Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

GS. Phạm Quang Long: SỰ KHỐN CÙNG CỦA MỘT NGÀNH HỌC


Phạm Quang Long
16-12-2017

Sự khốn cùng của một ngành học

Vài tháng nay câu chuyện học Ngữ văn để làm gì đã làm sôi động mạng và cơ quan truyền thông. Một tờ báo đưa tin một cô bé viết rằng học Văn chả để làm gì ngoài việc viết một cái đơn xin việc cho suôn sẻ. Không ít người đã tung hô chuyện này và chứng minh rằng chuyện học Ngữ văn ở phổ thông cũng na ná như học các môn phụ. Rồi lại một ông NCS ở nước ngoài về Giáo dục học cũng khuyên các nhà làm sách nên đưa "Chí Phèo"của Nam Cao ra khỏi chương trình PTTH. Có khá nhiều người đồng tình, trong đó có cả những người làm chuyên môn trong trường đại học. 


Mấy năm trước là môn Lịch sử. Và bây giờ là môn Ngữ văn. Đó là những môn học nền tảng ở mọi bậc học của bất kỳ quốc gia nào vì nó gắn với truyền thống đất nước, nó giúp cho con người hiểu được mình là ai, đến với cuộc đời này để làm gì và biết yêu cái thiện, ghét cái ác, biết xấu hổ khi không giữ được liêm sỉ, biết phải làm gì để được coi là một người tử tế...Tất nhiên không phải chỉ có hai môn này nhưng trong đội quân góp phần xây dựng con người thành một nhân cách văn hoá thì hai môn học ấy là chủ lực. Thế mà hai môn này đang theo nhau rơi vào cảnh khốn cùng.

Nguyên nhân bởi đâu?

Tôi không đủ sức giải đáp câu hỏi quá khó này nhưng thấy mình cũng có trách nhiệm vì cả đời làm công ăn lương đã làm nghề dạy môn Ngữ văn và chắc là có góp phần làm cho môn này mất giá. Nhưng, liệu mọi lý do có nên quy cả cho nhà trường, cho những người làm nghề? Chúng tôi có lỗi, hiển nhiên, nhưng nếu không chỉ có chúng tôi thì cũng nên xem lại nguyên do của chuyện này. Tôi nghĩ chuyện này chưa gây chết người ngay tức khắc như đói ăn, bệnh tật, tai nạn...nhưng nó di hại cho nhiều đời, nó làm tiêu tan chính khí của một đất nước. Tôi nói thế không phải cường điệu môn mình dạy mà là người trong cuộc, tôi cảm nhận nguy cơ chuyện này và thấy đau lòng.

Chúng ta liên tục đổi mới chương trình đào tạo suốt mấy chục năm nhưng dường như cứ loay hoay chuyện đổi mà không thấy mỗi lần đổi ấy đem lại những cái mới nào, những tiến bộ gì, những ích lợi gì? Làm theo cách không giống ai, đi học khắp nơi, tốn bao nhiêu tiền của, công sức nhưng kết quả thế nào, cả xã hội đã biết. Chỉ những người không hiểu biết hoặc nhắm mắt lại mới dám khẳng định những thay đổi ấy đúng hướng, tiền của, công sức bỏ ra hiệu quả, đổi mới thành công. Xã hội lo lắng, bất an vì những sai lầm của giáo dục bởi giáo dục liên quan đến mọi nhà, mọi người. Ngoài những môn Ngữ văn, Lịch sử ra còn nhiều ngành khác, môn khác mà bằng chứng là mấy năm nay nhiều trường đã phải đóng cửa một số ngành. Những người dạy hai môn này thấy học sinh, sinh viên chán học và học những ngành này ra khó xin việc vô cùng.

Thời kinh tế thị trường các ngành trên với các ngành văn hoá, triết học, ngôn ngữ, các ngành liên quan đến nghệ thuật truyền thống... tỏ rõ yếu thế với các ngành kinh tế, luật, du lịch, tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ, bác sĩ, dược sĩ, công an, thuế vụ v. v... Nhưng, chẳng lẽ những ngành học và những nghề không làm ra nhiều tiền, không thấy "tiền tươi thóc thật" thì bỏ mặc cho nó trôi nổi hoặc cũng bắt nó phải hạch toán lỗ lãi theo cơ chế thị trường? Nó ít tác dụng trong cơ chế thị trường nhưng nó góp phần giữ hồn cốt cho một dân tộc, một đất nước vì mất văn hoá, sẽ mất tất cả. Đây không phải là nói quá lên mà là điều có thực, ai cũng nói, thậm chí nói hay nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi thảm trạng này thì ít người quan tâm thực sự.

Là một người đứng lớp tôi xin kể chuyện đau lòng này: năm ngoái tôi dạy cho một lớp Sư phạm Ngữ văn. Lớp có 80 sinh viên. Tôi thấy tư duy văn chương của các em yếu quá mới hỏi có bao nhiêu em thi vào ngành này? Có 15 em giơ tay. Số còn lại thi vào Tin học, Kinh tế, Du lịch, Quốc tế học, Báo chí v.v... Họ trượt các ngành muốn học nhưng đủ điểm vào Sư phạm Văn. Đỗ rồi, chả lẽ không học? Họ đỗ là do điểm Toán, Ngoại ngữ cao nên không thích học Văn và cũng không có khả năng học môn này. Biết chuyện, chỉ còn thở dài cho ngành mình đã theo đuổi một đời. Như người đi lạc. Như người vỡ mộng.

Dù ai nói rằng văn chương hết thời rồi nhưng tôi không tin thế. Những gì làm cho con người trở thành tử tế không bao giờ cũ. Nó chỉ nhất thời mất giá khi cái vô sỉ tạm thời thắng thế liêm sỉ, sự độc ác, dối trá đang tạm thời thắng cuộc nhưng tôi tin có ngày gió sẽ đổi chiều bởi con người nếu không cảnh giác và bừng tỉnh sẽ sớm phải trả giá cho những sai lầm nhất thời. Tôi cũng hiểu rằng cần đổi cả chương trình và cách dạy nhưng xin có một kiến nghị đừng biến văn chương thành cái gì không phải là nó. Văn chương mãi mãi vẫn là văn chương và không bao giờ là vô bổ với con người. Dù có ít người học Văn nhưng không vì thế mà biến nó thành một môn na ná văn chương, đừng đuổi văn chương đích thực ra khỏi chương trình với lý do nó lạc thời. Đến đây tôi lại nhớ chuyện của Sekhop. Nhà văn Sekhop chỉ toàn viết về những cái vụn vặt, đời thường, nhàm chán nhưng lại làm cho người ta sau khi đọc tác phẩm của ông đều khao khát vươn tới những điều tốt đẹp. Ông cười buồn khi có người hỏi lý do, ông bảo: " Các ngài hãy nhìn lại mình đi. Các ngài sống chán lắm, tầm thường lắm, các ngài ạ".

Liệu môn này, có "cùng tắc biến, biến tắc thông" không?

(Viết sau một buổi nghe thuyết trình về những vấn đề của Giáo dục. Báo cáo viên toàn đưa ra số liệu thôi, không bình luận gì mà người nghe thấy bàng hoàng).
______________
*Tác giả Phạm Quang Long là PGS.TS Ngữ văn, cựu Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, cựu Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cựu Giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội (2005-2013).

14 nhận xét :

  1. Sự khốn nạn của văn chương không phải tự nó mà do chính con người, còn văn chương của ta từ trước đến nay có làm cho con người tử tế hay ko thì có lẽ GS cũng đã tìm được câu trả lời khi nhìn vào XH hiện nay. Đến lúc này thì ko thể đổ cho Mỹ Nguỵ được nữa rồi, thưa GS!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn vàng phương Bắc có AQ , ta có anh Chí phèo . Hay quá ta !

      Xóa
  2. Đúng vậy ! Cuộc sống của chúng ta (tất nhiên có tôi trong đó) chán phèo. Mà "chán phèo" nghĩa là gì nhỉ??? Lại phải đi tra từ điển!!! Ờ ! Mà mình không có từ điển... Thế mới chán... Đúng là chán phèo...

    Trả lờiXóa
  3. Ông Giáo sư này thấy vấn đề nhưng ngại không nói hết. Tôi xin nói vậy! Học sinh ngày nay chán Môn Văn và Môn Sử bởi vì:
    1/ Nền giáo dục ngày nay xa rời mục tiêu "hướng thiện" mà hướng theo chủ trương đường lối của chế độ. Khi theo nền kinh tế kế hoạch, học sinh khinh ghét ngành Kinh tế, ngành luật bị hủy bỏ. Khi chế độ cổ vũ cá nhân làm giàu thì học sinh xa lánh những ngành ít làm ra tiền.
    2/ Môn Văn và Môn Sử chịu sự lãnh đạo sát sao của chế độ nhất. Mục đích hai môn này là để tuyên truyền chính trị, đào tạo con người làm quan chứ không dạy cách làm người tự do. Học sinh phải cảm thụ văn học theo cách sách cảm thụ, mà sách thì cảm thụ theo kiểu chế độ cảm thụ; học sinh không được phép tự do cảm thụ theo ý mình thì làm sao có hứng thú mà học! Môn Sử thì học sinh chỉ được tìm hiểu những sự kiện mà chế độ cho tìm hiểu, phải yêu ghét người này người nọ như chế độ yêu ghét. Học sinh không được tạo dựng quan điểm lịch sử riêng mình thì có gì để tìm tòi học hỏi.
    Chế độ là để phục vụ con người, con người một phần do nền giáo dục tạo ra. Như vậy chế độ phải theo giáo dục mới thuận; đằng này ta đi ngược lại, bắt giáo dục phục vụ chế độ. Học sinh chán Môn Văn, Môn Sử là điều dễ hiểu và may mắn cho dân tộc đấy!

