Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

LÊ XUÂN THIẾT - ÔNG TRIẾT GIA KHOÁN HỘ


Bài của Nhà báo Lê Thọ Bình:

8h30, sáng 28/6/2022, ông Lê Xuân Thiết, người được mệnh danh là "Triết gia khoán hộ", đã qua đời ở tuổi 86, tại Huế. Cuộc đời ông là một tấn "bi kịch" lớn.

Tôi đăng lại bài viết năm 2021 (đã đăng trên Pháp luật TP.HCM) như một lời tiễn biệt!

"TRIẾT GIA KHOÁN" HỘ 

Vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX có vài chục hộ nông dân ở Lập Thạch, một huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc đã “xé rào” chia nhau đất của HTX để trồng trọt và họ trở nên khá giả hơn những nông dân khác trong vùng mà đóng thuế cho Nhà nước cũng cao hơn những nông dân khác. 

Ơ Vĩnh Phúc thời bấy giờ ít nhất có 2 người nhìn thấy ở hiện tượng “xé rào” này lời giải bài toán xóa đói giảm nghèo cho nông dân. 

Người thứ nhất đã nhân rộng phong trào này ra nhiều nơi của tỉnh Vĩnh Phúc và sau này được gọi là “khoán hộ”. Người thứ hai đã đưa phong trào này lên thành “học thuyết” bằng một bản luận án dày 72 trang cũng có tên là “khoán hộ”. 

Người thứ nhất là ông Kim Ngọc- Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc thời bấy giờ. Người thứ hai là ông Lê Xuân Thiết- cán bộ Sở kinh tế- kế hoạch Vĩnh Phúc lúc ấy. 

Cả hai người đều có số phận thật gian truân. Tuy nhiên sau này ông Kim Ngọc được người đời nhìn nhận công bằng, được nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập. Còn ông Thiết dường như rơi vào quên lãng…

“HỌC THUYẾT” KHOÁN HỘ

Dẫu đã được nghe kể khá tường tận trước khi tôi rời Hà Nội vào Huế, nhưng cái con người gầy gò, bé nhỏ có khuôn mặt khoắc khổ mà ngay cả lúc cười cũng như mếu kia vẫn không khỏi làm tôi kinh ngạc, khi trong vòng gần 2 giờ đồng hồ, với chất giọng Huế nhỏ nhẹ, đã đọc thuộc lòng cho tôi nghe “bản luận án” khoán hộ dày 72 trang được ông viết từ gần 35 năm trước, mà trong đó có gần một phần hai là các câu nói của Các Mác, Ănggen, V. Lenin được viện dẫn để minh họa cho luận điểm của mình. Một trí nhớ không chê vào đâu được !

“Cái khoán hộ này đã làm tôi “ngã ngựa” đây, và cho tới tận bây giờ vẫn chưa đứng dậy được ”- ông Thiết kết thúc câu chuyện của mình như vậy. 

Hôm ấy ông đã kể cho tôi nghe về cuộc đời đầy sóng gió của mình, hay nói đúng hơn là một cuộc tìm kiếm hết sức phiêu lưu. 

Nó phiêu lưu tới mức mà khi bắt đầu nó Thiết còn là một sinh viên vừa rời ghế nhà trường với hai bàn tay trắng và cho tới hôm nay ở tuổi ngoại lục tuần ông vẫn trắng tay...

Lê Xuân Thiết sinh năm 1937 tại làng An Ninh Hạ, xã Hương Long, TP. Huế, trong một gia đình nông dân nghèo có tới 9 người con. 

Thiết là con thứ 2. Năm 13 tuổi Thiết bỏ nhà lên rừng theo kháng chiến. Năm 1954 Thiết được đưa ra Bắc học văn hóa ở trường học sinh miền Nam tập kết. Năm 1960 được kết nạp vào Đảng và được đưa sang Liên Xô (cũ) học tại trường kinh tế quốc dân Kiép (nước cộng hòa Ucraina). 

Đang học năm thứ 3 Thiết bị bệnh phổi nặng và phải rời Liên Xô về nước. Sau đó Thiết tiếp tục theo học tại trường đại học kinh tế- kế hoạch Hà Nội. Năm 1967, 30 tuổi, Thiết tốt nghiệp loại ưu và tự nhận thấy ở mình “khả năng nghiên cứu trội hơn những khả năng khác”, nên đã mạnh dạn “xin được về làm việc ở Viện nghiên cứu kinh tế”. 

“Đó là nguyện vọng của cá nhân anh, nhưng còn tổ chức lại cần anh có mặt ở chỗ khác”- ông cán bộ của Vụ tổ chức cán bộ Bộ chủ quản nói nhẹ nhàng nhưng rất cương quyết. 

