Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

THI SĨ HOÀNG CẦM ĐÃ "VỀ KINH BẮC" NHƯNG CHƯA VỀ LÀNG?


Trần Thanh Cảnh

CHUYỆN NGƯỜI KINH BẮC: 
Thi sĩ Hoàng Cầm- giai Làng Hồ chính hiệu

Hồi năm 1995, làng Lạc Thổ (tức Làng Hồ) khánh thành đình làng tái lập sau bao năm không có. Trong tài liệu sách vở thì nói là Tây đốt, nhưng nghe mấy ông du kích cũ thầm thì là, ta đốt chứ Tây đéo nào vào đấy! Chẳng là hồi đó, Pháp đóng bốt Hồ rất to, nên mấy ông du kích đốt mẹ nó cái đình gỗ lim to vật cạnh đê đi cho bọn nó hết chỗ ở ! Mấy chục năm sau cả làng mới hò nhau rồi xin phép chính quyền vật vã để xây lại đình! Lại còn phải viện đến một ông anh hùng liệt sĩ của làng, đã từng theo Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội từ năm 1924 mới xong...

Xây xong cái đình, các bô lão phấn khởi lắm. Bèn tổ chức lễ to, khánh thành. Các ông ấy nghĩ dù gì làng mình có ông thi sĩ lẫy lừng Hoàng Cầm, tuy lúc đó đang ở phố Lý Quốc Sư, ngoài Hà Nội nhưng vốn con cụ Lang Hy, người xóm Vinh Nội trên đầu làng, bèn mời về dự cho thêm phần vẻ vang...

Nghe nói hôm ấy đông lắm. Tôi vốn ghét chỗ đông người ồn ào nên chả vào. Thằng cu nhớn nhà tôi năm ấy lên bảy, lỉnh đi từ sớm. Khuya khuya về thấy cu cậu nằm ghếch chân trên giường ... đọc thơ! Giời ạ!

Nó ngâm nga:" Anh lên bảy yêu em mười ba..."

Tôi quát: " Á à, thằng này đã muốn lấy vợ phải không? Để mai tao sang hàng xóm hỏi cưới cho con hĩm!"

Nó quát lại mình: " Bố thì biết cái gì! Thơ Hoàng Cầm đấy!"

Thế thì oách rồi! Nhà thơ lớn của đất nước kia mà...

Thế nhưng chắc nó không biết, mấy hôm sau các bô lão trong làng ngồi hậm hực: " Tiên sư cái thằng già mất nết. Nó dám ví cái cửa võng ban thờ đình làng ta với cái váy con đĩ! Từ giờ trở đi không mời cái thằng ấy về làng nữa!".

Thì ra tối hôm ấy, thi sĩ Hoàng Cầm đọc thơ có câu: " ... váy Đình Bảng buông chùng cửa võng..." mà ngài lại đang ngồi ngay trước cửa võng đình làng...

Chả biết có phải do lời các cụ hay không nhưng hình như từ đó trở đi không thấy nhà thơ về làng nữa. Sau này khi ốm sắp chết người nhà có về xin mua của chính quyền mảnh đất nhỏ, với ý tứ sau này khi ông mất đi thì sẽ làm nhà lưu niệm. Thế nhưng cũng không thành...

Nay họ Bùi của nhà thơ nổi tiếng Hoàng Cầm- Bùi Tằng Việt tại ngõ Vinh Nội, Làng Hồ còn rất ít. Ở đó cũng chả còn dấu tích gì liên quan đến nhà thơ. Rất nhiều bạn văn chương từ mọi miền đất nước về quê tôi chơi đều ngỏ ý tới thắp hương thăm viếng một nhà thơ lừng danh của đất Kinh Bắc, tôi cũng chả biết đưa họ vào đâu.

Đưa vào đâu bây giờ? 

Tôi đành bảo, thi sĩ là cái hồn phảng phất bảng lảng, thác là thể phách còn là anh linh. Cứ đứng đây giữa đất Làng Hồ- Lạc Thổ- Đất Vui, hít thở không khí, thăm thú danh lam rồi uống rưọu Làng Hồ, ăn thịt Gà Hồ là coi như gặp hồn nhà thơ rồi...

