Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Chu Mộng Long: ĐỌC SÁCH "TRUYỆN KIỀU CHƯA XONG ĐIỀU NGHĨ"


Chu Mộng Long

ĐỌC SÁCH "TRUYỆN KIỀU CHƯA XONG ĐIỀU NGHĨ" 
HIỂU THÊM VỀ PHỤ NỮ VIỆT NAM

Quyển sách được cô giáo Phan Thị Thanh Thủy gửi tặng.

Tôi đã dành thời gian đọc bằng tất cả sự trân trọng. Thật bất ngờ khi tác giả viết hoàn toàn khác với tất cả những ai đã viết về Truyện Kiều. Đặc biệt là khác với những điều tôi nghĩ, mặc dù tôi là người luôn tìm cách nghĩ khác với những điều đã học và đã đọc.

Đó là niềm vui khi xác chứng một sự tiến bộ: tiếp nhận như là một hoạt động có tính khai phóng. Không còn thời đại các cụ kỵ dọn đường cho con cháu theo đuôi. Hãy suy nghĩ đúng chỗ và đừng tin lời những người đi trước đã nói, dù người nói đó là thánh. Albert Einstein đã dạy gần như thế.

Quyển sách dày gần 300 trang in khổ lớn như tạp chí. Trong đó chủ yếu phân tích nhân vật. Gần như mỗi nhân vật là một bài riêng. Kiều là nhân vật chính nhưng không được tác giả ưu ái dành cho phần lớn không gian của quyển sách. Nhưng Kiều vẫn nổi bật lên qua phân tích những nhân vật khác. Đó là điều thú vị của quyển sách.

Điều gì đã giúp cho tác giả có cách nhìn khác?

Đơn giản là tác giả nhìn từ mình ra để đánh giá nhân vật. Tôi gói lại trong hai chữ "xử sự" mà tác giả hay dùng cho các nhân vật.

Thúy Vân được đặt lên hàng đầu về cách xử sự. Sự hy sinh của Thúy Vân được tác giả cảm thông chia sẻ, bởi không gì lớn hơn sự hy sinh trong tình yêu, chấp nhận lấy chồng không vì tình, điều mà các học giả gần như chỉ sa đà vào đánh giá sự hy sinh vì chữ hiếu của nàng Kiều. Thúy Vân điển hình của người vợ mẫu mực truyền thống: nhẫn nhục chịu đựng.

Với điểm tựa đó, không có gì ngạc nhiên khi tác giả ngợi ca hết lời khả năng xử sự khôn khéo của Hoạn Thư khi vừa biết giữ gìn gia phong vừa biết kháng cự đạo tam tòng, vừa giữ danh dự cho chồng vừa quyết liệt với tình địch. Và cũng không ngạc nhiên khi tác giả táo bạo bênh vực cho quan tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến: vừa mưu lược chính trị vì an ninh quốc gia vừa khéo léo giải quyết quan hệ riêng tư với đàn bà...

Các nhân vật Thúc Sinh, chàng Kim, kể cả Thúy Kiều trở thành đối tượng phê phán trong cuốn sách. Phê phán chàng Thúc với thói trăng hoa thì không có gì mới. Nhưng phê chàng Kim hời hợt, Thúy Kiều nông nổi không đủ bản lĩnh vượt qua số phận, mặc dù trời phú cho cả tài lẫn tình, thì lần đầu tiên được nghe từ trong quyển sách này.

Tôi hình dung tác giả phải là người phụ nữ hoặc rất trải đời hoặc chưa từng trải mới có những đánh giá tưởng chừng rất ngược đời như vậy. Chưa nói hay dở, đúng sai, nhưng đáng nể vì người nói không để giọng nói của mình bị lấn át bởi tiếng nói của những người cao giọng.

Tôi là người ưa nổi loạn, nên ngợi ca Hồ Tôn Hiến vì đạo trung thần hay "an ninh quốc gia" thì tôi chẳng mê. Nhưng tôi thích nhất bài viết về Thúy Vân. Có lẽ Thúy Vân là một phần máu thịt của tác giả. Chợt nhớ, giai thoại Bùi Giáng khi dạy học hỏi học trò: Nếu chọn người làm vợ, các trò chọn Thúy Vân hay Thúy Kiều? Riêng thi sĩ họ Bùi chọn Thúy Vân. Tôi cũng chọn Thúy Vân. Vì lí do đơn giản: Thúy Vân là con người mẫu mực của nho phong. Hay nói giản dị hơn: chúng ta vừa không bị mất vợ vừa được vợ cưng chiều để… hưởng thụ!