Ngay ngày hôm sau Thiết xách vali, với cái quyết định trong túi áo, đạp xe từ Hà Nội về Sở kinh tế- kế hoạch Vĩnh Phúc nhận công tác. 

“Thực ra thì ban đầu tôi cũng rất buồn, nhưng rồi lại nghĩ mình là người được đào tạo cơ bản về quản lý kinh tế, về địa phương làm việc cũng là dịp để tích lũy kiến thức để làm phong phú thêm cho công việc nghiên cứu của mình sau này”- nghĩ vậy, Thiết hăm hở lao vào công việc.
Tuy xuất thân từ gia đình nông dân, nhưng Thiết chưa hề cầm tới cái cày, mới hơn chục tuổi đầu đã bỏ nhà lên rừng theo cách mạng. 

Lớn hơn một chút ra Bắc, rồi đi học. Nắm khá vững các nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, đọc làu làu bộ “Tư bản” của Các Mác; hiểu rất tường tận Chính sách kinh tế mới của Lênin, nhưng xem ra Thiết lại xa rời với phong trào hợp tác hóa đang được tung hô ầm ỉ thời bấy giờ. 

Chính vì vậy mà Thiết cảm thấy đau sót trước cảnh “cha chung không ai khóc”, làm thì ít mà chơi thì nhiều của người nông dân trên các thửa ruộng của hợp tác xã. 

Và vì vậy ăn no và mặc đẹp vẫn chỉ là ước mơ xa vời của người nông dân. “Phải phục hồi ngay những lực lượng sản xuất của kinh tế nông dân”- Câu nói của Lênin mà Thiết đã thuộc lòng từ ngày còn ngồi trên giảng đường đại học nay lại có dịp trỗi dậy. 

Nhưng bằng cách nào? Thiết tự hỏi và đi tìm câu trả lời bằng việc lại lao vào đọc Các Mác và Lênin. Thế rồi một chuyện kỳ điệu đã đến với Thiết. Ở một xã của huyện Lập Thạch nông dân tự chia nhau ruộng đất để làm ăn (phong trào này sau này được gọi là “khoán chui”). 

Thế là nhà nhà thóc đầy bồ. Chuyện chưa từng xảy ra ở Vĩnh Phúc. Suốt 3 tháng trời Thiết đã lăn lộn với người nông dân Lập Thạch để sau đó cho ra đời một bản luận án 72 trang viết tay với tên gọi “Khoán hộ”. 

“Lý luận thì dài vậy, chứ bản luận án của tôi thời bấy giờ chỉ gói gọn trong mấy ý sau: Cần giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho hộ nông dân. Ai giỏi nghề gì thì làm nghề ấy. Nông dân được quyền bán cái mình làm ra ở đâu đắt nhất và mua cái mình cần ở đâu rẻ nhất. Bỏ ngăn sông cấm chợ”. 

SÓNG GIÓ ẬP ĐẾN

Cũng trong thời gian này ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nhìn thấy ở phong trào tự phát của những nông dân Lập Thạch chìa khóa cho bài toán xóa đói giảm nghèo của nông dân. 

Ông ngấm ngầm, rồi công khai phát động phong trào trong toàn huyện Lập Thạch, rồi sang các huyện khác. Vĩnh Phúc dần dần trở thành tỉnh dư¬ ăn, đủ mặc. Lê xuân Thiết được đánh
giá cao trong giới trí thức Vĩnh Phúc, được coi là “triết gia” khoán hộ. 

Nhưng rồi “sóng gió” đã nổi lên. Chuyện “xé rào” của Vĩnh Phúc lan truyền về Trung ương. Không ít nhà quản lý kinh tế đã thẳng thừng tuyên bố: “Vĩnh Phúc đã đi ngược lại chủ trư-ơng hợp tác hóa. Ông Kim Ngọc đi theo chủ nghĩa tư bản rồi!”. 

Người thận trọng hơn thì nói: “Phải xem lại quan điểm giai cấp của tay Bí thư này!” Đã có không biết bao nhiêu cuộc họp, phân tích, kiểm điểm... Cuối cùng là “khoán hộ” phải ngưng lại. 

ông Kim Ngọc như người bị trói chân, trói tay, làm việc mà như không làm. Sau đó ông nghĩ hưu. Hôm tiễn ông từ Văn phòng tỉnh ủy Vĩnh Phúc về nhà riêng có rất đông nông dân. 

Không ít người trong số họ vừa đi vừa kéo vạt áo lau nước mắt. Cái “luận án” khoán hộ của Lê Xuân Thiết từng được nhiều trí thức Vĩnh Phú tán dương lẻ ra đã đi vào quên lãng, nếu tại một cuộc họp tổng kết cuối năm Lê Xuân Thiết không công khai đứng lên bảo vệ “khoán hộ” và “đòi” phải đưa luận án khoán hộ của mình ra tranh luận. 

Thật tai hại làm sao! 3 ngày liền Chi bộ ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú (lúc này Vĩnh Phúc đã được sát nhập với Phú Thọ thành Vĩnh Phú- TG) đã phải nghỉ làm để họp kiểm điểm đảng viên Lê Xuân Thiết “dám đi ngược lại chủ trư¬ơng hợp tác hóa”. Thiết đã giải trình rất nhiều, dùng đủ mọi lý lẽ, trích dẫn hàng trăm câu nói của Các Mác, Lênin để biện minh cho quan điểm của mình. 

“Không một ai đủ lý lẽ để bác lại tôi. Tuy nhiên tôi đã không thể nào thuyết phục được chi bộ bởi một lý do “Trên đang chủ trương phát động phong trào hợp tác hóa mà đồng chí lại đi ngược lại chủ trương đi đó”.

Cuộc họp kéo dài 3 ngày khép lại bằng câu nói của ông Bí thưchi bộ: “Đây không phải là câu lạc bộ để đồng chí Thiết diễn thuyết nhé!” Một tháng sau Lê Xuân Thiết nhận Quyết định kỷ luật: “Đồng chí Lê Xuân Thiết sinh hoạt tại Chi bộ Ủy ban kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú, mắc sai lầm nghiêm trọng về quan điểm lập trường. Mặc dù được Chi bộ tổ đảng hết lòng giúp đỡ, nhưng không tiếp thu sửa chữa. Xét thấy không còn đủ tư cách của ngư¬ời đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan chính dân Đảng tỉnh Vĩnh Phú quyết định: thi hành kỷ luật đồng chí Thiết bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. 

Thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan chính dân Đảng, Phó Bí thư Vũ Hồng Vàng đã ký”. 

Thế là sau 15 năm 2 tháng 4 ngày được làm người cộng sản Thiết ngậm ngùi rời khỏi đội ngũ những người đồng chí. 

Chưa hết, ngay sau đó Thiết bị đình chỉ công tác ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú, bị treo bằng tốt nghiệp và được đưa xuống quét dọn khu vệ sinh của tỉnh ủy và UBND tỉnh. Thiết lầm lũi làm việc và làm rất cần mẫn.

TAY TRẮNG- TRẮNG TAY

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ủy ban kháng chiến Thừa Thiên- Huế ra chỉ thị kêu gọi con em của tỉnh tập kết ra Bắc trước đây quay trở về phục vụ quê hương. 

“Đọc hồ sơ cán bộ của tôi ông Trưởng phòng tổ chức cán bộ Thừa Thiên- Huế nhìn tôi cười: “Thằng cha ni được đây!”.

Ngay ngày hôm sau tôi được điều về công tác tại huyện Hương Trà”- Thiết nhớ lại. “Tôi được ông Nguyễn Sĩ Hạc, Chủ tịch huỵện Hương Điền (lúc bấy giờ 2 huyện Hương Trà và Phong Điền sát nhập thành Hương Điền) rất quý. 

Ổng có ý định bồi dưỡng cho tui thành cán bộ quản lý”. 

Nhưng rồi có một chuyện xảy ra đã làm cuộc đời Thiết rẽ theo một hướng khác. Dạo ấy Thừa Thiên- Huế tiến hành cải tạo công thương nghiệp. ông Hạc được chỉ định làm Trưởng ban, Thiết Làm Thư ký của Ban. 

“Sau khi nhận công việc này tôi đấu tranh tư tưởng ghê lắm. Ở miền Bắc đã từng tiến hành cải tạo công thương nghiệp và sau đó đã phải sửa chữa sai lầm. Nếu không nói ra thì mình mắc tội với dân là biết mà không nói. Còn nếu nói ra thì sẽ trở thành người đơn độc chống lại chủ trương của Tỉnh ủy. Bài học đắt giá về “khoán hộ” ở Vĩnh Phú hãy còn đó”. 

Nhưng rồi cái ám ảnh về tội lỗi với dân, với nước trong Thiết đã thắng. 2 tuần sau đó Lê Xuân Thiết đã đệ trình lên lãnh đạo Thừa Thiên- Huế một bản thuyết trình 16 trang giấy khổ lớn, trong đó Thiết giải thích cặn kẽ vì sao không nên tiến hành cuộc cải tạo công thương nghiệp này.

“Khi gặp riêng tui thì ai cũng bảo cậu nói có lý lắm, nhưng trong tất cả các cuộc họp không một ai lên tiếng ủng hộ quan điểm của tui”- Lê Xuân Thiết kể. Thế là Thừa Thiên- Huế rầm rộ tiến hành cải tạo công thương nghiệp để rồi rồi sau này Thừa Thiên- Huế lại tiến hành... sửa sai. 

Ngay sau khi bản đề nghị không được chấp nhận Lê Xuân Thiết xin thôi không tham gia Ban cải tạo công thương nghiệp và xin được ra làm việc tại Xí nghiệp vôi- gạch ngói Long Thọ với hy vọng rằng lao động cơ bắp mệt nhọc sẽ làm ông thảnh thơi đầu óc. 

Nhưng rồi nào có yên, “ngựa quen đường cũ” (như nhiều người thời bấy giờ vẫn nói về ông), ông không tài nào chịu được cảnh “làm thì láo, báo cáo thì hay” của ông Giám đốc Xí nghiệp vôi- gạch ngói. 

Lại đấu tranh, lại vạch tội.. “Thú thực là tui cũng chỉ muốn có một chỗ làm cho yên thân, nhưng rồi muốn cũng không được!”- ông Thiết nói và nhìn về cõi xa xăm.

Năm 1981, ở tuổi 43, Lê Xuân Thiết xin về mất sức. Thế là, 13 tuổi ra đi với 2 bàn tay trắng, và 30 năm sau trở về cũng lại trắng tay.

Ở tuổi tứ tuần Thiết bắt đầu làm cái việc lớn nhất trong đời: lấy vợ. Một năm sau đó cậu con trai ra đời. Tuy nhiên hạnh phúc gia đình đã không đem lại niềm vui cho Thiết. 

Chút lương nhỏ mọn của cô y tá đông y cộng với xuất tiền ít ỏi của một công chức nghỉ mất sức không đủ duy trì cuộc sống cho một gia đình 3 miệng ăn. Vợ chồng lục đục. 

Năm 1989, vì quá khó khăn vợ xin ly hôn, đưa con vào khu tập thể Viện y học, nơi chị đang công tác để ở. Ông thơ thẩn như người mất hồn. Nhà cửa không còn, Thiết dựng một túp lều nhỏ nơi góc vườn của người anh trai để tá túc. 

Vật vờ mãi cũng chẳng giải quyết được gì, mà chết thì không được, nên đành phải kiếm việc gì đó làm cho qua ngày đoạn tháng. 

Được một người bạn mách nước Lê Xuân Thiết vào thành phố bán vé số nuôi thân. Vậy là đã hơn hai chục năm trôi qua kể từ ngày Thiết làm nghề bán vé số. Không ngờ với nghề này Lê Xuân Thiết lại trụ lại được lâu đến thế!. 

Rất may là sau đó gia đình ông đã tái hợp. Hôm tôi gặp ông, với chiếc áo pull màu xanh lá cây, quần là thẳng nếp, tóc chải mượt trông Thiết giống một ông giáo làng hơn là một người bán vé số.

Chia tay Lê Xuân Thiết tôi cứ miên man với một ý nghĩ: “Không hiểu thực ra thì Thiết là một tài năng không hợp thời hay chỉ là gã trí thức gàn hay chữ?”. 

Câu hỏi này sẽ khó bề lý giải nếu ta không nhìn thấy ở Thiết một con người - tìm kiếm. Cả cuộc đời ông đã kiếm tìm, có lúc đã thấy và rồi vì một lý do nào đó cái tìm thấy ấy đã vuột khỏi tay ông. 

Gặp ông, trò chuyện cùng ông tôi chợt nhận ra rằng, nếu cho làm lại từ đầu chắc ông cũng khó bề chọn cho mình một cuộc sống khác an nhàn hơn.

Tôi không nghĩ rằng cái “học thuyết” khoán hộ (mà Lê Xuân Thiết đã phải đánh đổi bằng cả cuộc đời mình) lại có chút ảnh hưởng gì tới chính sách khoán hộ mà chúng ta thực hiện sau này, nhưng có điều tôi biết chắc chắn rằng chân lý sẽ khó bề được sáng tỏ nếu không có sự hy sinh của những con người như Lê Xuân Thiết.

Huế- Hà Nội 7/2021
-Nhà báo Lê Thọ Bình-

2 nhận xét :

  1. Không sợ kẻ thù tàn bạo chỉ sợ đồng chí trong tổ chức ngu dốt biểu quyết chống mình - Không thể chống lại bọn ngu dốt vì chúng quá đông, thật buồn cho thể chế !!!

    Trả lờiXóa