Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

VÀNG SON TRÊN GIẤY GẤM - GIÁ TRỊ VĂN HOÁ BẮC BỘ


VÀNG SON TRÊN GIẤY GẤM - GIÁ TRỊ VĂN HOÁ BẮC BỘ

Trần Lê Hoa Tranh
24 - 10 - 2019

Vốn ít được đi nhưng lại mê đi. Vì thế mình rất thích đọc sách về các vùng đất quen lạ gần xa! 
 
Mình và anh Nguyễn Xuân Diện không gọi là thân, nhưng quý và đồng nhiều quan điểm. Thêm nữa, mình thấy anh mềm mỏng, nhẹ nhàng, khiêm cung, lại lịch sự và galant với phụ nữ:) nên mình mến anh hơn!
 
Anh lại là người con làng cổ Đường Lâm, một địa danh mình đã từng đến và rất rất là thích!


Nhận sách anh mấy lần rồi, nay mới dám rón rén đọc hết và nói vài dòng về cuốn “Vàng son trên giấy gấm”.

Như tên gọi, cuốn sách cho mình biết thêm về nhiều đặc trưng văn hóa của các địa danh mình đã đến hoặc ao ước đến ở miền Bắc, nơi mà có lẽ mỗi di tích đều thấm đẫm một câu chuyện lịch sử và văn hoá tuyệt hay. Đây không phải là sách du ký, đây là du khảo, nghĩa là đi, quan sát, ghi chép, đọc tài liệu, nghiền ngẫm, nghiên cứu rồi viết nên đọc thích cực kỳ. Có bài ngắn, bài dài nhưng đều đem lại cho mình những kiến thức mới hoặc bổ sung thêm cái đã biết như Tứ bất tử, ca trù, nhạc chương Nôm đời Lê, kịch bản chèo Nôm Kim Vân Kiều, những làng nghề, kiến trúc các ngôi chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp, tứ bình (4 ngôi làng cổ miền Bắc (làng Mông Phụ, Cổ Đô, Đông Ngạc, làng Then ), tục lên đồng, tục đánh cá và tiệc cá (mình đọc vài đoạn cho cả con trai nghe để con có thêm kiến thức); ngoài ra còn là những gặp gỡ duyên lành với những nhân vật lớn làm nên giá trị văn hoá Việt Nam như Điềm Phùng Thị, Hoàng Cầm, Quách Thị Hồ, Trần Văn Khê,...
 
“Vàng son trên giấy gấm”, làm cách nào để mỗi du khách trong ngoài nước khi đến một địa danh, ngoài thưởng thức phong cảnh, còn biết thêm những câu chuyện văn hoá, lịch sử, ẩm thực, tôn giáo, nghệ thuật phía sau đó?
 
Hấp dẫn, uyên bác nhưng dễ đọc, sách của anh bán chạy ghê lắm nên đây không phải là quảng cáo, mà là lời cảm ơn anh đã tặng sách!
_______

*Ghi chú: Tác giả là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, hiện công tác tại Khoa Ngữ văn và Báo chí, ĐH KHXH và Nhân văn Tp HCM.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét