Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Hoàng Tuấn Công: CHÚNG TÔI KHÔNG "TẤN CÔNG" CÁ NHÂN NÀO

Tác giả: Hoàng Tuấn Công. Ảnh: FB Hoàng Tuấn Công.

Hoàng Tuấn Công:
.
CHÚNG TÔI KHÔNG "TẤN CÔNG" CÁ NHÂN NÀO

“Mỗi tác phẩm, công trình nghiên cứu được ví như những “đứa con tinh thần” của tác giả. Nghĩa là có thai nghén, ấp ủ, mang nặng đẻ đau. Khi ra đời thì dù hay dở thế nào, cha đẻ của nó cũng phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã viết, kể cả sau khi chết. Riêng đối với những công trình như từ điển, sách khảo cứu, thì sau khi “đứa con” ra đời, nếu chưa tốt, “cha đẻ” của nó còn phải lắng nghe dư luận, tiếp thu ý kiến độc giả để tiếp tục “nuôi dạy” đứa con tinh thần của mình “nên người”. Bởi vậy, có thể nói, mỗi lần tái bản là một cơ hội vô cùng quý giá để soạn giả bổ khuyết thiếu sót, kịp thời sửa chữa nhầm lẫn.


Có thể lấy ví dụ quyển “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm từ điển học Vietlex kế thừa. Từ khi ra đời (2007) đến nay, sách đã được Trung tâm từ điển học Vietlex (do GS Hoàng Phê sáng lập) tái bản và sửa chữa, bổ sung rất nhiều lần. Trong mỗi quyển từ điển do Vietlex phát hành đều in sẵn một phiếu góp ý. Bạn đọc sẽ được tặng sách nếu tìm ra được “những góp ý xác đáng nhất thiết phải sửa về nội dung” (trích nội dung phiếu góp ý). Trong khi sử dụng Từ điển Vietlex, chúng tôi đã phát hiện một số sai sót “nhất thiết phải sửa” như vậy. Cuối năm 2014, được biết Vietlex đang có kế hoạch tái bản Từ điển tiếng Việt này, chúng tôi đã gửi đến Vietlex những góp ý cụ thể cho từng mục từ. Điều đáng hoan nghênh là hầu hết những góp ý của chúng tôi đã được Vietlex kịp thời tiếp thu và sửa chữa trong lần tái bản 2015. Đây chính là một trong những lý do khiến từ điển của Vietlex trở thành quyển từ điển tiếng Việt tốt nhất hiện nay.





Trở lại câu chuyện từ điển của GS Nguyễn Lân. Người xưa dạy rằng: “過而不改謂過矣 - Quá nhi bất cải vị quá hĩ”, nghĩa là “Có lỗi lầm mà không sửa, ấy mới thật là có lỗi vậy”. Một điều đặc biệt là các công trình từ điển của GS Nguyễn Lân hầu như không hề được sửa chữa, bổ sung gì. Thậm chí, khi độc giả và các nhà nghiên cứu (cụ thể như Huệ Thiên - An Chi) chỉ ra những sai sót, thì “cha đẻ” của nó lại ứng xử theo kiểu “bênh con lon xon mắng láng giềng”:

“Những điều mà ông Huệ Thiên nêu lên trong bài “Đọc lướt” của ông ấy đều tỏ rằng sự phê bình như thế là không chính đáng. Rất mong các vị độc giả đã đọc bài “Đọc lướt” của ông ta trên tạp chí Văn ở miền Nam sẽ đánh giá khả năng và tư cách của ông ấy thế nào”. (“Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân” - Huệ Thiên, tài liệu đã dẫn).

[Sau loạt bài của Huệ Thiên, nếu GS Nguyễn Lân cầu thị, xem xét lại toàn bộ nội dung của các cuốn từ điển do mình biên soạn rồi đính chính, sửa chữa lớn trước khi tái bản; hoặc chưa có điều kiện sửa chữa thì chưa tái bản, thì sự việc chắc chắn sẽ khác đi rất nhiều. Ít nhất là đến hôm nay, chúng tôi đã không cần nhọc lòng ngồi viết những dòng này]”. (trích “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”-Hoàng Tuấn Công – NXB Hội Nhà văn – 2017, tr 540).

Khi viết sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”, chúng tôi không nhằm “tấn công”, hay “ném đá” bất kỳ một cá nhân nào.

Chứng cứ là tác giả (Hoàng Tuấn Công) đã từng viết rất nhiều bài phê bình về các cuốn từ điển tiếng Việt, cũng như các thể loại văn chương, sách công cụ tra cứu khác. (Ví dụ: 7 bài về chuyện chữ nghĩa của GS Vũ Khiêu; 3 kỳ về những sai sót trong "Giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Trung học cơ sở”, của PGS.TS Nguyễn Công Lý (còn 1 kỳ cuối chưa đăng); 3 kỳ về “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Cừ; 8 bài chỉ ra những cái sai trong các công trình nghiên cứu về thơ Hồ Chí Minh của Lê Xuân Đức; hàng chục bài về từ điển tiếng Việt kém chất lượng của nhiều nhà xuất bản khác nhau…Các bài này đăng trên TCTP, hoặc các báo chí chính thống).

Có chăng, cái khác ở đây là: sai ít thì gói gọn trong một bài (hoặc nhiều bài); sai nhiều thì viết hẳn thành một cuốn sách để hầu bạn đọc.

Đơn giản chỉ vậy thôi.

9/8/2017
Hoàng Tuấn Công
------------

P/S: Một số sai sót trong “Từ điển tiếng Việt” của Vietlex (kể cả sai sót từ thời GS Hoàng Phê) được chúng tôi tập hợp, dự định sẽ công bố. Tuy nhiên, khi được biết thông tin cuốn từ điển này sắp tái bản, chúng tôi đã gửi trực tiếp bài viết đến Trung tâm từ điển học, với mong muốn những lỗi này sẽ được chỉnh sửa kịp thời trong lần tái bản gần nhất, mà không kèm bất cứ một điều kiện nào (Mục đích cuối cùng của chúng tôi, là có những cuốn từ điển tốt, chứ không phải danh tiếng, hay “đánh đấm” ai). Tuy nhiên, Trung tâm từ điển học Vietlex đã ghi lời cảm ơn chúng tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) ở phần "Lời nói đầu" lần tái bản 2015.

Nhân đây, cũng xin trả lời câu hỏi của rất nhiều bạn đọc vẫn thường hỏi, là nên mua cuốn từ điển nào. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, thì "Từ điển tiếng Việt" của Vietlex là cuốn từ điển tốt nhất hiện nay (cũng là một trong những cuốn từ điển được chúng tôi sử dụng làm công cụ tra cứu quan trọng nhất khi biên soạn sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu”). Đáng tiếc, là hiện nay, nhiều nhà xuất bản đã cấp phép cho các cuốn từ điển khổ nhỏ, nhái từ điển của Vietlex, dùng chiêu cạnh tranh về giá cả để móc túi bạn đọc, đưa bạn đọc vào tình cảnh tiền mất tật mang. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng, nhưng những loại từ điển này vẫn tràn ngập thị trường.

11 nhận xét :

  1. Boris Pasternak đã từng nói : "Mỗi tác phẩm như một trái táo được hái lúc còn xanh, nó tự ủ chín nó." . Vậy thì cứ để nó sống ngoài đời, nếu nó chất lượng thì tự khắc người đời tìm đọc, tức là đời nuôi dưỡng tác phẩm ấy. Nếu nó không đủ sức lôi kéo độc giả thì nó chết non, thế thôi!
    Nói thật ra, nhiều người cũng chẳng biết tác phẩm của cụ Nguyễn Lân, nay nhờ có ông Hoàng Tuấn Công thì mới có người tìm hiểu cụ Nguyễn Lân đã viết gì!

    Trả lờiXóa
  2. Tấn công bằng học thuật thì tốt chứ sao

    Trả lờiXóa
  3. Làm việc về chữ nghĩa ít nhất phải có tâm, có tài và trên hết phải thực sự cầu thị như tác giả bài này thì ai chê được?

    Trả lờiXóa
  4. “Những điều mà ông Huệ Thiên nêu lên trong bài “Đọc lướt” của ông ấy đều tỏ rằng sự phê bình như thế là không chính đáng. Rất mong các vị độc giả đã đọc bài “Đọc lướt” của ông ta trên tạp chí Văn ở miền Nam sẽ đánh giá khả năng và tư cách của ông ấy thế nào”. (“Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân” - Huệ Thiên, tài liệu đã dẫn).
    Mặc dù đã có phần trong ngoặc ở dưới nhưng tôi vẫn không hiểu câu trích chính là của ai, có vẻ như là "phản ứng" của NL. Nếu đúng là của NL thì thực chẳng có gì để nói, không thể góp ý! Lời kêu gọi chỉ giáo ở đầu sách chỉ là khuôn sáo thôi!

    Trả lờiXóa
  5. Xin cho hỏi:Cầu thị nghĩa là gì?Liệu đứng một mình có chuẩn không?Đa tạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cầu thị và trọng thị đều do bắt chước Tàu mà ra cả
      vì trước đây,không thấy ai viết như vậy !
      Trọng thị là xem trọng,coi trọng thì "sính" chữ Hán Việt làm gì cơ chứ ?!?!

      Xóa
  6. ĐÔI LỜI VỚI CÁC CỤ

    Từ năm 94, tôi cũng chạc tuổi anh Công, từng có thư góp ý một số sai sót trong cuốn từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do GS Hoàng Phê chủ biên, mà tôi rất thích, nhưng không nhận được hồi âm, nên cũng quên luôn chuyện này. Nay biết anh Công có góp ý và Từ điển này đã chỉnh sửa, lấy làm mừng. Tôi sẽ xem lại những lỗi trước đây tôi góp ý có được sửa không, nếu không chắc chắn sẽ có góp ý cần thiết.
    Từ điển là một phạm vi kiến thức rất rộng lớn, nhất là những thuật ngữ chuyên môn, chuyên ngành, phải là người trong nghề hẹp mới hiểu được, nên chuyện một người hay một nhóm người làm từ điển mắc sai sót là bình thường, ngay Viện Ngôn ngữ cũng không thể có đủ chuyên gia hiểu biết hết mọi lĩnh vực. Tôi nghĩ cả anh Công và chúng ta cũng vậy, anh và chúng ta chỉ có thể nhận xét hay phê bình những cái anh và chúng ta biết. Còn rất nhiều cái anh và chúng ta không biết. Vấn đề là phải biết trân trọng tiếp thu góp ý để hoàn thiện.
    Còn về cuốn từ điển của cụ Nguyễn Lân, tôi cho rằng cũng không nên nặng nề quá với cụ khi cụ đã ra đi. Lại nữa, một cụ già 90 tuổi, cái tuổi bắt đầu lẫn, không còn khả năng đọc sách, những điều viết ra chủ yếu là do trí nhớ đã cùn mòn gần hết, mà biên soạn từ điển hàng nghìn trang, nếu không có sai sót mới là điều lạ lùng. Trách nhiệm chỉ một phần thuộc về cụ, mà phần quan trọng là do NXB hay nơi ký hợp đồng với cụ không có chuyên môn để thẩm định, chỉ tin vào “tín chấp” của cụ cho sản phẩm làm ra. Ở tuổi cụ người ta làm “hồi tuyển” lâu rồi, mà cụ còn lọ mọ lục lọi trí nhớ viết ra cuốn từ điển hàng nghìn trang, cũng là chuyện “phi thường” và “can đảm”. Việc cũng không quá to tát đến mức lo ngành từ điển học của VN đang suy đồi. Tôi cho rằng cuốn từ điển đó hỏng, là hàng hỏng, sản phẩm hỏng, không nên tung ra thị trường, nên bỏ đi, và đừng bao giờ nhắc đến nữa.
    Lại với cụ Vũ Khiêu, tôi nghĩ cũng không nên nặng nề quá với cụ làm gì. Người đã trăm tuổi như ngọn đèn trước gió, nhớ nhớ quên quên, viết ra nói ra nhiều khi lẩn thẩn. Sự ấy ai rồi cũng phải trải qua. Trách là trách cái người hay cái tổ chức nào đó mượn cụ để trục lợi khiến cho cụ già trở thành trò cười cho thiên hạ.
    Nên khuyên/nhắc các con cháu của các cụ ấy phải biết điều tiết ham muốn hay nổi hứng của các cụ. Người ta bảo, “già trẻ bằng nhau”. Các cụ như trẻ con ấy mà. Mà hứng trẻ con ai còn lạ gì. Lỗi ấy một phần cũng thuộc về con cháu các cụ.

