Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

HOÀNG TUẤN CÔNG NÓI LỜI CUỐI VỚI NHÀ BÁO THANH HẰNG

VỀ BÀI “CUỐN SÁCH ‘BẮT LỖI” GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN MẮC NHIỀU SAI SÓT” CỦA THANH HẰNG (P. II) 

Hoàng Tuấn Công
Tuấn Công Thư phòng



(xem kỳ I) 

5. GS Nguyễn Lân giảng: “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn (Tháng chín thì rau muống tàn lụi, rất hiếm) Có ý nói: Thức ăn hiếm, nàng dâu tốt dành cho mẹ chồng. Song cũng có người cắt nghĩa trái lại, cho rằng: Rau muống tháng chín cứng, nàng dâu chẳng ưa mẹ chồng dọn cho mẹ chồng ăn”.

Chúng tôi đã đưa ra ý kiến “Có thể loại trừ cách lý giải thứ nhất, lựa chọn cách thứ hai”, bởi cách hiểu thứ nhất không có cơ sở thực tế. Vì “rau muống tháng chín” không ngon, mà cũng chẳng lành (đây cũng là đặc điểm của nhiều loại rau quả “trái tiết” khác). Từ xa xưa, dân gian ý thức rất rõ điều đó, nên rau quả trái mùa không bao giờ được ưa chuộng, thậm chí bị coi là độc[2].

Bởi vậy, trong sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân-Phê bình và khảo cứu”, chúng tôi đã phân tích: rau muống là rau mùa hè, ưa nước mát (mùa hè nắng nóng, mưa rào xen kẽ, có lượng đạm trời dồi dào, rau muống mới tươi non, ngon ngọt). Tháng chín trời trở lạnh, bắt đầu mùa khô hanh, rau muống già có hoa, ăn vừa cứng vừa chát, hiếm mà không quý”. 

Mùa nào thức ấy, rau muống đã “tàn lụi” theo mùa, dẫu có sót lại ít cọng rau già,  ăn không thể ngon được! Trong khi, chính GS. Nguyễn Lân cũng thừa nhận “tháng chín thì rau muống tàn lụi, rất hiếm”.

Thế nên, chúng tôi đưa ra quan điểm: “Cùng một thành ngữ, tục ngữ nhưng có nhiu cách hiểu, đưa ra nhiu cách giải thích là chuyện bình thường, thậm chí là rất cần thiết, nếu như những cách hiểu ấy có lý. Tuy nhiên, với cách hiểu sai thì không nên đưa vào xem như một cách hiểu tồn tại song song. Ví dụ trường hợp câu tục ngữ đang xét, bằng kiến văn, người biên soạn có thể định hướng cho bạn đọc loại trừ cách hiểu sai. Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân lại lựa chọn cách hiểu sai (thứ nhất) là chính, còn cách hiểu đúng (thứ hai) chỉ là tham khảo”. [lưu ý, nhiều cách hiểu, nhưng phải là cách hiểu có lý].  

Tuy nhiên, Thanh Hằng dẫn lời GS. Nguyễn Đức Tồn, cho rằng “không phải lúc nào rau muống khan hiếm cũng là rau già”. Nhưng GS Nguyễn Đức Tồn cần lưu ý, thời điểm cụ thể dân gian nói đến là “rau muống tháng chín”, đâu phải “lúc nào” chung chung?

Theo đây, để bác bỏ quan điểm của chúng tôi, GS Nguyễn Đức Tồn phải chứng minh được rằng, “rau muống tháng chín” vừa khan hiếm vừa ngon, thậm chí ngon hơn mọi thời điểm khác trong năm, nên nàng dâu hiền mới nhịn thèm để nhường cho mẹ chồng ăn (theo như cách hiểu của GS Nguyễn Lân mà GS Nguyễn Đức Tồn đánh giá là “tích cực”).

Mặt khác, dù trong thực tế vẫn có những mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp, nhưng phản ánh tình cảm yêu thương chân thật giữa mẹ chồng nàng dâu, chưa bao giờ trở thành chủ đề trong thành ngữ, tục ngữ. Ngược lại, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn hiện lên trong thành ngữ, tục ngữ như là sự “xung đột” dai dẳng “truyền kiếp”, tới mức thành bản chất: Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng; Mẹ chồng không ai nói tốt nàng dâu, nàng dâu đâu có nói tốt cho mẹ chồng; Mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở ưa nhau bao giờ; Bố chồng là lông con phượng, mẹ chồng là tượng mới tô, nàng dâu là bồ nghe chửi; Bố chồng là lông lợn hạch, mẹ chồng là đách lợn lang, nàng dâu mới về là bà hoàng hậu; Dâu vô nhà, mụ gia ra ngõ; Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói; Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới bể…

Tóm lại, khi giải nghĩa câu rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”, mà lấy cách hiểu “thức ăn hiếm, nàng dâu tốt dành cho mẹ chồng” làm cách hiểu chính thức như GS. Nguyễn Lân là hoàn toàn thiếu cơ sở.

6. Mục từ “vịt xiêm” GS Nguyễn Lân giảng: “vịt xiêm dt GIỐNG VỊT TO, người ta nói nhập từ Thái Lan. Trong sân nhà có đôi vịt xiêm rất lớn”. (HTC nhấn mạnh).

Chúng tôi cho rằng, cách giảng của GS Nguyễn Lân, biến hai con (vịt và ngan) thành một như vậy không đúng, vì vịt xiêm” là cách gọi tên con ngan của người miền Nam”, chứ không phải nó chính là “con vịt”, nhưng là “giống vịt to”, và “nhập từ Thái Lan” (Xiêm), nên được gọi là “vịt xiêm”. Cũng như con “ngan pháp” mà giải nghĩa là “GIỐNG VỊT TO, nhập từ Pháp”, thì làm sao chấp nhận được.

Thế nhưng, Thanh Hằng lại cho rằng:Ở đây, Hoàng Tuấn Công đã tự mâu thuẫn với mình khi khẳng định “sao biến hai con thành một được”, nhưng ví dụ của anh thì lại chứng minh ngan và vịt xiêm là một”!

Theo đây, Thanh Hằng đã không đọc kỹ những gì chúng tôi viết, hoặc đọc mà không hiểu vấn đề. Vì chúng tôi không đồng ý với cách giảng “GIỐNG VỊT TO” nhập từ Thái Lan, thì gọi là vịt xiêm (ngan); chúng tôi đâu có phản đối cách hiểu con ngan chính là con “vịt xiêm”?

Để “bác bỏ” chúng tôi ở mục “vịt xiêm”, Thanh Hằng tiếp tục dẫn lời GS. Nguyễn Đức Tồn, cho rằng “GS. Nguyễn Lân đúng, bởi vịt xiêm có gốc từ Thái Lan (từng gọi là Xiêm). Người miền Bắc gọi con vịt gốc Thái Lan là ngan, còn người miền Nam gọi là vịt xiêm –cách gọi theo nguồn trong tiếng Việt”. Theo đây, GS Nguyễn Đức Tồn cũng không hề đọc những gì chúng tôi trao đổi trong mục “vịt xiêm”, nên mới giảng giải như vậy.

Đáng chú ý, trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, mục “vịt xiêm”, GS Nguyễn Lân giảng là “GIỐNG VỊT TO, người ta nói nhập từ Thái Lan”; nhưng ở mục “ngan”, GS Nguyễn Lân lại giải thích: “ngan • dt. (động) Loài chim thuộc loại (sic) vịt, đầu có mào, thịt đỏ <> Mua con ngan về làm phở”.

Như vậy, nếu như ở mục “vịt xiêm”, soạn giả đã đồng nghĩa “GIỐNG VỊT TO” với con “NGAN” (“vịt xiêm”), thì khi so sánh cách giải nghĩa giữa “vịt xiêm” với “ngan”, bạn đọc lại thấy, dường như “ngan” với “vịt xiêm” là hai con khác nhau (vì cách mô tả, nhận diện khác nhau). 

Trong khi đó, Từ điển Vietlex giải nghĩa “vịt xiêm” và “ngan” như sau: “vịt xiêm d [ph] xem ngan”; mục “ngan” giải thích:  “ngan • d. chim nuôi CÙNG HỌ với vịt, nhưng lớn hơn, đầu có mào thịt đỏ”. (“[ph] là viết tắt “phương ngữ” của Từ điển Vietlex).

Như vậy, chỉ qua mục “vịt xiêm” và “ngan”, so sánh với “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm từ điển học Vietlex, bạn đọc đã thấy GS Nguyễn Lân thiếu hẳn kiến thức cần thiết về từ điển học (đơn giản như là các sắp xếp, giải nghĩa những từ đồng nghĩa). 

7. GS.Nguyễn Lân giảng: chim trời cá nước ng Nói người ở nay đây mai đó, khó lòng gặp được: Anh ấy có tính lãng du, chim trời cá nước, biết đâu mà tìm”.
Chúng tôi cho rằng “thiếu nghĩa: của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai”.

Tuy nhiên, Thanh Hằng dẫn lời GS. Nguyễn Đức Tồn cho rằng: “ông chưa nghe thấy nghĩa “của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai” cho câu này bao giờ, mà “Chim trời cá nước” nói về con người tự do, nay đây mai đó, ngược với “Cá chậu chim lồng” chỉ sự tù túng, bị giam cầm”.

Dĩ nhiên, GS. Nguyễn Đức Tồn “chưa nghe thấy”, không có nghĩa là thực tế không có thêm cách hiểu ấy. Chúng tôi xin đưa nhanh hai ví dụ chứng minh:

-  “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập – Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn-1951) thu thập và giải nghia thành ngữ “chim trời cá nước [chim giời cá nước] • Chim ở trên trời và cá ở dưới nước. • ngb. Của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai”.

-  “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-sách đã dẫn) thu thập câu “Chim trời các nước, ai được thì ăn”. Tục ngữ thể hiện đầy đủ ý dân gian muốn nhắn gửi, mà ở dạng thành ngữ “chim trời cá nước” mới chỉ là cách nói mập mờ, “nước đôi: “Chim trời cá nước, ai được thì ăn Chim trên trời cũng như cá dưới nước ấy mà (đâu phải của riêng ai mà cứ đòi giữ lấy, bởi thế) ai giỏi thì cứ việc bắt lấy mà ăn”.

Chim trời, cá nước”, hoặc “Chim trời, cá nước, ai được thì ăn” thường được dùng trong một số tình huống, như:

- Câu trả lời đối với ai đó ngăn cản việc bắt bẫy cá nước, chim trời, muông thú vô chủ (ví dụ: “Chim trời cá nước, ông lấy quyền gì mà ngăn cấm tôi?”)

- Lời tự nhủ, hoặc khuyến khích ai đó, thấy chim trời, cá nước, nhưng còn e ngại, không dám săn bắt (ví dụ: “Ôi dào, sợ gì, chim trời cá nước, ai được thì ăn, mình có ăn cắp, ăn trộm của ai đâu mà sợ!”)

Thế nên, trong “Hương rừng Cà Mau”, Nhà văn Sơn Nam mới viết: “Đằng này rắn ri voi thuộc loại chim trời cá nước, ai bắt được nấy hưởng, khỏi đóng thuế cho sở kiểm lâm” [tập 1, tr.298]; hay, trong “Đất rừng Phương Nam”, Đoàn Giỏi viết: “Bộ họ nuôi nó sao, chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn chứ”. [tr.227] (dẫn theo “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong hành chức”-Đỗ Thị Kim Liên chủ biên-NXB Khoa học xã hội, 2015).

