Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

LUẬT ĐẤT ĐAI & VIỆC CẤP SỔ ĐỎ CHO DI TÍCH


Tòa dinh thự họ Vương (Đồng Văn-Hà Giang).
Cấp sổ đỏ cho di tích

Đại Đoàn Kết
08:00:13 - Thứ tư, 22/08/2018

Mấy ngày nay dư luận xôn xao về việc ông Vương Duy Bảo- cháu nội của “Vua Mèo” phản đối việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích dinh thự họ Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang để sử dụng lâu dài. Điều bất ngờ là việc cấp “sổ đỏ” này diễn ra từ năm 2012 mà gia tộc họ Vương không hề hay biết.


Nếu như những kiến trúc có giá trị sau khi được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa mà chủ thể sử dụng là người dân, là những dòng họ từng xây dựng, trông giữ từ bao đời nay bị loại bỏ không được xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì liệu người dân có muốn xếp hạng di tích cho kiến trúc đó? Câu chuyện người dân ở làng cổ Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội) dù được giữ quyền sử dụng nhà đất nhưng đã có nhiều lúc họ muốn từ bỏ việc xếp hạng di tích để được trùng tu, cải tạo không gian sinh hoạt còn nguyên tính thời sự.

Trong trường hợp khu dinh thự họ Vương, nếu dòng họ Vương biết được việc họ di dời ra khỏi di tích để cải tạo, sau đó thì “chiếm đoạt” đất đai, nhà cửa của tổ tiên thì họ có chấp nhận? Và biết đâu, những chủ thể sử dụng các kiến trúc có giá trị khác nếu biết “nguy cơ” bị xếp hạng di tích sẽ mất quyền sử dụng liệu có có cực đoan phá hoại kiến trúc để giữ được quyền sử dụng thì sao?

Câu chuyện quy hoạch thành công khu phố cổ Hội An là bài học để cho những nhà quản lý di sản học hỏi. Những người dân sinh sống vẫn được giữ quyền sử dụng nhà đất, còn việc trùng tu do chính quyền quản lý. Có lợi chung ích riêng thì việc bảo tồn phát huy giá trị di tích mới đem lại hiệu quả bền vững.

Người phát ngôn của Bộ VHTTDL - ông Nguyễn Thái Bình, cũng cho biết: Bộ đã nhận được chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ việc trước 31/8. Bộ dự kiến sẽ có đoàn công tác làm việc tại tỉnh Hà Giang về việc bảo tồn và phát huy di sản này.

Về việc cấp “sổ đỏ” cho di tích, pháp luật không hề có quy định cứng nhắc là di tích sau khi xếp hạng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức và chính quyền địa phương quản lý. Tuy Khoản 1, Điều 54, Nghị định số 181/2004 về việc thi hành Luật Đất đai nêu: “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh”, thế nhưng chính Khoản 2 Điều 54 Nghị định 181 lại quy định: “Trường hợp đất có di tích lịch sử - văn hóa thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân”.

Vì vậy, nếu dòng họ Vương không từ bỏ quyền sử dụng nhà đất khu dinh thự họ Vương thì câu chuyện “trả lại sổ đỏ” nên sớm trở thành hiện thực.

Từ Khôi

3 nhận xét :

  1. Kể ra vụ việc không bị ầm ĩ thì 1 số kẻ trong các cơ quan Hà Giang đã có hy vọng kiếm một nguồn lợi hy vọng không nhỏ nếu không muốn nói là lớn!

    Trả lờiXóa
  2. Chưa cần tính đến việc cấp sổ đỏ cho con cháu vua Mèo. Chỉ cần UB tỉnh Hà giang hủy quyết định cấp sổ đỏ cho phòng VU, TT&DL huyện Đồng văn. Đồng thời trả lại dinh thự này cho con cháu vua Mèo sử dụng.

    Trả lờiXóa