánh Thần đâu có ngồi bệt mà cúng vỉa hè, xó bếp. Vàng mã, cá chép là chuyện bịa ra. Nay đừng làm vậy nữa. Sẽ bàn tiếp chuyện này.
    Cảm ơn TS NXD!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tại sao lại là 3 mà không phải là 4.
      Kiềng ba chân, đầu rau 3 hòn, đá 3 cục, gạch 3 viên.
      Tại vì làm vậy nó vững, không bị cập kênh chứ còn sao nữa.
      Còn thầy dậy toán cho em thì bảo em rằng
      " ba điểm xác định một mặt phẳng".

      Xóa
  28. Chào anh Diện, bài viết về Táo quân rất là hay ! Tôi xin được dùng bài của anh để đăng tải lại trên các Website cá nhân của mình Và không đổi tên tác giả sưu tầm ạ : " TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện sưu tầm " ạ

    Trả lờiXóa
  29. Tôi ủng hộ việc xem xét nhập Tết Cổ Truyền vào Tết Dương Lịch không hẳn vì đúng sai hay cái nào có lợi hơn cái nào, mà là vì tôi muốn ủng hộ những Tư Duy Thay Đổi và Phát Triển!
    Tôi muốn chống lại tư tưởng thủ cựu cổ hủ, luôn phản đối những thay đổi, triệt hạ những quan điểm đổi mới cách tân. Điều đó làm Xã Hội thui chột tụt hậu và hèn kém!
    Việt Nam mấy ngàn năm qua đã trả giá nhiều lần thảm hại cho những tư tưởng cổ hủ hèn kém, từ việc mở của với Phương Tây, cho đến thay đổi Xã Hội dân chủ, tất cả đều có hậu quả tệ hại nhục nhã!
    Một ý kiến cách tân có thể đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là nó được đón nhận, bàn luận cân nhắc đong đếm xem lợi hay hại, tốt hay xấu để rồi quyết định có triển khai hay không!
    Còn một Xã Hội xúm lại chửi rủa mạt sát bằng mọi ngôn ngữ mất dạy vô học nhất trước 1 ý kiến cách tân thì Xã Hội đó chắc chắn mãi ngu dốt hèn kém và nghèo nàn mà thôi!
    Tôi dù hy sinh tất cả để dân tộc tôi thay đổi quan điểm tốt hơn với những cách tân, để họ có thể phát triển, hết u mê tăm tối thì tôi cũng mãn nguyện mà làm!
    Hãy cố suy nghĩ trước khi chửi bới như những kẻ vô não!
    < S h a r e . k h ô n g . c ầ n . h ỏ i >
    BS HUYNH PHUOC SANG

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. THAY ĐỔI ĐỂ PHÙ HỢP
      Đất Trời thay đổi, xã hội thay đổi, con người cũng thay đổi...Cho nên, những hoạt động CŨ cũng cần phải thay đổi MỚI cho phù hợp với những thay đổi trên
      Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn 2 mặt là: không phải cái mới là luôn tốt hơn cái cũ đâu...

      Xóa
  30. Táo ta, táo tàu đều là táo, do cái thứ văn hóa rườm rà, tự tạo ra ma quỷ, thần thánh trói buộc con người của tàu mà ra. Các bác khoan hãy chửi người viết còm này. Nhật, Hàn nó thoát tàu vì nó bỏ tết tàu chỉ có tết dương lịch như người âu, mỹ. Việt Nam ngàn đời lệ thuộc tàu quanh năm, suốt tháng xì xụp cúng khấn, hội hè đình đám. Người Việt Nam bị trói buộc vì hủ tục, làm được mấy đồng chỉ lo hương khói và chữa bệnh.

    Trả lờiXóa