Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Nguyễn Đắc Xuân: TIẾNG TRỐNG KÊU OAN


Nguyễn Đắc Xuân

TIẾNG TRỐNG KÊU OAN

Ngày xưa, đến cửa quan thưa kiện một việc gì người dân thường kêu “bẩm lạy ba tòa quan lớn”.

Tại Kinh Thành Huế ngày nay, bên trong cửa Thượng Tứ có một tòa nhà lớn người dân thường gọi là Tam Tòa (1).

Vậy “ba tòa”, “Tam Tòa” có nghĩa là gì, vai trò của nó trong đời ông pháp luật của người Việt Nam xưa ra sao ?


Các nhà nghiên cứu cho biết dân nông nghiệp có một đặc biệt là hay thưa kiện. Mà đã thưa kiện thì thường xảy ra chuyện hối lộ đút lót. Nhận đơn xử kiện là một cơ hội tốt cho bọn tham quan ô lại sách nhiễu nhân dân. Vì thế nhà nước thời quân chủ có dụng tâm hạn chế bớt việc thưa kiện. Mặt khác nhà nước cũng áp dụng nhiều luật lệ trừng phạt nặng nề những kẻ có chức quyền có cơ hội quấy cho “đục nước” để được “béo cò”.

Cho đến triều Nguyễn, nhà nước giao cho chính quyền phủ, huyện làm quan tòa sơ thẩm. Trước tiên phủ , huyện tìm cách hòa giải. Nếu không hòa giải được thì chiếu luật định tội. Phủ huyện xử chưa xong đưa lên Tỉnh xử phúc thẩm. Ở Tỉnh quan sát coi việc Hình, quan bố chính coi việc Hộ. Tỉnh có quyền phán quyết. Trường hợp can phạm bị trọng tội từ án đồ (đi đày) trở lên phải báo về bộ Hình (Tư pháp) và tâu lên vua.

Nối chung việc thưa kiện xử phạt ngày xưa đa số thì đều được giải quyết ngay ở tỉnh. Mà ở địa phương cũng khó lòng tránh được việc trù dập oan ức.

Một ông vua nếu để xảy ra tình hình oan ức trong hình ngục là làm điều không thuận với lòng trời. Và như thế sẽ bị trời phạt bằng giặc giã, hạn hán kéo dài, mưa bão gây ra mất mùa, thiệt hại tài sản… Các ông vua phương Đông tin như thế. Từ lòng tin đó buộc nhà vua phải có biện pháp giải tỏa sự oan ức. Cơ quan phụ trách việc “giải oan” này là Tam pháp ty.


Tam pháp ty là một cơ quan hỗn hợp ba thành phần ở ba cơ quan nội chính quan trọng là bộ Hình (Tư pháp), Đô sát viện (gần giống với viện kiểm sát trung ương ngày nay) và Đại lý tự (Tòa thượng thẩm, tòa phá án).

Lúc đầu Ty tam pháp nằm ngay chân Kinh Thành giữa cửa Ngăn và cửa Thượng Tứ (nơi xây dựng viện Tỳ Bà của nhạc sư Nguyễn Hữu Ba ngày nay), sau dời về Tam tòa (một cụm ba kiến trúc sắp thành hình chữ Mớn). Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) qui định hằng tháng cứ đến ngày 6, 16, 26 thì Tam pháp ty mở hội đồng để nhận các đơn thưa kiện của nhân dân. Vào những ngày thường trước cửa Tam Tòa có treo sẵn một cái trống lớn gọi là trống Đăng Văn “phàm các thần dân có tình trạng bị oan ức bất thần đến đánh ba tiếng trống thật mạnh, tiếp theo là một hồi trống dồn dập mau hơn. Nghe trống Đăng Văn vua cử một viên chức ra nhận đơn”. Trước khi đem đơn vào đệ lên cho vua phê viên chức ấy phải trói người đánh trống Đăng Văn lại, nếu người ấy lợi dụng trống Đăng Văn tố cáo sai sẽ bị tội nặng. Nếu lá đơn kêu một việc oan thật, vua phê xong giao xuống cho Tam pháp ty xét nghĩ và nhà vua sẽ quyết định sau cùng. Như vậy Tam pháp ty có vai trò như một tòa chung thẩm.

Tiếng trống Đăng Văn là một việc hệ trọng vang dội đến tai vua cho nên ngày xưa trong Nội thành cấm không cho đánh cá loại trống khác để khỏi nhầm với trống kêu oan.
Nhờ có trống Đăng Văn mà bà Nguyễn Thị Tồn đã đáp ghe bầu ở trong Nam ra xin minh oan cho chồng là Bùi Hữu Nghĩa khỏi tội tử hình.

Sau ngày thất thủ Kinh đo 1885 vua nhà Nguyễn không còn có quyền để giải oan cho dân nên bãi bỏ Ty tam pháp và trống Đăng Văn. Năm 1901 vua Thành Thái lập lại nhưng rồi cũng không làm được việc gì. Đến năm 1906 bỏ hẳn.

Trống Đăng Văn là một biểu hiện tinh thần thân dân của nhà nước VN thời quân chủ.

