Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

500 GIÁO VIÊN Ở ĐẮC LẮC MẤT VIỆC, MỚI CHỈ LÀ BẮT ĐẦU

Giáo viên trao đổi với nhau nỗi bức xúc

Chủ tịch huyện ký bừa, 
hơn 500 giáo viên khóc ròng vì sắp mất việc

VNN
09/03/2018 23:49 GMT+7

Hơn 500 giáo viên tại Đắk Lắk do 3 đời chủ tịch huyện ký tuyển dụng trái quy định đã bật khóc nức nở khi hay tin sẽ bị cho thôi việc.

Chiều nay, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tổ chức buổi họp với hơn 500 giáo viên tuyển dụng dôi dư, thông báo tinh thần chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh.

Buổi họp tổ chức tại nhà văn hóa huyện dưới sự chủ trì của bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Đại diện lãnh đạo UBND huyện thông báo, sắp tới sẽ tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên năm 2017 với chỉ tiêu khoảng 80 người.

Theo đó, có hơn 500 người trong tổng số hơn 600 giáo viên đang dạy hợp đồng không đủ điều kiện thi tuyển, đồng nghĩa mất việc, tự kiếm việc khác.

Khi phóng viên xuất hiện tìm hiểu, cuộc họp thông báo kết thúc chóng vánh. Cả trăm giáo viên đã kéo lên trụ sở UBND huyện xin gặp lãnh đạo kêu cứu.

“Em được tuyển vào dạy hợp đồng từ năm 2011, giờ huyện thông báo cắt hợp đồng, mất việc giữa chừng, em biết phải làm gì đây” – một nữ giáo viên bật khóc trình bày.

Trao đổi về sự việc, ông Đoàn Đại Lý, Chánh văn phòng UBND huyện Krông Pắk cho biết, đây là buổi thông báo chủ trương của UBND huyện trong việc chấp hành kết luận của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Huyện ủy đối với số giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế nhà nước.

Theo ông Lý, buổi họp thông báo đến giáo viên để họ nắm chủ trương, tinh thần, chuẩn bị cho mình công việc khác tốt hơn thời gian tới.

Theo đó, số đủ điều kiện mua hồ sơ, vào đầu tháng 4/2018 sẽ thi viên chức sự nghiệp giáo dục. Ai đậu thì ký tuyển dụng làm giáo viên, ai không đậu thì chấm dứt hợp đồng về kiếm công việc, ngành nghề khác để làm.
Rất đông giáo viên đã tập trung tại UBND huyện xin gặp lãnh đạo kêu cứu

Cũng theo ông Lý, chỉ tiêu thi tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục sắp tới của huyện chỉ có 83, chủ yếu sẽ tuyển trong số giáo viên mà huyện đã ký tuyển dụng dôi dư.

Trước đó, VietNamNet đã phản ánh, từ năm 2011 đến tháng 11/2015, UBND huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với 588 giáo viên và 80 nhân viên trường học. Việc tuyển thừa giáo viên liên quan đến 3 nhiệm kỳ chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.

Trong đó, nhiệm kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên chủ tịch huyện giai đoạn 2011-2016, nay là Phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã ký tuyển dụng sai quy định hơn 400 giáo viên; nhiệm kỳ ông Y Suôn Byă (chủ tịch đương nhiệm) ký sai hơn 100 trường hợp.

Liên quan đến sai phạm, ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã bị UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng. Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã thành lập tổ kiểm tra để xác minh theo đơn tố cáo đối với ông Y Suôn Byă nhưng đến nay chưa có kết quả.
Trùng Dương

----------------------------------

Hàng trăm giáo viên ở Đăk Lăk bị cắt hợp đồng: Mới chỉ là bắt đầu

Nguyễn Anh Tuấn
10-3-2018

Không khó để cảm nhận được nỗi hoang mang của các giáo viên ở huyện Krong Pak, Đăk Lăk khi đột ngột nhận được quyết định thanh lý hợp đồng, đồng nghĩa với việc chẳng những vỡ mộng vào biên chế ổn định suốt đời, mà còn buộc phải chia tay với bục giảng sau nhiều năm gắn bó, để bắt đầu một tương lai bất định. Tuy nhiên, họ sẽ không cô độc khi mà tới đây sẽ có hàng chục ngàn giáo viên khác trên khắp cả nước rơi vào tình cảnh tương tự.

