Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

VN CÓ CÒN "THẨM QUYỀN" XÉT XỬ TRỊNH XUÂN THANH?


VN còn 'thẩm quyền' xét xử Trịnh Xuân Thanh?

BBC Tiếng Việt
07 - 08 - 2017

Mặc dù đã có ông Trịnh Xuân Thanh ở trong tay, Việt Nam có thể gặp một vấn đề pháp lý là phải trả lời câu hỏi liệu nước này còn có 'thẩm quyền' nữa hay không để xét xử người mà nước này nói 'đã ra đầu thú', trong lúc CHLB Đức bảo lưu ý kiến nói cựu quan chức một công ty thuộc ngành dầu khí và nguyên phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang 'đã bị bắt cóc'.

Bình luận với BBC hôm 4/8/2017 từ Sài Gòn, luật sư Lê Công Định trước hết nói về khả năng và 'mức án' mà ông Thanh, cựu tỉnh ủy viên Tỉnh Hậu Giang, có thể phải nhận, nếu Việt Nam có thể xét xử ông:

"Thực ra vấn đề này, tôi không thể nào trả lời được, bởi vì như tôi đã nói họ cho ông 'tự thú', có nghĩa là họ đã dự liệu trước khả năng là khoan hồng và do đó mức án như thế nào, chúng ta phải chờ sự thương thuyết trong nội bộ giữa những phe phái thế nào, để ấn định một mức án cho ông Thanh. 
Một khi đã sử dụng hành động vi phạm luật quốc tế để đưa ông Thanh trở về Việt Nam để xét xử, thì theo luật quốc tế nó cũng có một nguyên tắc là bên nào vi phạm thì bên đó không còn 'jurisdiction' tức là thẩm quyền xét xử đối với người nạn nhân của sự vi phạm đó. 
Luật sư Lê Công Định
"Còn ở Việt Nam chúng ta biết rằng luật pháp thì có đó, nhưng tiên liệu việc áp dụng hình phạt sẽ như thế nào, thì chỉ có trời biết, bởi vì ở Việt Nam các cơ quan thực thi pháp luật chưa bao giờ dựa trên luật để đưa ra những hình phạt một cách xác đáng, chính xác cả.

"Bao giờ họ cũng tìm cách ấn định một bản án theo ý họ muốn mà thôi, cho nên nếu một luật sư hay bất kỳ một luật gia nào tiên liệu trước khả năng là án của ông Trịnh Xuân Thanh sẽ là bao nhiêu năm tù, thì nói thật đó là việc làm không thể được'.

Nhưng luật sư Lê Công Định đề cập một phương án mà có thể là một giả định theo hướng hoàn toàn khác, ông nói:

"Tuy nhiên, chúng ta cũng nên trở lại một vấn đề liên quan luật pháp quốc tế là đối với trường hợp mà chính quyền Việt Nam một khi đã sử dụng hành động vi phạm luật quốc tế để đưa ông Thanh trở về Việt Nam để xét xử, thì theo luật quốc tế nó cũng có một nguyên tắc rằng là bên nào vi phạm thì bên đó không còn 'jurisdiction' tức là thẩm quyền xét xử đối với người nạn nhân của sự vi phạm đó.

"Do đó, nếu Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế và những chuẩn mực của luật pháp quốc tế, thì họ không có thẩm quyền để xét xử ông Thanh trong vụ án này nữa và buộc lòng họ phải trả lại cho chính phủ Đức giải quyết vấn đề này. Và việc cáo buộc ông Thanh như thế nào thì thuộc thẩm quyền của một quốc gia khác, chứ không thể nào của Việt Nam được nữa." 

Cần trung gian hòa giải?

Tại Bàn tròn của BBC Việt ngữ hôm 3/8, các luật sư khác từ Việt Nam cũng đề cập phương án xử lý khác biệt giữa Việt Nam và CHLB Đức trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh trở về Việt Nam 'đầu thú', theo truyền thông Việt Nam. 
Nếu tự nguyện tại sao không đi đến máy bay thường mà lại đi máy bay trở bệnh nhân, thế này, thế kia? Nếu như đúng các thông tin của báo chí, tôi nghĩ (nên) có một hội nghị công khai chuyện đó lên. 
Luật sư Trần Quốc Thuận
Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nêu quan điểm:

"Hiện giờ có một sự thật là có một sự khác biệt giữa thông tin, quan điểm và ý kiến của hai nước, đến bây giờ cũng có cự ly khác nhau. Tôi cho rằng cơ chế để giải quyết chắc là các nước phải gặp nhau để mà trao đổi.

