Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Lễ Khai ấn Đền Trần: LINH THIÊNG HAY LỪA LỌC?


L Khai n đn Trn: Linh thiêng hay la lc ?

Trọng Thành (RFI)
Bài đăng : Chủ nhật 31 Tháng Bẩy 2011

RFI: Xin thân chào nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, như anh biết, tại Việt Nam hiện nay, có một cuộc tranh luận xung quanh lĩnh vực tín ngưỡng và lễ hội, liên quan đến vấn đề «Phát ấn đền Trần», Phát ấn tại đền Trần Nam Định. Vấn đề này gây ra tranh cãi nhiều trên báo chí Việt Nam, cũng như là trong xã hội. Anh có thể cho biết, vì sao việc Phát ấn đền Trần, một hoạt động thuộc về văn hóa, lễ hội cũng như tín ngưỡng truyền thống mà lại trở thành một chủ đề gây nhiều tranh luận tại Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như vài năm trở lại đây ?

Nguyễn Xuân Diện: Thưa anh, sở dĩ có điều này, vì lễ Khai ấn đền Trần hàng năm đã gây ra lộn xộn, mất trật tự an ninh trong đêm 14 tháng Giêng. Và các nhà nghiên cứu thấy rằng, việc biến một lễ hội, từ một lễ hội nhỏ bé vùng Nam Định (phường Lộc Vượng) trở thành một lễ hội mang tính chất quốc gia, với sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp của chính phủ, của Nhà nước, điều này khiến dư luận rất bức xúc. Một điều nữa là, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc triển khai lễ Khai ấn đền Trần rầm rộ, không dựa theo một chứng cứ lịch sử nào, thì đó là một sự xuyên tạc nghiêm trọng đối với lịch sử nước nhà.

Về phía tôi, thì tôi thấy rằng là lễ hội đền Trần nói chung, và lễ hội Khai ấn đền Trần nói riêng, là một hoạt động đã xa rời lịch sử, Nhà nước đã tự đánh mất đi cái vai trò của mình trong việc giáo dục truyền thống, về những trang sử vẻ vang hào hùng của đời nhà Trần. Đó là thời đại «thượng mã đề thương, hạ mã đề thi», là tinh thần của hào khí Đông A, là tinh thần của «hòa quang đồng trần». Thì tất cả những điều này đã không được tuyên truyền ở lễ hội đó.

Người ta nhìn vào lễ hội đền Trần chỉ thấy một sự lộn xộn, một sự quảng bá cho một niềm tin mê lầm, rằng ấn đền Trần có thể mang lại cho người ta sự thăng quan tiến chức.

RFI: Thưa anh, vậy nguồn gốc từ đâu mà lễ Phát ấn đền Trần lại được tổ chức tổ chức như thế này ?

Nguyễn Xuân Diện: Ở đây tôi phải nói lại rằng là, sở dĩ lễ hội đền Trần đã được các cơ quan văn hóa, cũng như tỉnh Nam Định muốn biến nó thành một lễ hội quốc gia, thì nguyên nhân là do sự đặt hàng của tỉnh Nam Định đối với Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, tức là một viện chiến lược của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT & DL), mặc dù đó chỉ là một lễ hội nhỏ bé thuộc một vùng ngoại vi thành phố Nam Định.

Cho đến nay các nhà nghiên cứu đã không xuất trình được một tài liệu nào để nói rằng lễ Khai ấn đền Trần là một lễ lớn và đã được chính sử ghi chép. Thực ra nó chỉ là một lễ hội, mà trong đêm 14, cái cụ thủ từ ở đền Trần đó đóng 9 cái ấn vào 9 tấm vải hoặc miếng giấy vàng để phát cho 9 điện thờ ở xung quanh đó. Đấy chỉ là một cái ấn tín mang tính chất tôn giáo, mà ở đây mang tính Đạo giáo (hay Lão giáo). Cái ấn này chỉ là một cái ấn để trừ tà ma thôi, thế nhưng không hiểu vì lý do gì, mà Viện Văn hóa Nghệ thuật và ngành Văn hóa tỉnh Nam Định đã biến nó thành một lễ Khai ấn được tiến hành ở triều đình sau những ngày nghỉ lễ tết.

Và hình như tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật vẫn muốn lễ này được tiến hành rầm rộ như những năm trước, cho nên người ta đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và thực chất là để hợp pháp hóa, «nhà nước hóa», «hành chính hóa» một lễ hội mang tính tâm linh tôn giáo như thế. Tôi thấy rằng cái ý chí ấy của các nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa Nghệ thuật, cũng như Sở Văn hóa tỉnh Nam Định, hay tỉnh Nam Định là một điều mà chắc chắn, hoặc đã từng vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà nghiên cứu, ví dụ như giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc ở Viện Việt Nam học và phát triển, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên ở Viện Khảo cổ học, rồi giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, hay giáo sư tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tín ngưỡng và Văn hóa Việt Nam,… Đấy là bối cảnh chung của các cuộc tranh luận gần đây.

RFI: Thưa anh, vậy thì, theo anh ở Việt Nam có những giải pháp nào đã và đang được đề ra để thoát ra khỏi tình trạng mâu thuẫn và tạm gọi là bế tắc hiện nay?

Nguyễn Xuân Diện: Các nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa Nghệ thuật, tức Viện chiến lược của Bộ Văn hóa thì vẫn muốn tiến hành cái lễ Phát ấn này. Nhưng tôi, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, rồi tiến sĩ Lê Thị Minh Lý là Phó Cục trưởng Cục Di sản, rồi tiến sĩ Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL và nhiều người khác nữa thì cho rằng: bây giờ những cái gì của dân gian thì phải trả về cho dân gian, quy mô của nó như thế nào thì phải trở về như cũ, và tiến hành theo đúng nghi lễ truyền thống ngày xưa.

RFI: Anh có nói đến chuyện trả cái nghi lễ này về văn hóa dân gian của địa phương, thì điều này cụ thể là gì ?

Nguyễn Xuân Diện: Cụ thể là chúng tôi cho rằng, vẫn nên duy trì lễ hội Phát ấn đền Trần, nhưng nó chỉ là một nghi lễ trong làng, và nó không được thổi phồng, nâng cấp lên thành lễ hội quốc gia. Đêm 14 thì cụ thủ từ lấy ấn và tiến hành đóng 9 cái ấn và phát cho 9 ngôi đền xung quanh để thờ cúng. Không phát ấn cho bất cứ người nào, và toàn bộ cái lễ này chỉ tiến hành trong nửa đêm ngày 14 như thế thôi. Chứ không phát ấn hay bán ấn.

RFI: Quan điểm của Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL đưa ra đầu năm nay là không phát ấn vào đêm 14 tại đền Trần vì lý do an ninh, và để mở ra khả năng hoặc không phát hẳn hoặc phát vào những ngày tiếp theo. Vậy ý kiến của anh ra sao về quan điểm của ông bộ trưởng?

Nguyễn Xuân Diện: Quan điểm của tôi trước sau như một, tức là đúng giờ Tý, tức nửa đêm 14 rạng ngày 15 sẽ có lễ đóng ấn. Chỉ đóng 9 ấn và phát 9 cái mà thôi. Tại Hội thảo, tôi nói rằng, tỉnh Nam Định nên công bố trên báo chí ngay sau Tết. Như vậy mới có thể làm cho người ta hiểu đúng về cái lễ hội đền Trần nói chung và việc đóng ấn và phát ấn nói riêng.

Chúng tôi cũng không nên «duy ý chí» trong việc không đóng ấn trong đêm 14 để bảo đảm vấn đề an ninh. Vấn đề an ninh là của các cơ quan an ninh. Còn vấn đề văn hóa tâm linh là vấn đề của cộng đồng. Ở đây chúng ta phải tách bạch hai vấn đề này với nhau. Một khi tỉnh Nam Định công bố rằng «chúng tôi» sẽ đóng ấn vào đúng giờ Tý và sẽ chỉ phát 9 cái ấn xung quanh đền, thì an ninh không còn trở thành vấn nạn như mọi năm nữa, vì người ta sẽ không đến nữa.

RFI: Thưa anh, giải pháp mà anh đề ra tức là trung thành với lịch sử, thế nhưng có những người lại cho rằng, cái văn hóa cũng có lúc chuyển đổi và khi mà văn hóa chuyển đối, chuyển đối và trở nên thu hút hơn, mà mình lại dùng một cái mệnh lệnh từ cấp trên ban xuống không cho phép làm như vậy, thì phải chăng đấy cũng là một cách hành chính hóa, nhà nước hóa đối với một hoạt động văn hóa của xã hội theo một cách khác?

Nguyễn Xuân Diện: Hoàn toàn không phải như vậy, ngay ở trong Hội thảo mà tôi vừa tham gia (đây là hội thảo được tổ chức vào ngày 18/7/2011 tại Nam Định do chính quyền tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ VH, TT & DL phối hợp tổ chức), trước ý kiến đề nghị đóng ấn và phát ấn vào những ngày rải rác sau đó, thì cái cụ thủ từ, cũng như ông đại diện gia tộc Trần ở Nam Định, cũng nói rằng chúng tôi không tán thành điều này, chúng tôi muốn cái nghi lễ linh thiêng này được diễn ra vào lúc nửa đêm ngày 14.

Ở đây tôi muốn nói thêm, hội thảo 19/7 vừa rồi là để bàn về mô hình lễ hội đền Trần nói chung vào năm 2012. Trong hội thảo này tôi đã phát biểu và tôi phê bình những người lập dự án đó là: bất cứ lễ hội nào, một khi có nhà nước «dúng» vào, tức là muốn nâng cấp thành lễ hội thành cấp vùng, cấp tỉnh hay quốc gia, thì phải có một «trục tư tuởng» xuyên suốt trong lễ hội đó. Thì ở đây, có nghĩa là phải tuyên truyền được cái hào khí Đông A, cái tinh thần thượng võ và cái tinh thần khai phóng, thế nhưng rất là tiếc rằng trong bản đề án lễ hội không có gì nhắc đến chuyện này. Vậy thì, bản thân cái việc đó chứng minh rằng Viện Văn hóa Nghệ thuật không hiểu gì về công việc mình đang làm.

Điểm thứ hai là đề xuất của Viện Văn hóa Nghệ thuật đặt tiêu đề hội thảo là «Mô hình lễ hội đền Trần» nói chung, thế nhưng cả đề án lại chỉ chăm chăm vào việc Phát ấn và đóng ấn, mà bỏ quên tất cả các chuyện khác. Như vậy, tôi thấy rằng, một khi nhà nước muốn «bao» cái lễ hội này, thì phải làm một cách đúng đắn, phải có cơ sở khoa học, phải có lớp lang, chứ không phải tùy tiện, như Viện Văn hóa Nghệ thuật đang muốn làm bây giờ.

RFI: Nếu như một giải pháp sang năm được thực thi, trong đó chính quyền đầu tư mở rộng diện tích nơi lễ hội, khiến lễ hội trở nên lớn hơn, to hơn, và ấn phát một cách dễ dàng hơn, mà lại tổ chức vào ngày giờ được cộng đồng tín ngưỡng địa phương mong muốn, thì phải chăng giải pháp tổng hợp như vậy sẽ thỏa mãn được nhiều ý kiến khác biệt, đúng không ạ?

Nguyễn Xuân Diện: Về chuyện thỏa mãn số đông, trong hội thảo vừa rồi, ông Đặng Văn Bài - phó giáo sư tiến sĩ -, đã đưa ra ý kiến rằng nhân dân mong muốn gì, chính quyền sẽ đáp ứng điều đó, nhân dân muốn có ấn, chính quyền sẽ cung cấp. Tôi cho rằng đây là một phát biểu thiếu trách nhiệm và duy ý chí. Không phải bất cứ điều gì mà nhân dân mong muốn, nhất là vấn đề tín ngưỡng, thì chính quyền cũng có thể đáp ứng, bởi vì vai trò của chính quyền là phải định hướng cho nhân dân, phải dẫn dắt nhân dân đến những điều tốt đẹp. Nếu như lễ hội đền Trần mà chính quyền thổi được vào đó cái hồn của hào khí Đông A, tinh thần thượng võ, tinh thần khai phóng, những cái điểm tốt đẹp nhất của đời Trần, thì chắc chắn sẽ được ủng hộ.

Ngược lại, ở đây tôi xin nói luôn: nếu lễ hội đền Trần có trọng tâm là lễ Khai ấn, mà trong lễ Khai ấn lại khuyến khích chuyện thăng quan, tiến chức, lợi lộc, quyền hành thì tôi cho rằng đấy là một việc rất không nên. Và nếu như chính quyền của tỉnh Nam Định dẫn dắt địa phương mình, cũng như dẫn dắt những người muốn đến dự đền Trần theo kiểu như thế, thì tôi cho rằng đấy thật là một điều vô cùng lầm lạc.

RFI: Thưa anh, xin được hỏi anh một câu cuối: quan điểm của anh về chuyện «phát ấn đền Trần» là phải giữ nguyên truyền thống, nhưng lại có một quan điểm khác cho rằng trong xã hội hiện đại hiện nay, một xã hội mở, thay đổi và có thể nói là dân chủ, thì cái chuyện chuyển hóa, cải tiến cái truyền thống có thể xảy ra. Và nhiều chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, họ cũng ủng hộ một cái nhìn «động» cho rằng, các truyền thống có thể thay đổi và có thể cải biên. Vậy ý kiến anh về chuyện này như thế nào ?

Nguyễn Xuân Diện: Tôi hiểu rằng truyền thống, các giá trị văn hóa vẫn được tiếp nối, vẫn được bổ sung qua các hoàn cảnh, cũng những thời kỳ lịch sử, thế nhưng trong chuyện này, cái điều gọi là phát huy hay cập nhật nó phải diễn ra trong một không gian và bối cảnh chung, đó là lễ hội đền Trần, tức là phải mở rộng lễ hội lớn hơn, đầy đủ hơn, có trục tư tưởng rõ ràng, có mục đích giáo dục truyền thống rõ ràng, thì điều đó chúng tôi rất khuyến khích.

Tất nhiên, trong lễ hội đền Trần nói chung, nghi lễ Phát ấn là hạt nhân, nhưng chính vì nó là hạt nhân mà phải cần giữ gìn nó đúng như truyền thống. Ở đây yếu tố Khai ấn và Phát ấn phải là yếu tố "tĩnh" trong một cái "động" là toàn bộ lễ hội đền Trần sẽ diễn ra trong nhiều ngày trong dịp rằm tháng Giêng, nếu là như vậy thì tôi rất tán thành.

RFI: Ban Việt ngữ RFI xin chân thành tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.

Nguồn: RFI Tiếng Việt. 
Mời chư vị nghe âm thanh của cuộc phỏng vấn:
.


Mời chư vị đọc thêm các bài viết: 

58 nhận xét :

  1. Nếu mà ngừng phát ấn thì mất nguồn thu của một số người bác Diện ơi. Nên không có chuyện dừng đâu bác ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. RẤT THƯƠNG CHO KẺ CHÁN CHƯỜNG
      VẬN MAY TÌM ĐẾN CON ĐƯỜNG THẦN LINH,
      ẤN TRIỀU XƯA ĐÃ LẶNG THINH
      CHỈ CÒN ẤN MIẾU ẤN ĐÌNH ĐÓ THÔI
      MỘT ĐỜI BÈO DẠT MÂY TRÔI
      LẤY NIỀM TIN GỬI Ở NƠI CUỐI TRỜI
      SỰ ĐỜI ĐẾN THẾ THÌ THÔI !

      Xóa
    2. ông Đinh Đức Lập nguyên Tổng biên tập báo Đại đoàn kết có ấn đền Trần năm 2014 nhưng đến tháng 7.2014 vẫn đứt chức như thường.

      Xóa
  2. Đây là hiện tượng buôn Thần bán Thánh đó mà.Chả biết sau vụ bình chọn cho Vịnh Hạ Long thì các quan chức ngành văn hóa đã nối lại "dây thần kinh xấu hổ" chưa

    Trả lờiXóa
  3. Nên loại bỏ việc "buôn thần bán thánh" đó là hủ tục phát sinh từ thói tham tiền, thói "mua quan bán tước" trong những giai đọan suy đồi.

    Trả lờiXóa
  4. Phát ấn đền Trần : Cấm hay không ?
    ...
    Mình thấy những người tham gia Lễ khai ấn đền Trần về cơ bản gồm ba loại. Thứ nhất là những người sắp có chức tước hay đang có chức, rồi đã có tước nhưng mong muốn có vị trí cao hơn nữa hoặc có chức tước nhưng chưa chắc chắn, dễ bị lung lay. Thứ hai là những người chả có chức tước gì (và chắc chắn chả bao giờ có) cũng mơ chức tước. Đây là cái bệnh của không ít người Việt có tên là “Bệnh hám quan”. Ngày xưa “Một kẻ làm quan, cả họ được nhờ” chứ bây giờ một kẻ làm quan nhiều họ được nhờ, cả làng cả xã được nhờ nên chuyện người ta “ôm giấc mơ quan” cũng chả có gì là lạ. Thứ ba là những người đi chơi xuân (trong đó có mình). Đám này gồm những người chả có chức tước gì mà cầu và cũng biết có cầu cũng chả được, đi chủ yếu là để du xuân nên việc xin được ấn hay không cũng không là vấn đề quan trọng
    ...
    http://tintuc.xalo.vn/00242730141/Phat_an_den_Tran_Cam_hay_khong.html

    Trả lờiXóa
  5. Theo mình thì chỉ cần yêu cầu tỉnh Nam Định cũng như đền Trần tuyên truyền rộng rãi trên báo chí cũng như ngay tại đền Trần là ấn không có giá trị giúp thăng quan tiến chức. Ấn chỉ có giá trị giúp người mang nó có cái hào khí Đông A, hoặc tăng cường sức khỏe... Ai muốn mua thì cứ phát thoải mái.
    Tin rằng chỉ cần nhà đền thông báo công khai như thế thôi là cũng khối người không đến xin ấn nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mập mờ mới kiếm ăn, chứ như bác thì ... cạp đất mà ăn há !
      he he he

      Xóa
  6. Thứ ba, ngày 19 tháng bảy năm 2011MỘT CUỘC HỘI THẢO THỪA HƠI NÊN RẤT NỔ
    CÓ MỘT CUỘC HỘI THẢO NỔ RẤT TO LỚN ở Nam Định, họp mặt toàn những vị TO ĐOÀNG để bàn một việcTO ĐÙNG về một cái ấn huyền thoại TO TO đã gây ra một cơn lên đồng tập thể TO VẬT VÃ cho dân nước một quốc gia thích sống bằng sự tích hoang đường để bôi nhòe đi một đời thực nghèo khổ.
    Một cuộc" tụ tập" phí tiền dân , miễn nhiều lời bàn cãi.
    Cứ thế này thì bao giờ khá lên được hở giời.
    Nói cho ngay một câu, định cả nước làm quan à ? Hay định đua một kỷ lục Guinness : VN có tỉ lệ quan / dân số cao nhất thế giới đây.
    Nói cho vuông một câu, cái lễ hội phát ấn này tập hợp đầy đủ nhất tất cả các thói hư tật xấu của người Việt từ vĩ mô đến vi mô, từ quan chức đại gia thượng lưu quí sờ tộc đến dân đen ít học. Từ ý tưởng tư tưởng của lễ hội chả có cái gì là truyền thống tốt đẹp mà chỉ lòi ra cái thói háo danh, thích làm quan làm cha thiên hạ. Đến cái cách thức làm đồ dởm hàng chợ hàng loạt để bán cho những kẻ lười, ngu, mê tín dị đoan mang về treo lên tường một cái hy vọng rất vớ vẩn. Từ cái cảnh hàng ngàn xe hơi các đời công tư chen nhau xịt khói đến cái đoạn dân tàng tàng nghèo nghèo cũng chen chúc nhung nhúc , đổ mồ hôi sôi nước mắt, đánh nhau chửi nhau để kiếm được con ấn làm bùa về dán vào cái chỗ nào đó của con mèo.
    Mà khổ quá có phải ấn iếc gì đâu, một manh vải đỏ in vào đấy vài cái chữ tàu lem nhem, mà đến 99% chẳng thằng nào biết đọc là cái chữ chi chi.
    Nhìn vào cái cảnh nhưng nhức ấy liên tưởng đến những đồng chí sâu mà bác Tư Sang đã ví von trong speech của ông khi than về tham quan ô lại.
    Lại nghĩ dân ta phải tập làm quen sống chung với sâu thôi, như lời bác Hùng Hói đã truyền dạy. Vì bác í bảo cái good idea kiểu là : nếu vớt hết sâu thì nồi canh cũng rầu quá mà hết nước lẫn cái.
    Còn thực tình , nói ngay cho nó tròn, nếu có thánh thần linh thiêng phù hộ độ trì cho dân nước Giao Chỉ thời đại @ thì xin đề nghị các cụ làng Lộc Vượng đóng cho đúng 9 phát ấn ưu tiên cho các quan thật đang cai quản cai trị các mảng miếng về giao thông, năng lượng, Vinashin, ngân hàng, chứng khoán, bộ học, bộ than , bộ lễ, bộ gì gì đó nữa cho đủ 9 bộ đồng tình.
    Các tiên tổ nhà Trần mà phù hộ được cho 9 bộ ấy làm quan cho nó good thì dân đen con đỏ chúng con đội ơn lắm lắm. Gia chủ xin phép cáo lui đặng còn đi xếp hàng gạch đá nón mê xí chỗ xin cho con vào mẫu giáo.

