Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

HỌC GIẢ AN CHI PHÊ BÌNH CUỐN SÁCH CỦA TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG


Từ phiên âm đến hiệu khảo đều kém cỏi

An Chi
31 Tháng 1 2018

(Bài viết để đưa vào Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 4)
 
Với danh nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học & Viện nghiên cứu Hán Nôm, tác phẩm Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ đã được Trần Trọng Dương khảo cứu và công bố dưới nhan đề Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ (Nxb Văn học, Hà Nội, 2016). Sách có sao chụp đầy đủ nguyên văn Hán Nôm của bản mang ký hiệu R.1726 với sự phiên âm của Lê Văn Cường. Trong sách, bản phiên âm này đã được Trần Trọng Dương hiệu khảo và chú thích. Rất đáng tiếc là tuy mới sơ bộ khảo sát mà chúng tôi đã thấy có đến 135 chỗ từ phiên âm đến hiệu khảo đều kém cỏi, thậm chí có những chỗ sai rất hài hước. Điều này làm chúng tôi thực sự bất bình vì TS Trần Trọng Dương là người mà An Chi hằng ái mộ. Không ngờ quyển sách này lại chứa đựng những cái lỗi không thể tha thứ được và riêng với nó thì chúng tôi hoàn toàn thất vọng. Trước nhất xin nhận xét về Lời dẫn của Phạm Đình Hổ do Trần Trọng Dương dịch và chú thích. 

Câu “Thuỳ lão chi tuế, thừa phạp thành cấu” được dịch thành “Tuổi toan về già, [dù] thiếu [hay] thừa [cũng] sắp thành cát bụi”. Quán ngữ “thừa phạp” [承乏] dùng để diễn đạt sự khiêm tốn của chủ thể đã được người dịch chuyển thành “[dù] thiếu [hay] thừa”(!) Thực ra chữ “thừa” [承] này lại không hề có nghĩa là “thừa” trong “thừa thiếu”, đồng thời Hán ngữ cũng không có một từ nào đọc theo âm Hán Việt thành “thừa” mà lại có nghĩa là “dư thừa”cả. “Thừa phạp” dùng để nói về việc nhận một chức danh mà mình tự thấy chưa xứng đáng. Còn “cấu” ở đây cũng chẳng phải “cát bụi” mà là sự hổ thẹn, niềm tủi nhục. Mathews’ Chinese English Dictionary đối dịch là “disgrace” và “hàm cấu” [含垢] được quyển từ điển này dịch là “to endure shame”. Vậy hàm nghĩa của bốn chữ “thừa phạp thành cấu” là “việc nhận lấy trách nhiệm quá sức của mình đã trở thành nỗi hổ thẹn”. Ta cứ đọc Chương 1 (Khảo cứu về tác giả Phạm Đình Hổ) mà Trần Trọng Dương đã khảo thuật thì sẽ rõ.


Ngữ đoạn “thu lai bão dạng” [秋來抱恙] được dịch thành “Thu về, ôm những điều mình nhặt nhạnh được” (tr. 283). Hoàn toàn sai. Chữ “dạng” [恙] có hai nghĩa: một là “bệnh”, hai là “đeo sầu (mang nỗi buồn trong người)”. Vậy “bão dạng” [抱恙] ở đây là “ôm bệnh (mắc bệnh)” vì tiếp liền sau đó là ngữ đoạn “xin dưỡng bệnh ở phía đông của thành” (tr. 283). Ở đây, Trần Trọng Dương đã dùng hai tiếng “dưỡng bệnh” để dịch hai chữ “di tật” [移疾]. Nhưng “di tật” không có nghĩa là “dưỡng bệnh”. “Di tật” [移疾] hoặc “di bệnh” [移病] là một hình thức uyển ngữ dùng để chỉ việc dâng thư xin từ quan. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng: “Tức là Di thư xưng bệnh, thời xưa lấy cớ có bệnh, gởi đơn lên vua xin từ quan về nhà, gọi là Di bệnh.” 

Thành ngữ “xu đình chi huấn” [趨庭之訓] có nghĩa đen là “lời dạy lúc qua sân”. Tích này đã được chính nhà biên khảo thuật lại ở cước chú 4 trang 283. Chữ “đình” [庭] ở đây có nghĩa là “sân” còn “đình” trong “sân đình” thì chữ Hán là [亭]. Hai chữ hoàn toàn khác nhau, vậy nếu có “sân đình” thì đây là đình nào? 

Ngữ đoạn “dĩ chí ư cách trí (…)” [以至扵格致(...)] đã bị đọc sai thành “dĩ chí ư cách chí (…)” (tr.282). “Cách trí” là lối ghép tiếng thứ nhất với tiếng thứ ba của thành ngữ “cách vật trí tri”, đã có một thời thông dụng để chỉ môn học mà tiếng Pháp gọi là “leçon de choses”. Đây không phải là lỗi in ấn vì phần dịch sang tiếng Việt cũng “diễn” thành “các đoạn công phu cách vật chí tri” (tr. 284). 

Còn sau đây là 135 chỗ sai nhiều khi rất khó ngờ. (Sau chữ “tr.” là số thứ tự của trang quốc ngữ, liền sau dấu gạch chéo là số trang của bản R.1726; sau số thứ tự của trang là nhận xét của An Chi). 

1.-Cụ phong [颶風]: đồng thượng (tr. 286/3b). Ở đây, đồng thượng là đồng nghĩa với “tốn nhị” mà “tốn nhị” thì đồng nghĩa với “Phong bá” là thần làm gió. Còn “cụ phong” là “bão”, như đã ghi rõ bằng chữ Nôm [抱]. 

2.-Nhật thực [日食] là nghĩa đồng. Nguyệt thực [月食] là nghĩa đồng (tr. 287/4a). Có Trời mới biết “nghĩa đồng” là thế nào chứ khi Phạm Đình Hổ dùng 2 tiếng “nghĩa đồng” là ý ông ta muốn nói “nhật thực” tiếng Việt cũng là “nhật thực” mà “nguyệt thực tiếng Việt cũng là “nguyệt thực”. Nhà hiệu khảo nên biến hai tiếng “nghĩa đồng” của Phạm Đình Hổ thành “nhật thực” và “nguyệt thực” mới phải lẽ chứ.

3.-“Thái Bạch là sao phóng.” (tr. 287/4a). Làm gì có “sao phóng”. Trong bản R.1726 thì chữ đang xét là mai [枚] nhưng vì nét in hơi nhoè nên mới bị đọc sai thành “phóng” [放]. Trong R.1726, ngay phía dưới, chếch về bên trái, người dùng trước đã ghi cho rõ thêm bằng ngòi bút sắt rằng đó là chữ mai [枚] nhưng rất tiếc là cả nhà phiên âm và nhà hiệu khảo đều ... không thấy. Huống chi, liền ngay sau đó còn có câu“Trường canh [長庚] là sao sớm tức Thái Bạch.”Thái Bạch là “sao Sớm”.“Sao Sớm”là gì, nếu không phải là “sao Mai”? 

4.- Trường canh [長庚] là sao sớm tức Thái Bạch (tr. 287/4a). Bạn Đỗ Công Minh (Q. 11, TPHCM) đã phát hiện rất chính xác rằng “Trường canh là sao Hôm tức Thái Bạch”. Chữ “hôm” được ghi Nôm bằng [歆], âm Hán Việt là “hâm”. Tại mục 3, chúng tôi có khuyết điểm là vội vàng dựa vào chữ “sớm” để bắt bẻ nhà phiên âm và nhà hiệu khảo mà không rà kỹ lại chữ “sớm” thực ra phải là “hôm”.

5.- Tuệ [彗] là sao xể (tr. 287/4a). Là sao chổi chứ làm gì có “sao xể”? Chính nhà hiệu khảo đã ghi tại cước chú 3 như sau: “Nguyên văn chữ Nôm ghi:[木+啜] thanh phù xể, hoặc chuế 綴. Có thể đọc là chổi (…)” Đã nhận xét được như thế mà sao lại còn chấp nhận “sao xể”? Tuệ [彗] hiển nhiên là sao chổi.

6.-Thổ hà thiên [土蝦天] là trời đến mưa rươi (tr. 288/4a). Không phải “đến mưa rươi” mà là “cữ mưa rươi” vì chữ “cữ” được ghi bằng “nhật + cự” [日+巨]. “Cữ” ở đây là tiết trời, như “cữ gió tuần mưa” trong câu Kiều thứ 567.

7.-Mang hiện [芒現] là sao Rua (tr. 288/4b). Bạn Đỗ Công Minh phát hiện là “sao Tua” (không phải “sao Rua”) vì ghi bằng chữ “tu” [須].

8.-Tr.288/4b đã bỏ sót mục [年羅{年+五}], tức “Niên là năm” ở cột 2. Vì vậy nên khi ghi mục “Tuế: như trên” thì người đọc sẽ hiểu “tuế” là “Thọ tinh, tức Lão Nhân tinh”, là mục liền ngay trên mục “Tuế” trong bản phiên âm. Nếu không bỏ sót mục “Niên là năm” thì người ta mới có thể hiểu “Tuế” cũng có nghĩa là “năm”.

9.- Trang này cũng bỏ sót mục [石羅{石+多}], tức “Thạch là đá” ở cuối cột thứ 5.

10.-Phi bộc [飛瀑] là suối chảy vành cầu (tr.289/5a). Chữ Nôm ghi [金+妄], tức “kim + vọng” thì phải đọc thành “vòng” chứ không thể là “vành”. “Vòng cầu” là một lối nói đồng nghĩa với “vòng cung” hiện nay.

11.-Mộc tinh là đống vuông dài (tr. 290/5a). Thừa chữ “vuông”.

12.-Âm câu là mương chảy ngầm (tr. 290/5b). Máng chứ không phải “mương” vì ghi âm bằng chữ “mãng” [莾].

13.-Ngoại tổ tỉ [外祖妣]: như trên, nhưng là cách gọi đã mất (tr.295/8b). Nguyên văn lời giảng ở đây là “đồng thượng nãi ký vong chi xưng: [同上乃既亡之称], nghĩa là “như trên, là cách gọi [người] đã mất”. Ở đây hoàn toàn không có cái ý “nhưng”; có lẽ người dịch nhầm tự hình của chữ “nãi” [乃] với chữ “nhưng” [仍] nên mới đưa cái ý “nhưng” vào chăng? Và “ký vong chi xưng” là “cách gọi [người] đã mất” chứ không phải cách gọi đã mất”.

14.-Trạc phát [擢髮] là tết tóc (tr. 312/17b). “Trạc” là nhổ, kéo (lên, ra) nên đây là “tuốt” chứ không phải “tết”. Nôm hài thanh bằng chữ “tuyết” [雪].

15.-Song mấn [雙鬓] là hai mang tóc (tr.312/17b). “Hai mang tóc” có lẽ là “hai mảng tóc” in sai nhưng dù “mang” hay “mảng” thì cũng không đúng vì đây là “hai mái tóc”. Nôm ghi bằng chữ “mai” [枚].

16.-Khấp [泣] là khóc gầm (tr.316/20a). “Khấp” là khóc không thành tiếng chứ sao lại “khóc gầm”? Đây là “khóc ngầm”, ghi bằng chữ “ngâm” [吟].

17.-Chỉ [脂] là mỡ chất/chắt [mỡ tảng] (tr. 317/20b). Đọc đúng phải là: Chi là mỡ chặt (mỡ tang), đối với mỡ lỏng (mỡ nước). 

18.-Ha khiếm [呵欠] là hớp (tr.319/21b). Sai: ha khiếm là“ngáp”. Nôm ghi bằng chữ “cáp”[哈], trong tiếng Hán dùng để chỉ động tác táp nước của loài cá. Thì cũng là một kiểu ngáp và “ngáp” chính là điệp thức của “cáp”.

19.-Ý [饐] là nghiền (tr.319/21b). Sai. “Ý”không phải là là “nghiền.”Chữ [饐] còn có một âm nữa là “yết” và với âm “yết” thì nó có nghĩa là “nghẹn”. Vậy câu đang xét phải đọc thành “Yết là nghẹn”. 

20.-Tu minh [羞明] là choé dầu (tr. 319/21b). Đây là một mục thuộc “Thân thể môn” thì liên quan gì đến cái “choé dầu”. Thực ra“tu minh” là “[chứng] sợ ánh sáng”. Vậy đây là “chói đèn”. Lời giảng được ghi bằng hai chữ Nôm mà chữ trước là “chói”[贅] (âm Hán Việt là “chuế”). Chữ thứ hai gồm hai phần mà nghĩa phù (bên trái) là chữ “hoả”[ 火] còn thanh phù (bên phải) là chữ “do”[由]. Nhưng trong trường hợp này thì nhà hiệu khảo nên thấy rằng đây là chữ “điền” [田] bị khắc sai. Điều này là chắc chắn. Vậy câu đang xét phải đọc thành “Tu minh là chói đèn”.

21.-Dịch [剔] là se, với cước chú 6 cho biết se là từ cổ có nghĩa là gỡ (tr.319/21b). Rất sai. Âm của chữ [剔] là thích, không phải “dịch”. Từ điển Hán Việt do Trần Văn Chánh biên soạn cũng sai khi phiên âm chữ này thành “dịch”. Thích là “xỉa, cạy, móc”. Vậy câu này phải đọc thành “Thích xoi”. Nôm ghi bằng chữ [吹], âm Hán Việt là xuy.

22.-“Trứ y [著衣] là mặc áo.”(tr. 320/21b). Chữ [著] có hai âm: trứ như trong hiển trứ, trứ danh trước như trong trước y. Ở đây, nó phải được đọc thành trước. Trước y mới là mặc áo.

23.-Phủ phục [俯伏] là cúi đầu thấp dưới (tr.321/22a). Không phải “thấp” mà là rạp vì Nôm ghi bằng chữ [臘] mà âm Hán Việt là lạp

24.-Phụ hạ [負厦] là nhà muống tiếp mái thềm (tr.322/22b). Phiên thành “nhà muống” thì vô nghĩa. Nôm ghi bằng chữ [臱], âm Hán Việt là biên nên phải đọc thành bên. Và “phụ hạ” là nhà bên chứ làm gì có “nhà muống”(!)

25.-Nội thất [内室] (tr.323/23a). Bỏ sót nghĩa: “là nhà nội thất”.

26.-Trát [扎 > 紥,紮] là bọc.” (tr. 326/24a). Nguyên văn Hán Nôm là [仆]. Chữ này phải được đọc Nôm thành . Huống chi, cước chú số 5 còn cho biết “Quấn xung quanh. Bó lại, chét, bó, một gói đồ cũng gọi là nhất trát[一紮].” Đã giảng là “bó” mà đọc là “bọc” thì tréo ngoe. Ở đây, âm bó được ghi bằng chữ [仆] mà âm Hán Việt là phó. Đọc thành “bọc” sao được!

27.-Nghiên [研] là nghiên (tr.326/24b). Đọc cho đúng thì “nghiên là nghiền”.

28.-Thúc [束] là buộc (tr.327/24b). Nôm hài thanh bằng bố [布] nên phải đọc thành chứ không phải “buộc”.

29.-Trạc quán [濯冠] là giặt mũ (tr.327/25a). Vì là danh từ nên chữ [冠] phải đọc thành quan (quán là âm dùng cho động từ [đội mũ]). Vậy đây là trạc quan.

30.-Thốc khuyển[嗾犬] là mắng chó (tr. 328/25a). Chữ Nôm ở đây viết khẩu [口] bên trái và huyết [血] bên phải nên phải đọc thành huýt (chó) ; có phải khẩumãnh [皿] đâu mà đọc thành “mắng”. Đây cũng là từ huýt trong huýt sáo. Thốc [嗾] có một điệp thức là trốc, vẫn được dùng trong ngữ vị từ trốc chó của phương ngữ Nam Bộ.

31.-Thương bạch [搶白] là đâm ngào (tr. 328/25b). Nguyên văn là [贅], dọc thành nhạo trong nhạo báng . Đây làm gì có chuyện xào nấu.

32.-Hạ xứ [下處] là nhà trú (tr. 329/25b). Không phải “nhà trú” mà là nhà trọ. Nôm ghi bằng chữ [住] mà âm gốc là trụ. 

33.-Tô ốc [租屋] là thuế nhà (tr.329/25b). Đây là thuê nhà (không phải “thuế”). 

34.-Hân quần [掀裙] là biêu quần [nêu quần: vén quần] (tr.329/26a). Âm chính xác của chữ [掀] là hiên, không phải “hân.” “Biêu quần” không phải là tiếng Việt. Chúng tôi ngờ đây là chữ lật [栗] bị khắc sai thành “tiêu” [票]. Nếu đúng như vậy thì câu này phải được đọc thành “Hiên quần là trật quần”. Trật viết Nôm bằng lật [栗], như đã được ghi nhận trong Tự điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng.

35.- “Thực phẩm môn đệ thập nhất” đã bỏ sót ngay mục đầu tiên là “Bạch loại” [白類] (tr.330/26a).

36.-Tạc diêm [胙鹽] là nạm [nộm/nem?] (tr.330/26a). Âm chính xác của chữ [胙] là tộ, không phải “tạc”. 

37.-Khuẩn [蕈] là mộc nhĩ.” (tr. 333/27a). Đây là chữ tẫm, không phải “khuẩn”. Chữ [菌] mới là khuẩn. Phần mềm Hanosoft đọc [蕈] thành “khuẩn” cũng là hoàn toàn sai. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) cũng chỉ ghi cho nó có hai âm là tẫm và đàm. Chính nhà phiên âm và nhà hiệu khảo cũng đọc chữ [菌] là “khuẩn” tại trang 334/27b.

38.-Môi nhục [脢肉] là sườn (tr. 334/27b). Nhà hiệu khảo đã ghi tại cước chú 4: “Chữ Nôm [月+辰], có lẽ là nhầm từ [月+長]. Vì môi nghĩa là lườn.” Thực ra thì chẳng có nhầm lẫn gì ở đây. Chữ [辰] được viết tắt từ chữ chấn [振], đọc Nôm thành sấn. Vậy câu này phải đọc thành “Môi nhục là sấn.” Sấn là “phần thịt có nạc nằm trên mỡ phần ở lưng, mông và vai lợn” (Từ điển tiếng Việt của Vietlex). Đây hiển nhiên là phần thịt lườn, vì môi nghĩa là lườn, như đã ghi ở cước chú 4.

39.-Hủ [腐] là hơi mốc (tr.335/27b). Nôm ghi bằng [目] thì phải đọc là mục chứ sao lại “mốc”. Huống chi mục cũng đồng nghĩa với hủ. 

40.- Chiên ngư (chữ chiên viết [火+亶] – AC) là cá rán.” (tr. 337/28b). Bản R.1726 viết [火+亶] rồi nhà phiên âm và nhà hiệu khảo đều nhất trí đọc thành “chiên” nhưng kho Hán tự thì lại không có chữ này mà chỉ có [膻]. Đây mới chánh cống là chữ chiên nhưng chữ chiên này không hề có nghĩa là “rán” . Chiên là “có mùi hôi như mùi dê, cừu” và chiên ngư là “cá ươn”. Hán ngữ từ điển giảng “[膻腥(葷腥。亦指魚肉類食物)]”, nghĩa là “chiên tinh là tanh tao, cũng chỉ các loại thực phẩm như thịt, cá”(漢語詞典/膻). Chữ Nôm trong bản R.1726 là [个炟]. Hai chữ này là cá đớn chứ không phải “cá rán”. Đớn là một từ cổ mà ta còn có thể thấy trong đau đớn, đớn hèn và là điệp thức của đốn [頓], có nghĩa là “tổn hại”, “bại hoại” (Hán ngữ đại tự điển, nghĩa 9). Vậy ngữ đoạn đang xét là “Chiên ngư là cá đớn”.

41.-Chiên [饘] lão đặc. Chúc [粥] là lão loãng. (tr.337/28b).Lời giảng bị ghi ngược. Chúc mới là cháo đặc còn cháo lỏng là chiên. Lỏng chứ không phải “loãng vì ghi âm bằng chữ lộng [弄].

42.-Tông [鬆] là nở xui (tr.337/28b). Chữ Nôm [吹] được đọc thành “xui” nhưng “nở xui” thì vô nghĩa. Đây là chữ sôi trong sinh sôi nảy nở.

43.-Dụ [裕] là dầm (tr. 337/28b). Dụ là nhiều, dồi dào, phong phú. Nôm ghi bằng chữ [霪], âm Hán Việt xưa là dầm (nay là dâm); ở đây phải đọc là rờm, mà điệp thức thông dụng hiện nay là rườm trong rườm rà. Phải nhiều thì mới rờm/rườm chứ ít thì rờm/rườm thế nào được?

44.-Mãi điều hoà [買調和] là mua đồ cay / mềm môi (tr. 338/29a). Thừa chữ “cay” rồi còn phiên âm sai thành “mềm môi”. Điều hoà là đồ gia vị [酶]. Hai chữ Nôm ở đây đều có nghĩa phù là [酉], thanh phù của chữ trước là mãm/mâm [], của chữ sau là mỗi [每]. Vậy đây hiển nhiên là hai chữ mắm muối và câu đang xét phải đọc thành “Mãi điều hoà là mua đồ mắm muối”.

45.-Điểm tâm [點心] là các thức quà húp (tr.338/29a). Có lẽ nhà hiệu khảo quan niệm rằng điểm tâm là “lót lòng, lót dạ” nên mới suy ra “các thức quà húp”. Nhưng điểm tâm đâu chỉ có húp. Còn phải nhai nữa mà, chẳng hạn như bánh bao, xíu mại. v .v.. Huống chi cái nghĩa của điểm tâm ở đây cũng chẳng phải chuyện lót lòng, lót dạ. Nó còn có một nghĩa nữa là “cao bỉnh chi loại đích thực phẩm” [糕饼之类的食品], nghĩa là “các loại bánh mứt”, như đã cho tại baike.baidu.com. Vây cái chữ [哈] mà nhà phiên âm và nhà hiệu khảo đã đọc thành “húp” thực ra chính là cáp. Và “Điểm tâm là các thức quà cáp”.

46.-Bô [脯] là thịt phơi khô (tr.338/29a). Sấy khô chứ không phải “phơi khô”. Nôm ghi bằng chữ [晒] mà âm Hán Việt là sái. Vậy phải đọc Nôm thành sấy chứ “phơi” sao được?

47.-Tu [修] là thịt phơi có phớt đường phớt riềng (tr. 338/29a). Vẫn là chữ [晒] nên phải đọc thành sấy. Chữ Nôm [潑] ở đây cũng phải đọc thành phết chứ không phải “phớt”. Phết thuộc về công đoạn chế biến còn “phớt” chỉ là hệ quả của công đoạn đó mà thôi. Vây câu này là “Tu là thịt sấy có phết đường phết riềng.”

48.-Miến điều [麵條] là miến sẻ (tr. 340/29b). Chữ Nôm viết “mịch+sĩ” [糸+仕] thì phải đọc thành sợi chứ sao lại “sẻ”? Đây là miến sợi chứ “miến sẻ” là miến gì?

49.-Cam diêm [甘鹽]: muối hoa, xuất Thiểm Tây (tr.341/29b). Chữ tỉnh [井] đã bị đọc sai thành “cam” [甘]. Vậy đây là tỉnh diêm [井鹽] mà Từ hải giảng là “một thứ muối ăn […]” (thực diêm chi nhất chủng). Dĩ nhiên cũng có một thứ muối gọi là cam diêm [甘鹽] nhưng đây lại là một chuyện khác.

50.-Am la [菴蘿] là quả mâm (tr.342/30a). Là quả muỗm. Am la là hai tiếng dùng để phiên âm danh từ Sanskrit āmra, nghĩa là cây/trái xoài.

51.-Thị bính [柿餅] là hồng táo. Thị can [柿乾]: hồng táo (tr.343/30b). Đây là hồng Tàu. Chữ [艚] phải đọc là Tàu.

52.-Du [柚] là quả bưởi (tr.343/30b). Thiếu dấu nặng. Đây là chữ dụ.

