Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2022

Tư liệu: NHÂN 69 NĂM NGÀY MẤT CỦA LỆ THẦN TRẦN TRỌNG KIM


Nhân 69 năm, Ngày mất của Lệ Thần Trần Trọng Kim
(2-12- 1953 - 2-12-2022)

Trần Đình Dũng: Trần Trọng Kim (1883 – 1953) là một học giả danh tiếng, là nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam. Ông có bút hiệu Lệ Thần. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm về lịch sử, văn hóa, Nho giáo,...

Trần Trọng Kim từng làm Thủ tướng của chính phủ Đế quốc Việt Nam (1945) được thành lập trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam.


Lệ Thần Trần Trọng Kim để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng về các lĩnh vực sử học, văn học, nghiên cứu và sư phạm gồm: Sơ học luận lý (1914); Vương Dương Minh (1914); Việt Nam văn phạm (Hợp soạn, 1941); Luân lý giáo khoa thư (1916); Sư phạm khoa yếu lược (1916); Sơ học An Nam sử lược (1917); Sư phạm yếu lược (1918); Việt Nam sử lược (1919); Truyện Thúy Kiều chú giải (1925); 47 điều giáo hóa triều Lê (có bản dịch ra tiếng Pháp- 1928); Nho giáo (3 tập từ 1930-32); Vương Dương Minh (1934); Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay (1938); Phật Lục (1940); Quan niệm về nhân sinh, Vũ trụ đại quan (1943); Quốc văn giáo khoa thư (gồm 3 tập: lớp Đồng ấu, Dự bị, và Sơ đẳng), biên soạn cùng Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận; Việt Nam văn phạm (Đồng tác giả với Bùi Kỷ, Nguyễn Mạnh Tường, xuất bản 1941)…

Tuan Anh Luu: Thống nhất Bắc, Trung, Nam kỳ thành Đế Quốc Việt Nam là công của Trần Trọng Kim. Nhiều người Việt bây giờ vẫn không biết nhờ có ông mà nước ta có tên Việt Nam. Ông xứng đáng được tôn vinh như một người có công khai quốc. (Năm 1802 Nguyễn Ánh đặt nên nước là Việt Nam. Tuy nhiên tới 1839 thì Minh Mạng lại đổi thành Đại Nam. Chỉ sau khi thành Đế Chế Việt Nam năm 1945 thì cái tên Việt Nam mới được giữ tới bây giờ).

Mr.Cao:
Cụ Trần Trọng Kim mất tại Đà Lạt trong một dinh thự (nay vẫn còn). Linh cữu được chuyển qua máy bay về Hà Nội. Tang lễ được tổ chức theo nghi thức quốc gia tại Hà Nội, Đà Lạt và Sài Gòn. Tại Hà Nội, tang lễ được tổ chức tại chùa Quán Sứ, nơi cụ cùng một số học giả hàng đầu khác như Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật...thành lập nên Hội Việt Nam Phật Giáo vào những năm 30 của thế kỷ trước. Quốc trưởng Bảo Đại có gửi đến lễ tang một Lời điếu và do Đổng lí văn phòng đọc trước linh cữu. 
 
Cụ Trần Trọng Kim được chôn cất tại nghĩa trang Phúc Thiện, Cầu Giấy, Hà Nội.

Nay bình tro cốt của Cụ Lệ Thần được an vị tại Chùa Vĩnh Nghiêm, TP Hồ Chí Minh.
 
 
Nhân dịp này, để tưởng nhớ Lệ Thần Trần Trọng Kim, xin giới thiệu toàn văn bài "Khóc Lệ Thần Trần Trọng Kim" của thi sĩ Đông Hồ, in trong tập Bội Lan hành, xuất bản năm 1969.

Khóc Lệ Thần Trần Trọng Kim
(trong tập Bội Lan hành - 1969)


LỆ THẦN

Than ôi!

Cuộc cổ kim một nhoáng, mở triêu khép tịch, can chi mà phải thở than;
Tình văn mặc trăm năm, tử biệt sinh ly, có lẽ nào không kể lể.

Kẻ chưa mất mà tiếng tên đã mất, sống vẫn hư sinh;
Người không còn mà sự nghiệp hãy còn, chết là quan hệ.
Nhớ Tiên sinh xưa:

Trí dõi sáng mặt trời;
Học noi sâu lòng bể.

Dẫu theo Tây – thức văn minh;
Vẫn giữ Đông – phương phong thế.

Cười nhân nói nghĩa, Hồng Lam vượng-khí vun tình;
Đúng phép ngồi khuôn, Thù Tứ nho-phong đúc vẻ.

Giáng – trướng nức mùi lan huệ, đầm ấm xuân – phong;
Công – môn tươi vẻ lý đào, êm đềm hòa – khí.

Đạo – gia, Phật – lục biểu – dương triết – lý uyên – nguyên;
Nho – giáo, Học khoa nghiên cứu luân thường đạo lý.

Thấy ngôn ngữ chi li bất nhất, soạn nên hai quyển phạm-văn;
Nghĩ tổ - tiên để tạo gian nan, chép ngót nghìn trang sử-ký.

Bồn Chiêu – đảo hồi hồi lòng cố-quốc, đem lời Hàn-luật dịch Đường-thi;
Tục Tố-như san định khúc tân thanh, chua truyện Đoạn-trường thơ Lãm-thúy.

Đàn xưa văn-hóa, nghề từ-chương tửng tỏ dạ ưu-thì;
Hội mới vũ-đài, tài chính trị thử ướm tay không –thế.

Khi vận nước sắp vàng tươi son đỏ, cờ quẻ ly phấp phới Viêm-thiên;
Giữa cuộc đời đang gố dập sóng dồn, hội toàn quốc xôn xao kiến nghị.

Tài chẳng phải thời;
Tuổi không kịp chí.

Thọ hơn tuần cổ -lai – hi;
Mùa giữa mạnh đông quý –tị.

Vào Nam –trung chưa mượn đũa trù-mưu.
Từ Đa – lạc bống báo tin thệ - thế.

ÔI!


Đêm tàn sao lạc, khuất nẻo Lâm-viên;
Năm lạnh nước trôi, nao dòng Bến-Nghé.

Linh thấn nghìn trùng đất Bắc, Ngưu –hồ mây nước đìu hiu;
Tâm –hương một nén miền Nam, Lộc – dã cỏ hoa lặng lẽ.

Hỏi thăm dấu cũ, chưa tan hào khí Đông – A;
Lần giở văn xưa, còn để tinh-anh Sông Lệ.

Còn sống được khóc thương người chết. tao phùng một hội làng văn;
Ở xa mà hiển hiện như gần, truy điệu mấy hàng mực lệ.

 
.




Bản ảnh do Bà Phạm Lệ Hương (Viện Việt học Hoa Kỳ) cung cấp.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét