Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Ông Trần Quang Đức: ÁO MŨ VUA QUAN NHÀ LÊ GIỐNG HỆT HÀN QUỐC



Trang phục vua quan Việt thời Lê có giống hanbok của Hàn Quốc?

Zìng
06:32 04/01/2018 

Các bộ trang phục mà nhóm Vietnam Centre phục dựng trong dự án “Dệt nên triều đại” có những nét tương đồng với trang phục truyền thống của Hàn Quốc.

Cuối tuần qua, tại Hà Nội, nhóm Vietnam Centre (Vietnam Center) cho ra mắt dự án “Dệt nên triều đại”. Dự án có mục đích phục dựng và trình diễn trang phục trước đây của người Việt để quảng bá văn hóa Việt. Trong buổi ra mắt, nhóm cho phục dựng và trình diễn trang phục của vua quan Việt thời Lê sơ.


Tuy nhiên, có những ý kiến đánh giá hình dáng trang phục rộng, màu sắc, đai, phần cổ áo giao lĩnh, của các bộ trang phục mà nhóm phục dựng có những nét tương đồng với bộ trang phục truyền thống của Hàn Quốc. 

.
Trang phục truyền thống của Hàn Quốc trong bộ phim Thần y Hur Jun (trái) và trang phục Việt thời Hậu Lê do nhóm Vietnam Centre phục dựng.

Lý giải về sự giống nhau này, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng việc phục dựng trang phục Việt Nam thời Hậu Lê có những chi tiết giống trang phục truyền thống của Hàn Quốc là có căn cứ. “Đây là một câu chuyện rất dài” - Trần Quang Đức nói.

Theo nhà nghiên cứu, Việt Nam có khoảng 20 năm kháng chiến chống quân Minh. Giai đoạn đó, văn hóa Đại Việt từ thời Trần, thời Hồ trước đó đã bị cuộc chiến tranh hủy hoại.

“Một trong những nguyên nhân chính là triều đình Việt Nam thời Lý, Trần, Hồ, các vua đều xưng hoàng đế, song song với triều đình Trung Quốc. Các tính chất lễ nghi đều ngang hàng. Do đó, vua Trung mặc áo vàng, thì vua ta cũng mặc áo vàng, so với vua Hàn Quốc thì mặc áo đỏ. Các tính chất lễ nghi đều ngang hàng nhau” - Trần Quang Đức nói.

Quay trở lại với cuộc chiến chống Minh, có một cuộc hủy hoại của nhà Minh đối với văn hóa trong kháng chiến. Cho đến đầu thời Lê Sơ, nhiều trang phục áo mão của cung đình ta không còn giữ được, vì chiến tranh nên mọi thứ tan tác, nhiều người đã mất, sách vở cũng bị tiêu hủy. Chỉ còn một số trí thức giữ lại được một ít sách vở.

Sau khi tái thiết lại đất nước, trang phục Lê Sơ thời kỳ đầu là ai còn giữ lại trang phục thời trước thì mặc tiếp, ai còn nhớ tục ngày xưa thì vẫn tiếp tục duy trì.

Nhưng một triều đình mới lên phải có lễ nhạc, nghi lễ, trang phục… Nguyễn Trãi được giao cho trách nhiệm tìm ra quy chế đó.

Nguyễn Trãi là người rất coi trọng sách vở, nhưng ông gặp khó khi giờ đây không có sách vở để tra cứu rõ ràng. Ông loay hoay hàng năm trời. Cho tới lúc đó, trang phục thời Lê Sơ vẫn mang chút phong cách từ thời Hồ. Cuối cùng, nhà Lê sơ quyết định du nhập trang phục nhà Minh ở Trung Quốc.

“Nhìn một cách công tâm, trang phục nhà Minh, lễ phục nhà Minh cũng là đỉnh cao văn hóa, sau nhà Đường, Tống” - nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nhận xét.

Giai đoạn đó, Nguyễn Trãi cùng một vị thái giám có tên Lương Đăng quyết định du nhập một phần áo mão, lễ nhạc của triều đình nhà Minh vào. Đấy chính là nguyên do vì sao trang phục nhà Lê sơ lại giống nhà Minh.

Và trang phục của Hàn Quốc - hanbok, theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, chịu ảnh hưởng khoảng 70% tới 80% trang phục của nhà Minh. Nhưng ở Trung Quốc, trang phục nhà Minh chỉ kéo dài được mấy trăm năm; cho tới khi nhà Mãn Thanh lên, đã xóa sổ toàn bộ trang phục nhà Minh. 

.
Trang phục thời Lê sơ do nhóm Vietnam Centre phục dựng (trái) 
và trang phục truyền thống của Hàn Quốc.

