Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

BIẾN TƯỚNG LỄ HỘI & TẾT CỔ TRUYỀN

Người dân TP Hồ Chí Minh đội sớ cầu an tại các ngôi chùa. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Biến tướng lễ hội Tết cổ truyền

RFA
12.2.2019


Cầu may hay mê tín?



Theo số liệu trong sách Tập tục người đời của Phan Cẩm Thượng tổng hợp từ các website nghiên cứu về lễ hội, tính đến năm 2009 Việt Nam đã có 7.966 lễ hội.

Trên các trang báo mạng, hầu như ngày nào cũng cập nhật những bài viết, video cảnh người chen lấn, xô đẩy nhau để tham gia lễ hội cầu may như xoa tiền vào chùa Đồng trên núi Yên Tử, hay xoa tiền lên các tượng Phật chùa Bái Đính, hoặc đuổi bắt và bứt lông lợn trong lễ hội “ông cầu” ở Phú Thọ, thấm tiền vào máu lợn mới bị chém ở Bắc Ninh…
Các lễ hội sau này có khuynh hướng thương mại. Ban tổ chức thì thương mại, người đi lễ thì cầu lợi theo kiểu cầu lợi thực dụng chứ không phải cầu mong canh “tĩnh” cho tâm tính, tâm hồn.  - Nhà báo Vỹ Đặng
Gần đây nhất, trong lễ hội Đúc Bụt ở tỉnh Vĩnh Phúc vào sáng ngày 12/2, hàng trăm thanh niên xã Đồng Tĩnh đã giành giựt nhau những mảnh chiếu với niềm tin ai cướp được chiếc chiếu có bó mạ xanh trên đầu thì vợ chồng năm đó sẽ sinh hạ con trai.


Nhận xét về việc này, bạn Bảo Ngọc đang ở Sài Gòn cho biết mặc dù những lợi ích này đều không có cơ sở khoa học, nhưng vẫn được nhiều người tham gia vì:

“Một số người thì a dua (hùa) theo, một số người thì người ta bế tắc trong chuyên gì đó, cần niềm tin ở tinh thần, còn một số người mù quáng nghĩ đó là thiệt thì người ta làm. Người ta cứ làm thôi, đôi khi không hiểu làm để làm gì, nhưng cứ thấy người ta làm thì mình làm. Người Việt Nam hay đi theo số đông mà.”

Nhận xét thực trạng lễ hội hiện nay dưới góc nhìn cá nhân, ông Đặng Vỹ, một cựu nhà báo ở Việt Nam trong email trao đổi với Đài Á Châu Tự Do lại cho rằng:

“Các lễ hội sau này có khuynh hướng thương mại. Ban tổ chức thì thương mại, người đi lễ thì cầu lợi theo kiểu cầu lợi thực dụng chứ không phải cầu mong canh “tĩnh” cho tâm tính, tâm hồn. Các hoạt động về sau thiên về thỏa mãn bản năng, thú tính. Hình như người Việt bị đè nén nhiều về mặt thống trị, không biết làm sao giải tỏa, nên các hoạt động lễ hội hay gì đó có đám đông là họ hành động theo khuynh hướng phải làm gì đó để giải phóng, giải tỏa, hả hê. Không đánh lại được kẻ mạnh thì quay qua hành kẻ yếu để giải tỏa, nên mới quay qua hành hạ “súc vât” là kẻ yếu.”

Theo tác giả Phan Cẩm Thượng viết trong sách Tập tục người đời, lễ hội là một hoạt động quy tụ con người, kết nối họ trong một cội nguồn văn hóa, đưa họ trở về với quá khứ và san bằng các khoảng cách… nếu không là sự thăng hoa văn hóa, lễ hội có thể là sự quá khích của một cộng đồng, khi mà con người cất lý trí cá nhân của mình hòa vào đám đông.”
Trích dẫn từ những nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các nhà quan sát, Tiến sĩ Hán – Nôm Nguyễn Xuân Diện đánh giá rằng đang có vấn đề loạn tâm linh ở Việt Nam hiện nay:

“Loạn tâm linh này xuất phát từ việc loạn lòng tin nên vào mỗi dịp đầu xuân thì lợi dụng tâm thế bất an của xã hội như vậy, những người kinh doanh những khu du lịch hay những đền chùa tâm linh bịa đặt ra những trò khiến người dân mê muội và cứ làm theo. Tưởng rằng như thế đem lại may mắn, lợi lộc cho họ, nhưng thực chất đấy là niềm tin mù quáng.”

Vẫn theo Tiến sĩ Diện, do người dân vừa loạn tâm linh vừa rối loạn niềm tin và mất phương hướng như vậy nên người ta bị cuốn theo những lễ hội này theo phản xạ không có ý thức. 

Hóa vàng

Bên cạnh việc đi chùa tham gia lễ hội, dâng lễ mong bình an, tục hóa vàng đang ngày càng mạnh mẽ và phổ biến nhiều hơn.

