Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2023

KHÔNG THỂ XÂY NHÀ HÁT CÁC DÂN TỘC VN SAU NHÀ HÁT LỚN HÀ NỘI

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu trước Quốc hội.

Ý KIẾN CỦA TÔI VỀ ĐỀ XUẤT XÂY NHÀ HÁT CÁC DÂN TỘC VN
Ở PHÍA SAU NHÀ HÁT LỚN HÀ NỘI
 
Nguyễn Xuân Diện
 
Khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội đã có những công trình tuổi đời trên dưới 100 năm. Đó là Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và Nhà hát Lớn Hà Nội. Vì vậy, việc xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở vị trí đó sẽ làm gia tăng mật độ công trình kiến trúc. 
 
Hơn nữa, rất khó để làm công trình kiến trúc hài hòa với cả hai công trình đó. Trước đây, để làm công trình khách sạn HILTON gần đấy, các kiến trúc sư đã tính toán rất kỹ và tạo được cảnh quan phù hợp. Đó là chưa kể, khi người Pháp xây dựng Nhà hát Lớn và Bảo tàng Louis Finot họ đã tính toán rất kỹ về hệ thống công trình ngầm bên dưới lòng đất. Ví như hệ thống thoát nước liên kết với cả khu khách sạn Metropole (khách sạn 5 sao đầu tiên của Việt Nam) đã rất hoàn hảo. Bây giờ, nếu chúng ta đụng vào hệ thống cống ngầm thì sẽ vô cùng phức tạp.

Thứ hai, nhà hát là một thiết chế văn hóa để phục vụ công chúng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch chưa từng khảo sát các nhà hát ở Hà Nội “đỏ đèn” như thế nào, đã hoạt động hết công suất chưa… từ đó đánh giá hiệu quả của các nhà hát. Nếu chưa có những khảo sát như vậy thì chưa có cơ sở để xây dựng các nhà hát mới.
 
Hơn nữa, ở Hà Nội hiện có hẳn một Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây) với cảnh quan rất đẹp, hạ tầng tốt. Vì thế, nếu vẫn muốn xây Nhà hát các dân tộc Việt Nam thì vị trí nên đặt ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là phù hợp. Chúng ta không nên ngại xa, bởi ngay như khi xây dựng Bảo tàng Louis Finot, qua ảnh tư liệu chúng tôi không thấy dân cư quanh đó, cả hai bên bờ đê sông Hồng chỉ là đất hoang. Nhưng rồi, theo thời gian và sự phát triển kinh tế hiện nay cư dân hai bên đê sông đã rất đông. 
 
Ngoài ra, trong thời điểm hiện nay nợ công của Việt Nam rất lớn. Theo báo cáo mới đây, hiện mỗi người dân đang phải “gánh” gần 40 triệu đồng nợ công thì việc xây dựng một nhà hát mới là không thực sự cần thiết. 
 
Như thế, về lịch sử, về kiến trúc xây dựng, về kinh tế và về cảnh quan đều không cho phép xây dựng một nhà hát nào ở vị trí đằng sau Nhà hát lớn Hà Nội.
 
Báo Tiền Phong đã đăng ký kiến của tôi tại:
https://tienphong.vn/khong-the-pha-vo-canh-quan-khu-vuc...

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét