Nhiều ý kiến trái chiều về bãi cọc Cao Quỳ
Thanh Niên
05:30 - 04/10/2020
Nhiều ý kiến trái chiều về bãi cọc Cao Quỳ ở H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng trong Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 55 (29 - 30.9) là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật trên Thanh Niên Online tuần qua.
Mẫu xét nghiệm do người dân đưa lên không đáng tin
Chia sẻ tại Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 55, PGS - TS Nguyễn Quang Miên, Trưởng phòng C14 (Viện Khảo cổ học), cho biết đến giờ đơn vị mới có kết quả một mẫu xét nghiệm để xác định niên đại cọc gỗ ở Cao Quỳ bằng phương pháp đồng vị carbon C14. Trong số này, có 1 mẫu do một trưởng thôn tại địa phương mang lên.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử cho rằng mẫu xét nghiệm do người dân đưa lên thì không đáng tin. TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học, phát biểu tại hội nghị: “Tôi không hiểu tại sao lại dùng mẫu của người dân mang lên, mẫu của đoàn khai quật đâu. Mẫu người dân thì tôi không tin vì quy trình lấy mẫu C14 rất phức tạp. Nếu lấy mẫu không chính xác kết quả sẽ sai”.
TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học, cũng cho biết về mặt tiêu chuẩn lấy mẫu như vậy là không được. Theo ông Kiên, điều quan trọng nhất để xác định bãi cọc Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng năm 1288 hay không thì lại chưa khẳng định được. Chính vì vậy, ông Nguyễn Hồng Kiên chưa tin đây là bãi cọc gỗ chiến trận.
Trước đó, sau khi tham quan thực tế bãi cọc vào chiều 28.9, nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Hảo cũng đưa nhiều hoài nghi: “Xung quanh khu vực này toàn là núi. Bãi cọc nằm ở giữa. Có thể đây là vùng vịnh cổ gần như khép kín. Trầm tích thì có than bùn. Nếu ở đây là dòng sông thì không thể có trầm tích than bùn được. Vậy thì tại sao lại có cọc gỗ ở đây. Cần có góc nhìn của nhà quân sự để làm rõ”. Ông Nguyễn Văn Hảo nói các kết luận trước đây về bãi cọc là quá vội vàng.
Trong khi đó, GS Lê Văn Lan vẫn cho rằng: “Có cơ sở để nói cọc gỗ Cao Quỳ liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu đa ngành từ khảo cổ, địa mạo, địa chất để củng cố việc xuất lộ bãi cọc”.
Có cùng quan điểm với GS Lê Văn Lan, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng bãi cọc Cao Quỳ nhiều khả năng thuộc về trận địa Bạch Đằng năm 1288.
Trước đó, ngày 1.10.2019, trong quá trình đào vườn thuộc cánh đồng Cao Quỳ, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.
Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên báo cơ quan chức năng. Bộ VH-TT-DL sau đó có quyết định cho khai quật khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ. Sau 2 tháng, đoàn khảo cổ đã khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố.
Đến ngày 21.12.2019, TP.Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật bước đầu tại bãi cọc vừa phát lộ. Tại hội nghị này, các nhà khoa học đều thống nhất bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần với đế quốc Nguyên Mông và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có phương án bảo tồn bãi cọc.
Đỗ Tuấn
Ông GS Lê Văn Lan này là GS quốc doanh tự phong, chỉ là một cử nhân sử học, không có bằng tiến sĩ, sống lâu lên lão làng, lúc nào phát biểu cũng xu nịnh nhà nước, đứng về phía nhà nước chứ ít khi thấy đứng về phía Dân, nói năng thì ề à, lộn xộn, không logic, không hiểu ông này lấy bằng GS lúc nào? Nghe nói là tự phong???
Trả lờiXóa"Tại hội nghị này, các nhà khoa học đều thống nhất bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần với đế quốc Nguyên Mông và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có phương án bảo tồn bãi cọc".
Trả lờiXóaỞ Hải Phòng đã có di tích bãi cọc Bạch Đằng rồi, không hiểu khai quật rồi bảo tồn bãi cọc mới này để làm gì? Vì khảo cổ học là dùng để nghiên cứu các di vật của người xưa để làm sáng tỏ một vấn đề chưa biết hoặc chưa rõ, còn trận chiến thắng Bạch Đằng của quân dân nhà Trần 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông đã được lịch sử ghi chép lại và bãi cọc cũ ở Hải Phòng chứng minh rõ ràng rồi.
Nếu muốn kỷ niệm chiến tích này thì chỉ cần dựng một tấm bia đá khắc lại chiến công này ở bãi cọc cũ là đủ. Hà cớ gì lại tiếp tục đi tìm hiểu, khai quật thêm các bãi cọc khác để làm gì? Nói là để học tập cha ông ta là không đúng vì nghệ thuật quân sự mỗi thời đại mỗi khác, ngay cả dùng thuật quân sự đánh Mỹ thời trước nay vài chục năm để đối đầu với tụi Tàu hiện nay đã là khập khiễng rồi vì hiện nay quân đội đánh nhau bằng chiến tranh hiện đại rồi, huống hồ là cách đây hàng trăm năm???.
Hay là bày việc ra để có dự án và kinh phí dự án???
Các ông sử này chỉ ngồi đó mà tán ra thôi. Cứ ngồi mà phán thì ai cũng phán được, không cần phải là các ông sử! Hãy đừng nói gì cả, hãy âm thầm đi mà khảo sát, lục tìm các văn bản liên quan và cuối cùng là phải chứng minh rằng đó là một phần của trận chiến hay chiến dịch gì đó.
Trả lờiXóaHãy đừng ngồi một chỗ nói phét! Chán!