Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

“ÔNG KHOÁN HỘ” VÀ MỘT CUỘC ĐỜI CHÌM NỔI - Bài 3 & 4


“ÔNG KHOÁN HỘ” VÀ MỘT CUỘC ĐỜI CHÌM NỔI 

Loạt bài của Nguyễn Thịnh
* Báo Kinh tế nông thôn cuối tuần năm 2004.


Bài 3: Sóng gió chưa yên
 
 
Sau khi bị kỷ luật, khai trừ Đảng ở tỉnh Vĩnh Phú, ông Thiết trở về quê theo lời kêu gọi của của Uỷ ban kháng chiến tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế). Tưởng rằng, trên mảnh đất quê hương, ông sẽ có được bảo bọc, chia sẻ để tận tâm cống hiến, rồi sống một đời bình lặng như bao người. Nhưng không, định mệnh trớ trêu và bất công, sự oái ăm của tạo hoá vẫn còn đeo bám ông. Đến nỗi ông phải thốt lên: “Chém cha cái số hoa đào/Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!.”
Về quê… làm vôi

Sau khi miền Nam được giải phóng từ cuộc đại thắng mùa xuân 1975, Uỷ ban kháng chiếnThừa Thiên - Huế ra lời kêu gọi con em của tỉnh từng tập kết ở miền Bắc trước đây, trở về phục vụ và xây dựng quê hương. “Được lời như cởi tấm long…” ông Thiết liền thu xếp hồi hương. Về quê ông được phân công làm việc tại huyện Hương Trà. Vài tháng sau, được bổ nhiệm làm trợ lý cho ông Nguyễn Sỹ Hạc, lúc đó làm chủ tịch huyện Hương Điền (bây giờ là hai huyện Hương Trà và Phong Điền). Ngồi chưa ấm chiếc ghế trợ lý, một biến cố lại đến với cuộc đời nay sóng gió của ông Thiết. Số là vào thời điểm lúc đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế tiến hành “cải tạo công thương nghiệp”, lần này chẳng khác gì bản photocopy của những cải cách trước đây mà ông Thiết đã chứng kiến ở Vĩnh Phú! Lúc này, một sự đấu tranh giằng xé nội tâm diễn ra trong lòng Lê Xuân Thiết khiến ông mất ăn mất ngủ: có nê ngăn cản cái kế hoạch cải tạo công thong nghiệp ấu trĩ, sai lầm kia không? Vì rõ ràng đây là bước thụt lùi, là lặp lại sai lầm của miền Bắc…

Nói hay không nói ra (sự phản đối về việc cải tạo sai lầm này)? Nếu nói ông sẽ bị người ta “dòm ngó”, quy chụp… Nhưng nếu không nói thì trái với lương tâm, đạo lý và có tội với dân với nước. “Khi nhận công việc này, tôi đấu tranh tư tưởng ghê lắm, trăn trở, dằn vặt! Ở miền Bắc đã từng tiến hành cải tạo công thương nghiệp và sau đó phải sửa chữa sai lầm!... Nếu không nói ra thì có tội với dân là biết mà không nói. Còn nếu nói thì “phạm” vào tội “chống lại chủ trương của tỉnh uỷ”. “Sự kiện” Vĩnh Phú và bài học cay đắng của nó vẫn còn ám ảnh tôi.”

Nhưng rồi nỗi dằn vặt, sự ám ảnh về tội lỗi với dân với nước đã buộc ông phải nói ra. Hai tuần sau, ông Thiết trình lên tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế bản thuyết trình 16 trang giấy khổ A4. Trong đó ông trình giải những lý do vì sao không nên tiến hành cuộc cải tạo công thương nghiệp này. Và một lần nữa ông lại thất bại! Những lý lẽ, minh chứng của ông đã bị những vị có cức trách bỏ ngoài tai! Điều trớ trêu khó hiểu là: họ biết lập luận của ông có lý và việc cải tạo công thương nghiệp có thể không hợp thời nữa, nhưng họ vẫn tiến hành… cải tạo. “Khi gặp riêng tôi thì ai cũng bảo: Cậu nói có lý lắm! Nhưng trong các cuộc họp không một ai dám lên tiếng ủng hộ tôi!”, ông Thiết trầm ngâm, nhớ lại. Và như thế nhiệt huyết, tâm trí háo hức cống hiến cho quê hương, cho dân đã bị “dội một gáo nước lạnh” từ những người duy ý chí kia! Ai có thể hiểu được nỗi cay đắng và sự thất vọng trong lòng Lê Xuân Thiết lúc ấy?! Và đau đớn hơn là phải nhìn thấy cái sai trái đổ lên đầu dân mà bất lực! Có lẽ lúc ấy ông tự trách và tự an ủi minh rằng: Mình đã “đi trước” họ xa quá! 