    Trả lờiXóa
  7. Khai ấn để phát không hay bán ?
    Méo mó hết rồi
    Chán...!!!

    TH

    Trả lờiXóa
  8. Vớ va vớ vẩn, mang Thần Thánh ra mà kinh doanh. Đúng là con người VN để có tiền gi gỉ gì gi cái gì cũng BÁN...

    Trả lờiXóa
  9. Ý kiến của TS Nguyễn Xuân Diện hòan toàn chính xác.
    Dù ban tổ chức lễ hội có đưa ra ý kiến gì,thì đây cũng là sự lợi dụng sự tín ngưỡng của mọi người để làm tiền,mục đích chính là móc hầu bao của du khách.Hơn nữa,qua cách làm việc này không khác gì tỉnh Nam Định đã khuyến khích,đã nhồi nhét vào đầu du khách một sự cuồng tín về mê tín dị đoan.Như vậy không khác nào"Trống đánh xuôi,kèn thổi ngược",chính quyền luôn kêu gọi nhân dân chống mọi hành vi mê tín dị đoan,nhưng việc làm này của tỉnh Nam Định lại đi ngược lại.Thiết nghĩ nếu vì muốn có nguồn thu trong những lễ hội như vậy,thì chính quyền đừng kêu gọi người dân chống mê tín dị đoan nữa.
    Chính quyền cấm mọi hành vi mê tín dị đoan,cấm buôn thần,bán thánh mà chính mình lại có hành động biến tướng lễ hội như vậy,thì người dân sẽ nghĩ gì?

    Trả lờiXóa
  10. Bây giờ chỉ cần ông TBT Nguyễn Phú Trọng ra QĐ cấm bất kỳ ĐV nào đến xin ấn , nếu bị báo chí chụp được ảnh đến xin ấn sẽ bị khai trừ Đảng ngay lập tức , mỗi ảnh báo chí chụp được thưởng 1 triệu đồng. Hôm sau hết chuyện về "phát ấn tín" . CHẲNG CÓ GÌ KHÔNG LÀM ĐƯỢC NẾU THỰC SỰ MUỐN LÀM!

    Trả lờiXóa
  11. Nếu tất tật các ông quan từ to như Trung ương,bé như địa phương, đến các người dân từ kẻ ăn xin đến kẻ giàu có đều tin là ai được phát ấn đều thành quan hết thì cả tỉnh Nam Định và hầu hêt dân ở các tỉnh trong cả nước đã là quan hết từ lâu rồi.Nếu đúng như những kẻ buôn thần,bán thánh tuyên truyên,thì đến một ngày nào đó dân cả nước Việt Nam sẽ thành quan tất tật,Việt Nam không có dân nữa.Ôi nếu cả nước toàn là quan,không có dân thì thế nào nhỉ?không có dân thì lấy ai làm để đóng thuế cho quan có cái mà gặm đây.Nếu như vậy thì các quan lớn,bé chỉ còn nước ăn đất thay cơm mà thôi.
    Ôi! thời buổi thật nực cười,ai cũng tranh giành nhau để làm"đầy tớ".
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quan bây giờ nhiều lắm . Ở phường tôi , bảo vệ cơ quan CA mà cũng cấp bậc trung tá kia đấy .

      Xóa
  12. Cả bà đồng nát cũng muốn xin ấn làm quan. Nực cười quá

    Trả lờiXóa
  13. Không tổ chức "lễ hội" thì (bọn buôn thần bán thánh địa phương) lấy gì mà ăn?Rồi lấy gì làm niềm tin cho lũ tham quan ô lại (vô học) muốn được thăng quan tiến chức?
    Người ta đã thu,chụp và đưa lên mạng cả lời cầu xin lên chức của một cậu công an thả xuống suối Lê nin nhiều năm trước,

    Trả lờiXóa
  14. Cứ tạm cho phát ấn nhưng phải chụp ảnh, ghi hình những người đến mua - nhận ấn. Chắc chắn chẳng có ông nông dân, chị công nhân nào đến mua - nhận ấn đâu, vì họ đâu phải đối tượng "phấn đấu" lên chức, lên quyền! Quy định các công chức, quan chức đến mua - nhận ấn sẽ được công khai hình ảnh trên báo chí, truyền hình cho bàn dân thiên hạ biết. Thử như vậy xem các quan chức có đến mua ấn không? Chắc chắn hầu hết các quan chức sẽ không dám đến mua ấn. Như thế, sang năm các cụ sẽ chỉ phải đóng 9 dấu ấn cho 9 cái đền xung quanh như lệ truyền thống thôi.

    Trả lờiXóa
  15. đi lễ thánh chẳng khác nào đi tranh cướp! nói thật, thánh mà thiêng theo kiểu này thì tôi ko tôn vinh thánh! hãy trả lại cái gì là nguyên bản, chỉ thêm vào cái nhân văn cao cả hơn thôi

    Trả lờiXóa
  16. Theo tớ không nên khuyến khích mà cũng không nên kỳ thị, phản bác. Đã chấp nhận cơ chế thị trường thì phải rộng lượng với nghề buôn, cái gì có lãi được thì cứ buôn, "buôn thần bán thánh" cũng là một kiểu buôn, ngày xứ Lã Bất Vi còn buôn vua đấy thôi, bây gời có thêm nghề buôn nước bọt đang rất phát đạt. Có điều theo kinh nghiệm của tớ thì kẻ nào buôn thần bán thánh đều phải bị trả giá, không sớm thì muộn, không đời này thì đời sau, cứ để ý theo dõi mà xem, người trần không trị được thì có thần thánh trị.

    Trả lờiXóa
  17. Về mặt thư thể của ấn chương đền Trần như đã thấy xuất hiện trên báo và mạng thấy ghi bốn chữ "TRẦN TRIỀU TỰ ĐIỂN" không bàn về nội dung,chỉ xét về mặt thư pháp đã thấy rất bôi bác.Ấn chương của triều đình phải được khắc bằng triện thư với một bút pháp trang trọng và nghiêm cẩn ,thể hiện cho được tinh hoa,hoc thuật và sức mạnh của một triều đại lẫy lừng trong lịch sử Việt nam.Còn ở đây tôi thấy chữ triện khắc rất nghệch ngoạc,cẩu thả giống như con dấu khoai lang.Không thể làm tuỳ tiện như vậy,các nhà nghiên cứu Hán -Nôm,các nhà sử học cần phải lên tiếng khẩn cấp.
    Chung Tú-Saigon

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "TRẦN MIẾU TỰ ĐIỂN" chứ không phải "Trần triều tự điển".(tức là ấn của miếu, chứ không phải ấn của triều đình nhà Trần> Khi họ Hồ lên thay họ Trần thì chắc ấn Trần chẳng còn?)) Gọi là ấn triện thì phải khắc bằng chữ Triện ! Đây lại khắc bằng chữ Khải nghĩa là ấn mới không phải ấn cổ. Nói thế, chứ lên hàng Trống Hà nội bạn có ấn chữ Triện liền. Tiếc thay cái gọi là ấn cổ ?

      Xóa
  18. Lễ hội kiểu nầy chỉ tổ bêu xấu đất nước thôi! Có còn biết nhục vinh, quốc thể là gì nữa hay không?!

    Trả lờiXóa
  19. Anh xem nè, cái ấn này cũng linh nghiệm lắm đấy, Ấn Đền Trần tại Phòng làm việc của một Hiệu trưởng. Lên chức vù vù đó. Anh Diện nên nghiên cứu về hiệu nghiệm của việc sử dụng ấn nhé.
    http://www.edunews.vn/channel/3005/201212/Cac-truong-khoa-su-pham-can-thay-doi-cach-dao-tao-1965752/
    Và lễ khai ấn lại được mở rộng nữa rồi này nhé. He he
    http://dantri.com.vn/xa-hoi/xu-thanh-no-nuc-mo-hoi-phat-an-den-tran-699716.htm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hic, hình hơi nhỏ nên tôi nhìn mãi không ra trên "ấn" có chữ gì, phóng to lên thì chữ lại nhòe hết cả. Nếu cái được đặt rất trang trọng trên kệ sách của vị hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm này đúng là "Ấn Đền Trần" thì tôi cũng hết ý kiến luôn!

      Tò mò đọc bài phỏng vấn (về đề tài đào tạo sinh viên sư phạm), thấy vị tiến sĩ hiệu trưởng này nói đi nói lại rất nhiều lần hai chữ "kỹ năng", dễ phải đến hơn 10 lần, trong số đó có cả "kỹ năng sống" nữa. Thú thực đây là cái từ thời thượng mà tôi rất kỵ, bởi theo dõi thông tin trong nước, ít là ở Sài Gòn, thời gian gần đây nở rộ nhiều quảng cáo các khóa huấn luyện "kỹ năng" hay "kỹ năng sống" với giá học phí trên trời, mà theo tôi là rất đáng ngờ về nội dung.

      Thế đấy, sau một thời gian dài giáo dục bị chính trị hóa, giờ thì kinh tế thị trường rồi, đồng tiền trên hết, giáo dục mất hướng bèn xoay qua "kỹ năng" hóa. Quá lâu rồi, không thấy ai nhắc đến tầm quan trọng của... Tâm Năng nhỉ? Bởi một thời gian dài không chú trọng đến giáo dục tâm hồn, giáo dục chiều kích tâm linh cho thế hệ trẻ... nên mới xảy ra những cảnh thiên hạ chen nhau đi "mua thánh mua thần" ở các lễ hội như thế này đây!

      Xóa
    2. Bác tinh tường quá!

      Xóa
  20. một thể chế sai lầm dẫn tới một nền giáo dục lệch chuẩn tiếp đến sẽ tạo ra một xã hội lệch lạc đảo điên.tôi rất đồng tình với Ts Nguyễn Xuân Diện .vì sự tôn trọng đối với lịch sử mà đã lên tiếng phản đối Tôi tin rằng với sự trăn trở của ts cùng các nhân sĩ trí thức thì rồi đây những gì thuộc về lich sử sẽ được trở về đúng với bản chất giá trị của nó

    Trả lờiXóa
  21. Ai cũng biết ấn triều Trần bây giờ không thể còn được, bởi nó bị nhà Hồ cướp ngôi và hủy ấn rồi. Ấn Đền Trần là ấn của di tích Đền Trần tại Lộc vượng Mỹ Lộc Nam Đinh mà thôi. Vì vậy nó không có ý nghĩa khai ấn cho các quan để bước vào bắt đầu cho một năm mới làm việc được hiệu quả. Khốn nỗi các quan chức lại coi ấn ấy là bảo bối, là thần hộ mệnh cho những kém cỏi và tham nhũng, nên đã từ lâu đua nhau về lấy ấn, ông "to" có ông "nhỏ" ông Giám đốc có ông quân đội có...Là người dân ở Nam Định chúng tôi đã chứng kiến việc này, xe biển xanh nhiều hơn xe biển đen, trông ông nào cũng uy nghi bệ vệ lắm vẻ quyền thế và tiền bạc lộ cả ra mặt. Những người hiểu biết thì cười thầm trong bụng và cho qua vì sao lễ hội cũng làm cho địa phương chúng tôi tự hào bởi Lộc Vượng là nơi phát tích của nhà Trần chứ không như những nơi khác. Nhưng nghiêm túc mà nói chúng tôi không muốn thổi phồng hay bóp méo truyền thống vì rằng như vậy không còn truyền thống nữa. Đất Nam Định vốn tự hào được xem là đất học càng không muốn thiên hạ cho là kẻ "bất tri". Nói như ["ông Đặng Văn Bài - phó giáo sư tiến sĩ -, đã đưa ra ý kiến rằng nhân dân mong muốn gì, chính quyền sẽ đáp ứng điều đó, nhân dân muốn có ấn, chính quyền sẽ cung cấp"] thì người Nam Định chúng tôi cho rằng không phải vì ông thiếu trách nhiệm đâu, mà là ông chỉ nghĩ được có thế. Đời nhà Trần là một triều đại phong kiến huy hoàng với ngổn ngang công tích, có những cái mà vẫn còn giá trị cho dân tộc đương đại. Cho nên lễ hội đền Trần có một ngàn lẻ cái truyền thống để quảng bá chứ đâu chỉ có "phát ấn". Nhưng vì "họ" thích phát ấn, không có ấn thì mất đi cái bùa hộ mệnh tâm linh, có ấn thì đêm mới ăn ngon ngủ yên được. Xã hội đáp ứng theo luật cung-cầu, có mua thì có bán (hích!). Thánh thần linh ứng chứng giám đâu là chân đâu là tà, "buôn thần bán thánh" lợi dụng lễ hội để lấy tiền, xây chùa để kinh doanh du lịch thì đâu còn là cái "chân như" nữa , như vậy liệu có phải là kẻ thiện tâm mà mong phúc trạch đến được ! Cho nên mong những người có trách nhiệm trả lại cái cốt cách nguyên sơ của lễ hội, có vậy mới là văn hóa.
    Lão nông ẩn danh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói nhại theo nhạc sĩ Trần Tiến: " Không có ấn đền Trần thì ...chết mất" (mời bạn nghe bài hát 5 người của Trần tiến trên "phây" )

      Xóa
  22. Hỡi ơi,
    Đất học ngày xưa nay chỉ thấy KIẾM XÈNG là cao quý nhất.

    Như TS Diện cho biết: Chỉ 3 ngày lễ hội phát ấn mà Nam định thu về 14 tỷ... Chả trách, "máu tham hễ thấy hơi đồng là mê" !?

    Thật là THỜI NƯỚC LOẠN !

