Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

TIẾN SĨ HÁN HỌC NGUYỄN THỊ DUỆ LÀ MỘT SẢN PHẨM HƯ CẤU

Tượng nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ trong khám thờ ở hậu cung Văn miếu Mao Điền 
(Hải Dương). Ảnh: Hà Vũ Trọng Blog.

Lời dẫn của Chuyên gia Giáo dục Nguyễn Cảnh Thụy,
từng công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương:

Tôi là Nguyễn Cảnh Thụy từng công tác tại Sở GDĐT Hải Dương rất tâm đắc với bài viết của nhà văn Đặng Văn Sinh- coi đây là vấn đề học thuật còn bỏ ngỏ cần được đưa ra bàn thảo để đi đến kết luận thật khách quan, khoa học.

Về việc Sở GDĐT cho in cuốn lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông tôi có ý kiến như sau: Trước khi đưa in cuốn sách này, tôi đã có ý kiến phản đối chi tiết ghi trong cuốn sách nói bà Nguyễn Thị Duệ là tiến sĩ với lý do: các tài liệu chính sử cũng như văn bia vinh danh các tiến sĩ nho học không có ở đâu ghi tên bà Nguyễn Thị Duệ. Nếu đưa vào chưa chưa có căn cứ thì sẽ gây hậu quả lớn, làm cho các thế hệ học sinh hiểu sai về lịch sử. Nhưng ý kiến của tôi không được chấp nhận và cuốn sách vẫn được in như dự kiến. Tư liệu lịch sử thì dựa vào cuốn Cuốn “Tiến sĩ Nho học tỉnh Hải Dương” do ông Tăng Bá Hoành (Giám đốc Bảo tàng Hải Dương) biên soạn và phát hành năm 1999.

Trong cuốn “Tiến sĩ Nho học tỉnh Hải Dương”, sau những phần diễn giảng có mục ghi danh sách các tiến sĩ xếp sắp theo đơn vị hành chính huyện. Bảng danh sách gồm các cột mục: Họ và tên/sinh trú quán/Nay thuộc xã/Năm thi đỗ/Tuổi/Học vị. Ở trang 143 ghi bà Nguyễn Thị Duệ có số thứ tự là 366. Trong đó, thông tin về tuổi bỏ trống, còn năm đỗ thì chỉ ghi “cuối thế kỷ XVI”, còn cột “học vị” ghi rõ là “đệ nhất danh” tiến sĩ. Điều đó cho thấy thông tin của ông Tăng Bá Hoành là thiếu căn cứ.

Chưa dừng lại ở đó, trong một truyện ngắn lịch sử in trong tạp chí “Văn nghệ Hải Dương” năm 2018, ông Khúc Kim Tính (nguyên Phó Ban tuyên giáo tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ” còn ghi bà Nguyễn Thị Duệ không phải đỗ tiến sĩ mà là “Trạng nguyên”!

Bức xúc trước sự việc này, tôi đã đem sự hoài nghi của mình hỏi GS Phan Huy Lê, GS Lê Văn Lan và nhà sử học Dương Trung Quốc (với tư cách một người đang tham gia góp ý cho cuốn sách lịch sử chuẩn bị đưa vào dạy trong nhà trường), với một câu hỏi đơn giản là “các giáo sư có tìm thấy một tư liệu thành văn trong thư tịch cổ nào ghi bà Nguyễn Thị Duệ là tiến sĩ”, thì đều nhận được câu trả lời giống nhau là “không có”. Riêng GS Lê Văn Lan còn nói đùa rằng “ông động vào làm gì, Hội phụ nữ họ muốn thế”!

Như thế mọi chuyện đã rõ: ông Tăng Bá Hoành chỉ dựa vào giai thoại truyền tụng trong dân gian vùng Chí Linh về bà Tinh Phi Nguyễn Thị Duệ để “phong bà thành nữ tiến sĩ Nho học đầu tiên của VN”; tức là có sự nhầm lẫn tai hại về phương pháp luận sử học, biến văn học dân gian thành chính sử (Nếu cố tình, ông còn mắt tội ngụy tạo lịch sử).

Tôi gửi bài này tới tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và nhờ qua tiến sĩ, gửi tới nhà văn Hoàng Quốc Hải, người mà tôi luôn có ngưỡng mộ là có cái nhìn khách quan, khoa học về lịch sử. Đồng thời cũng là người am hiểu lịch sử dân tộc sẽ lý giải vấn đề - nhất là làm rõ vai trò của nhà Mạc ở thời điểm lịch sử năm 1594 khi chỉ còn là tàn quân chạy lên Cao Bằng mà vẫn mở khoa thi Hội ở đó để tuyển ra được một con người xuất chúng, một nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử, với danh xưng “đệ nhất danh” tiến sĩ?


TIẾN SĨ HÁN HỌC NGUYỄN THỊ DUỆ LÀ MỘT SẢN PHẨM HƯ CẤU CỦA ÔNG TĂNG BÁ HOÀNH 

Đặng Văn Sinh

Từ mấy chục năm trước, một phi tần của vua Mạc Kính Cung (cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII) là Nguyễn Thị Duệ, được nhà sử học Hải Dương Tăng Bá Hoành, nguyên Trưởng ban Thông sử Tỉnh ủy Hải Hưng, tôn vinh là "nữ Tiến sĩ Hán học đầu tiên của Việt Nam".

Nhân "phát minh" này, hàng loạt bài viết xuất hiện trên các báo, đài phát thanh, tạp chí văn nghệ Hải Hưng (sau khi chia tách tỉnh là Hải Dương và Hưng Yên) nhằm cổ xúy cho người phụ nữ tài danh, vốn sinh ra từ vùng đất Chí Linh làm rạng rỡ nền văn hiến Xứ Đông. Chiến dịch quảng cáo rầm rộ đến mức, trang "Từ điểm mở" (Wiki Pedia) cũng nhanh chóng nhập cuộc bằng những lời có cánh như sau:

"Nguyễn Thị Duệ 阮氏叡 là người ở Kiệt Đặc (nay là phường Văn An), Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Vốn là người thông minh, có nhan sắc nên mới hơn 10 tuổi, bà đã được nhiều nhà quyền quý đến xin hỏi cưới, nhưng gia đình không thuận. Năm 1592, chúa Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm kinh đô Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Thị Duệ cùng gia đình đi theo.

Là một người hiếu học, song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để dự việc đèn sách. Khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1594)[4] bà mang tên giả là Nguyễn Du đi thi và đỗ đầu khi tuổi vừa 20. Đến khi mở yến tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị Tiến sĩ trẻ dáng vẻ mảnh mai, mặt mày thanh tú... nên dọ hỏi. Khi đã rõ chuyện, Nguyễn Thị Duệ không bị khép tội mà còn được vua khen ngợi...

Sau đó, vua nhà Mạc vời bà vào cung để dạy các phi tần, rồi được tuyển làm phi: Tinh Phi (Sao Sa) và người ta quen gọi là "Bà Chúa Sao" (hết trích).

Cùng với trang "Từ điển mở", hàng loạt bài viết ca ngợi trí thông minh, nhân cách cao đẹp của vị nữ thủ khoa trên các báo Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Phụ Nữ Việt Nam, Nông nghiệp Việt Nam, website của Đảng CSVN v.v... của các tác giả Đỗ Thị Hảo, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Nguyễn Lân Dũng...

Trang Wiki Pedia còn dẫn cả tư liệu về văn thơ Nguyễn Thị Duệ trong "Công dư tiệp ký" của Vũ Phương Đề, thơ ca ngợi bà Tinh Phi trong "Chí Linh bát cổ" và nhất là, Nguyễn Thị Duệ là một trong tám vị đại khoa được đúc tượng đồng thờ ở Văn miếu Mao Điền, Hải Dương.

Vậy sự thật có đúng là Nguyễn Thị Duệ, một nữ sĩ tài danh đã từng đỗ đầu (Hội nguyên) khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1594) với cái tên giả Nguyễn Du?

Trước khi làm rõ vấn đề này, chúng tôi xin có đôi lời về lịch sử khoa cử thời phong kiến. Nhìn chung, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn coi trọng khoa cử, vì khoa cử chính là nơi tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Vì thế, trên tấm bia "Tiến sĩ đề danh" đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào năm Giáp Thìn (1484) về khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) có khắc những dòng chữ của Tiến sĩ Thân Nhân Trung :"...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...".

Trong lịch sử khoa cử 844 năm (1075 - 1919) của Việt Nam, bất cứ thuộc triều đại nào, kể cả nhà Hồ, nhà Mạc, luôn được coi là "ngụy triều", nếu điều kiện thuận lợi, các Tiến sĩ đều được ghi tên vào bia đá như một nghĩa cử vinh danh lưu truyền hậu thế. Về mặt lịch sử, hầu hết các bộ chính sử của Quốc sử quán triều đình cũng như của các nhà biên khảo đều ghi chép khá đầy đủ nội dung các khoa thi cũng như danh sách những người đỗ đại khoa. Đó là các bộ "Đại Việt sử ký toàn thư", "Đại Nam thực lục", "Đại Việt thông sử" của Lê Quý Đôn hay các cuốn biên khảo "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, "Đại Việt lịch triều đăng khoa lục" của nhóm tác giả Nguyễn Hoãn, Uông Sĩ Lãng, Phan Trọng Phiên, Võ Miên v.v...

Căn cứ vào những thư tịch trên, chúng tôi tiến hành tìm hiểu lịch sử các khoa thi triều Lê và triều Mạc vào giai đoạn cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI nhưng đều không thấy có KHOA THI HỘI NĂM GIÁP NGỌ (1594) dưới triều vua Mạc Kính Cung.

1 - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển XVII chép:

"Nhâm Thìn (1592), Thi Hội các cử nhân trong nước. Cho Trịnh Cảnh Thuỵ và Ngô Trí Hoà đỗ Tiến sĩ xuất thân; Ngô Trí Tri đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho bọn Phạm Hữu Năng 4 người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Hữu Đức 13 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân.

Ất Mùi, (Quang Hưng) năm thứ 18 (1595),

Tháng 3, thi Hội các cử nhân trong nước ở bến Thảo Tân. Cho Nguyễn Thực và Nguyễn Viết Tráng đỗ tiến [50b] sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Đức Mậu 4 người đỗ Tiến sĩ đồng xuất thân.

Như vậy, cùng năm Nhâm Thìn (1592) "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi chép hai khoa thi và danh tính các Tiến sĩ của cả triều Lê lẫn triều Mạc. Cũng năm Nhâm Thìn (1592), nhà Mạc mất, Mạc Mậu Hợp bị bắt, nhà Lê chiếm lại Thăng Long, và phải đến năm Ất Mùi (1595) mới mở khoa thi Tiến sĩ.

Trong khi ấy, "Đại Việt thông sử" của Lê Quý Đôn, ngoài việc ghi chép tất cả các khoa thi Tiến sĩ triều Lê, phần "Liệt Truyện - Nghịch Thần Truyện" ông cũng ghi đầy đủ các kỳ thi của triều Mạc: "Mùa hạ năm này (1592), Mậu Hợp mở khoa thi Cử nhân ở bến Bồ Đề, lấy bọn Phạm Hữu Năng cộng 17 người trúng tuyển". Tuy nhiên, sau đó không thấy có ghi chép về khoa thi năm Giáp Ngọ (1594).

2 - Phan Huy Chú trong "Lịch triều hiến chương loại chí", phần "Khoa mục chí" ghi như sau:

Lê Trịnh: Năm Quang Hưng thứ 15 (1592), lấy đỗ Tiến sĩ 13 người. Đình nguyên Hoàng giáp: Trịnh Cảnh Thuỵ (người xã Chân Bái, huyện Yên Định, Thanh Hoá)

Mạc, năm Hồng Ninh thứ 2 (1592), lấy đỗ Tiến sĩ 17 người. Hội nguyên: Hoàng Đĩnh (người xã Tiên Minh, huyện Tiên Minh - Tiên Lãng). Đình nguyên Hoàng giáp: Phạm Hữu Năng (người xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng).

Năm Quang Hưng thứ 18 (1595), khoa Ất Mùi, lấy đỗ Tiến sĩ 6 người. Hội nguyên: Nguyễn Viết Tráng (người xã Hạ Yên Quyết, huyện Từ Liêm). Đình nguyên Hoàng giáp: Nguyễn Thực (người xã Vân Điểm huyện Đông Ngàn).

3 - Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (大越歷朝登科錄) của nhà biên khảo NGUYỄN HOÃN(1713-1791) chẳng những ghi chép chi tiết từng khoa thi kèm theo danh tính, quê quán, thứ bậc các Tiến sĩ mà công còn nói rõ được chức vụ các vị này từng đảm nhiệm trong triều đình nhà Lê và nhà Mạc.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi lại trích dẫn những thông tin chủ yếu của hai khoa thi Nhâm Thìn (1592) và Ất Mùi (1595) mà "Đại Việt lịch triều đăng khoa lục đã ghi chép:
 

Năm Nhâm Thìn (1592)

Niên hiệu Quang Hưng (光興) thứ 15 (Mạc Hồng Ninh thứ 2, - 1592), cho trúng Tiến sĩ 3, trúng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân 2: Trịnh Cảnh Thụy, người làng Chân Bái, huyện An Định, làm đến Thừa chính sứ, tước Nam, bị truất. Ngô Trí Hòa (吳致 和), người làng Lý Trai, hạt Đông Thành, thi đỗ khi 28 tuổi (...).

Trúng Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân 1: Ngô Trí Tri (吳致 知), người làng Lý Trai, hạt Đông Thành, thi đỗ khi 56 tuổi.

Ngụy Mạc lấy Tiến sĩ: 17:

(Ngụy Mạc tiếm ngôi, mở khoa thi từ niên hiệu Minh Đức đến niên hiệu Hồng Ninh thứ 2, khoa Nhâm Thìn, cộng 21 khoa).

Trúng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân 4:

Phạm Hữu Năng (范有能), người làng Cẩm Sơn, hạt Cẩm Giang, thi đỗ khi 30 tuổi, xin hiệu thuận, làm đến Hiến sát sứ. Nguyễn Tảo (阮藻), người làng Thời Mại, hạt Bảo Lộc, thi đỗ khi 40 tuổi, làm đến Thị lang (...). Nguyễn Dụng (阮用), người làng Cổ Vũ, hạt Thọ Xương, trú ở hạt Đường An, Hoa Đường, thi đỗ khi 38 tuổi, xin hiệu thuận, có đi sứ, làm đến Binh bộ Tả thị lang, tước Bá. Danh sách còn có Lê Kim Bảng và 13 người khác kèm theo tên tuổi, quê quán, chức tước. 

Đời vua Lê Thế Tông, Nghị tổ Hoàng đế
(Thánh tổ Triết vương Trịnh Tùng)

Năm Ất Vị (Ất Mùi), niên hiệu Quang Hưng (光興) thứ 18 (1595), cho trúng Tiến sĩ 6. Lúc đó Ngụy Mạc đã bị tiêu diệt, xe kiệu vua về đến Kinh thành, hội thi các Cống sĩ tại Hà Tân. Trúng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân 2: Nguyễn Quán (阮貫), người làng Vân Điềm, hạt Đông Ngạn, thi đỗ khi 41 tuổi, có đi sứ, làm đến Tán trị công thần, Tham tụng, Lại bộ thượng thư (...), Nguyễn Nhật Tráng (阮日壯), người làng Hạ An Quyết, hạt Từ Liêm, thi đỗ khi 38 tuổi, Hội nguyên, làm đến Tán lý công thần, Lại khoa cấp sự trung (...). Danh sách còn có Nguyễn Đức Mậu, Đặng Kính Chi, Nguyễn Danh Thế và Nguyễn Đức Trạch.

Như vậy từ "Đại Việt sử ký toàn thư" đến "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, "Đại Việt thông sử" của Lê Quý Đôn, cũng như "Đại Việt lịch triều đăng khoa lục" của Nguyễn Hoãn đều không chép về khoa thi năm Giáp Ngọ (1594) và người đỗ đầu là Nguyễn Thị Duệ giả trai đi thi Hội với danh xưng Nguyễn Du.

Để nhận diện được đầy đủ hơn về khoa cử triều Mạc, chúng ta cũng nên tham khảo bài "Tình hình giáo dục thi cử thời Mạc" (https://sites.google.com/site/trieunhamac2013/tnh-hnh-thi-c-thi-mc) của Nguyễn Hữu Tâm. Trong bài viết của mình, tác giả cho biết, nhà Mạc chính thức tồn tại từ năm 1527 đến 1592 qua 5 đời vua, mở 22 khoa thi với số lượng 499(1) Tiến sĩ và 13 Trạng nguyên. Kỳ thi đầu tiên Năm Minh Đức thứ 3 đời Mạc Đăng Dung (1529) lấy đỗ 27 Tiến sĩ và kỳ thi cuối cùng vào năm Hồng Ninh thứ 2 đời Mạc Mậu Hợp (1592) lấy đỗ 17 Tiến sĩ. Điều rất đáng chú ý là, ông Tâm cũng không nói gì về kỳ thi Hội năm Giáp Ngọ (1594) sau khi nhà Mạc bị đánh bại, Mạc Mậu Hợp bị bắt, tàn quân phải rút khỏi Kinh thành Thăng Long.

Từ những chứng cứ trên, chúng tôi thấy có mấy điều rất khả nghi về việc bà Nguyễn Thị Duệ "đỗ đầu khoa thi Hội năm 1594 lúc mới 20 tuổi" dưới triều vua Mạc Kính Cung.

Thứ nhất, nhà Mạc tiến hành thi Hội các Cử nhân theo lệ 3 năm một lần. Khoa trước đã mở vào năm Nhâm Thìn (1592), vậy khoa kế tiếp phải là Ất Mùi (1595) chứ không thể là Giáp Ngọ (1594). Nên nhớ, năm Ất Mùi, nhà Lê cũng mở khoa thi Hội lấy đỗ được 6 Tiến sĩ.

Thứ hai, theo "Đại Việt sử ký toàn thư", "Đại Việt thông sử" được Wiki Pedia dẫn lại, vào tháng 3 năm 1592, Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn lập Mạc Kính Cung làm vua, lấy niên hiệu là Càn Thống thứ nhất. tháng 4 năm 1593 Lê Thế Tông phải ban chiếu đại xá thiên hạ để tranh lấy lòng người, đồng thời sai Nguyễn Hoàng tổng đốc bản doanh xuất quân đánh lực lượng nhà Mạc còn lại ở vùng Sơn Nam, Hải Dương. Quân Mạc bị thua, Mạc Kính Cung cùng một số tông thất bỏ chạy. Đầu năm 1594, Hoàng Đình Ái được Trịnh Tùng sai đi đánh Mạc Kính Cung ở vùng Đại Từ, Phổ Yên, Thái Nguyên cũng chưa dẹp hết được quân Mạc (hết trích).

Từ những ghi chép trên về Mạc Kính Cung, có thể thấy rất rõ, tàn quân nhà Mạc lúc này đã bị đánh bật khỏi vùng Sơn Nam, Hải Dương (vốn là nơi phát tích của vương triều Mạc) phải chạy lên Phổ Yên, Thái Nguyên nhưng vào năm 1594, Mạc Kính Cung chưa lên đến Cao Bằng, vậy mà đã tổ chức được khoa thi Hội ở vùng địa đầu đất nước này thì quả thật là thần kỳ!

Lúc này chiến tranh Lê - Mạc đang khốc liệt. Quân đội Lê Trịnh đã lấy lại thế thượng phong, quân Mạc liên tục tháo chạy để bảo toàn lực lượng và không có chỗ đóng đại bản doanh lâu dài, vậy thì làm sao dám mở khoa thi Hội trong hoàn cảnh lúc nào cũng bị kẻ thù tấn công?

Thứ ba, những tư liệu mà ông Tăng Bá Hoành đưa ra để chứng minh cho sự kiện Nguyễn Thị Duệ đỗ Tiến sĩ phần lớn là ngụy tạo, kể cả văn thơ được cho là có trong "Chí Linh phong vật chí" hay khắc tại lăng mộ của bà. Theo chúng tôi, tư liệu nói về Nguyễn Thị Duệ đáng tin cậy nhất là bài thơ "Tinh Phi cổ tháp" của Tác giả: Nguyễn Chí Hòa, hiệu Thanh Hiên Khải Phủ (cũng có thể tập thơ có tựa đề "Thanh Hiên khải phủ"), sáng tác: năm 1795 và khắc vào bia "Chí Linh bát cổ" năm 1798. Bia này hiện đang được bảo quản tại Nhà Văn hóa thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nơi trước đây đã từng là lỵ sở của huyện Chí Linh. 

星妃古塔
玉手折高枝
鏡顏留古塔
從古此江山
至今幾蓂荚
花草自射開
漁樵相對荅
山色正青蒼
秋聲何蕭颯
Phiên âm

Tinh phi cổ tháp
Ngọc thủ chiết cao chi,
Kính nhan lưu cổ tháp.
Tòng cổ thử giang san,
Chí kim kỷ minh giáp.
Hoa thảo tự tạ khai,
Ngư tiều tương đối đáp.
Sơn sắc chính thanh thương,
Thu thanh hà tiêu táp. Dịch nghĩa

Tay ngọc vin bẻ cành cao
Mặt gương còn lưu trên tháp cổ
Giang sơn từ bấy đến giờ
Đã có bao tấm gương đoan trinh tốt đẹp như vậy
Hoa cỏ tự tàn tự nở
Ngư tiều cùng nhau đối đáp
Sắc núi đã xanh càng thêm xanh
Tiếng thu bao nhiêu độ nghe xào xạc.

Từ nội dung bài thơ, ta chỉ thấy tác giả ca ngợi vẻ đẹp, sự dịu dàng và tấm lòng đoan trinh của Nguyễn Thị Duệ, tuyệt nhiên không nói gì đến việc đỗ đại khoa cũng như việc sau này bà bị bắt đưa về Thăng Long rồi được Chúa Trịnh phong làm nữ quan dạy dỗ cung nữ.

Qua những tư liệu mà chúng tôi đã tìm hiểu từ các thư tịch cổ trong đó có bộ sử "Đại Việt sử ký toàn thư", "Đại Việt thông sử" cũng như các công trình biên khảo của tiền nhân như "Lịch triều hiến chương loại chí", "Đại Việt lịch triều đăng khoa lục", tất cả đều khẳng định KHÔNG CÓ KHOA THI HÔI NĂM GIÁP NGỌ (1594) của triều nhà Mạc. Vì thế đương nhiên cũng không thể có một nhân vật Nguyễn Thị Duệ giả trai thi đỗ Hội nguyên vào năm mới 20 tuổi tại Cao Bằng. Mọi thông tin ông Tăng Bá Hoành đưa ra đều là ngụy tạo. Và cũng chính bởi sự ngụy tạo ấy khiến cho xã hội hiểu lầm dẫn đến tình trạng ngộ nhận tai hại. Môt trong số đó là đúc tượng đồng vị nữ Tiến sĩ tưởng tượng này thờ trong Văn miếu Mao Điền cùng với 7 vị đại khoa vùng đất Xứ Đông.

Tượng nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ trong khám thờ ở hậu cung Văn miếu Mao Điền 
(Hải Dương). Ảnh: Hà Vũ Trọng Blog.

Sau sự kiện Nguyễn Thị Duệ, hàng loạt loại hình ăn theo được các văn nghệ sĩ địa phương sáng tác dưới dạng tiểu thuyết, thơ, chèo chỉ với mục đích quảng bá cho "nền văn hiến" tỉnh nhà. Chưa hết, người ta còn lấy tên Nguyễn Thị Duệ đặt cho một con đường phía tây thành phố Hải Dương để tưởng nhớ đến vị nữ Tiến sĩ Hán học độc nhất vô nhị ở Việt Nam thời trung đại...

Nếu Nguyễn Thị Duệ đỗ Tiến sĩ thật thì việc vinh danh bà là điều rất nên làm, nhưng đây lại là Tiến sĩ rởm, do một nhà sử học địa phương bịa ra thì hậu quả vô cùng tai hại. Chẳng những nó gây ra cái nhìn sai lệch của công đồng dân tộc về đất nước và ông cha mình, mà còn di hại đến nhận thức và tình cảm của các thế hệ mai sau. Ngụy tạo lịch sử là một trọng tội. Các sử thần ngày xưa vướng vào tội này chắc chắn sẽ bị chém đầu, thậm chí còn bị "tru di tam tộc" nữa. Vì vậy, chúng tôi đề nghị chính quyền tỉnh Hải Dương là cơ quan quản lý cao nhất của địa phương, cần làm rõ và xử lý nghiêm minh vụ việc gian lận này, đặng trả lại sự thật vốn có cho lịch sử.

P/S:

Xin được bổ sung thêm tư liệu:

1 - Trong cuốn "Tiến sĩ nho học Hải Dương" do ông Tăng Bá Hoành chủ biên, trang 143 ghi "Nguyễn Thị Duệ, trú quán Kiệt Đặc (nay thuộc xã Văn An, Chí Linh) đỗ "đệ nhất danh" "cuối thế kỷ 16", nhưng không ghi niên hiệu và năm mở khoa thi đã chứng tỏ có sự khuất tất trong quá trình làm sách. 



