Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

PHỦ DÀY HAY PHỦ GIẦY - CHỨNG TÍCH TRÊN BIA ĐÁ


PHỦ DÀY HAY PHỦ GIẦY
- TÌM HIỂU CHỮ DẦY/ GIẦY QUA VĂN BẢN HÁN NÔM
 
Bài của Hoài Cổ
 
Hiện nay ngay cả trong các văn bản chính thống khi viết về một địa danh ở Vụ Bản Nam Định các sách vở chính thống thường không thống nhất giữa Dầy, Dày hay Giầy Giày. Có nhiều văn bản sử dụng cả hai cách viết trong một văn bản.

Một làng quê có tên Nôm là một vùng đất cổ có truyền thống lâu đời. Theo nhiều khảo cứu các làng có tên Nôm thường phải có thời gian thành lập làng trước đời Lý.

Về địa danh Phủ Dày/ Giầy nếu theo cách phát âm của miền Bắc khó có thể phân biệt nghĩa gốc.

Theo tư liệu từ Ban Tuyên Giáo Nam Định thì phải gọi là Giầy/ Giày mới đúng vì dân gian còn lưu truyền huyền thoại: Vua đi ngang qua vùng này và nghỉ đêm ở quán hàng của bà chúa Liễu Hạnh, sau đó được tặng một đôi giày nên đã lập nơi thờ tự gọi là Phủ Giầy. Còn khi gọi là Phủ Dầy vì chính nơi này có món bánh dày nổi tiếng, lại có người cho rằng, Kẻ Giầy xuất phát từ nơi có gò đất nổi lên hình bánh dày trước cửa phủ.

Sau này khi Liễu Hạnh được phong thành Mẫu Nghi của đất Việt, Chế Thắng Hòa Diệu Đại vương và sắc phong Thượng đẳng tối linh thần. Nơi đây cũng đổi tên từ Phủ Giầy thành Kẻ Giầy.

Tuy nhiên theo thực tế khảo sát qua tư liệu Hán Nôm, tên Phủ Dày ghi bằng chữ Nôm đã xuất hiện và còn được khắc rõ nét tại Phủ Vân Cát.
 
Chữ Dày được ghi nguyên văn trong văn bia KHẢI ĐỊNH LỤC NIÊN XUÂN do Đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính soạn năm 1921. 
 
Bia này được TS. Chu Xuân Giao thông báo là hiện không có tại di tích Phủ Vân Cát nhưng kiểm tra thì thấy bia vẫn ở nguyên vị trí cũ ngay trên lối vào chính điện phủ Vân Cát.(!)
 
Văn bia có câu mở đầu.
Vụ Bản huyện toàn huyện cúng trí điền tiền tại "VÂN CÁT TỤC DANH PHỦ DÀY" bi ký. 
 
Có nghĩa là:
Toàn Huyện Vụ Bản cúng tiền ruộng lệ ở PHỦ VÂN CÁT TỤC GỌI PHỦ DÀY
 
Chữ DÀY 苔厚 là chữ Nôm kiểu kết hợp hai chữ Hán. 
Chữ Đài, Đày 苔 để gợi âm.
Chữ Hậu 厚 để gợi ý là Dày (trong Dày Mỏng).
 
Do đó chữ DÀY ở đây nghĩa là DÀY trong Dày Mỏng, không phải là Giầy trong Giầy dép [Bộ Hài] hay Bánh Giầy [Bộ Túc].
 
Vẫn biết chữ Nôm chỉ là biểu âm và không tiêu chuẩn. Nhưng về mặt văn bản học và hiện vật thì dòng chữ có khắc ghi "Vân Cát tục gọi là Phủ DÀY/DẦY" là một bằng chứng văn bản cổ cần ghi nhận rõ ràng.
 
Mong nhận được ý kiến trao đổi thêm.
 


 


 
-----------
 
Tôi - Nguyễn Xuân Diện kết luận: Tư liệu này rất quan trọng. Tác giả là Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính. 
 
Vân Cát tục gọi là PHỦ DÀY. Như thế Vân Cát = Phủ Dày. Phủ Vân Cát = Phủ Dày. 
 
Từ đây khẳng định: PHỦ VÂN CÁT LÀ HẠT NHÂN VÀ LÀ KHỞI NGUỒN CỦA TOÀN BỘ PHỦ DÀY RỘNG LỚN, TỨC LÀ TOÀN XÃ KIM THÁI HIỆN NAY.
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét