Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Chuyện cuối tuần: MA KHÁCH


Đặng Tiến

MA KHÁCH

Stt này được gợi từ tiểu thuyết MA CHIẾN HỮU của nhà văn Mạc Ngôn, 
giải Nobel văn học.
 
******

Trời rét thế này nằm đắp chăn, nhai ngô nướng, kể chuyện ma thì cũng thú lắm!

Mình đi lính ở Cao Bằng tròn ba năm. Là lính thời bình nên hầu như chỉ có những kỉ niệm thời bình! Nhưng cũng đáng nhớ lắm. Dưới đây là một!

Mùa đông năm 198..., gần giáp Tết Âm lịch, mình nhận lệnh của chỉ huy xách ba lô lên đường ra chốt tiền tiêu. Từ cơ quan chỉ huy đến nơi công tác gần 60 km, tất nhiên phương tiện thì tự mà lo lấy. Rất may, cơ quan có một cái xe đạp, và thế là một mình một xe ra chốt tiền tiêu.


Như mình chia sẻ chưa bao giờ mình thấy sợ khi đi trên dải đất Việt Nam! Thật đấy, chưa bao giờ sợ. Đất nước quê hương có gì mà phải hãi!

Cuối năm, ở miền núi có cái vẻ đẹp tiêu sơ của nó. Trời trong veo, nắng vàng như rót mật, không khí heo heo những ngày áp người dân hình như sống thong thả hơn dọc đường gặp mấy cái chợ chợ nào cũng sum suê tấp nập. Thích nhất là mùi thơm: rượu thơm, bánh cuốn thơm, nước phở thơm, thắng cố thơm, khẩu sli thơm, bánh khảo thơm...Hương thơm bay trong gió se lạnh quyến rũ vô cùng... Cuối năm lên Cao Bằng mình cam đoan ai cũng thích cái mùi chợ thơm ngan ngát, thơm nồng nàn ấy!

Ghé chợ Bản Giới ăn trưa ngồi nhìn người dân đi chợ thấy ấm áp lạ thường. Vùng này có người Dao, người Mông nhưng đông hơn cả vẫn là người Tày. Trang phục của người Tày không cầu kì, không rực rỡ mà thuần hậu một màu chàm đằm thắm. Thích nhất là những chiếc vòng bạc trắng màu trắng nhu thuận nổi bật trên sắc xanh áo chàm và cổ kiêu ba ngấn làn da trắng trứng gà bóc của các sơn nữ! 

Đi chợ vùng cao cứ gọi là no mắt, no mũi, no miệng...

Cuối chiều thì đến cửa khẩu Sóc Giang, đơn vị mình đến ở đó.

Tron bóng hoàng hôn loang loáng chút nắng đông mình ghé vào nghĩa trang thắp hương cho những người đồng bào của mình đã chết trong chiến tranh năm 79! Từ đó đến giờ, mỗi lần ra biên giới, dù ở đâu việc đầu tiên của mình là ghé nghĩa trang thắp hương cho những người đã chết trong cuộc chiến oan nghiệt năm nào! Có lẽ nhờ thế lần đi công tác ấy mình thoát chết trong gang tấc. Thôi chuyện thoát chết khi nào rảnh sẽ kể! Giờ kể chuyện ma.

Ai cũng biết cuộc chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979 thật tàn khốc. Số người chết cả hai bên hình như cho đến nay vẫn chưa được công bố chính thức. Nhưng thôi, chính thứ hay không xem chừng cũng ít có ý nghĩa. Quân xâm lược cũng chết rất nhiều, nhiều đến mức như không thể nhiều hơn.

Nghe kể lại: họ không cố mang thi hài về nước mà tiện đâu thì chôn đó(!). Thậm chí họ gom xác tử sĩ lại rồi tưới xăng đốt. Nhiều khi cháy còn dở dang rồi vùi sấp chôn nghiêng cho xong chuyện. Sau chiến tranh, khoảng từ giữa tháng Ba năm 1979, người Việt trở về còn phải dọn dẹp rất lâu, rất lâu mới hết những gì còn lại của việc làm ấy! Mình nghe người dân nói thế. Ừ, cũng có thể thế! Xưa người Thanh chết rồi chôn thành gò đống ở Thăng Long cơ mà. Rồi ở “Truyền kì mạn lục” cũng chép rằng có viên tướng giặc được chôn ở mạn Yên Dũng - Bắc Giang! Nấm mồ vô chủ khiến cho con ma – viên tướng kia không có nơi nương náu nên đã tranh chiếm miều thổ thần nơi ấy! Xưa thế thì nay cũng thế!