Bản đề nghị không được chấp nhận, ông xin thôi việc ở Ban cải tạo công thương nghiệp và xin vào làm tại xí nghiệp vôi gạch ngói Long Thọ. Nhưng tại đây, ông cũng không được yên ổn nốt. Người ta không ngớt “xì xào” bàn tán và lườm nguýt ông. Tại sao một người đang làm ở tỉnh uỷ lại đột nhiên xin về làm thợ vôi? Hẳn phải có “uẩn khúc” “điều tiếng” chi đây? Và họ dần xa lánh ông. Cũng trong thời gian này, bất chấp sự phản biện của ông, tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế vẫn bình thản “cải tạo công thương nghiệp” một cách rầm rộ, quyết liệt và triệt để. Hậu quả là sau đó, tỉnh uỷ phải tiến hành sửa sai. Lúc này người ta mới nhớ đến những lời của Lê Xuân Thiết.

Hồi ức của một bậc tiền bối

Có thể nói, ông Thiết có một cuộc đời kỳ lạ và đầy tai ương. Là một người có tài, có tâm, nhưng không được dùng… Thế nhưng vẫn còn chút an ủi nhỏ nhoi mà số phận cay đắng dành cho ông: ông vẫn có những người tri âm, tri kỷ, vẫn có những người chí cốt với ông… Tôi muốn nói đến ông Hoàng Quýt (người đã được nói ở phần trước), một bậc tiền bối rất hiểu và trân trọng ông Thiết. Ông Quýt là đồng hương, đồng môn với ông Thiết, thời hai người còn học bổ túc văn hoá ở miền Bắc. Ông Quýt là ngườO6 kết nạp Đảng cho ông Thiết. Chức vụ cao nhất mà ông Hoàng Quýt từng giữ là trưởng phòng Tài mậu…

Buổi chiều ngày 8/9/2004, tôi tìm đến nhà ông Quýt ở cư xá Đống Đa,Tp. Huế.

- Lúc ông Thiết viết bản khoán hộ, ông có biết và có đươc đọc không? -tôi hỏi.

- Có chứ! Hồi đó tôi công tác ở Hà Nội ở ban Tài mậu. Thiết có đến tìm tôi đưa cho tôi xem. Tôi thấy đây là một công trình có giá trị. Nhưng không hiểu sao nhà nước không dùng: sau khi ông kim Ngọc bị kỷ luật, cả Thiết cũng bị, Thiết cũng có đến tìm tôi. Rồi cũng có nhiều người tìm tôi nói: “anh là chổ thân tình với Thiết, anh nên khuyên cậu ta “ nhận tội” đi cho đỡ rắc rối!”. Tôi có trao đổi lại với Thiết, nhưng hắn cười bảo: “ Cháu có tội gì đâu mà nhận!” thế rồi bị kỷ luật. Cái thằng thiệt ngang bướng, thẳng thắn quá. Nếu tính nó không thẳng, biết đâu đời nó đã khác. Nhưng hắn sống thanh liêm, cương trực quá! Đời hắn khổ! Giá ông Kim Ngọc còn sống, ông ấy nói cho một tiếng may ra hắn được “giải oan”, được công nhận, đền đáp. Nay thì ông ấy mất ( lâu rồi) mà những người sau này biết chuyện ( công trạng) hắn không còn mấy ai. Mà có nói thì mấy ai nghe.

Cuộc hôn nhân muộn màng

Vào độ tuổi tứ tuần, độ tuổi không còn trẻ nữa và bắt đầu đi qua “ con dốc của đời người”, Lê Xuân Thiết mới bắt đầu lấy vợ. Vợ ông làm y tá cho bệnh viện đông y Huế và thua ông một giáp. Ông bà chỉ có một người con trai duy nhất, hiện đang học đại học. Buổi tối khi tôi tìm đến ngôi nhà ông ở số 2 kiệt 50 đường La Sơn Phu Tử, TP. Huế chỉ gặp ông và vợ. Bà Đào, vợ ông đã thổ lộ với tôi và tâm sự về những tháng ngày sóng gió ấy: “ Sau khi anh Thiết nghỉ ở xí nghiệp vôi Long Thọ ( mà lúc đó tôi không biết rõ vì vừa sinh, chỉ thấy anh ở nhà không đi làm nữa. Tôi hỏi thì anh không nói”, tôi có lên gặp mấy người lãnh đạo để hỏi họ về việc giải quyết chế độ lương hưu thế nào? Họ không tiếp tôi. Mãi sau có người nói: “ Ông Thiết tự dưng nghỉ, làm gì có lương. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn còn chẳng có nữa là ông Thiết là người khoẻ mạnh”. Thề là tôi đành lủi thủi về. Từ đó , chúng tôi phải tự lo liệu, cuộc sống chật vật, eo hẹp…”.

Cho đến nay, ông Thiết vẫn không có chế độ đãi ngộ nào từ nhà nước.

Chuyện ngoài lề

Con người ta không ai tự chọn được số phận cho mình, “ phú quý do thiên, tử sinh hữu mệnh”. Dẫu biết thế nhưng làm người có ai muốn sống một cuộc đời sóng gió cực khổ? Nhưng cuộc sống không chiều theo ý riêng một ai! Và sự bất hạnh vẫn điềm nhiên, bất ngờ giáng xuống. Cuộc đời của ông Thiết quả lắm thăng trầm, bi luỵ: “ Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”(truyện Kiều). Nhưng, thử đặt một giả thiết: nếu ông Thiết sống ở một thời điểm khác, thì biết đâu cái tài của ông đã được dùng? Có thể ông là “ người sinh bất phùng thời” chăng? Cổ ngữ có câu : “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” đủ ba cái mới thành công cơ mà( ?).

Nhưng thật ngạc nhiên và thú vị khi tôi hỏi vui ông : “ Nếu như được “đầu thai” chú có muốn làm Lê Xuân Thiết nữa không?”. Ông cười đáp: “ Thì là vẫn làm thôi. Số phận mà!”. Và một điều tôi nhận ra và quý ông là ông rất “thức thời”. Mọi thứ đều chỉ có( giá) thời của nó. Không có gì là miên viễn. Tự sinh, ắt tự diệt: bản khoán hộ của ông đã hết thời rồi. Chính vì thế, gần đây khi một người bạn ông, ông Đặng Đình Loan ở Hà Nội vào thăm, có ghé và dẫn ông cùng ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đến ăn ở khách sạn Hương Giang. Lúc ấy ông Mễ hỏi: “ Sau khoán hộ, anh tính làm cái gì nữa?”. “ Ông Mễ hỏi tôi câu ấy là có ẩn ý đấy. Lúc đó, tôi chỉ cười!, ông Thiết kể.

Bài cuối: “Tôi không mong ước gì cả”

Đó là lời tâm tình của “ông khoán hộ” Lê Xuân Thiết. cả một đời lận đận vì quá thông minh, quá thẳng thắn, nhìn lại, ông cũng không mong ước điều gì cho riêng mình.

* Là người viết bản “khoán hộ” hẳn ông có biết Nhà nước cho ra bộ Nghị quyết 10 về nông nghiệp (sau này gọi là khoán 10). Giữa bản khoán hộ của ông và khoán 10 có gì khác nhau?

- Tôi có biết Nhà nước đưa ra nghị quyết 10, chứ chưa hiểu sẽ là “khoán hộ”. Chỉ sau này, khi thực hiện mới hiểu ra: Nghị quyết 10 và “khoán hộ” thực chất chỉ là một, nên chúng (dù) khác nhau về tên gọi nhưng giống nhau về cách khoán. Xét về bản chất thì “khoán hộ” của tôi có tính tự nhiên, khoa học về kinh tế hơn. Còn khoán 10 chỉ là biện pháp tình thế.

*Sau khi khoán 10 ra đời, có ai từ trung ương, cấp trên hoặc bạn bè… đến tìm gặp ông? Họ có trao đổi hay giúp đỡ gì ông?

- Sau khi khoán 10 ra đời, ngoài những nhà báo tâm huyết ra thì chẳng còn ai (quan tâm)… Duy có một lần, cách đây hơn 5 năm, một người bạn của tôi từ thuở học sinh miền nam, anh Đặng Đình Loan ở Hà Nội vào thăm, hẹn gặp tôi ở khách sạn Morin – Huế. Ơ đó, tôi có gặp ông Nguyễn Văn Mễ- nguyên Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế và ông Ngô Yên Thi- Bí thư tỉnh. Sau khoảng một giờ chuyện trò, lúc gần về, ông Mễ chợt hỏi tôi:” Anh Thiết! Sau chính sách khoán hộ của anh thì tới cái gì, anh?”. Câu hỏi đó gợi một điều mà tôi đã từng nói với bạn bè: “Các cậu đợi mà coi, hôm nay người ta gọi tớ là “ông thầy khoán hộ”. Nhưng nếu cứ “khoán hộ” mãi, thì sau này lớp trẻ sẽ gọi tới là một “ông thầy lụi” cho coi!.

Câu hỏi của anh Mễ quả là điều tâm đắc đối với những ý tưởng của tôi. Nhưng tôi chỉ cười và nói sang vấn đề khác: “Xã hội chúng ta hiện nay đang có một điều trái khoáy, bất hợp lý: Thượng tầng kiến trúc (tức pháp chế) thì áp dụng pháp quyền tư sản, mà hạ tầng cơ sở lại là công xã!”. Lúc đó, một người đàn ông trạc 40-45 tuổi, ngồi cạnh ông Ngô Yên Thi, liền nói: “Đúng! Đó là một điều đáng lưu ý!”. Ông Mễ liền giải thích: “Mác có nói: Một xã hội mới ra đời bao giờ cũng mang trên mình nó những tàn dư của chế độ cũ…”. Lúc đó, ông Loan “nháy” tôi không nên tranh luận… Cái gì có phát minh, phát triển, ắt sẽ có tiêu diệt. Chính sách khoán hộ cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu đó. Một khi phát triển đến mức bảo hoàthì nó sẽ phát huy mặt tiêu cực của nó. Lê nin đã từng nói: “Ưu điểm tồn tại quá mức cần thiết sẽ trở thành khuyết điểm”. Đó là điều khó có thể thấy được ở những người có đầu óc giáo điều, bảo thủ và thiếu năng lực, thiếu hiểu biết. Nhưng ông Mễ là một người hiểu biết và thấy được điều đó nên mới hỏi tôi một câu hỏi rất là duy vật và biện chứng như vậy.

* Ông có theo dõi hoàn cảnh và diễn biến về sự ra đời của khoán 10? Sau khoán 10 ông sống như thế nào?

- Về diễn biến của khoán 10 lúc đó tôi không có thời gian để theo dõi vì hoàn cảnh khó khăn, phải lo mưu sinh. Một người tuổi già sức yếu như tôi không thể làm những công việc bon chen, nặng nhọc được nữa. Còn những việc phức tạp như buôn bán, kinh doanh thì đòi hỏi phải có vốn lớn mà tôi lại không có. Các khoản lương bổng, trợ cấp hưu trí không còn, chỉ còn hai bàn tay trắng! Tài sản ruộng vườn cha ông để lại cũng mất nốt khiến tôi lâm vào cảnh bần cùng, vô sản.

Con người ta (ở bất kỳ thời đại nào) muốn sống, muốn được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự, điều quan trọng nhất là: không để phụ thuộc, lệ thuộc bất cứ thế lực nào. Và, muốn không bị lệ thuộc thì phải có cái gì thật sự là sở hữu của mình chứ! Chả lẽ cứ “xin” và “cho” mãi là một cuộc sống độc lập tự do và hạnh phúc chăng?!