2 - Dựa vào cuốn sách này, Sở GD&ĐT Hải Dương đã phát hành một số lượng lớn cuốn "Lịch sử địa phương" làm tài liệu dạy học trong các trường THCS và THPT với những tư liệu bịa đặt về Nguyễn Thị Duệ.

3 - Cũng từ cuốn sách ngụy tạo này, tỉnh Hải Dương đã đầu tư kinh phí xây nhà thờ Nguyễn THị Duệ tại xã Văn An để giới thiệu với khách du lịch.

Chí Linh, 13.12.2018
Đ.V.S.
_________________

Ghi chú:

(1) Về số khoa thi trong "Đại Việt lịch triều đăng khoa lục" của nhà Mạc, Nguyễn Hoãn thống kê chỉ có 21 khoa, 485 Tiến sĩ. Theo Nguyễn hữu Tâm là 22 khoa và 499 Tiến sĩ. Ông Tâm đã tìm ra khoa thi bị thiếu và bổ sung chính xác.

11 nhận xét :

  1. Trời đất ! Nếu đây là sự thật thì còn gì để nói nữa ?

    Trả lờiXóa
  2. Ôi! Lại nhớ anh hùng Lê Văn Tám!

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết xác đáng. Nhà Mạc mở khoa thi cuối cùng năm 1592... Năm 1594 nước ta không có khoa thi tiến sĩ nào cả.

    Trả lờiXóa
  4. Bậy đến thế là cùng ; Chí phèo cũng phải lạy bằng cụ .

    Trả lờiXóa
  5. Bà Nguyễn Thị Duệ được dân thương có bài thơ lưu truyền trên bia đá vậy là quá đẹp. Sao tự nhiên gắn cho bà cái bằng tiến sĩ giả chi vậy? Người như bà cần gì bằng cấp huống hồ là bằng giả. Đúng là suy bụng ta ra bụng người thật đáng xấu hổ.

    Trả lờiXóa
  6. Công nghệ thông tin phát triển , dân trí nâng cao dần , những chuyện bịa như thế này dần dần sẽ được làm rõ . Còn rất nhiều huyền thoại nữa cũng dần dần được giải ảo . Để đất nước phát triển ,phải xây dựng văn hóa lành mạnh , không chấp nhận nền văn hóa đầy dẫy chuện bịa và chiêu trò tô vẽ , tôn vinh những gì không đáng . Cảm ơn tác giả Đặng văn Sinh và chủ trang Tễu blog .

    Trả lờiXóa
  7. Mình nói thật, tuyên truyền giáo dục xứ ta chả ai tin. “Cây kim bọc lâu trong túi cũng có ngày lòi ra”. Sự thật không thể nào che giấu mãi với thời gian. Bây giờ những người có trách nhiệm với dân với nước không dám nhận những cái sai, cái dốt, những cái bốc đồng, ngu xuẩn đã có hệ thống mà lừa dối dân mãi thì có ngày “tức nước vỡ bờ”,dân sẽ đạp bọn người đó xuống bùn đen. Đó là quy luật. Câu chuyện trên đây là một thí dụ. Rứa thôi !

    Trả lờiXóa
  8. Việc làm rất đáng xấu hổ , gian dối là một trong những tội đáng phỉ nhổ nhất . Nhận ra rằng , tính cục bộ , địa phương ăn sâu vào tiềm thức như thế nào ; Để địa phương nói chung , cá nhân nói riêng được nổi trội , họ có thể làm bất cứ điều gì xấu xa bất chấp đạo lý , bất chấp sự thật .

    Trả lờiXóa
  9. Nhớ vụ anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám , chính tác giả , người bịa ra nhân vật này đã " bộc bạch " sự việc ... Ấy vậy mà , có quan chức vẫn khăng khăng nhận nhân vật LVT là có thật và là người của ...chính địa phương mình ! Cho hay , cái tính háo danh ( dù là danh hão ) , nó mê hoặc ghê gớm thế nào ...

    Trả lờiXóa
  10. Lĩnh vực nào cũng thấy dối trá , lừa đảo . Cám ơn tác giả Đặng Văn Sinh đã vạch trần những trò bịp bơm này.

    Trả lờiXóa