Một buổi tối sau khi xong việc mấy anh em ra bản chơi. Ông cụ chủ nhà là người hay chuyện, hỏi thăm thì biết cụ cũng là lính từ hồi chống Pháp chín năm. Rồi qua chống Mĩ một ít thì phục viên về làm nông dân với một ít phụ cấp bệnh binh. Hồi đánh Tàu 79 cụ không rút chạy mà ở lại cùng những người trẻ lẩn vào núi quyết chiến với lũ cướp ngày! Cụ kể chuyện đánh nhau với giặc thật hấp dẫn, chẳng thấy sách nào viết như thế! Giặc cút cụ cùng cháu con lại trở về xuống ruộng lên nương sống hiền lành như đá núi như cây rừng!

Cụ hỏi: Các cháu có gặp ma tàu bao giờ không? “Oa! Ma. Có ma ạ?” - Mình hỏi lại. “Có, những đêm cuối năm ma kêu thanh suốt dọc đường đi đấy! Nhất là khi trời mưa rét! Dịp Tết nguyên đán càng nhiều!”. Mình mắt tròn mắt dẹt nửa tin nửa ngờ. Ma! Ma! Chết thì ra đất à không chết thì ra ma mới đúng chứ nhỉ? Đêm muộn mấy anh em mới từ nhà ông cụ về đơn vị. Mình mang theo câu chuyện của cụ ông! Ma, ma lính chiến người xứ lạ đến đây bỏ mạng vùi sấp chôn nghiêng! Ma ấy nó hình thù thế nào nhỉ? Mặc đồ trắng như áo giấy hay màu xanh vải tô châu? Ừ nó có nói không nhỉ? Có nói chứ. Nhưng chắc nói bằng tiếng quan thoại, tiếng người choang phương nam lủng xủng loảng xoảng chứ không phải tiếng phổ thông xứ Bắc!

Tối hôm sau, mình rủ một ông bạn ra rình xem có gặp ma hay không! 

Nửa đêm về sáng. Trời trong veo. Trăng cuối năm sáng rợn người. Lạnh thấu xương. Những ngọn núi nhọn hoắt giữa trời trăng thăm thẳm. Không gian yên tĩnh lạ thường. Hình như lũ côn trùng rét quá cũng chui lùi thật sâu vào lòng đất tránh rét. Ô kia! Đom đóm. Đom đóm hay ma trơi! Lập lòe. Lấp lóa. Một. Hai. Ba. Bốn...cả một đàn đom đóm hay ma trơi rùng rùng bay lên từ phía con suối chảy ven đường. Mình cố lắng tai nghe xem có tiếng gì không. Cố lắng nghe. Và vang lên vang lên là tiếng thơ Đỗ Phủ hơn nghìn năm trước “Quân bất kiến Thanh Hải đầu. Cổ lai bạch cốt vô nhân thâu. Tân quỷ phiền oan cựu quỷ khốc. Thiên âm vũ thấp thanh thu thu!”. 

Những lần ra biên giới dọc những cung đường hình như mình luôn thấy thế.

Hình như ông nhà văn Mạc Ngôn cũng nghe thấy tiếng khóc hòa cùng tiếng gió than mưa gào như thế!

2 nhận xét :

  1. Hãy còn quá nhiều ma ở biên giới Tầu Việt . Ma nhiều đời và vẫn chưa hết ! Nhưng ma đó chắc không nhát được đồng bào Việt mà lại làm cho lính Tầu sợ !

    Trả lờiXóa
  2. Há chẳng thấy miền Tàu khựa sao ?
    Xưa nay xương trắng ai nhặt đâu !
    Ma mới kêu oan, ma cũ khóc,
    Trời âm mưa thấm, tiếng hu hu.

    Trả lờiXóa