53.-Tranh [橙] là chanh (tr.343/30b). Thiếu dấu huyền. Đây là chữ trành

54.- Nhiên hoả [燃火] là diệm lửa (tr.344/31a). Nhà hiệu khảo đã viết tại cước chú 5: “Có thể đọc là ‘dóm’, ‘nhóm’. Nhưng ‘-iêm’ đọc thành ‘-om’ hơi xa.” Thực ra thì ta vẫn thấy có mối quan hệ giữa IÊ với các nguyên âm tròn môi U, Ô, O, và cả nguyên âm đôi UÔ: – điểm ↔ đốm; – điệp [疊], chồng lên nhau ↔ đụp trong vá chằng vá đụp; – kiêm [兼] ↔ gồm; – kiềm [鈐, 鉗] ↔ cùm; – liên [連] trong liên tục ↔ luôn; – tiếm [僭], lấn chiếm ↔ tóm; – yểm [弇,掩], che, phủ ↔ úm; v. v.. Nhưng cứ gạt hiện tượng này sang một bên, ta cứ phải đặt vấn đề: “Diệm lửa” có phải là tiếng Việt hay không?

55.-Cân [巾] là khăn, lại cùng mũ. Đái [帶] là dải (tr.346/31b). Chữ Nôm [共] phải được đọc thành cũng nên câu trước là “Cân là khăn, lại cũng [là] mũ.” Câu sau là: “Đái là đai”. Đai mới đi liền với cân chứ. Cân đai mà!

56.-Mộc kiểu [木蹻] là guốc gỗ (tr.348/32a). Chữ [蹻] có hai âm: kiều (không phải “kiểu”) và cước. Với âm cước, ta có một điệp thức là guốc. 

57.-Oát nhĩ [挖耳] là cái mũ lấy che tai (tr.350/32b). Chữ Nôm là [媒] nên phải đọc là môi. Vậy môi là gì? Đó là “đồ dùng gần giống như thìa, nhưng to và sâu lòng hơn, cán dài, dùng để múc thức ăn” (Từ điển tiếng Việt của Vietlex). Một số địa phương ở Miền Bắc gọi là “muôi” còn Miền Nam thì kêu là “(cái) vá”. Còn chữ được đọc thành “che” thì Nôm viết là “trùng+trí” [虫+智]. Đây là chữ ráy trong ráy tai. Vậy câu đang xét là “Oát nhĩ là cái môi lấy ráy tai” , tức cái vật bé tí tẹo mà Miền Nam gọi là “(cây) móc tai” còn Tàu thì gọi là oát nhĩ chước [挖耳勺], nghĩa là “môi cạy [ráy] tai” (chước [勺] là (cái) môi).

58.-Nhĩ trưu [耳鍬] là cái nỉ cài che tai” (tr. 350/32b). Thực ra thì Phạm Đình Hổ viết: “Nhĩ thiêu là cái nỉa cạy ráy tai.” Trong R.1726, chữ nỉa ghi bằng [才+尒], chữ cạy bằng [才+忌] và chữ ráy bằng [虫+智]. Chữ nỉa [才+尒] đã được ghi nhận trong Tự điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng, tập 2, trang 1375; chữ ráy [虫+智] cũng được ghi nhận trong tập 2 này, trang 1532. Còn chữ [鍬] đọc là thiêu chứ không phải “trưu”. Vậy cái mà nhà phiên âm và nhà hiệu khảo đọc thành “nỉ cài che tai” chính là cái “nỉa cạy ráy tai”, tức là cái mà ngôn ngữ bình dân trong Nam gọi là cây móc tai, cái vật bé nhỏ dùng để cạy cứt ráy. Trong danh ngữ “nhĩ thiêu” thì thiêu là một ẩn dụ rất sinh động để chỉ cây móc tai. Trong tiếng Hán, thiêu [鍬] là tên chung của những nông cụ dung để xử lý đất, từ cuốc , xẻng cho đến cào, chỉa.

Có người đọc thành “Cái nhể lấy ráy (dáy) tai.” Nhưng đây không chỉ là vấn đề ngữ âm mà còn là vấn đề cú pháp nữa. Cùng cấu trúc cú pháp với “cái nỉa cạy ráy tai”, Nam ngữ 34a (dẫn theo Nguyễn Quang Hồng, tập 2, tr.1532) có “Cái muôi lấy ráy (dáy) tai”. Hai cấu trúc này đúng cú pháp với ba từ đầu là: Danh từ đơn vị + Danh từ khối + Động từ. Còn ba từ đầu của “cái nhể cạy dáy (ráy) tay” thì có cấu trúc “Danh từ đơn vi + Động từ + Động từ” nên bị trùng ngữ (pleonasm) vì chỉ cần nói “cái nhể ráy tay” là đủ. Vả lại, cái muôi, cái nỉa dùng để xúc, để múc những thứ không dính chặt vào vật chủ còn “nhể” thì phải “khựi” cái vật “ký sinh” đã dính chặt vào vật chủ. Cứt ráy chỉ “bám” vào lỗ tai mà thôi.

59.- Tiêu tức tử [消息子] là cái bông khoáy tai. Phải đọc thành ngoáy chứ không phải “khoáy”. “Khoáy” chỉ là một danh từ liên quan đến tóc như có thể thấy trong “trái khoáy”.

60.- Hai chữ [肢] ở cột 7 (tr, 351/32b) là chi, không phải “chỉ”.

61.-Ách tí [扼臂] là cái vòng cánh [vòng tay](tr.351/32b). Không phải “vòng cách” mà là vành cánh, như cũng đã được khẳng định tại cước chú 2. Huống chi, chữ Nôm lại hài thanh bằng vinh [荣] nên phải đọc là vành, khác với vòng, ngay mục liền bên dưới, hài thanh bằng chữ vọng [妄].

62.-Kim phiến [金扇] là quạt bì vàng (tr. 351/33a). Không phải “bì vàng” mà là bìa vàng. Bìa là cái viền.

63.-Huân lung là cái xông áo (tr. 352/33a). Thiếu chữ lồng. Huân lung là cái lồng xông áo.

64.- Tú hài là cái dày thêu (tr.352/33a). Giày chứ không phải “dày”.

65.-Lộc bì lý là cái dép buộc da hươu, Chính là “bọc da hươu”.

66.-Xuyên [紃] là dệt điều (tr.353/33b). Âm của chữ [絛] là thao chứ không phải “điều”. Vậy đây là dệt thao.

67.-Quyên [絹] là lụa (tr353/33b). Quyến chứ không phải “quyên”. Thứ giấy thật mỏng, thật mịn, dùng để quấn thuốc lá, trong Nam gọi là giấy quyến. 

68.-Mán bố [蛮布] là vải Lào (tr.354/34a). Man chứ không phải “mán”.

69.-Xa miên [車綿] là xe vải (tr. 354/34a). Thiếu chữ sợi [糸+仕]. Nguyên văn là “Xa miên là xe sợi vải.” 

70.-Hoả châu [火珠] là ngọc lửa, để vào đồ khô thì chát (tr.358/35a). “Chát” chắc chắn là chữ cháy bị gõ sai (con chữ “t” nằm ngay bên trái con chữ “y” trên bàn phím) mà người sửa bản in không thấy. Nhưng “khô” dứt khoát là một chữ phiên âm sai vì đó là chữ gỗ (Nôm hài thanh bằng chữ khổ [苦]). Vây câu này là “Hoả châu là ngọc lửa, để vào đồ gỗ thì cháy.”

71.-Sắc ngân [色銀] là bạc khối (tr. 363/36b). Bạc xấu chứ không phải “bạc khối”. Chữ Nôm xấu [醜] đã bị đọc sai thành “khối”.

72.-Dạ quang tê [亱光犀] là sừng đòi dạ quang (tr.365-366/37a). Trang này còn 7 mục tiếp theo có chữ “tê” [犀] cũng bị dịch là “sừng đòi”. Nhưng đây là một cấu trúc vô nghĩa. Chữ Nôm [兌] (xuất hiện 8 lần tại tr. 37a) đều đã bị đọc thành “đòi” nhưng xin thưa rằng [兌] là tiền thân của chữ nhuệ [銳] là “nhọn” (Xin xem Hán ngữ đại tự điển, Thành Đô, 1993, tr.114, cột 2-3, âm thứ 2). Chữ nhuệ [銳] được dùng làm Nôm để ghi âm “nhọn” còn chữ [兌] được viết liền bên dưới chữ đầu [亠] để ghi âm “nhọn” (Xin xem mục “nhọn” tại Tự điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng, tập 2). Thêm nữa, chính chữ tê [犀] cũng có nghĩa là “chắc chắn, sắc bén” (kiên cố, nhuệ lợi), như đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (tr.762, cột 3, nghĩa 4). Vậy trong tất cả các câu đang xét thì “sừng đòi” phải được sửa thành sừng nhọn.

73.-Lam [藍] là tràm; Lam [藍] là tràm lá; Điện thanh (chữ “thanh” bị bỏ sót – AC) [靛青] là tràm thông (tr. 367/37b). Đây là chàm. Không phải “tràm”. 

74.-Thoá hồ [唾壺] là ống thổ (tr. 368/38a). Ống nhổ chứ không phải “ống thổ”. Chữ Nôm [吐] có thể đọc thành nhổ ( Xin xem tự điển của Nguyễn Quang Hồng, tập 2, tr. 1359). Ống nhổ là một thứ đồ làm bằng sành, sứ hoặc đồng dùng để nhô nước bọt, đờm hoặc bã trầu. Huống chi, trong tiếng Việt thì “thổ” chỉ có nghĩa là “ói, mửa” mà thôi.

74.-Đăng cang [燈釭] là lò bạc đặng để đèn (tr.368/38a). Chữ Nôm “thổ+lộ” [土+路] đọc là rọ chứ không phải “lò”; chữ [鄧] là đựng (đây là Nôm mà!) chứ không phải “đặng”; chữ “thổ+đệ” [土+弟] là đĩa (chữ [弟] còn có âm đễ) chứ không phải “để”. Đèn thì không thể để trong lò. Câu đang xét thực ra là “Đăng cang là rọ bạc đựng đĩa đèn.” Ở đây, rọ là một cái rế thưa mắt dùng để “hứng” cái đĩa đèn.

75.-Y hành [衣桁] cái giá áo (tr. 369/38a). Câu này là “Y hành là giá áo”.

76.-Hương kỷ [香几] là ghế hương (tr. 369/38a). Thực ra thì “Hương kỷ là kỷ hương.” Kỷ là một thứ khay nhỏ, có mặt đáy phẳng và có thành thấp, thường thấy nhất là trong danh ngữ kỷ trà (còn ở đây là kỷ hương).

77.-Cử cương [擧綱] là cái vó (tr.370/38b). Không phải “cử cương” mà là cử võng [擧網]. Cử võng là cái vó. 

80.-Phao cương [拋綱] là bủa chài (tr.380/38b). Cũng như trên: võng [網] chứ không phải “cương [綱]. 

81.-Sư cốc quái [篩穀箉] là cái sàng sàng thóc (tr.370/38b). Tiết [節] chứ không phải [篩], mà âm của chữ này là si chứ cũng không phải “sư”. Vậy đây là tiết cốc quái.

82.-Tầm [鐔] là cái găm (tr. 371/39a). Vô nghĩa. Nguyên văn chữ Nôm là [羅丐坫]. Trong chữ Hán thì [坫] có hai âm: điếm và trâm. Ở đây, đọc Nôm thì đó là chum trong chum vại. Vậy ba chữ Nôm trên là là cái chum. Từ đây, ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng “tầm” [鐔] là một chữ “viết mẫu” sai từ chữ [罈], dị thể của chữ đàm [壜] là cái chum. Vậy câu đang xét là “Đàm là cái chum”. 

83.-Hồ [壺] là cái lò (tr.371/39a). Lọ chứ không phải “lò”. 

84.-Bỏ sót mục [鑵] ở cột 8 trang 372/39a. 

85.-Cân xưng [斤秤] là cái cân (tr. 373/39b). Nguyên văn là “Thiên xứng là cái cân” [天秤羅丐斤].

86.-Chuyên [鎛] là cái xới đất (tr. 373/39b). Âm của chữ [鎛] là bác chứ không phải “chuyên”

87.-Ba [鈀] là cái bừa đùn (tr.374/39b). Thanh phù của chữ Nôm hữu quan là “thủ+hào” [扌+豪] chứ không phải “đôn” [墩]. Vậy đây là cái bừa cào chứ không phải “cái bừa đùn”. Tự diển của Nguyễn Quang Hồng có chữ “cào” ghi bằng “mộc+hào” [木+豪].

88.-Hương thi [香匙] là cái xúc hương (tr.374/39b). Thiếu chữ thìa: Hương thi là cái thìa xúc hương. 

89.-Tửu miết [酒鼈] là bầu rượu nếp [葉] (tr.374/40a). Không phải “bầu rượu nếp” mà là bầu rượu dẹp (đối với bầu rượu tròn). 

90.-Cách bàn [格盤] là đồ mã (tr. 375/40a). Chẳng làm gì có “đồ mã” ở đây. Cách bàn là cái “khay chia nhiều ô”, ở đây là cái khuôn đổ/đúc bánh. Cái chữ Nôm bị nhìn thành “đồ” thực ra là khuôn, ghi âm bằng chữ khốn [困], viết/khắc sai thành chữ “tù” [囚]; còn chữ bị nhìn sai thành “mã” thực ra là chữ đúc [火 hoặc金 + 篤] (khắc sai nét). Vậy “Cách bàn là khuôn đúc.” 

91.-Mã khấu [馬扣] là khấu hậu ngựa (tr.375/40a). Chữ [扣] đọc Nôm là khâu, tức cái vòng, cái khoen; cái chữ bị đọc thành “hậu” thực ra là chữ phục [復] bị viết/khắc sai nét, dung để ghi âm buộc. Vậy “mã khấu” là khâu buộc ngựa, tức là cái khoen buộc dây cương, mà Ăng Lê gọi là horse belt buckle.

92.-Chướng nê [障泥] là lá chân ngựa [lá chắn bùn ở chân ngựa] (tr.375/40a). Chữ Nôm “túc+thậm” [足+甚] bị đọc thành “chân” (!) nhưng đây là chữ trùm 😊(= che đậy)và cả câu là “Chướng nê là lá trùm ngựa”, tức cái mà tiếng Anh là caparison còn tiếng Pháp là caparaçon. 

93.-Dạ đố [夜蠧] là cái xô tiểu tiện (tr. 378/41a).Thật là ngộ nghĩnh. Nguyên văn là chữ hồ [壺], chỉ một thứ đồ dùng để đựng, bị biến thành chữ ‘đố” [蠧] chỉ loài mọt gỗ, rồi chữ “đố” này lại được dịch thành “(cái) xô”! Nhưng thời xưa làm gì có “xô” vì đây là phiên âm từ tiếng Tây (< seau). Còn chữ Nôm trong nguyên văn là [趙] (bị viết sai?), âm Hán Việt là “triệu”, đọc Nôm là chậu. Vây “Dạ hồ là cái chậu tiểu tiện.”

94.-Cân [斤] là cái đao (tr.379/41b). Sai. Chữ Nôm dùng “chiêu” [鉊] để ghi âm rìu (X. Tự điển Nguyễn Quang Hồng). Vậy “Cân là cái rìu.” Từ điển vẫn giảng như thế mà.

95.-Cung miệt toản [弓篾鑽] là cái khoan có cánh cung (tr.379/41b). Âm của chữ [鑽] là toàn, không phải “toản” (Cách 3 dòng, phía dưới, cũng ghi âm “toản”). Nôm ghi bằng chữ “thoán” [竄] nên phải đọc thành thuốn chứ sao lại là “khoan”? Đã thế, nhà hiệu khảo càng sai to khi ghi tại cước chú 2: “Khoan: chữ Nôm 竄, âm HV là thoán, soán.” Vậy “Cung miệt toản là cái thuốn có cánh cung.”

96.-Lũ [鏤] là thố (tr.379/41b). Nhà hiệu khảo còn ghi tại cước chú 4: “Lũ [鏤] nghĩa là cái đồ dùng để nấu nướng, giống như cái chõ. Chữ Nôm ghi [吐+刂].” Đây thực ra là động từ chứ không phải danh từ. Còn [吐+刂] chẳng qua là dị thể của chữ sở [所] bị viết/khắc sai nét. Âm xưa của [所] là thửa. Vậy dùng [所] để ghi âm thứa là chuyện hoàn toàn bình thường. Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes ghi nhận thứa là “cái giũa”. Vậy “Lũ/lậu là thứa.”

97.-Khắc [刻] là cái trạm (380/41b). Là cái chạm (trong chạm khắc) chứ làm gì có “cái trạm”.

98.-Loát [刷] là cái trát (tr. 380/41b). Trét (trong bôi trét, trét hồ) chứ không phải “trát”.

99.-Luyện [煉] là lộc đồ ngũ kim (tr.381/42a). Luộc chứ không phải “lộc”. “Lộc” thì vô nghĩa. Luộc là nung với nhiệt độ cao.

100.-Đả [打] là giót đồ ngũ kim (tr.381/42a). Chữ Nôm [揬] là đột chứ không phải “giót”. Đột là đục lỗ bằng khuôn sẵn có.

101.-Thư trật [書帙] là bó sách (tr.383/42b). Pho sách chứ không phải “bó sách”. Chữ Nôm [铺] đọc là pho.

102.-Bút tháp tử [筆榻] là cái sắp bút [giá bút] (tr.384/43a). Bút tháp chính là cái tháp bút, nghĩa là cái nắp đậy bút.

103.-Thu ỷ trung hàm [水中函] là lọ nước mực (tr. 385/43a). Chữ “viết” [曰] thì không thể đọc là “mực”. Vậy “thuỷ trung hàm là lọ nước viết”.

104.-Chiết chỉ [折紙] là nếp giấy (tr.385/43a). Có lẽ vì thấy Nôm ghi bằng chữ “nhiếp” [摄] nên nhà hiệu khao3d9a4 chấp nhận chữ “nếp” nhưng “chiết chỉ” lại là xếp giấy.

105.-Trà mạt [塗抹] là xoá sổ. Trà nha [塗鴉] là xoá thuật (385/43a-b). Âm của chữ [塗] là đồ, không phải “trà”. Chữ “thuật” [沭] ở đây phải đọc Nôm thành tuột. vậy “Đồ nha là xoá tuột.”

106.- Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liu, Ú

107.-Chúng tôi còn để khuyết từ 107 đến 113 vì đang suy nghĩ về cách nhận xét ...