* Những người lãnh đạo cấp trên ở Thừa Thiên – Huế, sau khi biết phong trào cải tạo công thương là sai… họ có tìm gặp ông không? Có khôi phục chức vụ cho ông?

- Những người lãnh đạo ở tỉnh và huyện đến nay họ đã già cả rồi. Còn những người trẻ sau này họ chỉ biết tôi qua một vài tờ bào như Tuổi Trẻ, Nông Nghiệp, Kinh Tế nông thôn cuối tuần… Họ cũng có long muốn giúp đỡ trong việc làm lại sổ hưu trí,trợ cấp, nhưng không được. Vì hồ sơ lý lịch (do quá trình lưu chuyển) không còn lưu lại nữa. Hồ sơ lý lịch đó 28 năm về do tỉnh Vĩnh Phú gởi cho tỉnh Thừa Thiên- Huế qua đường bưu điện chứ không qua tay tôi như thông lệ, như mọi người khác. Ngay cả ông Quang bí thư thành uỷ Huế cũng có lòng giúp đỡ mà cũng chịu!

Cách đây năm tháng có ông Thọ Hường, bí thư huyện uỷ huyện Hương Trà trước kia, cũng có tới thăm tôi, trao đổi một số vấn đề đường lối chính sách của một xã hội thế nào cho phải đạo.

*Thử đặt mình vào địa vị cấp trên, là những người đã kỷ luật ông, khi biết việc đó là sai (vì nhà nước đã cải chính, công nhận khoán hộ là đúng), ông sẽ làm gì với Lê Xuân Thiết?

- Nếu thử đặt mình vào cương vị cấp trên của tôi thì chẳng có sai lầm gì cả trong việc kỷ luật này! Nếu tôi không kỷ luật ông ta thì chính tôi sẽ bị người khác kỷ luật! Ở cương vị có chức, có quyền mà bị kỷ luật thì hậu quả của nó chẳng khác gì từ thiên đường rơi xuống địa ngục vậy!

Mặt khác, như tôi đã nói ở trên, “khoán 10 chứ không phải là khoán hộ”. Do đó, người ta hoàn toàn có lý do để làm ngơ và tiếp tục có thể trù dập ông ta (tôi) nữa nếu cần. Tôi nhận thấy ít ai dám thừa nhận những sai phạm của mình cả!

*Theo ông, nhà nước phải làm gì, làm cách nào để đền đáp những công lao của ông, và có thể với những người có công khác?

-Với người khác có công lao như thế nào, tôi không rõ lắm. Còn đối với tôi, chẳng có công lao gì cả! Bởi vì (“cái”) của tôi là “khoán hộ” mà (“cái”) của nhà nước là “khoán 10”.

* Ông có mong ước điều gì không? Nếu được xin ông cho biết dự định sắp tới của ông là gì?

-Tôi chẳng dám mong ước điều gì cả! Nhưng về dự định thì có nhiều, như trước kia tôi từng nói: “Khoán hộ và những gì tôi đã làm chỉ là 1/10 của “tổ kén” thôi!...”. Nhưng có lẽ, giờ tôi chỉ thực hiện được mỗi một dự định mà mỗi con người đã lỡ sinh ra ở đời đều phải có. Đó là chờ cái ngày “bốn dài hai ngắn” cùng với nỗi niềm chua chát là : “Sống thì để bụng mà chết thì mang theo”…

* Ông Kim Ngọc được gọi là “ông khoán hộ” và ông cũng được gọi là “ông khoán hộ”. Tuy mỗi người giữ một cương vị, vai trò khác nhau nhưng đều là những người có công. Ông nghĩ gì khi ông Kim Ngọc được đặt tên trường, tên đường, tặng huân chương, trong khi ông không có gì?

-Nghe tin ông Kim Ngọc được phục hồi danh dự, tặng huân chương… điều đó khiến tôi rất mừng cho vong linh của ông ấy! Còn tôi thì chẳng hề quan tâm gì về những điều như thế cả! Bởi lẽ, tôi sống và làm việc theo trái tim mính.
*!Xin cảm ơn ông!

*Loạt bài viết này đăng trên báo Kinh tế nông thôn cuối tuần vào năm 2004.
NGUYỄN THỊNH


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét