Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Thái Hạo: NGUYỄN XUÂN DIỆN & VÀNG SON... TRÊN LỬA


Nhân dịp Tái bản Lần 1 "Vàng Son Trên Giấy Gấm" 
tác giả có làm 100 bản Đặc biệt, bọc bìa bằng Gấm vàng, hoa văn chữ Thọ và Trúc Mai.
Hiện bản Đặc biệt đã hết, chỉ còn bản thường, giá 130k/cuốn.

Bạn đọc để lại bình luận, ghi rõ họ tên, Địa chỉ và Số ĐT, sẽ có sách chuyển đến tay.

Xin trân trọng giới thiệu bài của Thái Hạo:

NGUYỄN XUÂN DIỆN VÀ VÀNG SON TRÊN LỬA

Thái Hạo

Tôi chưa từng được gặp tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, kẻ sĩ của viện Hán Nôm, người khí phách với tinh thần vô úy trước những hóc búa của thời cuộc; nhưng may mắn thay, trang giấy gấm đã thành nơi hội ngộ, để ở đó những những người cùng trời cuối đất có thể hiệp thông trong một tình tự dân tộc bát ngát anh hoa.

Nhận được sách anh tặng chiều qua, tôi ngồi xuống và đọc cho đến trưa nay thì đã đi hết 367 trang chữ của "Vàng son trên giấy gấm"; đọc và những miền đất nước cứ hiện ra, cùng những miền hồn Việt thăm thẳm như lịch sử mấy ngàn năm. Từ khi tôi lớn và bắt đầu biết nhìn về đất nước mình, biết tha thiết trước giang sơn gấm vóc nhưng đã nhuốm màu tàn tạ, biết cảm nỗi đau dân mình, biết nổi giận trước bạo ngược, biết khao khát hành động góp cho lịch sử được trang trang...; bằng tinh thần duy lý của một kẻ làm ngôn ngữ học, tôi quyết tìm ra tử huyệt trong căn tánh Việt để cùng sửa chữa nó, hòng mộng về một tương lai. Tôi đã dồn ngòi bút của mình vào những thói tật của người Việt với một tinh thần phê phán quyết liệt. Cho đến hôm nay, chợt giật mình tự hỏi, nhưng tại sao “cái nước mình” lại có thể trường tồn bên anh láng giềng thâm độc, luôn “động binh không ngừng” trong những dã tâm quỷ quyệt quyết hủy diệt nòi giống ta? Cái gì đã neo dân tộc này lại bên bờ Đông hải sau bao nhiêu sóng dập gió dồi, sau bao nhiêu bão tố tang thương? Nền văn hóa của ta, linh hồn của dân tộc ta là gì để nó có thể chống chọi với khắc nghiệt của thời gian và bạo chúa hung tàn? Cuốn “Vàng son trên giấy gấm” của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện đã đến với tôi giữa những câu hỏi ngổn ngang ấy. 
 
“Vàng son trên giấy gấm” không phải là một chuyên luận để giải quyết một vấn đề văn hóa-khoa học thuần nhất, mà đúng như phụ đề của nó, “Du khảo và nghiên cứu”, đã mở ra những chiều kích phong phú và giầu có trong bức tranh văn hóa Việt – một bức tranh mà theo tôi không phải loại tranh mực tàu kiểu Trung Quốc, nó là tranh Đông Hồ ngồn ngộn chất sống, là một “thực thể Việt” thập phồn, là một thực hữu. Từ những cựa quậy của mầm sống cho đến cái hiện hữu đa tạp của một cuộc tồn sinh “biết sống là vui”, phải chăng là một thứ “Minh triết Việt” (chữ của Hoàng Ngọc Hiến)? 
 
Người Việt không ham suy tư siêu hình, không theo đuổi triết học bản thể luận, không gửi mình vào cõi của siêu nhiên; người Việt sống ở làng, uống nước giếng làng, lấy nhau trong làng và thờ thành hoàng làng. Một thế giới của ẩm thực Việt, đình chùa Việt, lối nghĩ Việt, lối sống Việt cứ hiện dần ra theo bước chân du lãm của nhà nghiên cứu vốn mang trong mình chất nghệ sĩ lãng du. Nước Việt mông mông, người Việt đằm thắm; sử Việt gian truân, hồn Việt sâu thẳm; dân Việt bé nhỏ, chí Việt can trường... Văn hóa Việt tụ - tán trong một sự linh thông kỳ lạ mà tự nhiên; biến thiên mà bền vững, sống - chết như nhiên; thành mà hoại, hoại mà thành; đến – đi thuần hậu. 
 
Đọc xong cuốn du khảo thấy mình đứng giữa nước Việt xiết bao thương mến mà nhìn về quá khứ, mà ngẫm về tương lai, trên nền hiện tại không ít những bể dâu. Tôi đã gặp cảnh, gặp người, gặp thần, gặp cả những tình yêu thôn dã nồng nàn; gặp cả quê tôi - xứ Thanh thương nhớ, theo những bước chân của nhà nghiên cứu. Đọc Vàng son trên giấy gấm không phải là một cuộc ra đi, mà là một trở về để đi lên; trở về với nguồn cội, trở về với giống nòi, trở về với chính ta bên giếng làng, mà muôn dặm nước non. 
 
Cần một niềm yêu và tình tự dân tộc để mỗi đứa con không thành vong bản trên đất quê. Những trang “Giấy gấm” trong tập sách này như một tiếng gọi tha thiết của hồn nòi giống chưa tan, đưa ta trở về với những quá khứ nhưng rạo rạo rực xuân thì mà bình dị tỏa sáng. Cái khoảng trống về niềm yêu và lòng tự tôn dân tộc trong tôi như bắt đầu được khỏa lấp từ những “vàng son trên giấy gấm” của Nguyễn Xuân Diện. 
 
Một lối văn vừa cổ kính kết hợp nhuần nhị với chất hiện đại trong một ánh nhìn vừa trân quý truyền thống vừa khao khát đổi thay đã truyền đi tinh thần của cuốn sách như một tình yêu dạt dào của kẻ sĩ hiện đại nặng tình với nước non. 
 
Vĩ thanh: tôi đặt tên cho bài viết là "Vàng son trên lửa" bởi những giá trị của dân tộc những phẩm tính Việt đang bị thử thách nghiệt ngã trước ngã ba lịch sử, và để mong những người con Việt sẽ cùng chung tay gìn giữ di sản của cha ông trước sự phá hoại của cái ác và cái dốt...để chúng ta cùng "Đến hiện đại từ truyền thống" (Trần Đình Hượu). 
 
Cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện vì sách và tình người! 
 
Thái Hạo
Tây Lạc Viên. 4/10/2020.

1 nhận xét :

  1. Song Thu đã nhận được sách sáng nay. Chưa kịp đọc. Mới xem qua mục lục thôi đã thích rồi. Cám ơn Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Diện rất nhiều ạ. Mong rằng ông viết được nhiều tác phẩm để đời

    Trả lờiXóa