Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG TRẢ LỜI HỌC GIẢ AN CHI


Mỗi chữ là một lần tri ân: 
Thư cảm ơn học giả An Chi  

Trần Trọng Dương
Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018 
Tễu Blog: Xin xem lại bài của học giả An Chi, phê bình cuốn sách Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ (Nxb Văn học, Hà Nội, 2016) do TS Trần Trọng Dương biên soạn, tại đây:
https://xuandienhannom.blogspot.com/2018/01/hoc-gia-chi-phe-binh-cuon-sach-cua-ts.html
*CHÚ Ý: Do giao diện BLOG có giới hạn về trình bày và bài hơi dài (gần 25.000 lượt chữ), nên quý vị có thể download toàn bài của chúng tôi ở đây:

BLog này chỉ in phần mở bài và kết luận.

Một người làm khảo cứu không dám bao giờ cho rằng mình hiểu chính xác tất cả mà luôn lường trước khả năng mình có thể sai trong bất cứ trường hợp nào, kể cả có những điều mà mình cho là hiển nhiên, hoặc rất cơ bản. Khi thực hiện khảo chú cho “Nhật dụng thường đàm” (NDTĐ), chúng tôi, bằng nhiều cách khác nhau, đã ghi lại các nghi ngờ của mình: hoặc đánh dấu hỏi, hoặc ghi “tồn nghi”, hoặc đưa ra hai ba cách đọc, hoặc gõ máy hoặc cắt nguyên tự dạng Nôm tại vị trí đặc dị còn nghi ngờ, hoặc đặt dấu sổ chéo (/), … Cả trăm trường hợp như thế đã được ghi chú ở cả chính văn và chú thích chân trang để chờ đợi các bậc thức giả góp ý. 

Khi nhận đọc bài viết phê bình của học giả An Chi- người mà tôi rất kính trọng, chúng tôi thực sự thích thú như mọi lần đọc các bài viết góp ý của ông. Mỗi chữ là một thảo luận cụ thể, nghiêm túc; có những cái sai rất sơ đẳng, có những nhầm lẫn tác tộ lỗ ngư, có những chữ là “tại thằng đánh máy”- (tức chính là mình), có những chỗ phiên khuyết phiên rớt do quá trình mắt di chuyển từ nguyên bản sang màn hình máy tính, và có những trường hợp hiểm hóc lần đầu tiên gặp trong đời vô cùng thú vị… Mỗi một chữ là một lần tôi muốn gửi đến ông lời tri ân từ tận đáy lòng mình. Những sai sót trong bản phiên chú này, chúng tôi xin tiếp thu và sửa chữa trong lần tái bản sau, xin không nêu ở đây. 

Dưới đây chúng tôi xin thảo luận lại 70 trường hợp trong số 135 vị trí mà học giả An Chi đã góp ý, hoặc để làm rõ hơn giả thuyết của ông, hoặc minh trưng thêm giả thuyết cũ của chúng tôi, hoặc đi đến một giả thuyết mới, hoặc để các giả thuyết trò chuyện với nhau.

Trên đây là một số hồi đáp của chúng tôi về bài góp ý của học giả An Chi. Chúng tôi nghĩ rằng, đã làm việc thì có đúng có sai (với hy vọng đúng nhiều hơn, sai ít hơn), mà đã được người lớn chỉ ra chỗ sai thì còn gì vui bằng. Viết lách cũng đã khó, mà khảo cứu văn bản cổ càng không phải dễ. Người làm chữ nghĩa có khi vật vã hàng năm trời với vài vảy chữ mà không giải quyết nổi. Khảo cứu, phiên dịch, chú thích văn bản cổ cả chục ngàn lượt chữ, mạy mọ từng nghĩa từng chữ từng âm từng thanh điệu, giống như việc ta đang đi vào những khu rừng nguyên sơ chưa từng được biết tới, khám phá cũng được một vài, mà cái mình chưa biết thì vô số. Có quá nhiều thứ ta không biết về quá khứ, có những chữ chưa từng gặp trong bất kỳ sách vở từ điển nào, có những nghĩa đã tuyệt tích khỏi đời sống, có những hiện tượng sự vật đã không còn tồn tại, có những cách nói đã phôi phai theo dòng thời gian. Lại có những cạm bẫy khác luôn rình rập, có khi gặp phải ngụy thư, có khi chỉ là đôi ba chi tiết do người đời sau thêm nếm, có khi là sự sai sót của người chép người khắc; có khi lại là sai sót của chính tác giả lúc biên soạn; và cuối cùng là sai sót/ hạn chế của chính người khảo cứu. Thế giới của thư tịch cổ sử dụng tử ngữ- tử văn tự là thế giới “thập diện mai phục” của chữ và nghĩa, của lịch sử và văn hóa, mà người làm khảo cứu luôn sẵn sàng lường ước rằng mình có thể sai ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Đọc những lời phê bình nghiêm khắc của học giả An Chi ở đoạn đầu bài viết, tôi thực sự rất cảm kích, vì mình đã cố gắng hết sức có thể trong khả năng của mình vào thời điểm đó. Nếu nhìn 100 lỗi sai cho 01 cuốn sách thì đó là một con số rất đáng nói. Nếu nhìn 100 lỗi trong 120.000 lượt chữ, thì cuốn sách đã có thể đúng tới 119.900 lượt chữ (tỉ lệ 0.08%). Nếu nhìn 100 chữ sai trong 27.293 lượt chữ của phần phiên âm chính văn Nhật dụng thường đàm, thì cuốn sách cũng có 27.193 lượt chữ có khả năng đúng (tỷ lệ sai 0.5%). Nếu nhìn 100 chữ cho 2449 mục từ, thì có 2314 mục từ đúng (tỉ lệ sai 4.08%). Cái nghề khảo cứu văn bản cổ là một cái nghề lầm lũi, chỉ biết đếm chữ để đánh giá tổng quan công việc. Và nếu bằng cách ấy, để nhìn lại những gì mình đã làm (không chỉ trong cuốn sách này), chúng tôi không tin là chỉ có một trăm lỗi sai mà có thể nhiều hơn thế gấp nhiều lần. Hiện có câu: được ăn cả, ngã về năm. Nên tôi nghĩ, mình hỏng 1-5 mà được 99-95, thì tôi vẫn chọn làm việc hơn là không làm gì cả. Cứ nhìn vào cái được và cái chưa được (thậm chí những sai nhầm) để tiếp tục làm việc với một tinh thần cầu thị, và biết ơn những người đã chỉ ra những sai nhầm của mình. Chỉ có cách ấy mới mong làm được gì đó dù bé nhỏ trong cuộc đời này.

Cuối cùng, một lần nữa, tôi xin gửi lời tri ân đến học giả An Chi với tấm lòng của người hậu học, không chỉ vì những góp ý trong bài viết này, mà còn ở nhiều câu chuyện chữ nghĩa khác nữa.



2 nhận xét :

  1. Đọc bài viết thấy mừng và thấy kính trọng tâm huyết và đạo đức ứng xử của các học giả .

    Trả lờiXóa
  2. Mừng cho Tiến sĩ Trần Trọng Dương nhận được lời vàng ngọc.
    Mừng cho học giả An Chi góp ý đúng người đúng việc.
    Mừng cho văn học nước nhà khởi sắc.
    Mừng cho độc giả được thấy những tâm hồn cao thượng, nhã nhặn đối đãi với nhau.

    Trả lờiXóa