Cớ sự là vì Hội nghị Trung ương 6 tháng 9 năm ngoái về đổi mới hệ thống chính trị, thay vì đặt trọng tâm vào cắt giảm biên chế hành chính và công an một cách đáng kể nhằm giảm nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp, thì lại nhắm vào đối tượng chính là viên chức sự nghiệp (y tế, giáo dục…) vốn cung ứng những nhu cầu thiết yếu liên quan tới chất lượng cuộc sống của người dân. [1]

Nghe có vẻ như một lựa chọn ngược đời, nhưng chẳng đáng ngạc nhiên chút nào, vì (1) nhóm hành chính và công an có ưu thế về quyền lực hơn hẳn so với y bác sĩ hay thầy cô giáo của khối sự nghiệp để phản ứng lại kế hoạch giảm biên chế, và (2) giảm biên chế ở khối sự nghiệp còn giúp chính quyền chuyển được gánh nặng trong việc cung ứng phúc lợi xã hội cho người dân khi mà đi cùng với đó là bệnh viện, trường học dần phải tự chủ tài chính và lộ trình là chỉ 3 năm nữa người dân phải trả đầy đủ các chi phí y tế, giáo dục.

Vấn đề này lại còn đặc biệt trầm trọng trong ngành giáo dục. Khoảng chục năm qua, lợi dụng việc phân bổ giáo viên không hợp lý (thừa thiếu cục bộ), giới lãnh đạo giáo dục ở các địa phương (sở, phòng, hiệu trưởng) đã phóng đại tình trạng thiếu giáo viên để tuyển ào ạt các giáo viên hợp đồng, mà vài trăm con người đang hoang mang ở Đăk Lăk là một phần nhỏ trong số đó.

Các cấp lãnh đạo giáo dục này thực sự nhắm tới điều gì khi làm như vậy? Đơn giản thôi, 100-200 triệu cho mỗi trường hợp được chia theo tỷ lệ nội bộ họ tự biết với nhau. Đây là nguồn cơn của những câu chuyện mà chúng ta nghe đã nhàm tai ở Việt Nam khi một người quen nào đó có con cái vừa tốt nghiệp ngành sư phạm.

Ấy cũng là câu trả lời cho thắc mắc của nhiều thầy cô ở Đăk Lăk là vì sao lãnh đạo biết thừa biên chế mà vẫn ký hợp đồng [2]. Ký cho vài người được vài trăm triệu thì vài chục người, vài trăm người sẽ kiếm được tiền tỷ, chục tỷ, thì tội gì không ký khi mà nhiệm kỳ của mình có được bao lâu và không dễ để ngồi được vị trí này.

Đổi tiền lấy biên chế trở thành một thứ “bình thường mới” trong xã hội Việt Nam. Chỉ có điều trong trường hợp này các gia đình xuống tiền cho con em đi dạy có lẽ đã bắt đầu hiểu, hóa ra tiền của họ chỉ đổi được một hi vọng có biên chế, chứ không phải là biên chế. Vậy nên biết bao người chấp nhận gắn bó cả chục năm trời với đồng lương hợp đồng thấp lè tè; ấy cũng chỉ là để nuôi mộng một ngày vào được biên chế để ổn định suốt đời.

Mà càng như thế thì lại càng làm giàu cho lãnh đạo ngành giáo dục – những người chỉ cần ve vẩy vài tờ giấy biên chế đủ khiến rất nhiều giáo viên hợp đồng phải bỏ tiền bạc và rất nhiều thứ khác nữa vào cuộc đua mà chỉ một số ít đánh đổi nhiều nhất mới giành được chiến thắng.

Bởi thế, điều tệ hại nhất trong chế độ chúng ta đang sống đôi khi không nằm ở sự đàn áp, mà ở chỗ khiến con người ta, ngay cả khi giản dị chỉ muốn làm giáo viên, cũng dây không ít thì nhiều vào vòng bất lương. Nghĩa là, ai cũng phải đóng cả hai vai, thủ phạm lẫn nạn nhân, trong cùng một bi kịch.

Người nữ giáo viên trong clip đặt câu hỏi thật hay: “Ai trả cho chúng tôi tuổi thanh xuân?” Có thể hiểu là cô ấy đang đòi lại những gì đã bỏ ra – tiền bạc, thời gian, công sức – cho giấc mơ biên chế từng được hứa hẹn nhưng nay đã tan thành mây khói.

Xin đáp với cô giáo thế này, chẳng ai giúp được cô ngoài chính cô và những người đã, đang và sẽ chịu chung cảnh ngộ với cô. Thay vì than vãn, van nài, khóc lóc, hãy tập hợp nhau lại, bắt đầu từ huyện Krong Pak, sau đến tỉnh Đăk Lăk và rồi trên cả nước, bằng bất cứ phương cách nào có thể, từ truyền thông cho đến đình công, từ lên mạng đến xuống đường, để đòi lại công bằng cho mình và những người chung cảnh ngộ với mình. Không đứng lên bằng tất cả khả năng của mình và dám chấp nhận rủi ro từ việc đứng lên đó, thì làm sao xứng đáng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.