"Và đây có thể là thỏa thuận nhượng bộ được, cũng không cần gì phải đưa ra một tòa án... Nó không tranh chấp gì về quyền lợi mà chỉ là tranh chấp về thông tin thôi. Vì thông tin đó sau đó sẽ kết luận, sẽ xử lý trên cơ sở kết luận thông tin ấy.

"Như vậy trở lại câu chuyện chính là có câu chuyện bắt cóc không? Và có câu chuyện là sự lên tiếng của bên Đức phù hợp với pháp luật của Đức thì có quãng xung đột với pháp luật của Việt Nam hay không?

"Còn ở Việt Nam cũng phải chứng minh được là 'chúng tôi đưa Trịnh Xuân Thanh vì Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện xin đầu thú', thì đưa ra chỗ đó giải thích như thế nào cũng là một câu chuyện.

"Nếu tự nguyện tại sao không đi đến máy bay thường mà lại đi máy bay trở bệnh nhân, thế này, thế kia? Nếu như đúng các thông tin của báo chí, tôi nghĩ (nên) có một hội nghị công khai chuyện đó lên. Rồi mỗi bên phải tự xem xét, phải có ý kiến thôi, chứ không có vấn đề gì động chạm đến quyền lợi mà dẫn đến phải đưa ra tòa quốc tế.

"Tôi cho rằng có lẽ là các bên nên gặp nhau và đã đến mức, thì mọi thứ phải công khai ra. Và công khai thì nếu ở Việt Nam, đây là vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, lớn, có thể liên quan an ninh, người ta không cho luật sư (tham dự) sớm, không cho luật sư vào từ khi khởi tố vụ án, nên cho luật sư vào để chứng kiến trong dựng nên kết luận điều tra, theo như bộ luật tố tụng hình sự mới 'rộng rãi', rồi kết hợp báo chí đưa tin, thì mọi việc sẽ được sáng tỏ. 

"Còn việc bên Đức họ qua để gặp ông Trịnh Xuân Thanh trong nhà lao được hay không, thì đó là câu chuyện khác. Trước đây, tôi có bào chữa cho vụ anh Nguyễn Hữu Vinh - vụ Ba Sàm, nhiều nghị sỹ bên Đức qua, họ được vô dự phiên tòa mà cũng không vào được, rồi họ cũng muốn vô phòng giam để coi anh Ba Sàm - Nguyễn Hữu Vinh sống thế nào, thì cũng đâu có vào được...". 

'Chờ sự thật làm rõ'
Trong tương quan luật pháp quốc tế, đề nghị bên kia căn cứ vào luật pháp của người ta, hai bên sẽ dàn xếp công việc một cách rất đơn giản, hoặc qua con đường ngoại giao và phụ thuộc vào tôn trọng luật pháp quốc tế. 
Luật sư Lê Quốc Quân
Từ Hà Nội, luật sư Lê Quốc Quân nêu quan điểm cho rằng tình huống mang tính 'mâu thuẫn' giữa hai bên về thông tin và cần chờ đợi 'sự thật' được minh định, ông nói:

"Thực ra việc này đã là mâu thuẫn ngay việc đưa tin rồi, như ai đó đã nói rằng tin tức này hoàn toàn không thỏa mãn và chúng ta phải đợi sự thật được làm rõ. Cho nên phải biết được sự thật như thế nào, thì mới xác định được phản ứng của nó như thế nào cho đúng đắn.

"Riêng về trình tự của quốc tế mà giải quyết vấn đề này, theo tôi cũng không có gì khó khăn, hoặc mình theo thủ tục quốc tế. Trước đây về mặt thủ tục..., bên Việt Nam khẩn cầu bên Đức, và (nếu) bên Đức chấp nhận lời khẩn cầu thì sẽ đưa bàn giao về.