    Trả lờiXóa
  4. Ngày xưa chúng tôi học văn là học cách cảm thụ cái đẹp, cái chân thiện mỹ của cuộc sống. Còn ngày nay học văn là học cách trở thành "con người xã hội chủ nghĩa", trở thành cái máy trong guồng máy này.

    Trả lờiXóa
  5. Văn chương là để đi tìm cái đẹp, cái thiện. Đằng này học văn chương để chửi dữ dội như bà tiến sĩ gì đó dám chửi cả đám quần chúng! Có lẽ bà ấy chửi quần chúng ngu xuẩn, xuẩn động chăng? Hay học văn để bôi nhọ? Các ông Trần Đình Triển, Trần Thu Nam, Thiệp, Như lại dùng cái khả năng viết văn của mình để hằn học với một luật sư được dân nghèo mến mộ như ông Võ An Đôn thì thật buồn! Văn chương là để nâng tâm hồn thanh cao đằng này văn chương mà cứ suốt ngày nói người này người kia là thế lực thù địch thì đó là thứ văn gì? Bây giờ người ta xem văn như một thứ vũ khí, suốt ngày nghĩ ngợi những câu, những chữ có thể băm vằm rồi đi đâm thuê chém mướn! Loạn quá rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xã hội nào cũng có bọn cơ hội , chỉ chờ có thời cơ là ấn người khác xuống để mình ngoi lên .

      Xóa
  6. Đồng ý với suy tư của PGS.TS Phạm Quang Long , rằng .."Văn chương chỉ tạm thời mất giá khi vô sỉ thẳng liêm sỉ, sự độc ác, dối trá đang tạm thời thắng , nhưng tôi tin có ngày gió sẽ đổi chiều ". Tại sao bộ môn Ngữ văn nói riêng và Sư phạm nói chung rơi thảm cảnh này? Nguyên nhân thì nhiều , nhưng tôi cho rằng vì VN đã chính trị hóa giáo dục . Biến văn chương thành công cụ, phương tiện tuyên giáo của chế độ chính trị . Hầu hết các bài giảng văn học, Lịch sử .. đều có phần kết giống nhau là phê phán, lên án chế độ cũ phong kiến, đế quốc thực dân ; ca ngợi chế độ mới do Đảng, Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo.. Quan điểm văn học, nghệ thuật C/m vô thần, phi tôn giáo của đảng , đả phá tư tưởng nghệ thuật vị nghệ thuật , cổ súy tu tưởng nghệ thuật vị nhân sinh ...cực đoan đã góp phần tàn phá nền tảng văn chương đích thực . Bản chất , chức năng Văn chương bồi bổ cho tâm hồn, nhân cách con người nhân văn hơn, hướng thiện, hoàn mỹ hơn . Nhưng khi nó bị lợi dụng theo mục đích chính trị nhất thời thì nó sẽ bị méo mó, biến dạng, biên thái và tác động xấu đến văn chương . XH thay đổi tốt đẹp hơn thì giá trị Văn chương sẽ được đề cao , ngành Sư phạm, trong đó có Ngữ văn sẽ được tôn trọng.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi nhớ , có đận , một ông tiến sỹ ( 100/% thứ thiệt ) phát biểu rằng , đọc giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt ( phổ thông ) mà ông ấy chả hiểu nổi vì nó quá rườm rà , quá chi tiết , mang nhiều tính học thuật , không phù hợp nội dung phổ thông cho lứa tuổi học trò . Rối rắm như vậy ,làm sao mà hiểu , mà nhớ cho được !
    Hậu quả là , nhiều sinh viên tốt nghiệp ( chả cứ học trò phổ thông ) không viết nổi một đơn xin việc văn phong gẫy gọn , rõ ràng , dấu " chấm , phẩy " đúng chỗ ...!
    Sách giáo khoa là để truyền bá kiến thức phổ thông , không phải là nơi để các nhà làm sách phô diễn kiến thức của mình .
    Hãy " sửa đổi" chứ đừng ham hố " cải tiến " ( thực chất là toàn cải lùi ) nội dung sách giáo khoa .

    Trả lờiXóa
  8. Văn tải đạo đã chết từ năm 45 rồi!

    Trả lờiXóa
  9. Chết từ 30 bác ơi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuẩn như bà cựu VIP nhận định là : Sai lầm từ Hội nghị Phông-ten-nơ-bờ-lô, hậu quả dẫn đến như ngày nay.

      Xóa
  10. Các bác nói Văn chung quá. Phải nói thẳng ra ; Văn học XHCN chết mới đúng

    Trả lờiXóa
  11. Thực ra,trước tình hình của xã hội hiện đại, lễ băng nhạc hoại, thì những ngành KHXH bị xã hội xem nhẹ là điều dễ hiểu. Nhưng không vì thế mà chúng ta được đầu hàng tự bỏ, chúng ta phải giữ lấy nó, để giữ lấy giá trị tinh thần, văn hóa của cả một dân tộc.

    Trả lờiXóa