Mặt khác, chính “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong hành chức”, đã ghi nhận một trong số nhiều nghĩa của “chim trời cá nước” là: “không thuộc quyền quản lý hoặc tài sản của ai cả”.

Theo đây, chúng tôi đâu có bịa thêm nghĩa cho thành ngữ “chim trời cá nước”, thưa GS Nguyễn Đức Tồn?

8. Thanh Hằng viết: “Danh từ “Nội các” được GS. Nguyễn Lân giải thích là “Hội đồng Chính phủ của một số nước, gồm thủ tướng và các bộ trưởng”, nhưng Hoàng Tuấn Công \ cho rằng phải chọn theo nghĩa 2 của từ điển Thiều Chửu là “tên bộ quan-nội các gọi tắt là các” và Trần Văn Chánh là “Nội các (nói tắt): tổ các, nội các, tổ chức nội các.”

Sau đó, Thanh Hằng dẫn ý kiến “không đồng tình” của “TS. Lã Trọng Long - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng”.

Tuy nhiên, xin lưu ý Thanh Hằng và TS. Lã Trọng Long, ở mục “nội các” chúng tôi hoàn toàn không có ý kiến gì về phần giải nghĩa từ vựng. Chúng tôi chỉ nói phần giải nghĩa yếu tố Hán Việt “các” (trong từ “nội các). Cụ thể, chúng tôi viết: “Dù cùng có tự hình là , nhưngcác trong “nội các, lại là “tên bộ quan”, chứ không phải “lầu gác” (như GS Nguyễn Lân giảng).

Thế nhưng, TS. Lã Trọng Long lại bàn sang chuyện giải nghĩa từ vựng “nội các” và nhận xét: “Nếu giải thích như Hoàng Tuấn Công sẽ làm người đọc hiểu nhầm “nội các” là một quan nhỏ trong triều đình nhà Nguyễn”.

Tương tự như ở mục “lâm bồn”, chúng tôi chỉ bàn đến nghĩa của 2 yếu tố Hán Việt “lâm” , và “bồn” (trong “lâm bồn” 臨盆), hoàn toàn không nói gì đến nghĩa từ vựng của “lâm bồn” mà GS Nguyễn Lân giảng. Không lẽ cả TS. Lã Trọng Long và Thanh Hằng đều không làm được điều tối thiểu là đọc kỹ xem chúng tôi viết những gì, để “trao đổi” lại cho đúng vấn đề cần trao đổi?

9. Thanh Hằng viết: “Nhà văn Ngô Văn Phú cho biết, thời điểm cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân ra đời, vốn từ tiếng Việt chưa phong phú như bây giờ, Việt Nam cũng chưa giao lưu quốc tế rộng như hiện nay. Vì thế, sai sót hay cách hiểu nghĩa khác với hôm nay là bình thường”.

Chúng tôi không rõ, Nhà văn Ngô Văn Phú nói “thời điểm cuốn từ điển GS. Nguyễn Lân ra đời” là thời điểm nào? Không lẽ chỉ mới từ năm 2000 đến nay, mà tiếng Việt đã có sự thay đổi đến mức khiến cho những từ ngữ mà GS Nguyễn Lân giảng vốn đúng, nay trở nên sai như vậy sao? Nhà văn Ngô Văn Phú có thế lấy một vài ví dụ về những từ, ngữ, thành ngữ, tục ngữ, vào thời điểm năm 1989, hay năm 2000 (khi GS Nguyễn Lân biên soạn và xuất bản sách) được người Việt hiểu theo một nghĩa, đến nay lại hiểu theo nghĩa khác, được chăng?

Mặt khác, trong sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu”, chúng tôi đâu có phê phán GS. Nguyễn Lân về việc “vốn từ tiếng Việt chưa phong phú”, cũng không hề có ý đòi hỏi tác giả từ điển phải cập nhật những từ mới sinh ra trong quá trình Việt Nam “giao lưu quốc tế” gần đây.

Hơn nữa, “vốn từ tiếng Việt”, hay “giao lưu quốc tế” đâu ảnh hưởng gì đến việc GS Nguyễn Lân giải thích sai hàng loạt từ, ngữ, thành ngữ, tục ngữ? Phải chăng ý Nhà văn Ngô Văn Phú, vì “vốn từ tiếng Việt chưa phong phú”, “chưa giao lưu quốc tế rộng”, nên khiến GS. Nguyễn Lân khó diễn đạt, giải nghĩa từ ngữ?

Về nguyên tắc tối thiếu trong trao đổi, tranh luận học thuật, theo chúng tôi, bản thân người viết cần phải có nền kiến thức cần thiết, để đưa ra những sở cứ, lập luận của CHÍNH MÌNH (và CỦA MÌNH LÀ CHÍNH), chứ KHÔNG THỂ DỰA HOÀN TOÀN vào sự “trợ giúp”, “hỏi ý kiến” người khác, đặt hết niềm tin vào sự tư vấn kiến thức của người khác.

Bản thân những người ‘trợ giúp” đã thiếu cẩn trọng, đưa ra nhận xét, kết luận đầy cảm tính, chủ quan; đến người được “trợ giúp” lại cũng không đủ khả năng thẩm định đúng sai. Trường hợp, Hằng Thanh xác định, mình chỉ là người làm báo, phỏng vấn ý kiến các chuyên gia một cách khách quan, mục đích truyền tải thông tin tới bạn đọc, hãy để các chuyên gia tự chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Thế nhưng Thanh Hằng không dừng ở chỗ cần dừng, mà dựa hoàn toàn vào những nhận xét ấy, rồi tự mình đưa ra kết luận “Cuốn sách ‘bắt lỗi’ nhà giáo Nguyễn Lân cũng mắc nhiều sai sót”, hay khẳng định đầy tự tin “Trên đây chỉ là một vài, chưa phải tất cả, sai sót trong cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu”.

Khi tranh luận, đã trích dẫn ý kiến của người khác, thì dù ngắn hay dài, cũng phải đảm bảo trung thực. Tuy nhiên, tác giả Thanh Hằng đã tự ý chính sửa, thêm bớt, diễn đạt lại ý tứ của chúng tôi theo hướng có lợi cho mình. Đây chính là điều tối kỵ trong tranh luận học thuật.

Cuối cùng (nhưng là quan trọng nhất), để đưa ra góp ý, tranh luận, thì điều tối thiểu là bản thân người viết phải đọc kỹ xem người ta viết gì, sai gì, sau đó tra cứu tài liệu để trao đổi. Tuy nhiên, trong số 7 điều mà Thanh Hằng và các vị giáo sư, tiến sĩ cho là chúng tôi “sai sót”, thì  4 điều chúng tôi hoàn toàn không sai (như đã chứng minh trong phần I bài viết); 3 điều còn lại (“vịt xiêm”; “nội các”; “lâm bồn”) là do Thanh Hằng và các vị nhầm lẫn, tức chúng tôi viết một đường, các vị lại trao đổi một nẻo; theo kiểu Ông nói gà, bà nói vịt”, “Vậu phuối gẳn nà hây loà kha cáy” (Người ta đang nói chuyện bờ ruộng, mình lại nói chuyện vụt chân con gà)[3].

HTC/5/9/2017

Chú thích:

[1]-Nếu độc giả cần tra cứu, tìm hiểu câu “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”, với cách giảng nước đôi của GS Nguyễn Lân, thì độc giả sẽ không biết sai đúng ra sao, nên tin theo các hiểu nào.

[2]-Sách “Luận ngữ” dành hẳn một chương (“Hương đảng”) ghi chép về thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, cách đây hàng ngàn năm của Khổng Tử như sau: “…Đồ nấu chẳng vừa: chưa chín hay là rục quá, thì ngài chẳng ăn. Và ngài CHẲNG ĐỂ VÀO MIỆNG NHỮNG VẬT TRÁI MÙA…”. Dịch giả Đoàn Trung Còn chú giải: “…Đồ nấu chưa chín, nếu ăn vào thì sình ruột; còn nấu rục quá thì mất chất bổ, ăn chẳng ngon. VẬT TRÁI THỜI TIẾT, ĂN VÀO HAY SINH BỆNH…” 

[3] “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Tày” (Triều Ân-Hoàng Quyết-NXB Văn hoá dân tộc, 1996).
.

28 nhận xét :

  1. Thế nên, chúng tôi đưa ra quan điểm: “Cùng một thành ngữ, tục ngữ nhưng có nhiều cách hiểu, đưa ra nhiều cách giải thích là chuyện bình thường, thậm chí là rất cần thiết, nếu như những cách hiểu ấy có lý. Tuy nhiên, với cách hiểu sai thì không nên đưa vào xem như một cách hiểu tồn tại song song. Ví dụ trường hợp câu tục ngữ đang xét, bằng kiến văn, người biên soạn có thể định hướng cho bạn đọc loại trừ cách hiểu sai. Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân lại lựa chọn cách hiểu sai (thứ nhất) là chính, còn cách hiểu đúng (thứ hai) chỉ là tham khảo”. [lưu ý, nhiều cách hiểu, nhưng phải là cách hiểu có lý].
    (Học giả Hoàng Tuấn Công)
    _________________
    Hoàn toàn đồng ý với học giả Hoàng Tuấn Công. Lời giải thích của ông rất thuyết phục. Đã không ngon thì đừng đem cho người khác. Mùa nào thức ấy, tháng chín có món ngon của tháng chín, vậy thì rau muống tháng chín không phải là lựa chọn tốt. Cha ông ta đã từng nói "của một đồng, công một nén" hay "của cho không bằng cách cho", qua vật cho có thể thấy được cái văn hóa ứng xử.
    Cũng nên cám ơn mợ đẹp Thanh Hằng với những câu chất vấn, điều này chứng tỏ mợ đẹp Thanh Hằng đã đọc và nghĩ về công trình của học giả Hoàng Tuấn Công một cách có trách nhiệm. Và có như thế mới thấy được công trình của học giả Hoàng Tuấn Công được soạn thảo rất công phu, nghiêm cẩn như thế nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thanh Hằng ơi, việc của em là những bài báo cho tuổi teen hoặc son phấn rẻ tiền. Chuyện chữ nghĩa là của người lớn, em lùi ra rồi dựa cột mà nghe. Nhé!

      Xóa
  2. Cảm ơn và cảm phục HTC và NXD. Chúc hai bạn chân cứng đá mềm. Công cuộc chấn hưng...của chúng ta bắt đầu từ chỗ này đây. Nhìn thẳng vào sự thật ! Ôi, Hạt cơm ta ăn là sự thật/Giọt mồ hôi lại muốn chỉ hoang đường !...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Rau muống tháng 9 (tháng 9 âm lịch, cuối thu rồi) ăn chát lắm nên chỉ cho lợn ăn thôi! Mẹ chồng nhịn cho nàng dâu ăn là bà mẹ chồng chẳng yêu quý gì cô con dâu, nằm trong bối cảnh "mẹ chồng nàng dâu" thời phong kiến ấy a!

      Xóa
  3. Đọc 2 bài phản biện của HT Công đối với bài của cô Tahnh Hằng nào đấy mà chủ nhà giới thiệu mới thấy thấm thía những câu thành ngữ của dân ta, như: "Thùng rỗng kêu to", "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe" ... rồi những câu được đám "trẻ trâu" sau này phát triển thêm như: "Đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm" v.v... Cảm ơn chủ nhà!