"Còn lại trong tương quan luật pháp quốc tế, đề nghị bên kia căn cứ vào luật pháp của người ta, hai bên sẽ dàn xếp công việc một cách rất đơn giản, hoặc qua con đường ngoại giao và phụ thuộc vào tôn trọng luật pháp quốc tế.

"Thực ra luật pháp quốc tế bây giờ không chỉ dựa vào các điều ước quốc tế, mà còn dựa vào các yếu tố hợp tác gọi là các điều ước song phương, không phải đa phương, song phương mà thậm chí còn quy định hẳn luật pháp các nước sở tại...

"Cho nên dựa vào luật pháp quốc tế..., giải quyết một cách ôn hòa, đơn giản, tôi nghĩ rằng rất là dễ dàng để (giải quyết) vấn đề này. Tuy nhiên ở đây, nó quá bức xúc và tôi cảm giác như có một câu chuyện là đấu tranh, tư thù lẫn nhau, cho nên mới dẫn đến chuyện ấy. Ví dụ như khởi phát việc rất nhỏ, sau đó thì đánh ra thành sự lớn..." 
Ở Đức, nhà nước là tam quyền phân lập, cho nên ở đây, họ làm việc mọi cái đều theo pháp luật, cho nên đầu tiên pháp luật sẽ được đưa ra để dùng và họ sẽ vận dụng như trong thời gian vừa qua, cũng như sắp tới. 
Nhà báo Lê Trung Khoa
Một ý kiến khác tại Bàn tròn của nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ biên tờ báo mạng Thờibáo.de từ Berlin, bình luận khả năng xử lý vụ việc đang xảy ra với ông Trịnh Xuân Thanh, mà trong đó đang có khác biệt giữa hai nhà nước Việt Nam và Đức:

"Như tôi được biết, ông Trịnh Xuân Thanh đã có một nhóm luật sư rất giỏi để ông tranh tụng trong việc này. 

"Mỗi luật sư sẽ có trách nhiệm về một mảng riêng, ví dụ một luật sư tại thành phố Frankfurt am Main chuyên tranh tụng về vấn đề tị nạn, một luật sư khác ở Berlin cũng rất giỏi, lại chuyên tranh tụng cho vấn đề chống trục xuất và ngoài ra còn những luật sư khác nữa. 

"Ở Đức, nhà nước là tam quyền phân lập, cho nên ở đây, họ làm việc mọi cái đều theo pháp luật, nên đầu tiên pháp luật sẽ được đưa ra để dùng và họ sẽ vận dụng như trong thời gian vừa qua, cũng như sắp tới," nhà báo Lê Trung Khoa nói với BBC.

Mời quý vị nhấn chuột vào đây để theo dõi Bàn tròn Điểm tin của BBC Tiếng Việt, trong đó các khách mời cập nhật một số tình tiết mới về vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh và đưa ra các phân tích, bình luận.

2 nhận xét :

  1. Đã dám sang Đức bắt người, thì có gì mà không dám. Đương nhiên, VN cứ đem Thanh ra xử, thế giới có chửi nữa cũng thế thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Việt Nam nên trả ông Thanh về Đức để tránh thảm họa kinh tế:
    _Hiện nay tôm xuất khẩu sang Mỹ bị kiện chống bán phá giá, Mỹ áp thuế rất cao và còn truy thu thuế của mấy năm trước, tiền thuế này được lấy từ tiền thế chân của Việt Nam, Chưa hết, cá da trơn cũng bị áp thuế và ngặt nghèo hơn nữa là Mỹ sẽ kiểm tra 100% lô thủy sản ca tra xuất khẩu chứ không kiểm tra đại diện như những năm trước, tức là Mỹ sẽ kiểm tra từng con cá một xuất sang nước Mỹ. Thị trường Mỹ xem như rất khó nuốt.
    _ Nếu Đức trừng phạt kinh tế Việt Nam thì cũng rất mệt vì Đức là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở Liên Minh châu Âu (Germany is Vietnam's biggest trading partner in the European Union_ ngùôn Reuteurs).
    Việt Nam nên tuân thủ luật quốc tế, điều này vừa gỡ được thế bế tắc kinh tế vừa tỏ ra là nước văn minh thì cũng tốt chứ sao!

    Trả lờiXóa