Triều đại Triều Tiên kéo dài suốt từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20, nên giữ nguyên trang phục, nghi lễ. Còn Việt Nam thì hết nhà Lê sơ, lại tới Lê trung hưng, sau này là chúa Nguyễn, Tây Sơn… nên có những biến đổi trang phục.

Có một chi tiết thú vị là sau này, khi các quan nhà Lê và nhà Nguyễn của Việt Nam, cũng như quan của Triều Tiên quay lại triều đình Mãn Thanh, nhiều người Trung Hoa nhìn thấy sứ thần Việt Nam và sứ thần Triều Tiên ai nấy cũng khóc, vì họ thấy cách ăn mặc của sứ thần giống ông bà tổ tiên của họ quá. Nhà Mãn Thanh xóa sổ hết trang phục từ thời Minh trước đây, trong khi các triều đại của Việt Nam, Hàn Quốc giữ lại trang phục ấy. 

.
Từ trái qua: trang phục của quan Triều Tiên, quan Đại Việt và quan nhà Minh. 
Minh họa từ sách Ngàn năm áo mũ.

Như vậy Việt Nam cũng thay đổi trang phục rất nhiều, còn Hàn Quốc vẫn giữ được trang phục truyền thống cũ. Đó là lý do vì sao trang phục nhà Lê Sơ có nét tương đồng trang phục truyền thống của Hàn Quốc.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết thêm, cách phục dựng của dự án “Dệt nên triều đại” tất nhiên là lược đi nhiều chi tiết. Và “nếu nhìn với con mắt bao dung” thì những gì dự án làm là rất đáng khích lệ.

Theo tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ, hình ảnh người Việt Nam giai đoạn Lê Sơ chỉ dựa trên một số tượng thời đó, trông ăn mặc cũng đại thể như vậy. Hoặc dựa trên những ghi chép mô tả, có thể phân biệt trang phục các quan dựa trên màu sắc.

Ví dụ quan nhất phẩm thì mặc áo màu đỏ, quan tam hay tứ phẩm thì mặc áo màu xanh, màu lục. Bởi vậy, trang phục của dự án “Dệt nên triều đại” chỉ có màu sắc mà không có hoa văn. Chỉ có vua, hoàng hậu thì có một số hoa văn.

.

Tần Tần
Bài liên quan: 
https://news.zing.vn/nguoi-tre-bo-tien-tui-phuc-dung-trang-phuc-trieu-le-so-post808375.html 
_____________

Tễu Blog: Theo Ông Trần Quang Đức thì áo mũ Hàn Quốc giống nhà Minh. Áo mũ vua quan nước Việt Nam thời Lê sơ cũng giống nhà Minh.Suy ra thì là: Áo mũ Việt Nam (thời Lê) giống hệt áo mũ Hàn Quốc. 


Thế thì xin hỏi, sao nhìn áo mũ trong bức chân dung Nguyễn Trãi lại không giống Hàn Quốc tý nào nhỉ!?

 
Chân dung Nguyễn Trãi. Tranh thờ, lụa. 

4 nhận xét :

  1. Nên chăng , tham khảo nghệ nhân may trang phục cho các nghệ sỹ nhà hát tuồng .

    Trả lờiXóa
  2. Cũng có lý, Việt Nam luôn bắt chước Tầu, đó là sự thực. Tôi đã đọc ở đâu đó, nói rằng nhà Lê sơ cho người sao chép toàn bộ lối ăn mặc của vua quan nhà Minh, nhập vải vóc , đồ sứ bên tầu về dùng. Cũng đừng vội chê các cụ là không có tinh thần dân tộc, mà có khi các cụ nghĩ mình giống Tầu tức là mình cũng văn minh như thế, chứ không phải man di. (Cũng là một tâm lý tự ti nước nhỏ).

    Trả lờiXóa
  3. Không thấy Trần Quang Đức trưng ra tài liệu tham khảo về trang phục thời xưa, nhất là thời Lê sơ, Lê trung hưng.

    Trả lờiXóa
  4. Trang phục vua quan và thường phục của người dân là một phần của văn hóa, lịch sử dân tộc, cần được đầu tư nghiên cứu chu đáo. Tôi đã đọc cuốn "Ngàn năm áo mũ" của Trần Quang Đức và ngạc nhiên vì sao quý "ông" mới tam thập này lại rành chuyện các cụ kỵ làm vậy. Đúng là một công trình công phu. Nên có nhiều công trình như vậy. Còn chuyện tranh luận, tranh cãi trong khoa học là sự thường, thậm chí nên có và phải có, miễm là...bình tĩnh, khiêm nhường và cầu thị.Lịch sử là sự thật khách quan, cần có cái nhìn khách quan. Các cụ ngày xưa theo "đường lối" của các cụ chứ có biết quan điểm của các hậu duệ đâu.

    Trả lờiXóa