Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

HỒI ÂM VỀ THÔNG TIN NGHI ÁN GS.TS NGUYỄN XUÂN THẮNG ĐẠO VĂN


HỒI ÂM VỀ THÔNG TIN NGHI ÁN 
GS TS NGUYỄN XUÂN THẮNG ĐẠO VĂN

Từ FB của TS Mai Thanh Sơn

Sáng nay, tôi nhận được e.mail của bạn Nguyễn Mạnh Hùng, Thư ký của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Mạnh Hùng trước đây cũng ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS), được đồng nghiệp đánh giá là người có năng lực, thẳng thắn, trung thực. Mạnh Hùng muốn nhờ tôi chuyển một thông điệp dưới dạng thư ngỏ gửi GS. Trần Hữu Dũng, lên trang của mình. Trong File gửi kèm e.mail, Mạnh Hùng đã giải thích đôi điều về lý do có một số chi tiết trùng lặp gữa các bài báo ký tên GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng với một vài bài viết đã được công bố trước đó.


Để rộng đường dư luận và tránh oan sai, có thể ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của một nhà khoa học, tôi quyết định sẽ đăng trên trang nhà. Dưới đây là toàn văn bài viết của bạn Nguyễn Mạnh Hùng.
____

Kính gửi: GS. Trần Hữu Dũng!

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một bảng so sánh được dẫn nguồn từ trang Vietstudies của GS Trần Hữu Dũng, đặt ra câu hỏi hoài nghi về khả năng “đạo văn” của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong Blog Xuân Diện Hán Nôm và trên trang Facebook của mình, một số người cũng đặt ra câu hỏi tương tự. Nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, chúng tôi viết thư này xin làm rõ mấy điểm sau:

1. Theo quy định từ trước đến nay, những bài diễn văn của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong các lễ kỷ niệm đều do các nhóm chuyên gia từ những viện chuyên ngành chuẩn bị, dựa trên ý tưởng của Thủ trưởng. Nhân kỷ niệm 148 năm ngày sinh V.I. Lênin, PGS.TS. Nguyễn An Ninh được phân công chấp bút những ý tưởng của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng về việc vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác trong bối cảnh lịch sử cụ thể của nước Nga những năm đầu cách mạng. Là người có nhiều năm nghiên cứu về V.I. Lênin và CNXH, PGS.TS. Nguyễn An Ninh đã từng có bài viết “Chính sách kinh tế mới của Lê nin – một cơ sở lý luận quan trọng của đổi mới ở Việt Nam”, được đăng trên Tạp chí cộng sản số ngày 21/4/2015. Chính vì vậy, trong quá trình hiện thực hóa những ý tưởng của đồng chí Giám đốc Học viện, đã không tránh khỏi một số đoạn trùng lặp hoặc diễn đạt tương đồng. Về nguyên tắc, đây là phát ngôn chính thức của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mà đồng chí Giám đốc là người đại diện nên dưới bài báo mới ký tên GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng.

2. Bài báo “Giá trị tư tưởng, lý luận và sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay” (Báo Xã hội, 5-5-18) trên thực tế cũng được biên tập lại từ phát biểu đề dẫn được GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng trình bày trong lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx và bài này cũng được đăng trên báo Nhân dân, sau đó báo Xã hội đã dẫn lại. Trong quá trình chuẩn bị bài phát biểu này, nhóm chuyên gia đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Đây là bài phát biểu đề dẫn, sau do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ, Tổ Thư ký đã gửi gấp sang báo Nhân Dân nhưng chưa rà soát lại kỹ lưỡng về sự trùng lặp cũng như chú thích nguồn.

3. Như vậy, cả hai bài báo trên đây đều bắt nguồn từ những bài phát biểu đề dẫn được nhóm Trợ lý chuyên môn và Tổ Thư ký chuẩn bị cho các lễ kỷ niệm thường niên của Học viện chứ không phải là các bài nghiên cứu để đăng trong các tạp chí chuyên ngành. Dù sao, những sơ suất của nhóm Trợ lý chuyên mônvà Tổ Thư kýlà rất đáng tiếc. Điều đó đã ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, một nhà khoa học có nhiều đóng góp cả về lý luận và thực tiễn. Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và xin lỗi GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng về vấn đề này.

4. Với lá thư này, thông qua trang Blog Xuân Diện Hán Nôm và các trang mạng xã hội khác, chúng tôi muốn gửi tới GS. Trần Hữu Dũng cùng các bạn đọc lời xin lỗi chân thành và mong được thông cảm. Đây cũng là bài học để trong thời gian tới, chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Thay mặt Tổ Thư ký và nhóm Trợ lý chuyên môn:
Nguyễn Mạnh Hùng.
____

Lời bình của
Nguyễn Xuân Diện: Lời thư ngỏ và thái độ của Tổ thư ký và nhóm Trợ lý của GS. Nguyễn Xuân Thắng là có thể hiểu và thông cảm được. Các bài của GS.Thắng được đem ra so sánh đều là các bài phát biểu miệng, đề dẫn các hội thảo để phục vụ các dịp lễ lạt (là loại Văn tế), chứ không phải các báo cáo khoa học. Và mỗi dịp như thế, các báo chí thường rất đông, chực sẵn khi GS dứt lời thì xin bài để đăng ngay, và nhóm thư ký trợ lý không lường hết chuyện Văn Tế (đọc xong là hóa luôn) thì khác Văn Bia (lưu lại cho hậu thế) thế nào. Xin lưu ý nhóm tư vấn, rút kinh nghiệm từ nay, Văn tế và Văn bia để riêng hai túi khác nhau😉, và sử dụng riêng để tránh oan sai cho thủ trưởng. Và cũng xin khép lại vụ việc này ở đây.