108.-
109.-
110.-
111.-
112.-
113.-

114.-Địch [笛] là cái tiêu (tr.387/44a). Ở đây, chữ Nôm [哨] dung để ghi âm sáo. Vậy “Địch là cái sáo.”

115.-Chủ nhân ông [] là con chủ nhà (tr. 390/44b). Sai. Nguyên văn là “Chủ nhân ông: đồng thượng”, nghĩa là đồng nghĩa với “Gia chủ là chủ nhà” Chỉ có “Tiểu chủ nhân” ngay bên dưới (mục này bị bỏ sót) mới là “con chủ nhà”.

116.-Bối ngôi [背嵬] là đầy tớ cắp bầu rượu (tr.391/45a). Đeo chứ không phải “cắp”. Nôm viết “thủ+đao” [扌+ 刀], bị nhầm thành “kiếp” [刧] nên mới phiên thành “cắp”.

117.-Môn tử [們子] là hầu lẽ (tr.391/45a). Hầu lễ chứ lho6ng phãi “lẽ”.

118.-La tốt [邏卒] là quân du (tr.391/45a). Quân dò chứ không phải “quân du”. Đây chính là chữ dò trong dò la, mà dò la chính là âm của hai chữ [游邏], nay đọc thành du la.

119.-Hích [覡] là cốt đặc (tr. 392/45a). Không phải “cốt đặc” mà là cốt đực 😉(= nam), đối với vu [巫] là cốt cái ( = nữ).

120.-Ác tiểu [惡小] (tr.393/45b). Sai. Nguyên văn viết ác thiếu [惡少].

121.- Bát bì [潑皮] là da có se (tr. 393/45b). Thật là ngộ nghĩnh! Còn Phạm Đình Hổ thì viết “Bát bì là đứa cố thây.” Cố thây là “liều lĩnh, ngang bướng một cách trâng tráo” (Từ điển Vietlex), cùng một trường nghĩa với bát bì [潑皮] mà Mathews’ Chinese English Dictionary đối dịch là “roughs; rascals; rowdies”. Chữ Nôm đứa được viết bằng nhân [亻] bên trái và bên phải là đa [多] (nên mới bị đọc thành “da”); chữ cố [固] bị đọc thành “có” rồi chữ [尸] (âm Hán Việt là thi) bị đọc thành “se” thay vì thây.

122.-Thúc cúc [蹴鞠] là đánh còn [đá còn] (tr.396/46b). Ở đây, chữ Hán “quần” [裙] vẫn phải đọc thành quần. Vậy đây là đánh quần. Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức giảng quần là “trò chơi ném quả tròn cho trúng vào lỗ” và quần vợt là “trò chơi lấy cái vợt mà đánh quả tròn bên nọ sang bên kia.”

123.-Lộng địch [弄笛] là thổi tiêu (tr.397/46b). Chính là thổi sáo (X. mục 114).

124.-Khí tử [氣死] là thây tức (tr.399/47a). Nôm viết trên chiết [折] dưới tử [死] thiếu nét ngang [一] trên đầu. Vậy đây là chữ chết và “Khí tử là chết tức.”

125.-Ngôn ngữ tại hành [言語在行] là ăn nói sỏi sành (tr. 399/47a). Chữ Nôm “lịch” [歷] thì không thể đọc thành “sành”. Đó vẫn là lịch trong lịch lãm, cùng trường nghĩa với “sỏi”. Vậy đây là “ăn nói sỏi lịch”.

126.-Y thường lam lũ [衣裳襤褸] là áo quần rách nát (tr. 399/47a). Nôm hài thanh bằng chữ phi [丕] thì đó là phai chứ không thể là “rách”. Vậy đây là “áo quần phai nát”.

127.-Đả thu phong [打秋風] chơi bóng ông quan (tr.400/47b). Nôm ghi bằng chữ “loát” [刷] thì dứt khoát không thể là “chơi” được. Chữ này bị nhầm với chữ “chế” [制] nên mới bị đọc thành “chơi”. Đây thực ra là chữ lốt và cả ngữ đoạn là lốt bóng ông quan. Đã thu phong là lợi dụng danh nghĩa của ai đó (ở đây là của quan) để vòi vĩnh.

128.-Thuyết phân thượng [說分上] là việc tang cớ (tr.400/47b). Đây là “Thuyết phận thượng” vì chữ [分] được chú là “khứ thanh”. Mà âm của chữ [賄] là hối chứ không phải “cớ”.

129.-Dưới mục “Hảo chuỷ kiểm”, bỏ sót mục “Niễn toan [撚酸] là đánh ghen” (tr. 400/47b). Xem tiếp ở mục 129.

130.-Dưới mục “Niễn toan”, bỏ sót mục “ngật thố [吃醋]”, đồng nghĩa với “niễn toan” là đánh ghen nhưng vì bỏ sót mục “niễn toan” nên tưởng đồng nghĩa với mục trên nữa mà giảng là “mặt mũi hay”.

131.-Cận lai vô dạng [近來無恙] là gần nọ không việc chi dầu (tr. 400/47b). Chữ Nôm “khẩu + do” [口+由] là ru chứ không phải “dầu”. Vậy đây là “không việc chi ru”.

132.-Âm thốc [陰嗾] là xuỵt ngầm (tr.400/47b). Chữ [吹] (âm Hán Việt là “xuy”) phải đọc là xui chứ không phải “xuỵt”. Vậy đây là xui ngầm.

133.-Một đông tây là không của na chi (tr.400/48a). Chính là “không của nả chi.

134.-Phù du [蜉蝣] là cái ve (tr. 420/52b). Do thanh phù “vi” [爲] mà chữ [蟡] bị đọc Nôm thành “ve” nhưng “phù du” thì lại là con vờ.

135.-Bích hổ [] là cái bích hổ, hình như thủ cung, đưa cho người thì không thể cứu (tr. 420/52b). Năm chữ “giao nhân bất khả cứu”[交人不可救] được giảng là “đưa cho người thì không thể cứu”. Làm gì có chuyện “đưa cho người”vì chỉ có chuyện cắn người mà thôi. Chẳng qua là chữ giảo [咬] là “cắn” đã bị viết và/hoặc khắc thiếu chữ khẩu [口] bên trái mà thôi. “Cắn người thì không thể cứu”. Cắn người thì trời gầm cũng không nhả.


 

1 nhận xét :