Báo mạng Nghệ An ngày 12/2 có bài viết cho thấy mỗi ngày trong dịp Tết Kỷ Hợi tại đền thờ quan Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng, tỉnh Hà Tĩnh, người dân đã hóa vàng cả ngàn con ngựa giấy, cao từ 1-3 mét với mức giá từ 300-500.000 đồng/con.
Loạn tâm linh này xuất phát từ việc loạn lòng tin nên vào mỗi dịp đầu xuân thì lợi dụng tâm thế bất an của xã hội như vậy, những người kinh doanh những khu du lịch hay những đền chùa tâm linh bịa đặt ra những trò khiến người dân mê muội và cứ làm theo.  - TS. Nguyễn Xuân Diện
Theo thống kê chính thức từ truyền thông Việt Nam được báo Nghệ An trích lại, mỗi năm người dân chi khoảng 5.000 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã.

Vào ngày 22 tháng 2 năm ngoái, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra công văn số 31, đề nghị các Phật tử loại bỏ thủ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nguồn gốc việc đốt vàng mã có từ Trung Quốc được truyền sang Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ thời Đường ở bên Trung Quốc người ta đã không chấp nhận và bài xích việc đốt vàng mã này rồi, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa bỏ được và ngày càng đốt nhiều thêm:

“Ban ra như vậy và Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tiếng hay như vậy nhưng thực ra không thể thực hiện được, không có chế tài nào để thực hiện, không phải là văn bản gì mà người Phật tử tuân thủ. Bởi vì người ta đến chùa bây giờ không phải tìm kiếm chút tĩnh tại trong tâm hồn hoặc niềm mong ước, lời cầu khấn một cách trong sáng, mà người ta đến với bàn thờ Phật và những ngôi chùa Phật bây giờ với tinh thần cầu cạnh, cầu cúng quyết liệt. Và với niềm tin mê lầm như vậy, nên Giáo hội Phật giáo không thể nào cấm được việc đốt vàng mã, ngay cả ở trong chùa cũng thế.”

Vẫn theo ông, mỗi một ngôi chùa thường có điện thờ mẫu, diễn ra nghi lễ lên đồng. Trong những cuộc lên đồng bao giờ cũng đốt vàng mã với số lượng lớn, nhiều khi một lễ cúng có thể đốt hết nửa tỷ đồng tiền vàng mã.

Trong cuộc họp thường trực chính phủ về tình hình Tết nguyên đán Kỷ Hợi, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết công tác tổ chức cho nhân dân vui xuân đã diễn ra trong không khí vui tươi, đầm ấm, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm.

Nhiều ý kiến Đài Á Châu Tự Do ghi nhận được cho rằng nếu chính phủ Hà Nội vẫn chưa thể kiểm soát được tình hình biến tướng của lễ hội như hiện nay, thì mục tiêu an toàn, tiết kiệm được đề ra sẽ khó mà hoàn thành.

Hay theo như nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng việc biến tướng lễ hội trong những năm gần đây rất phát triển và sẽ còn phát triển hơn nữa đối với cuộc sống đang có nhiều bất trắc và mất lòng tin nơi trần thế như hiện nay ở Việt Nam, khắp tất cả từ trong nam tới ngoài bắc.

5 nhận xét :

  1. Không còn biết tin vào đâu nữa, nhất là những người yếu thế nên chỉ còn tìm đến thánh thần.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người ta đang có âm mưu lái dân tộc này vào vòng mê lú để quên việc mất nước đang cận kề. Đám dân đen mê muội kia hãy tỉnh lại đi.

      Xóa
  2. Chùa này là chùa Ngọc Hoàng của người Tàu (minh hương).
    Ban đầu là điện thờ Ngọc Hoàng thượng đế, thái thượng lão quân là mấy vị thần trong đạo lão.
    Sau có thờ thêm Phật nên đổi tên gọi từ điện thờ sang chùa.
    Do thờ cả Phật và cả đạo Lão nên chùa này rất mê tín dị đoan

    Trả lờiXóa
  3. Nhìn đội "sớ" lên đầu, thấy tởm !

    Trả lờiXóa
  4. Khi lòng tin hiện tại không còn tuyệt đối thì con người quá tuổi trưởng thành tìm đến thánh thần để cầu may vận tốt lành cho họ và gia đình họ. Tôi còn nhớ thời quân Pháp bằng hải lục không quân ném bom vào quê hương tôi lúc đó hầu như mọi gia đình xóm quê đều cầu mong đức thành hoàng bản thổ quê tôi cứu nhân độ thế che chở cho dân lành quê tôi... Vậy mà bom na pan đốt cháy nhà và hầm trú ẩn bên cạnh đã có phép mầu nhiệm cứu sống anh em tôi và các gia đình khác trong vụ quân Pháp bằng Hải - Lục- Không quân tấn công căn cứ địa Trung thuần bên dòng sông Gianh phía bắc mùa hè năm 1947.Nay đã trên bát tuần nhưng vụ thoát chết này tôi vẩn còn nhớ mãi....

    Trả lờiXóa