    Mới biết cái “tri túc tri chỉ” nó khó thế đấy.
    Mà cũng có phần lỗi của chúng ta. Sao chúng ta không soạn ra những cuốn từ điển thật trứ danh để cho những thứ hàng dỏm hàng nhái đó không có đất sống?

    Vậy nên, coi như chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh” chăng?

    Nguyễn Nhân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi, mà có ai trách cứ gì những người già lẩn thẩn đâu.
      Nhưng mà hàng lỗi cũng phải chỉ ra rằng nó lỗi.
      Đằng này, những người trẻ và minh mẫn vẫn cứ sản xuất hàng loạt những mẻ hàng lỗi đó để kiếm tiền thì cũng phải có người kêu to lên để cảnh báo chứ.
      Còn những người con thấy cha "viết và nói ra lẩn thẩn" thì cũng nên tìm cách ngăn cản cha, hạn chế tiếp xúc với người khác đi chứ, đằng này lại còn gặp gỡ ôm hôn hoa hậu rồi tặng câu đối cho hoa hậu và cả Thủ tướng nữa thì sao bảo thiên hạ người ta cho qua được.
      Thực phẩm độc hại có người phát hiện ra, người đó không ăn thì đã đành, nhưng nếu không kêu rầm lên cho mọi người cùng biết thì cũng là đồng lõa với kẻ làm ra thực phẩm bẩn.

      Xóa
    2. Cám ơn Nguyễn Nhân, tôi cũng nghĩ thế và cũng không lấy làm nặng nề với các cụ ấy. Tôi có may mắn biết các cụ ấy và con cháu các cụ ấy. Ông viết thế là thấu đạt tình lý. Nếu các cụ đã lẩn thẩn mà không biết "tri túc", hà cớ gì chúng ta không "tri túc" với các cụ? Chúng ta cứ phê cái sai cái dở của các cụ ấy, nhưng nhớ cho cái ngữ khí đừng "nồng nhiệt" quá, mà cũng đừng chỉ nhìn thấy cái sai cái dở ấy, dù sao các cụ cũng chỉ là sản phẩm của lịch sử. Nói vậy không phải là nói hộ các cụ ấy, mà là nói cho chính chúng ta. Chúng ta cũng đang có những sai lầm chết người. Rồi con cháu chúng ta sẽ phán xét chúng ta. Nhưng các bạn trẻ hậu sinh ơi, nếu phê phán chúng tôi, nhớ chúng tôi cũng chỉ là sản phẩm lịch sử nhé, để ngữ khí phê phán đừng "nồng nhiệt" quá nhé.

      Xóa
  7. Trần Thị Thảolúc 12:57 9 tháng 8, 2017

    Ước ao biết mặt Hoàng Tuấn Công thì hôm nay mãn nhãn. Khi đọc một số bài viết của HTC thì trong thâm tâm tôi cứ nghĩ ông ta phải già lắm ,giống như một ông đồ nho mà tôi đã gặp đâu đó . Không ngờ HTC còn trẻ và đẹp trai nữa . Chúc mừng ông : TUỔI TRẺ TÀI CAO trong lĩnh vực Hán Nôm .

    Trả lờiXóa
  8. bài của ông Nguyên Nhân viết chí lý quá . Cảm ơn ông Nguyên Nhân !

    Trả lờiXóa