    Trả lờiXóa
  23. Ở cái thời mà những giá trị đạo đức bị xếp dưới những giá trị về tiền bạc thì xã hội đảo điên. Thời phong kiến, người làm quan còn chuẩn mực đạo đức : tu thân , tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Ngày nay người lam quan chẳng cần tu thân . Tu làm gì cho khổ cái thân. Khép mình vào những tiêu chuẩn đạo đức chỉ tổ thiên hạ cười. Không cần tề gia. Vợ lớn vợ bé đều là vợ cả. Bồ nhí chân dài là cái mốt. Còn trị quốc thì đã có Đảng lo. Bình hiên hạ. Nước mình nhỏ xíu mơ mộng bình thiên hạ là chuyện hoang đường . Đạo tu, tề, trị, bình ném vào sọt rác vì thời nay đâu còn phong kiến nữa.
    Kẻ nào giỏi chuyên môn, giỏi luồn, giỏi lách, giỏi lậu là lên lương, lên chức.Còn kẻ thẳng thắn thật thà thường thua thiệt. Cho nên phải kiếm được nhiều tiền để đua đòi, để tiếp khách, để quà cáp cho cấp trên. Nhiều khi dùng đến cả nhan sắc của vợ để mồi chài. Liếc, lúng, lẩy là mẹo của các mệnh phụ trẻ hay các quan bà thời nay . Chen nhau xin hay mua ấn đền Trần như cái bùa dán vào nhà, nơi hậu cung của các bà, để ngày đi làm đẹp, tối về cúng kiến. Nhà càng cao, cửa càng rộng, tiền càng nhiều, giao tiếp càng hoành tráng, mới được thiên hạ nể, đồng nghiệp khiếp oai. Cái ấn đền Trần 100 ngàn xá gì . Có đến 1 vài triệu mà được việc vẫn cứ lắm kẻ mua như thường . Mà không chỉ cái ấn đền Trần mà không thiếu cảnh chùa vắng mặt các mệnh phụ.

    Trả lờiXóa
  24. Tôi chỉ thấy một đất nước bát nháo,lố bịch,mê tín dị đoan,buôn thần bán thánh;còn đâu là sức mạnh mềm là văn hiến 4000 năm.Trung quốc nó cười 'rung máy' luôn :hảo hảo!!!

    Trả lờiXóa
  25. Thế mà trưa nay tivi đưa tin khai hội Đền Trần vẫn có PTT Ng Thiện Nhân đến "khai"! (hôm trước còn thấy bà PCT nước Đoan cũng "khai" 1 hội!). Kg hiểu cái ông cái bà này có hiểu biết gì kg nhỉ?! Đó là 1 minh chứng cho việc nhà nước cổ vũ việc buôn thần bán thánh. Cứ thế này đất nước ngày càng lụn bại là lẽ đương nhiên.
    Chả đến Trung Quốc cười đâu bạn ạ, mà ngay dân ta (hiểu biết 1 tý) cũng đã cười ra nước mắt rồi!

    Trả lờiXóa
  26. Buồn quá! Sau bao nhiêu lời góp ý và kêu gọi khẩn thiết, tưởng năm nay lễ hội Khai Ấn Đền Trần ở Nam Định sẽ khá hơn, ai dè xem ra còn tệ hại hơn các năm trước!

    Có cả: "Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Phạm Hồng Hà… đến tham dự".

    Rồi còn: "Người đi lễ ném tiền vào kiệu, tranh nhau nhặt tiền, đứng trên cửu đỉnh, hòm công đức, bờ tường của đền... Ngoài ngũ môn, hàng rào của lực lượng an ninh bị vỡ, người dân từ cổng chính đền Trần ùa vào trong chính điện, tạo ra cảnh hỗn loạn... Một số cánh cửa của đền bị phá hỏng, rơi rụng. Đồ lễ trong đền bị người dân lao vào cướp... Nhiều người đã tìm cách trèo tường, vượt rào để vào được trong đền... Bên ngoài đền, nhiều thanh niên khỏe mạnh làm vẻ mặt đau khổ bế theo những cháu bé chưa đầy một tuổi để tranh thủ đi xin. Nhiều sư giả cũng đứng dọc theo đường vào đền để kiếm tiền bố thí của khách thập phương..."

    Đọc bài tường thuật trên báo Tiền Phong mà chỉ còn biết thở dài ngao ngán:
    http://www.tienphong.vn/xa-hoi/614951/Khai-an-den-Tran-Dap-do-hang-rao-bao-ve-cuop-do-tho-tpp.html

    Trả lờiXóa
  27. Hoàng Hữu Phước viết Tổ tiên Việt ... ngu xuẩn !lúc 21:40 24 tháng 2, 2013

    Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước viết Tổ tiên, Ông cha Việt ....ngu xuẩn ! Mời xem tại đây :
    http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/110198/ong-hoang-huu-phuoc-con-viet--tien-nhan-viet--ngu-xuan-.html

    Trả lờiXóa
  28. chú Tễu vả vào mặt PGS TS Đặng Văn Bài & Nguyễn Chí Bền đau thế mà chưa tỉnh ra nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lễ hội các di tích đã là đề tài của không biết bao nhiêu tân Tiến sĩ ! Thêm vào còn chả được, Bỏ là bỏ thế nào ?

      Xóa
  29. Học tập và làm theo Đền Trần làng Lộc Vượng tỉnh Nam Định, Đền Trần xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức "ban phát" ấn vào ngày 14 tháng Giêng, mời các cụ vào đây xem: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=543604. Bác Diện, bác Kiên tra cứu xem ấn ở xã Hà Dương là cái thứ ấn gì. Nhân đây xin đề nghị các cấp chính quyền ở tỉnh nào có đền Trần (nếu không có thì xây mới) thì tỉnh đó lo tổ chức lễ hội phát ấn để bà con khỏi phải chen chúc nhau ở đền Trần Nam Định, mở rộng phong trào học tập và làm theo để xây dựng quê hương, xây dựng nền văn hóa Việt "đậm đà bản sắc dân tộc" theo định hướng của Đảng. Chấm hết.

    Trả lờiXóa
  30. Ông bí thư Nam Định,ông Trọng TBT hãy đọc hết những ý kiến của nhân dân trên đây để biết các ông đã phá nát cái văn hiến,văn hóa,xã hội Vn như thế nào.Đừng rêu rao là tinh hoa là linh hồn dân tộc gì nữa mà dân nhổ vào mặt nhé.Ai đã làm cho đức tin vào con người,đức tin vào sự cao đẹp bị đổ vỡ để rồi phải bấu víu vào cái sự nhố nhăng loạn xạ.Câu hỏi đó chính các ông phải trả lời trước nhân dân và lịch sử

    Trả lờiXóa
  31. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  32. Quan to chưc lớn hiên giờ đều là lộc từ ấn Đền Trần cả đấy ! Ô. bà nào đang nắm ghế nắm quyền mà không có ấn Đền Trần làm bùa hô mệnh thì đi theo ô. Nguyễn Bá Thanh rồi !

    Trả lờiXóa
  33. Cứ vào miền Nam từ Đà Nẵng đến Cà Mau tham gia lễ hội từ lễ Cầu Ngư, Nginh Ông của ngư dân miền biển, lễ hội thờ Bà núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Sam, núi Cấm (An Giang), Ponaga (Khánh Hòa), đua trâu, đua thuyền của người Kmer ở Sóc Trăng...thì thấy mọi người thân thiện và văn hóa như thế nào.

    Trả lờiXóa
  34. Do những ai mà Việt Nam nay cứ như địa ngục trần gian?

    Trả lờiXóa
  35. Tất cả đơn giản chỉ có một điều rằng :cả quan và dân quá sùng bái vào việc mê tín dị đoan. Nếu mà cứ nghĩ rằng đi xin hay mua được ấn ở đền ,chùa nói chung và của đền Trần nói riêng mà được thăng quan tiến chức và cuộc sống tự nhiên trở thành khá giả, sung sướng thì tất cả những cái đó chỉ là có nằm mơ nhé .
    Hãy nhìn sang những nước phát triển xem họ có đi cướp ấn không mà cuộc sống của họ lại sung túc hơn xứ thiên đường của mình mặc dù họ vẫn đang day chết từ lâu .

