Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

GIẢI THÍCH NÓNG VỀ VIỆC CHÙA BỔ ĐÀ MỌC THÊM CỔNG TAM QUAN

Cổng tam quan được xây mới trong quần thể di tích cấp quốc gia chùa Bổ Đà. 

Chùa Bổ Đà mọc thêm cổng tam quan: 
Giải thích nóng

Dân Việt
Chủ Nhật, 11/03/2018 18:29
Việc xây dựng thêm cổng tam quan mới tại chùa Bổ Đà đã nhận được sự đồng ý của Sở VHTT-DL Bắc Giang, Bộ VHTT-DL.

Về thăm chốn Tổ Bổ Đà
Chùa Bổ Đà mọc thêm cổng tam quan bề thế

Phải xin ý kiến Sở, Bộ VHTT-DL

Trước thông tin du khách xôn xao khi vãn cảnh chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vào những ngày đầu năm mới, thấy xuất hiện trước mặt chùa là một cổng tam quan mới cứng, đồ sộ, bề thế đang được xây dựng, nhiều cơ quan quản lý di sản trên đã lên tiếng giải thích.

Chia sẻ với Đất Việt, ngày 11/3, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn cho biết: "Đúng là chùa Bổ Đà đang tiến hành xây dựng cổng tam quan mới, nhưng việc này là cần phải có ý kiến cho phép từ các bên, chứ không phải tự xây dựng.

Còn về ý nghĩa việc xây cổng tam quan thì chủ trì thượng tọa chùa sẽ nắm rõ theo quan niệm phật giáo, cổng đang xây theo tôi biết được gọi là tam quan ngoại, rồi đến cổng tam bảo và nhà tổ".

Đặc biệt, theo ông Nam, riêng với di sản chùa Bổ Đà thì phải có ý kiến của Sở VHTT-DL Bắc Giang, Bộ VHTT-DL đồng ý mới được làm.

Ngay sau đó, Đất Việt liên hệ luôn với ông Nguyễn Sĩ Cầm - Phó giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Bắc Giang, ông khẳng định: "Việc xây dựng cổng tam quan này, chúng tôi đã xin ý kiến của Bộ VHTT-DL, nhận được sự đồng ý".

Trong lịch sử đã có cổng tam quan

Để hiểu rõ hơn việc xây dựng cổng tam quan mới, Đất Việt liên hệ với Đại đức Thích Thanh Vinh - Trụ trì chùa Bổ Đà, Đại đức giải thích: "Ngôi chùa này ngày xưa chưa có cổng tam quan chứ không phải không có cổng tam quan.

Trước đây, thời xưa cũng đã làm đất, hệ thống kè gỗ để làm thành cổng, nhưng sau đó do tác động ngoại cảnh mà mất đi những tảng đá ngầm, nơi dự tính xây thành cổng.

Giờ đây thì phần bia đó vẫn còn, dù sau khi kháng chiến đã có những đợt đốt đình, đốt chùa nhưng khu vực này vẫn còn.
Thêm một công trình nữa đang được xây dựng phía trước cổng tam quan mới. 
Ảnh Dân Việt

Tôi cũng đã thuyết trình cho Bộ VHTT-DL, Cục di sản văn hóa về việc xây dựng thêm cổng tam quan và được đồng ý. Việc xây dựng này chắc chắn không hề ảnh hưởng gì tới di sản này".

Tại sao lại phải xây tam quan mới?

Theo Dân Việt, trong một diễn biến liên quan, cuối tháng 6/2017, đoàn công tác của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTT-DL) về khảo sát lại chùa Bổ Đà để đưa vào sách, lúc đó chưa hề có việc xây dựng cổng tam quan và cũng không nhận được bất cứ thông tin nào về việc trùng tu tôn tạo này.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, đồng chủ biên cuốn sách được lãnh đạo Bộ VHTTDL đánh giá rất cao đó bức xúc lên tiếng: "Được coi là một “chốn Tổ”, Tổ tiên nhiều đời chắc chắn không "lơ đễnh" đến mức "quên" không dựng Tam quan ở chùa Bổ Đà-Tứ Ân. Mấy trăm năm rồi chùa Bổ Đà không có tam quan, tại sao bây giờ lại phải làm?.

Trong lịch sử chùa Việt Nam, có những ngôi chùa không có tam quan, đó là đặc điểm riêng biệt và là nét độc đáo của chính ngôi chùa ấy. Bổ Đà là một di tích quốc gia đặc biệt, không thể tùy tiện xây mới, dựng thêm.

Tôi muốn nhờ báo chí hỏi xem hội đồng nào đã quyết định việc xây dựng này và để đi đến cùng vụ việc, tôi đề nghị mời các nhà khoa học, đặc biệt là những người làm công tác trùng tu di tích tọa đàm khoa học, nhằm tránh chuyện tương tự tiếp tục xảy ra”.

Khi dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cổng tam quan được xây mới không ảnh hưởng đến nơi thờ tự. Tuy nhiên, ở góc độ kiến trúc, nghệ thuật, họa sĩ Trương Đức Hải cho rằng:

"Trước mỗi một công trình kiến trúc đều phải có một không gian thoáng đãng, một tầm nhìn để thưởng ngoạn mới thấy sự bề thế của giá trị công trình, nhất là những công trình có giá trị lịch sử.

Không thể ứng xử với di tích theo kiểu cứ thích thì xây, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến kiến trúc tổng quan, bởi ngay từ khi xây dựng người ta đã phải tính đến không gian bao quát cả công trình, chưa kể việc xây mới về kiểu dáng, kiến trúc màu sắc có hài hòa với kiến trúc và cảnh quan lịch sử của di sản hay không?".

Các vật liệu trang trí đang tập kết trong khu vực di tích để phục vụ công việc xây dựng.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên cho rằng di tích đã bị xâm hại nghiêm trọng: "Kể cả khi di tích chưa được xếp hạng, thì việc xây mới cũng đã phải rất cẩn trọng. Đây là di tích đã xếp hạng đặc biệt thì càng cần tuân thủ đúng Luật Di sản.

Một giá trị nguyên gốc của chùa Bổ Đà là những bức tường đất bao kín khuôn viên chùa. Để mở lối cho tam quan mới một phần tường đất cổ kính đã bị đập bỏ".
 
Châu An

1 nhận xét :

  1. Gã thầy cúng này khốn nạn quá! Giả dụ như ngày xưa có ý định xây cổng tam quan nhưng chưa xây thì về nguyên tắc bảo tồn di sản cũng không có quyền sáng tác hay suy diễn mà phải bảo vệ nguyên trạng. Gã sư này muốn xây tam quan để đặt trạm thu phí tham quan! Cần phải có phong trào lên danh sách những thằng thầy cúng bất lương, không được gọi nó là sư!!!

    Trả lờiXóa