    Trả lờiXóa
  4. Trực Ngôn 2014lúc 08:22 6 tháng 9, 2017

    Cô Thanh Hằng không đủ trình độ thì không nên viết báo viện dẫn lới người này, người kia mà mang nhục (xin lỗi vì nói thẳng). Các học giả, đặc biệt là các ông bà "chịu trách nhiệm về xuất bản và về nội dung" cuốn từ điễn của bác Nguyễn Lân đâu rồi, hãy ra mà tranh biện đi chứ.
    Tại sao một người có hiểu biết sâu rộng như anh Hoàng Tuấn Công mà làm công việc như hiện nay nhỉ? Trình độ và khả năng hiểu biết của anh ấy có vẻ còn cao hơn nhiều bác TS ở nhiều "lò ấp" ngày nay.
    Cảm ơn Chú Tiễu nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Nói ngắn gọn: Ngoài trình độ, kiến văn, phương pháp luân ..v...v....kém, thì Thanh Hằng có mục đích không trong sáng khi viết bài "bắt lỗi" HTC.

    Trả lờiXóa
  6. Tưởng Thanh Hằng nhà nghiên cứu, hóa ra báo chí. Sai chức trách Hằng ơi. Hãy học BBC, VOA, RFI, RFA người ta bàn tròn rất nghiêm túc. Cứ để cử tọa phát ngon theo định hướng mình, chứ ai lại dùng ý kiến chủ quan thay họ bao giờ. Đây là kết quả nền báo chí quốc doanh chuyên nghiệp, quen thói áp đặt, chỉ điểm Bỏ nghề đi

    Trả lờiXóa
  7. Cô Thanh Hằng này không biết có phải là Thanh Hằng phóng viên báo Công an nhân dân không??? Nếu đúng là Thanh Hằng phóng viên báo CAND thì ....cạn lời!

    Trả lờiXóa
  8. Qua đây , ĐT càng khâm phục HTC , và thấy kiến thức của các vị "Ráo sư" và nhà báo kia còn nông cạn lắm ! kiến thức về những vấn đề mang ra phản bác ở trên có thể nói là không bằng....ĐT !

    Trả lờiXóa
  9. Chợt nhớ, cách đây trên dưới 20 năm, Trần Mạnh Hảo viết phê bình sách giáo khoa ngữ văn phổ thông đăng trên một số báo của Đảng. Các ông tác giả SGK (phần lớn khoa bảng) bị bất ngờ ! Lần đầu tiên có kẻ dám chê bai mình (?), rồi ra mặt (hoặc sui học trò) phản phảo người phê mình bằng thái độ khinh miệt - cái “Thứ chúng mày không xứng...” (!) Kết cục SGK phải bị sửa. 1-0 nghiêng về hiệp sĩ Trần Mạnh Hảo.

    Các giáo- phó giáo sư hồi ấy đã nhiễm nặng bệnh hoang tưởng. Ngỡ mình là đại thông thái, tự coi mọi cái mình viết đều khuôn vàng thước ngọc- kể cả việc độc quyền cảm thụ tác phẩm (có ông mạo danh học sinh cấp 3 để cãi lại bài báo góp ý của người khác. Thật là hợm hĩnh, vô giáo dục và …!).

    Sách của Hoàng Tuấn Công dạy (đúng nghĩa đấy) các nhà giáo sư hàn lâm đừng nhìn người khác bằng con mắt lé mà hợm hĩnh, mục hạ vô nhân. Nhiều người đang đợi các ngài giúp con cháu cụ Nguyễn Lân đây.

    Trả lờiXóa
  10. Rau muống tháng 5 nàng dâu ăn mẹ chồng nhịn
    Rau muống tháng 9 nàng dâu nhịn cho mẹ chồng xơi :)

    Trả lờiXóa
  11. Những ý kiến "nói lại với Thanh Hằng" của tác giả HCT rất thuyết phục. Nói đi thì nên nói lại. Dù Thanh Hằng đã "ngộ nhận", nhưng cũng đã góp phần làm phong phú, đa chiều cuộc tranh biện cuốn sách của HCT. Ngược lại HCT đã góp phần bổ sung hoàn thiện hơn cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân. Có lẽ nhà chức trách cần có trách nhiệm để đính chính, hoàn thiện Từ điển của GS Lân dựa trên ý kiến phản biện khách quan, đúng của HCT và các nhà nghiên cứu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ điển Nguyễn Lân là của cá nhân chứ đâu phải "tài sản quốc gia" mà bảo nhà chức trách cần có trách nhiệm đính chính, hoàn thiện? Sai be bét thì ngưng tái bản, thậm chí buộc thu hồi, vậy thôi!

      Xóa
  12. Khâm phục HTC tiên sinh hậu sinh khả uý. Sửa một chữ gõ máy " thu thập câu “Chim trời các nước, ai được thì ăn”" >> Chim trời cá nước ...

    Trả lờiXóa
  13. Em Hằng đưa ra luận đề, luận điểm mơ hồ. Luận chứng, luận cứ không vững. Hãy học chữ Nho đi rồi bàn luận.

    Trả lờiXóa
  14. Thanh Hằng đấm chuông cho ai vậy ?

    Trả lờiXóa
  15. Đay là lối phê bình chỉ điểm Nguyễn Văn Lưu, Phong Lê

    Trả lờiXóa
  16. Từ nay ra đường nhớ mang theo chiếc nón mà che mặt, Hằng nhé

    Trả lờiXóa
  17. Hay nhất là : Thanh Hằng không dừng ở chỗ cần dừng,....

    Trả lờiXóa
  18. Càng bới ra càng thấy rõ trình độ thâm hậu của tác giả Hoàng Tuấn Công và sự non kém của cô hằng và các gs, TS có bằng cấp, các vị nên học hỏi Hoàng Tuấn Công về thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu và cái nhiệt tâm của ông đối với tiếng Việt.
    Xin cảm ơn học giả Hoàng Tuấn công. Mong ông có nhiều công trình hữu ích khác đặng cứu tiếng Việt đang ngày càng biến dị.

    Trả lờiXóa
  19. Tôi cho rằng chúng ta chỉ nên phê phán việc, không nên phê phán người, sao cho mỗi bình luận đều chứa hàm lượng khoa học, hết sức tránh câu chữ có tính miệt thị.
    Tôi rất tâm đắc với hầu hết cách giải nghĩa của Hoàng Tuấn Công, tuy nhiên câu: "Rau muống tháng chín, nàng dâu NHỊN cho mẹ chồng ăn". Từ NHỊN khiến tôi cho rằng cách giải nghĩa thứ nhất của Nguyễn Lân lại có lý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ NHỊN ở đây có ý mỉa mai bác ạ.

      Xóa
    2. Chữ NHỊN ở đây hàm ý mỉa mai. Người ta chỉ nhịn miệng của ngon để nhường cho người khác chứ chẳng ai nhịn của không ngon để đem cho người khác cả! Rau muống tháng chín đối với người nhà giầu thì họ không ăn, có thể họ đem thái cho vào nồi cám lơn, thế mà lại "nhịn" cho mẹ chồng thì nghe ra rất là trái cảnh.

      Xóa
    3. Tháng chín rau muống hiếm hoi, nhưng đó chỉ là thứ rau trái vụ, chát đắng và dai nhách!
      Nguồn: https://www.sachhayonline.com/tua-sach/giai-thich-thanh-ngu-tuc-ngu/rau-muong-thang-9-nhin-cho-me-chong/1755

      Xóa
  20. Tôi từng hỏi mẹ câu "Rau muống tháng chín ...", mẹ bảo nàng dâu "tốt" với mẹ chồng thế đấy, rau muống tháng chín nàng dâu nào nhai được.

    Trả lờiXóa
  21. Những điều sai mà HTC đưa ra quá hiển nhiên người bình thường cũng biết,vậy mà điều kỳ lạ là một G/S nổi tiếng hiểu sai ,giải thích sai suốt một thời gian dài.Lạ hơn nữa là một mớ các GS,tiến sĩ,các nhà văn ,nhà ngôn ngữ...lên tiếng bênh vực

    Trả lờiXóa