    Trả lờiXóa
  36. Nhiều lễ hội đã xảy ra cảnh tranh cướp lễ vật,ấn tín dẫn đến đánh nhau đổ máu.Vậy mà ngay hôm nay ông phó ban tuyên giáo Hà Nội phát biểu:Cướp được lộc thánh là may mắn và ông bao biện cho cảnh lộn xộn tranh cướp đó là"Cướp có văn hoá".Cầm gậy gộc,gạch đá đánh nhau để tranh giành lễ lộc như ở đền Gióng mà ông cho là cướp có văn hoá thì xin bó tay với ông tuyên giáo của đảng.
    Tuyên giáo được ví như một công cụ truyền thông để tuyên truyền cho đảng,vậy mà có phát ngôn như thế thì dân tình đất Việt sao tránh khỏi u mê.
    Chấn Phong

    Trả lờiXóa
  37. Không đồng ý với bác Tễu lắm cái đoạn "chính quyền phải định hướng dẫn dắt nhân dân đến những điều tốt đẹp". Xin lỗi chứ, chính quyền thò vào chèo là chèo chết, thò vào múa rối thì múa rối nát, thò vào quan họ thì liền anh liền chị bắt đầu đổ đốn cãi nhau vì mấy đồng bạc hay tấm bằng khen...
    Chính quyền ở các nước văn minh không có vai trò dẫn dắt định hướng ai cả mà dân họ luôn yêu cầu chính quyền một việc: Để chúng tôi yên. Họ có các hiệp hội dân sự tự lo mọi việc, từ văn hóa đến tín ngưỡng, từ Oscar đến nhà thờ. Hoạt động như thế nào đã có quốc hội (lập pháp) soạn luật. Chính quyền (hành pháp) chỉ có một nhiệm vụ là mở luật ra, thấy hoạt động nào có vẻ trái luật thì đưa ra tòa yêu cầu dẹp bỏ. Chính quyền biết gì mà đòi định hướng dẫn dắt? Người dân đâu phải toàn lũ con bò?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác nói có lý. Quan họ hội Lim giờ chỉ là những lều đặt loa phóng thanh chứ hát hò gì. Tôi đi một lần và sẽ không trở lại.
      Người dân không phải TOÀN lũ bò nhưng ĐA SỐ là lũ bò. Người biết được như bác còn ít lắm!
      Hãy xem đền Gióng, chùa Phúc Khánh, chùa Đồng, chùa Hương, đền Trần, Phủ Dầy. Chỗ nào giờ cũng rặt mùa kim tiền chứ linh thiêng gì nữa.

      Xóa
  38. Trần Thị Thảolúc 07:58 18 tháng 2, 2016

    Những câu trả lời mang tính khách quan , khoa học của Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện về Lễ Khai Ấn Đền Trần .Theo tôi ,không riêng gì lễ hội Khai Ấn Đền Trần mang màu sắc MÊ TÍN , LỘN XỘN đâu mà hầu như tất cả các lễ hội ở VN mấy năm gần đây đều có màu sắc như vậy , ví dụ Lễ hội đền Gióng, Chùa Hương ...Phần lớn Họ đi lễ Hội không phải vì kính Phật hay kính Thành Thần . Họ đi lễ là cầu mong lên chức , lên quyền , có nhiều bổng lộc... Nếu Phật và các vị Thánh Thần có linh thiêng, thì hãy xóa sổ những con người ấy trên cõi trần thế cho nhân dân nhờ .

    Trả lờiXóa
  39. những hư hỏng, bát nháo xuất hiện ở đất nước này hiện nay đều do đám quan chức hư hỏng, bố láo tạo ra hết ( bọn chúng đông như kiến cỏ.

    Trả lờiXóa
  40. Tôi nguyên quán đền Trần đây mặc dù có lần Ban quản lý các khu công nghiệp Nam Định đề nghị lấy ấn hộ một cách thuận lợi nhưng tôi xin khước từ luôn vì tôi biết nó chẳng có ý nghĩa gì ngoài trò mị dân.Đề nghị đồng bào ta nên tỉnh táo. Phật hay tổ tiên luôn luôn ở trong não và trong tim mỗi người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi từng nghe rằng: mỗi năm có một dòng họ được đứng ra cai thầu các hòm tiền dầu nhang đền Trần và đền Bảo Lộc. Sau một "vụ mùa bội thu" đó thì gia đình nào trong họ cũng đủ sức xây nhà lầu, sắm xe đẹp.

      Xóa
  41. Khi sự TÍN vào đảng,CQ không còn nữa thì các vị lãnh đạo lại dùng đến phép MÊ để đánh lạc hướng người Dân vão cõi HUYỀN để lợi dụng.Nếu không làm như thế thì áp lực về những sai lầm trong các chính sách mọi mặt trong xã hội sẽ tràn ngập dẫn tới nguy cơ bùng nổ các vụ bạo động phản đối vào tầng lớp cai trị dân.Đồng thời khi dân bị lạc vào cõi mê thì cũng là một cơ hội làm ăn thông qua việc kinh doanh thần thánh giúp cho các vị kiếm chác thêm thu nhập như bán ấn,phát lộc,giá trị đất đai mà các vị đang nắm giữ sẽ được đẩy giá lên cao...Đây là một chính sách,chủ trương thối rữa mong mọi người hãy tỉnh táo,đừng cuốn theo tư tưởng bầy đàn mà ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình và bản thân.Vừa qua tại TP Vinh Nghệ an cũng đã có chuyện bán ấn Quang Trung Linh Từ trên đền thờ Quang Trung trên núi Quyết.Mỗi tờ ấn in trên giấy có giá 10-20000đ.Thật vớ vẩn khi xưa nơi đây làm gì có đền thờ QT thế mà giờ họ cũng tạo dựng nên được mọi chuyện,từ đền thờ cho đến ấn tín.Quá lố bịch!

    Trả lờiXóa
  42. Cú này làm ai đó ngờ ngợ chuyện Trạng Quỳnh ngày trước: "Ai xem thơ quỳnh thì ăn c.Quỳnh". Xin lỗi quý vị có hơi tục nhưng đó là sự thật!