14 nhận xét :

  1. Thưa anh Nguyễn Mạnh Hùng, thế còn "Bài tập cá nhân" của anh sinh viên
    Đàm Đình Mạnh với bài “Giá trị tư tưởng, lý luận và sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay”(cũng xuất xứ từ bài Đề dẫn của GS.TS N.X.Thắng)thì có liên quan gì không? Không nhẽ sinh viên Đàm Đình Mạnh cũng đã là thành viên của nhóm chuyên gia hoặc Tổ Thư ký và nhóm Trợ lý chuyên môn?

    Trả lờiXóa
  2. Việc làm ( cho đăng thư ngỏ) của "tổ thư ký và nhóm trợ lý" tôi cho là thẳng thắn, đáng biểu dương! Nhưng lẽ ra phải ghi rõ: Bài của "tổ thư ký và nhóm trợ lý", do ông Thắng- GS,TS, giám đốc.....v v...đọc tại lễ kỷ niệm....thì mọi người sẽ hết ý kiến!

    Trả lờiXóa
  3. Một cái " đóng ván " đẹp , có hậu ( uy tín vẫn còn ) .

    Trả lờiXóa
  4. Thì ra thầy cúng đọc văn tế của người khác à? Tuyệt diệu thay

    Trả lờiXóa
  5. Dạy vbawngf giáo án người khác thì không nên nhận và không nên phong giáo sư

    Trả lờiXóa
  6. Cái này gọi là trích dẫn không chuyên nghiệp. Cũng còn hơn ông Nhạ chưa chịu lên tiếng...

    Trả lờiXóa
  7. Đề nghị kỷ luật nhóm "Trợ lý chuyên ngành" và rút kinh nghiệm cậu "đánh máy" ngay!

    Trả lờiXóa
  8. Cách giải trình và nội dung giải trình chứng tỏ trình độ của nhóm thư ký. Thầy đi dạy người mà như thế này thì hỏng.

    Trả lờiXóa
  9. Nói tóm lại, ở mỗi mảng đều có người chấp bút thay, nhưng đều ghi tên của Sếp, ...

    Trả lờiXóa
  10. Không thể giải thích một cách vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết như anh thư ký Nguyễn Mạnh Hùng được. Cũng không thể bỏ qua một cách dễ dãi như vậy được. Người ký tên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tác phẩm đề tên mình. Chúng ta phải truy xét trách nhiệm và tác quyền của tất cả những tác phẩm đã công bố, dù cho rất nhiều tác phẩm tác giả không trực tiếp chấp bút, không có “thủ bút”. Nếu không, sẽ hiểu thế nào về những tác phẩm của Lê nin, của Hồ Chí Minh và rất nhiều tác phẩm của những lãnh tụ, lãnh đạo cao cấp và thấp cấp khi công bố trước công chúng? Dù cho Lê nin có thư ký riêng, thậm chí có một ban thư ký, nhưng tác phẩm ghi tên Lê nin thì đều thuộc về ông, không ai có thể phủ nhận. Nếu bài phát biểu ấy ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ đọc xong rồi vứt đi thì không ai biết, không ai chấp, những đã xuất bản thì ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Còn nếu không, buộc chúng ta phải xem xét lại tính chính danh của tất cả những tác phẩm mà tác giả không “thủ bút”. Mà như thế thì rất nguy hiểm, nên ông Thắng hãy dũng cảm nhận mình đã đạo văn cho nó lành.

    Trả lờiXóa
  11. Tôi cũng đồng ý kết luận ông Thắng đạo văn.Không thể có chuyện ông nhờ tổ trợ lý viết thay lý luận đảng được. Thế trong hồ sơ GS của ông cũng vậy à?

    Trả lờiXóa
  12. Cái này gọi là tập thể Lê Lai kíu chúa... Ông bộ trưởng Nhạ nên học tập. Cứ đổ cho người giúp việc đánh máy luận văn là xong...

    Trả lờiXóa
  13. Rứa là từ trước đến nay cứ đọc và nghiên cứu mấy cuốn sách kí tên ông Nin,ông Hồ thì cứ đinh ninh đó là những tác phẩm tim óc của mấy ổng.
    Nay nghe lời giải thích của ông Hùng thì hoang mang quá.
    Có khi nào mấy cuốn đó là do người khác viết rồi đưa cho mấy ổng kí không?
    Nếu rứa thì có bị...chệch hướng không?

    Trả lờiXóa
  14. Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Diện . Nhờ ông mà đén nay tôi mới rõ Văn Tế : Đọc xong là Hóa ngay. Văn Bia :Lưu lại cho hậu thế. Từ nay tôi sẽ cẩn thận để mỗi khi đọc xong một đoạn văn phải suy xét lại xem đây là văn tế hay văn bia ?

    Trả lờiXóa