Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

TIẾNG LÀNG - Nguyễn Xuân Diện

Một ngõ ở Đường Lâm. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Tiếng làng

Nguyễn Xuân Diện

Làng quê là nơi gìn giữ những thuần phong mỹ tục của đất nước và con người Việt Nam. Tiếng làng là một trong những lề thói được bảo lưu qua nhiều đời trong các làng quê.

Dường như mỗi một làng quê đều có cách phát âm riêng của mình. Người ta quen gọi đó là tiếng làng. Người dân quê Việt Nam trân trọng gìn giữ tiếng làng mình như một thuần phong mỹ tục vậy. Và họ thường “đe” nhau: “Chém cha không bằng pha tiếng”. Tiếng làng là tinh hoa chung đúc lại từ tục lệ, cách sống, nếp nghĩ của dân làng. Cũng có người gọi tiếng làng là thổ ngữ. Cách gợi này xem ra còn chưa “chặt chẽ” cho lắm. Căn vặn đến cùng, tiếng làng không thể đồng nhất với thổ ngữ được (thổ ngữ là tiếng nói lưu hành ở một vùng đất nào đó).


Vùng tôi có bốn làng cùng nằm trên một gò đất rộng, cùng cả thủy thổ, ấy vậy mà cách phát âm của mỗi làng vẫn cứ khác nhau. Mỗi làng vẫn có tiếng làng riêng của mình. Mà lạ lắm, trên cái gò đất ấy, hai nhà (ở hai làng khác nhau) cùng nằm trên một dải đất, cùng chung một mạch nước ngầm, chỉ “cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn”, thế mà từ tập quán sinh hoạt cho đến chất giọng, cách nói hai nhà vẫn cứ khác nhau. Xem thế, đủ biết không phải cùng thổ, cùng thủy thì cùng “tiếng nói” với nhau.

Quê tôi là vùng đất trung du mà nền nếp rất chất phác, thật thà; cụ Phan Huy Chú đã từng ca ngợi rằng: “Phong khí nhân vật gần giống như đời cổ, thói quen theo tính thật thà”. Vậy mà, cả vùng này,mỗi làng đều có cách phát âm riêng. Trong đám đông người đi làm ngoài đồng, hay ở giữa chợ, người ta vẫn nhận ra người làng mình qua tiếng làng.

Dân trong làng, nhất là các cụ già,coi trọng tiếng làng lắm. Những người rời làng đi sinh cơ lập nghiêp nơi xa khi trở về làng mình, nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà không còn nói được tiếng làng là các cụ chê lắm. Và, về thăm lại làng quê họ mạc, vẫn nói được cái thứ tiếng trầm nặng, chân chất của làng. Các cụ quý lắm!

Những người cùng làng với tôi đang học tập, công tác ở Hà Nội khi gặp nhau đều nói tiếng làng, thứ tiếng rất quen thuộc từ ông bà để lại.

Tiếng làng, ấy là do tập tục, cách sống của làng quy định nên. Nghe tiếng làng, tinh ý sẽ nhận ra được dân làng ấy thật thà, mộc mạc hay lèo lá, văn hoa. Nghe tiếng làng cũng có thể đoán được dân làng ấy làm nghề gì: Làm ruộng, buôn bán hay làm hàng thủ công mỹ nghệ…

Tiếng làng có nhiều điều thú vị, là một hiện tượng ngôn ngữ rất nên để tâm nghiên cứu, thế mà tôi vẫn chưa thấy một nhà nghiên cứu nào nghiên cứu, hay một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu về tiếng làng. Tôi mong có một ngày nào đó, gần đây thôi, âm thanh giọng nói của mấy nghìn làng quê Việt Nam được khảo sát nghiên cứu một cách có hệ thống dưới các góc độ khác nhau: Ngôn ngữ học, dân tộc học, xã hội học…

Tiếng làng chân chất, mộc mạc như người dân quê chất phác, thật thà. Tiếng làng là sợi dây vô hình nôi các thế hệ với nhau, trong cộng đồng làng xã-là một nét đẹp đáng quý trong đời sống tinh thần của người dân quê đất Việt xưa và nay.

Sơn Tây tháng 3 năm 1995
NXD

3 nhận xét :

  1. Tôi viết một cuốn sách mang tên "Làng Tôi" đã có tăng anh Nguyễn Xuân Diện. Tôi vụng lắm, viết mấy trăm trang sách mà chư nói được phần nhỏ chuyện làng quê Việt Nam. Nói được trưng tiến làng là tinh tế lắm. Vùng Hà Đông quê tôi, có khi chỉ nghe tiếng là biết con gái làng nào. Ví như quê tôi, con gái làng Bối Khê bao giờ tiếng nói cũng nhẹ như là là khô rơi nghiêng trong gió thoảng. Âm sắc thường ẩn thay bằng âm bằng nhẹ. Còn con gái làng Văn Khê bao giờ cũng đằm thắm, nghe một lần là nhớ mãi. Vùng Sơn Tây, làng Mía của anh Diện thì nhiều nfwowif viết rồi. Một làng vùng đền Và có lang hay xã Trung Hưng thì nghe con gái nói như mật vào miệng (dân thường nói vào tai). Tôi từng được người con gải hỏi mấy câu thôi mà nhớ mãi. Tôi không có khả năng mô tả dáng điệu và lời nói ấy để hầu các bạn. Đi du lịch đâu, các vị cứ về vùng Trung Hưng mà thưởng ngoạn.

    Trả lờiXóa
  2. Năm 1979 tổ có thơi gian nhập ngũ tổng động viên chống quân Trung quQu xâm lược. Đóng quân và huấn luyện tân binh ở đền Và... Giờ vẫn nhớ hình dáng các thôn nữ vùng Sơn Tây, các nếp nha cho bộ đội ở nhờ, những vạt đồi sắn có vài cây trám ... Tôi quê Bình Đà Hà Tây... Mỗi khi đến tháng 8 vẫn nhớ những ngày bi sáp nhập và muốn nghe bài hát Hà Tây quê lụa...

    Trả lờiXóa
  3. Thật diệu kì.
    Cùng Đồng bằng Bắc Bộ, giọng Thái Bình khác Nam Định, Ninh Bình khác Hà Nam, Hải Phòng khác Quảng Ninh;
    Nghệ An khác Hà Tĩnh tuy chúng ta vẫn xem là Nghệ Tĩnh, Quảng Bình khác Nghệ Tĩnh.
    Ngày bé sống ở quê, tôi đã phân biệt được tiếng của các làng khác có chung 'biên giới' với làng tôi.

    Mong có một ngày nào đó, âm thanh giọng nói của mấy nghìn làng quê Việt Nam được khảo sát nghiên cứu một cách có hệ thống dưới các góc độ khác nhau: Ngôn ngữ học, dân tộc học, xã hội học…

    Trả lờiXóa