Thứ Hai, 3 tháng 7, 2023

THƯỢNG GIA HẠ KIỀU


CẦU NGÓI BÌNH VỌNG - THƯỜNG TÍN - HÀ TÂY (CŨ)
 
Thượng gia hạ kiều là kiến trúc cầu phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ, dùng hàng cột (đá, gỗ tứ thiết) cắm xuống nước để nâng đỡ bộ vì kèo gỗ bên trên, tạo ra kiến trúc trên là nhà (có mái che, xà ngang xà dọc, rui mè, ngói) dưới là cầu. 
 
Năm 2004, dân làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Tây cũ xây một cây cầu ngói bắc qua con ngòi đi vào đình chùa bên kia. Kiến trúc rất thanh thoát và đẹp, tạo ra một cảnh quan rất thanh nhã, tô điểm thêm cho làng quê văn hiến này.
 
Thế mới hay! Người đời nay nếu hiếu cổ và đặt hết tâm trí của mình vào một việc, thì cũng bén gót người xưa vậy! 
 
Nhân đang nói về cầu ngói, xin giới thiệu vài hình ảnh cầu ngói Bình Vọng (tức làng Bằng) mà tôi đã về hóng mát cách đây vài năm.

Làng Bình Vọng đối diện cửa Ga Thường Tín, chỉ chưa đến nửa giờ đi xe hơi từ Bờ Hồ.
 
Chùm ảnh của Nguyễn Xuân Diện:









 
CẦU NGÓI CHỢ LƯƠNG - TỈNH NAM ĐỊNH

Ngày nắng nóng, về thăm và hóng mát Cầu ngói Chợ Lương, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Thật đúng là “Cầu Nam, Chùa Bắc, Đình Đoài”.
 
Cầu Nam: Vùng Sơn NAM (thượng và hạ) là vùng chiêm trũng + ven biển, lắm sông ngòi kênh rạch nên có nhiều cầu. Vì phải làm nhiều cầu nên kỹ thuật làm cầu rất cao, có nhiều cây cầu đẹp. 
 
Chùa Bắc: Bắc là Kinh Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh) là nơi có các chùa lớn và cổ nhất VN như Chùa Dâu, Chùa Keo, Chùa Phật Tích, Chùa Kiến Sơ, Chùa Tiêu, Chùa Bút Tháp, Chùa Dạm,v.v... Kinh Bắc mà cụ thể là Luy Lâu là trung tâm Phật giáo cổ nhất của Việt Nam, vì đây là nơi dừng chân của các Thiền sư Ấn Độ đi sang Trung Hoa truyền đạo. Luy Lâu có trước cả trung tâm Phật giáo cổ nhất của Trung Hoa là Bành Thành. Các chùa ở Kinh Bắc to và đẹp, cổ kính vô cùng!
 
Đình Đoài: Xứ Đoài là tên gọi vùng đất cổ ở phía Tây Thăng Long Hà Nội (Đặt theo quẻ Đoài - chỉ phương Tây). Nơi đây là đất cổ, còn bảo tồn nhiều nét đặc sắc văn hóa Việt, trong đó có văn hóa Làng. Làng lại là đơn vị quần cư sớm, có một "tòa thị chính" để làm chỗ sinh hoạt hội họp là ĐÌNH. Xứ Đoài quê mùa, chậm phát triển nên bảo tồn được nhiều văn hóa cổ. Đặc biệt là Đình. Cột đình nào cũng to.

Cầu Ngói Chợ Lương (Cầu Hải Anh) nằm ở trung tâm của huyện Hải Hậu, huyện ven biển tỉnh Nam Định. Là một trong những cây cầu ngói đẹp nhất nước Nam.
 
Cầu ngói Hải Anh kiến trúc theo lối “thượng gia hạ kiều”(trên là nhà, dưới là cầu). Đây là lối kiến trúc cổ khá phổ biến ở Bắc bộ xưa. Nay còn lại rất ít những cây cầu như thế.
Cầu được khởi dựng khoảng thế kỷ XV, bắc qua sông Trung Giang, lúc đầu lợp bằng cỏ gianh. Đến nay cầu trải qua hai lần trùng tu lớn: năm 1922 và 2011, nhưng vẫn giữ lối kiến trúc thế kỷ XVII. Cầu dựng trên 18 cột đá vuông xếp thành 6 hàng để gánh 6 bộ vì, đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu bên trên. Hệ thống xà ngang xà dọc đều bằng gỗ lim vững chắc.




Tôi đến Hải Hậu lần đầu là khoảng năm 1996-97, ở cả tuần. Huyện này bằng phẳng, đồng ruộng phì nhiêu, cá tôm nhiều, lúa tốt. Gạo Hải Hậu ngon, được giá.
 
Trung tâm của Hải Hậu là tổng Quần Phương, xã Hải Phúc, có chùa lớn và nhiều công trình kiến trúc đẹp.
 
Tổng Quần Phương là nơi sản sinh nhiều nhân tài, nhất là lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Đây là quê của Nhà Hán Nôm học Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn,Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Nhà thơ Vũ Quần Phương (Bố của GS Toán học nổi tiếng Thế giới Vũ Hà Văn), Nhà văn Nguyễn Thi, Nhà văn Đào Hồng Cẩm, Nhạc sĩ Vũ Thành An, Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh , Nhạc sĩ Anh Quân chồng của Ca sĩ Mỹ Linh, Giáo sư Lương Kim Định, Nhà giáo ưu tú, Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký, Giáo sư Kim Cương Đại học Bách Khoa Hà Nội , Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Nhung, Đệ nhất pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hoà Thượng Thích Đức Nhuận,...
 

1 nhận xét :