    Trả lờiXóa
  43. Tôi là một người Nam Định, quê cách đền Trần chỉ 15km. Cho đến năm 2007, tôi chưa từng đến đền Trần.
    Từ nhỏ cho đến lớn, tôi không hề nghe người Nam Định nói gì về sự linh thiêng của ấn đền Trần, và thực tế là người Nam Định không ai mê muội tin rằng xin được ấn ở đó thì thăng quan tiến chức, qua cửa làm ăn nào cũng lọt. Cho đến khi lên học đại học trên Hà Nội, tôi cũng chỉ biết kể với bạn bè cùng lớp rằng ở Nam Định có phủ Thiên Trường và đền Trần từng là thái ấp của các vua nhà Trần. Một dịp đưa các bạn về thăm quê chúng tôi cũng chỉ đến thăm tượng đài Trần Hưng Đạo, công viên Vị Xuyên và mộ Trần Tế Xương.
    Đến năm 2007, một lần đi cùng giáo sư, thầy hướng dẫn về lễ Phủ Dầy và đền Trần thì tôi mới hiểu thế nào là ấn đền Trần. Quý vị có thể tưởng tượng một vị giáo sư khả kính mà vẫn đầu đội lễ và lẩm nhẩm đọc sớ cầu tài, cầu lộc. Anh con trai thì huyên thuyên nói rằng nếu đúng 12 giờ đêm ngày 14 mà xin được ấn đền Trần thì qua cửa nào cũng lọt. Thực tế là trước đó anh này từng làm ăn buôn bát khá phát đạt và cũng vài lần phá sản, từng vào tù. Anh ta lợi dụng các mối quan hệ rộng rãi của ông bố giáo sư để làm ăn bất chính nhưng lại tin rằng đó là do ấn đền Trần thông đường nên năm nào cũng đến lễ rất hậu.
    Tôi thì từ chối tất cả những lần người nào bảo cho lá ấn.
    Tôi khẳng định điều anh Nguyễn Xuân Diện nói là đúng đắn.
    Lễ phát ấn đền Trần được người ta dựng lên để lừa lọc. Nó được tiếp tay bởi những người quyền chức.

    Trả lờiXóa
  44. Bác Diện ơi, ở làng quê tôi thấy Người nhà Quê đa phần đi chùa vì lòng thành kính (mà chủ yếu chỉ người có tuổi đi chùa). Còn Người Thành Phố thì đua nhau đi hết chùa này chùa nọ xin hết thứ nọ thứ kia rất bày đàn. Mà người thành phố hình như đa phần đều là công chức viên chức, người có học cả thì phải. Vậy nên, hình như càng có nhiều chữ thì càng lú lẫn, càng bày đàn. Bác thấy có phải không, mong bác dày công nghiên cứu giúp. Cảm ơn bác rất nhiều. Bác đang góp phần làng Sáng xã hội đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi là người Nam Định. Nhà tôi chỉ cách đền Trần chừng 15km nhưng cho đến khi học xong Đại học trên Hà Nội tôi vẫn không biết gì về đền Trần. Bụt chùa nhà không thiêng? Xin thưa không hẳn vậy. Vì nhà tôi nghèo, làng tôi nghèo nên chả mấy ai quan tâm lễ đền Trần để cầu danh vọng. Hai năm nay khi cuộc sống khấm khá lên một chút thì bố mẹ tôi cũng bắt đầu đi lễ và xin ấn đền Trần. Xin kể lại vài chuyện sau đây để thấy được sự mê muội của người dân và nguồn lợi khổng lồ mà sự lừa gạt này mang lại cho những người tạo ra nó:
      Thầy tôi là một giáo sư có tiếng của một trường đại học lớn. Năm 2007, khi tôi đã học xong cao học, tôi có theo thầy và anh con trai thầy về lễ khai ấn đền Trần. Buổi chiều chúng tôi đi lễ ở Phủ Giầy sau đó tối thuê khách sạn ngủ ở thành phố Nam Định. Lúc đó tôi rất thất vọng và thấy dị ứng với ông thầy mình vì mang tiếng là giáo sư, đảng viên, vô thần, vô tôn giáo, nhưng vẫn đội mâm lễ khấn vái xì xụp trông rất phản cảm.
      Anh con trai thì huyên thuyên rằng phải đợi đến đúng 12h đêm lấy được tận tay những lá ần thì làm ăn đi cửa nào cũng thông. Ghi chú thêm là anh này lợi dụng các mối quan hệ của bố để làm ăn bất chính và đã từng suýt vào tù nhưng nhờ bố chạy chọt mà thoát được tội. Tôi có quen một số con em ở mấy làng xung quanh đền Trần thì được họ cho biết, mỗi dòng họ sẽ được luân phiên hàng năm nhận cai quản tiền lễ ở đền. Họ bảo, năm nào đến phiên dòng họ nhà mình thì năm đó mỗi nhà cũng được vài chục đến vài trăm triệu, tha hồ ăn tiêu mua sắm.
      Tôi cho rằng tệ nạn này có nguyên nhân từ những người có quyền chức về lễ ở đền rồi chính quyền địa phương cố tình dựng lên thành lễ hội quốc gia để mưu lợi. Từng nghe nói chùa Phúc Khánh ở Hà Nội có một đồng chí Tổng bí thư đến lễ và từ đó đến nay chùa này luôn đông nghẹt người đến cầu lộc cầu tài.

      Xóa
  45. Bác giải thích hộ em «thượng mã đề thương, hạ mã đề thi" là gì ạ? Em cố thử google mà nó chỉ hiện nên "thượng mã phong với hạ mã phong" thôi hu hu...

    Trả lờiXóa
  46. Tôi là người Nam Định. Nhà tôi chỉ cách đền Trần chừng 15km nhưng cho đến khi học xong Đại học trên Hà Nội tôi vẫn không biết gì về đền Trần. Bụt chùa nhà không thiêng? Xin thưa không hẳn vậy. Vì nhà tôi nghèo, làng tôi nghèo nên chả mấy ai quan tâm lễ đền Trần để cầu danh vọng. Hai năm nay khi cuộc sống khấm khá lên một chút thì bố mẹ tôi cũng bắt đầu đi lễ và xin ấn đền Trần. Xin kể lại vài chuyện sau đây để thấy được sự mê muội của người dân và nguồn lợi khổng lồ mà sự lừa gạt này mang lại cho những người tạo ra nó:
    Thầy tôi là một giáo sư có tiếng của một trường đại học lớn. Năm 2007, khi tôi đã học xong cao học, tôi có theo thầy và anh con trai thầy về lễ khai ấn đền Trần. Buổi chiều chúng tôi đi lễ ở Phủ Giầy sau đó tối thuê khách sạn ngủ ở thành phố Nam Định. Lúc đó tôi rất thất vọng và thấy dị ứng với ông thầy mình vì mang tiếng là giáo sư, đảng viên, vô thần, vô tôn giáo, nhưng vẫn đội mâm lễ khấn vái xì xụp trông rất phản cảm.
    Anh con trai thì huyên thuyên rằng phải đợi đến đúng 12h đêm lấy được tận tay những lá ần thì làm ăn đi cửa nào cũng thông. Ghi chú thêm là anh này lợi dụng các mối quan hệ của bố để làm ăn bất chính và đã từng suýt vào tù nhưng nhờ bố chạy chọt mà thoát được tội. Tôi có quen một số con em ở mấy làng xung quanh đền Trần thì được họ cho biết, mỗi dòng họ sẽ được luân phiên hàng năm nhận cai quản tiền lễ ở đền. Họ bảo, năm nào đến phiên dòng họ nhà mình thì năm đó mỗi nhà cũng được vài chục đến vài trăm triệu, tha hồ ăn tiêu mua sắm.
    Tôi cho rằng tệ nạn này có nguyên nhân từ những người có quyền chức về lễ ở đền rồi chính quyền địa phương cố tình dựng lên thành lễ hội quốc gia để mưu lợi. Từng nghe nói chùa Phúc Khánh ở Hà Nội có một đồng chí Tổng bí thư đến lễ và từ đó đến nay chùa này luôn đông nghẹt người đến cầu lộc cầu tài.

    Trả lờiXóa