Ngày nay nước ta dan làm chủ, từ Trung ương xuống các địa phương có Phòng tiếp dân, có báo chí, có các ban thanh tra, kiểm tra ngày đêm tiếp không biết bao nhiêu đơn trương của những người kêu oan, không giống như ngày xưa chỉ có một Tam pháp ty, một trống Đăng Văn. Tuy thế người dân vẫn ước ao có thêm một cơ quan tương tự như Trống Đăng Văn. Trống bây giờ có đánh rách mặt da bò cũng không vượt được sự ồn ào của xã hội công nghiệp để đến được tai vị nguyên thủ quốc gia. Nhưng ví như có một phòng nào đó ở Bưu điện, mắc sẵn một đường dây điện thoại đặc biệt, để vào một ngày qui định hàng tháng dân cũng đến tự trói mình kêu oan thẳng tới người có trách nhiệm tối cao của quốc gia thì hay biết chừng nào !

N.Đ.X
___________

Chú thích:

 
(1) Trước năm 1975 Tam Tào pháp đình Thượng thẩm, sau năm 1975 được làm cơ quan Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Hiện nay sử dụng làm Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Tranh minh họa trích lại của Tôn Thất Thọ.
[Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân, Cố Đô Huế Bí Ẩn Và Khám Phá, Nxb.Thuận Hóa 1997, 
tr.183-186]

9 nhận xét :

  1. Bây giờ mà nói chuyện tiếng trống kêu oan gởi qua bưu điện thì tồi quá! Phải thấy quan hệ công quyền và công dân là bình đẳng, phải giải quyết mọi việc theo tinh thần thượng tôn pháp luật, nếu không thì sẽ dẫn đến xáo trộn. Nói thẳng ra, những việc kinh thiên động địa của các quan chức cốt lõi của chế độ lần lượt ra tòa, chứng tỏ rằng thượng tầng chính trị đang ở vào cơn khủng hoảng to lắm rồi, không thể giải quyết một sớm một chiều là xong, bởi vì nó có quá nhiều trở lực vô hình, giằng co, và có khi tan vỡ!

    Trả lờiXóa
  2. "...để vào một ngày qui định hàng tháng dân cũng đến tự trói mình kêu oan thẳng tới người có trách nhiệm tối cao của quốc gia thì hay biết chừng nào !
    ___________________________________________________________

    Người có trách nhiệm tối cao của quốc gia? Người nào vậy?

    Trả lờiXóa
  3. Phải chấp nhận một thực tế là nước ta chưa có dân chủ mà chỉ có chế độ quan lại. Nếu chấp nhận tiền đề này, thử dùng phép biện chứng để suy đoán tương lai:
    Phép biện chứng gồm 3 phần: tiền đề, phản đề, kết đề.
    Tiền đề: quan là cha mẹ, dân là con cái.
    phản đề: cha không ra cha, mẹ không ra mẹ, cha mẹ ăn chơi, giành giật, đánh nhau.
    kết đề: ly dị, cha mẹ tan đàn, xẻ nghé, con tự lo tương lai, vứt cha mẹ vào sọt rác.

    Trả lờiXóa
  4. Ông Nguyễn Đắc Xuân này rõ ràng là dớ dẩn! Ngày xưa ông là sinh viên dưới trào nền đệ nhất cộng hoà, ông học tam quyền phân lập, rồi ông không thích, rồi ông vào bưng biền theo cộng sản, rồi bây giờ ông lại bảo sắm sửa cái trống kêu oan thời Nguyễn! Sao mà ông dẫn dắt dân tộc đi lòng vòng thế hở ông? Mậu thân ông ở đâu?
    Ông đúng là dớ dẩn! Chán ông quá!

    Trả lờiXóa
  5. Ông Nguyễn Đắc Xuuan cải tiến hay nhỉ! Ông cải tiến cái trống Đăng Vân thành cái sở Bưu Điện! Hay! Hoan hô ông một phát! Phải là học giả như ông mới có cái sáng kiến to đùng như thế đấy!

    Trả lờiXóa
  6. Ngày nay có trống kêu oan chắc mỗi ngày thay mấy cái . Rồi chính ô. NĐ Xuân cũng phải cầm dùi !

    Trả lờiXóa
  7. Thời đại @, internet, facebook mà dân oan không kêu vào đâu được hết, thê thảm đến mức ông Nguyễn Đắc Xuân phải đề nghị xin cho đánh trống kêu oan trở lại như thời vua quan ngày trước, té ra cái ngày xưa ấy còn có dân chủ hơn bây giờ nhiều đúng không ông Xuân?

    Trả lờiXóa
  8. Trống với chả phách, thời buổi 4.0 mà vẫn còn ve vãn về anh liên lạc cầm cờ hiệu, chạy giấy. Hiện thời, các cấp từ huyện, tỉnh đến trung ương đều có hẳn cả một cơ quan chuyên trách của đầy tớ để tiếp đón các chủ nhân mỗi khi có việc cần dạy bảo mà hạ cố đến tận nơi còn chẳng nên cơm cháo gì huống hồ phải nhờ anh bưu điện gửi vào tận tay thì vứt - Vì đầy tớ thời này bướng bỉnh và khó bảo lắm.

    Trả lờiXóa
  9. Ấy , cứ trông dân Thủ Thiêm chạy kiện 20 năm , đơn từ gởi đến tận nơi có trách nhiệm giải quyết mà còn chẳng ăn thua thì một " tiếng trống bưu điện " có nghĩa lý gì !?

    Trả lờiXóa