Thế nhưng cũng có chút ngậm ngùi. Đời sống thì đã long đong. Đến lúc chết cũng phải chôn mãi nơi xa có mang được di cốt về quê hương đâu... Mà người Làng Hồ, người Thuận Thành, bây giờ cũng ít người biết đến tên tuổi ông lắm. Ít lắm...

Hình như phận văn nhân thi sĩ là thế. Cô đơn. Cô đơn đến tận lúc chết chưa thôi. Buồn ghê gớm...

Cơ mà đành tự an ủi lòng mình rằng, những vần thơ của ông ấy về quê hương Kinh Bắc, về con sông Đuống sẽ còn dào dạt trong tim bạn đọc và sẽ sống mãi với thời gian!

PS: Viết vài dòng nhân ngày mất của thi sĩ Hoàng Cầm (6/5/2010- 6/5/2018).

________________

NHỚ HOÀNG CẦM
Lương Định

Có đôi lần vỉa hè Trần Hưng Đạo
Được rót rượu làng Vân cạn chén cùng ông
Tóc bạc trắng
Mắt xa xăm hoài niệm
Ông ngồi say Kinh Bắc
Se se Hà Nội cuối ngày thu...

Rưng rưng Men đá vàng *
Ngậm ngùi sông Đuống
Tranh Đông Hồ * màu sắc vẫn tươi nguyên
Cỗ bài tam cúc* tình Em - Chị
Lá diêu bông * hư ảo mãi đi tìm
Ổi vườn xưa chín hái còn thơm...

Nhưng rồi thời gian như gió mây
Em ngày một lớn, Chị theo chồng
Cỗ bài tam cúc không bày nữa
Ngóng về sông Đuống nỗi đau quê

"Đa tình trong máu từ lên tám
Thi sĩ giời hành phận trớ trêu "
Lời ông nghèn nghẹn ngang hớp rượu
Nhớ ngày cưới Chị khóc nhìn theo

Vài ba chén rượu góc vỉa hè
Hiện về năm tháng những thị phi
Yêu ông còn sợ ông hệ lụy
Nói chi uống rượu với bình thơ ?

Nhớ ông bái vọng trời Kinh Bắc
Linh ứng tìm được Lá Diêu Bông *

Lương Định - Sài Gòn 29/3/2018

* Bài thơ có sử dụng tên tác phẩm và những ý thơ của cố thi sĩ Hoàng Cầm
(Ảnh chụp tại vỉa hè 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội cuối thu tháng 11/1995).

4 nhận xét :