Khi mà thầy cô, tuy có lợi thế từ sự trọng vọng của xã hội, nhưng chẳng thể tập hợp được để có một tiếng nói đủ trọng lượng trong chính sách giáo dục quốc gia, cách thức tuyển dụng giáo viên cũng như lựa chọn lãnh đạo giáo dục thì thân phận của các thầy cô rồi đây cũng chỉ như những nhân viên thời vụ, bấp bênh trước cảm tình yêu ghét tùy tiện của chủ nhân ông – những lãnh đạo ngành giáo dục mà thôi.

PS: Dù có thế nào thì 10,000 nhân sự của Lực lượng 47 vẫn được giữ nguyên, không bị cắt giảm chút nào. Nghĩa là, các thầy cô có thể bị mất việc nhưng bù lại an ninh chính trị trên mạng xã hội được đảm bảo. Chỉ có điều thứ an ninh chính trị đó không đổi được cơm áo gạo tiền cho thầy cô và gia đình mà thôi.

____

Tin về một vụ tương tự ở Gia Lai từ VTV: Gia Lai: 150 giáo viên bị cắt hợp đồng dù trường thiếu giáo viên.

[1] https://vov.vn/chinh-tri/dang/tiep-tuc-sap-xep-to-chuc-lai-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-688042.vov

[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thua-giao-vien-nhung-van-ky-hop-dong-so-luong-lon-423434.html
 
 

10 nhận xét :

  1. Chủ tịch gì mà cứ ký và đóng dấu bừa như vậy! Làm sao sau mà có thể tổ chức lễ hội phát ấn sau này?!

    Trả lờiXóa
  2. Sắp tới đây khi thực hiện chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới của ông Nhạ nói ngọng (nghe đồn còn đạo văn và giả khoa học) của Bộ Dục, hàng chục nghìn giáo viên Vật lí, Hóa, Sinh, Địa,...sẽ mất việc tiếp.

    Trả lờiXóa
  3. Các đời chủ tịch huyện Krong Pak ký quyết định tuyển dụng giáo viên cứ như phát ấn Đền Trần ấy nhỉ!!!

    Trả lờiXóa
  4. CA quái hơn : vẽ ra thật nhiều " thế lực thù địch" để tăng biên chế , ngược lại giáo đục ý tế chưa đủ độ quái để vẽ ra cái cớ tăng biên chế nên đành ngậm ngùi về nhà nuôi lợn!

    Trả lờiXóa
  5. Hy vọng vào những lời hứa vu vơ , tương lai mịt mờ . Nay hẳn các thày cô đã ...thấm đòn .
    Nguyên nhân thì bài này của NAT đã " phân tích rõ và đủ , nó là bản chất của xã hội và nền " záo zụk " hiện hành .

    Trả lờiXóa
  6. Các thầy cô giáo ơi! Uất thì về nhà vào buồng mà khóc. Đảng đã quy hoạch bài bản chặt chẽ, nên tuyển mộ. Nay nhu cầu tự chuyển hoá, cần bài bản chặt chẽ hơn nên đuổi. Đều có chủ trương, đúng quy trình. Cuộc đời các bạn lỡ làng do thế lực thù địch. Không ai bắt các bạn quỳ. Ai tự nguyện thì cứ thử vận may.

    Trả lờiXóa
  7. 500 thầy cô giáo bị treo niêu ! 500 gia đình bị liên lụy ! Mới một huyện . Còn chỗ Huyện khác thì sao ?

    Trả lờiXóa
  8. xin hỏi ngu"tuyển dụng"dôi dư" là như thế nào?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là bán chỗ lấy tiền vô tội vạ . Mỗi chỗ 100-200 triệu chứ ít sao ?

      Xóa
  9. Người ta bán cái biên chế và cái sổ lương hưu tương lai từ 100-200 triệu ! Tết vừa qua tôi vừa đi thăm một ông bạn giáo già đang hưởng lương hưu ở Đồng Nai . Vợ chồng anh không phải diện nghèo, còn có đất canh tác, chăn nuôi, con anh tốt nghiệp đại học nhưng vì mắc căn bệnh chạy chữa hết rất nhiều thời gian và nhiều tiền nên không thi vào công chức . Nay cháu tạm khỏi bệnh, đi làm rẫy và chăn nuôi cũng chán . Anh chị khuyên cháu thi vào ngành GD để kiếm cái biên chế và cái sổ lương hưu như anh . Anh bảo như thế là bảo đảm cuộc đời lúc về hưu . Nhân câu chuyện 500 thầy cô giáo bị mất việc ở Daklak tôi hiểu ra đường giây bán biên chế ngành GD này !

    Trả lờiXóa