Nhưng rồi tôi lại giật mình: Ta và thi sĩ họ Bùi kia ích kỉ quá chăng? Mà ích kỉ thật, bởi khi người vợ chỉ có biết hy sinh và chịu đựng thì thằng chồng như ta sẽ khốn nạn biết chừng nào. Nó sẽ chỉ biết hưởng thụ và xem sự hy sinh của người phụ nữ là tất yếu? Thật tội nghiệp cho những nàng Vân xứ Việt khi cho đến thế kỉ 21 vẫn còn là nạn nhân của Nho giáo.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách của cô giáo Phan Thị Thanh Thủy. Các bạn tìm đọc để hiểu nhiều hơn về phụ nữ Việt Nam.
 
 

6 nhận xét :

  1. Cô nào cũng là Thúy Vân cả thì làm sao có các bà lớn như CtQH, PCTN, BT Y Tế ? Các bà này chẳng phải Thúy Vân cũng chẳng phải Thúy Kiều !

    Trả lờiXóa
  2. Thúy Vân mà được "cơ cấu" thì cũng chả kém! Mà dung nhan lại còn hơn đứt! Lúc đó các 'đấng" mày râu suốt ngày xem TV, chả phải như tôi " nhìn mặt mà tắt TV"!

    Trả lờiXóa
  3. hồng nhan bạc mệnh cho ham làm gì

    Trả lờiXóa
  4. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

    Nếu có ai hỏi tôi chọn ai, xin thú thật là: Hoa thơm tôi muốn đánh cả cụm.
    Thời xưa bên tàu khựa có câu : Một đền đồng tước khóa xuân hai Kiều.
    Tôi có tham thì cũng không phải là người đầu tiên tham.
    Có cô kiều gì đó bị Cao Toàn Mỹ đẩy vô tù...

    Trả lờiXóa
  5. Chống lại những ý nghĩ có sẵn từng được một số bậc thầy văn chương đề cập. Song thế không có nghĩa là ba phải,thủ đoạn của mọi thủ đoạn, trong cuộc sống thường nhật, nhằm luôn luôn thu lợi cho mình. Và đó là vị kỷ. Vị kỷ không phải là nền móng cho một xã hội khoa học và nhân bản mà chúng ta khao khát. Cho nên, dù chưa đọc, tôi e cuốn sách mà CML giới thiệu cổ vũ cho dĩ hòa vi quý. Dĩ hòa vi quý là "mẫu số chung" của tâm lý đám đông của trí thức VN hiện tại. Thực ra, đó là vô cảm với bất công, với thực dụng...và với bất hạnh của đồng loại. Vô tình, cuốn sách ghi nhận "thành tựu' chung của văn học VN hôm nay, nền văn học bị cảnh báo là đã chết ! Người cảnh báo là Đặng Hấn thì phải...

    Trả lờiXóa
  6. Kiều là quyển truyện thơ Lục Bát. Là tác phẩm văn chương xét theo quan điểm nghệ thuật hiện tại. Cho nên, hay hay dở của Truyện Kiều là ở khía cạnh nghệ thuật thơ văn. Nếu đem luân lý và tâm lý nhân vật để phân tích Truyện Kiều cũng được nhưng sẽ chẳng có gì đáng kể. Bởi vì ngay cốt truyện cũng đã vay mượn, nội dung cũng không có gì gay cấn éo le hay phong phú như tiểu thuyết truyện dài. Có người cho rằng Khuyển Ưng chỉ là tay sai thì không có tội, Kiều xử tội chết quá nặng. Thật ra, người trực tiếp hành động phải chịu tội trước hết theo ngay qui định của luật pháp bây giờ.

    Đàn bà dễ có mấy tay
    Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
    Dễ dàng là thói hồng nhan
    Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều
    Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu
    Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca
    Rằng tôi chút dạ đàn bà
    Ghen tuông thì cũng người ta thường tình

    8 câu thơ này nhiều người khen Hoạn Thư là 1 phụ nữ bản lĩnh khôn ngoan và biết quyền biến. Rất đúng. Nhưng ở khía cạnh văn chương đã nêu ra nhiều điều thú vị chỉ trong một đoạn thơ ngắn. Đó là cái hay của văn thơ TK.

    Trả lờiXóa