  1. Phải nói là cái công xây dựng lại đình Làng Hồ năm 1995 nhất định phải là của những người có ít nhiều công lao với đảng hoặc là đảng viên. Những người có công ấy muốn trong buổi lễ khánh thành đình làng ấy, họ được ngồi chiếu ông tiên chỉ, ông thủ chỉ của làng. Ngặt một nỗi, Làng Hồ lại có cụ Hoàng Cầm danh bất hư truyền, lan ra cả năm châu bốn bể, vì thế họ phải bấm bụng mà mời cụ về làng. Song vốn là người thiển cận, lòng dạ hẹp hòi, nên họ cố tìm lý lẽ mà gạt cụ Hoàng Cầm ra ngoài. Hơn nữa, lại là người tuy có công lao với đảng nhưng dốt đặc cán mai, họ suy diễn câu thơ rất nhân văn, rất đặc trưng Làng Hồ, rất Đình Bảng của cụ Hoàng Cầm thành lời dung tục, và họ cũng không hiểu rằng, trên đất nước này, bao nhiêu đình làng được dựng lên, đâu có ai hỏi thăm người có công xây dựng, mà dân làng chỉ mời người có học thức, danh giá nhất làng ngồi chiếu tiên chỉ mà thôi! Ấy mới là đặc trưng văn học của cái đình làng!
    Bây giờ Làng Hồ thiếu hình bóng của cố thi sĩ Hoàng Cầm thì người dân Việt trong nước, cũng như từ năm châu bốn biển, ai còn đoái hoài đến cái đình Làng Hồ ấy bây giờ nữa?
    Thế thì cái đình Làng Hồ ấy bây giờ lại quạnh hiu, lại quanh quẩn với dân làng. Mà có khi người dân làng còn cảm thấy cái đình làng ấy làm chật chội thêm cho làng cũng nên!
    Ngu nhé!
    Các ông chức sắc Làng Hồ nhìn xem tỉnh Hải Dương có nhà lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn, quận Gò Vấp TP HCM có nhà lưu niệm cố thi sĩ Nguyễn Bính, lúc nào cũng có văn nhân thi sĩ, những người kính trọng và tưởng nhớ đến tiền nhân từ năm châu bốn biển về thăm. Người ta thăm mảnh đất ấy vì có các danh nhân ở đấy! Nay các ông chức sắc Làng Hồ cát cứ như thế thì chẳng ai thèm ghé thăm cả, chỉ có các ông suốt ngày chè chén, cãi cọ rồi có khi lại đánh nhau vớ đầu cũng nên! He he...bảo nhỏ các ông, có chất văn nhân thì mới thành Làng Hồ văn học! Nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Các ông ở Làng Hồ mau thức tỉnh mà làm một cỗ cúng linh đình vời cụ Hoàng Cầm về ngự trong đình thì người việt từ trong nước cho đến nước ngoài mới về thăm cúng đình. Thử nghĩ mà xem, người ta có tiền, người ta đi thăm tháp Eiffel, thăm cầu Golden Gate, thăm đền Taj Mahal, thăm tháp Pisa, thăm Vịnh Hạ Long...ai mà bỏ tiền đi thăm cái đình Làng Hồ của các ông giá trị độ mươi tỉ đồng quê kệch? Người ta chỉ không ngại tốn tiền, không quản đường xá xa xôi mà thăm Làng Hồ nếu có cụ cố thi sĩ Hoàng cầm ở đấy thôi! Dốt ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Cái đình Làng Hồ cũng chỉ là nơi một năm cúng vái đôi lần, rồi chè chén, rồi tranh nhau cái thủ, cái vĩ, rồi chửi nhau, đến đánh nhau vỡ đầu, làm trò cười cho đám trẻ mà thôi!
    Nhưng cái đình Làng Hồ sẽ có mặt trên tất cả các trang Web du lịch nổi tiếng thế giới nếu có cụ cố thi sĩ Hoàng Cầm ở đấy! Thì tất nhiên cái Làng Hồ được người đời biết đến như một địa danh văn hóa, người trong làng có đi đâu thì cũng ngẩng mặt tự hào, thế rồi tệ cờ bạc, rượu chè cũng từ ấy mà mất đi, những ông tiên chỉ trong làng cũng không còn quần ống cao ống thấp, gãi nách sồn sột, mặt tái xanh, tái xám, mắt trợn ngược vì say rượu lao vào đánh nhau chỉ vì cái thủ, cái vĩ ha ha...!

    Trả lờiXóa
  4. Nói số phận cụ Hoàng Cầm long đong là sai! Quê hương là nơi nào ta sống được! Nơi nào không sống được phải bỏ ra đi thì không phải là quê hương! Giòng giống Lạc Việt ta có quê hương là mảnh đất chữ S này, trước kia ở đâu không sống được mà phải thiên di thì đấy đếch phải là quê hương!
    Nay cái Làng Hồ không chứa cụ thi sĩ Hoàng Cầm thì cụ đâu cần! Lúc sinh thời cụ thấy ấm lòng khi hàng triệu con tim yêu mến cụ, đài quốc tế to đùng thế giới như BBC đã năm lần bẩy lượt mời cụ nói chuyện, khi cụ tạ thế thì loan báo cho năm châu cùng rõ, khác nào "quốc tế tang"! vậy thì quê hương của cụ chính là lòng người!
    Nghĩ đi nghĩ lại thì cái Làng Hồ ấy cần cụ chứ cụ chẳng cần cái làng Hồ! Làng Hồ muốn có danh có tiếng, muốn nên người thì vời cụ về, an vị cụ trong đình làng, mà nếu không biết làm như thế thì số phận cái Làng Hồ long đong chứ nào phải cụ long đong! Nhỉ!
    Phải hiểu rằng, trăm năm nữa cũng vẫn có người viếng nơi cụ an giấc ngàn thu, dù cụ ở Hà Nội hay bất cứ nơi đâu!

    Trả lờiXóa