Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

TỪ KÝ KHÔNG DẤU NGUYỄN ĐỨC CHUNG, SOI LẠI HIỆP ĐỊNH PARIS


Từ 'ký không dấu Nguyễn Đức Chung', 
soi lại Hiệp định Paris

Nguyễn Tường Thụy

Việc chính quyền ký cam kết không truy cứu trách nhiệm đối với người dân Đồng Tâm nhưng chưa đầy 2 tháng sau lại khởi tố vụ án lập tức bị phản ứng. Nhà cầm quyền hẳn đã chuẩn bị trước lý lẽ để đối phó với dư luận. Tuy nhiên, dù ngụy biện cách gì thì cũng không thể che đậy được một thực tế hiển nhiên là họ đã lật lọng, bội ước đối với người dân Đồng Tâm. Một số luận điệu của dư luận viên hoặc của một vài quan chức, dân biểu bưng bô đã đành nhưng điều kỳ lạ là chính ông Chung cũng đưa ra những ngụy biện hết sức vớ vẩn.

1. Trước hết, nói về tư cách của ông Nguyễn Đức Chung khi về làm việc với người dân Đồng Tâm. Ông Chung về Đồng Tâm làm việc với tư cách là Chủ tịch thành phố, đại diện cho chính quyền chứ không phải là ông Chung về thăm quê, đi họp lớp hay họp đồng hương. Đi theo ông còn có cả đoàn tùy tùng cho thêm phần long trọng. Trong đó có ông nghị Dương Trung Quốc và một ông dù không còn là nghị nhưng là Phó ban Dân nguyện Quốc hội Đỗ Văn Đương, toàn những ông nổi tiếng, tuy mỗi ông nổi tiếng một kiểu. Về mặt pháp lý, Bản cam kết là chính quyền cam kết với người dân Đồng Tâm chứ không phải cá nhân ông Chung. Vì vậy, việc làm của ông Chung nếu có sai thì chính quyền phải chịu trách nhiệm. Họ không thể đổ cho người đại diện của mình mà coi những gì người đại diện thỏa thuận là không có giá trị. Nếu ông Chung không có thẩm quyền để cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm thì nhà cầm quyền vẫn phải thực hiện lời hứa ấy, còn sai thì nội bộ họ giải quyết, kiểm điểm với nhau, có thể kỷ luật hay cách chức ông Chung là việc của họ.

Xin liên hệ tới một giả dụ như sau: Ông Tổng bí thư ra nước ngoài ký văn kiện này, văn kiện khác không phải là văn kiện đảng mà là những nội dung thuộc chức năng của Nhà nước hay Chính phủ. Nếu những cam kết ấy gây thiệt hại nghiêm trọng cho Việt Nam về kinh tế, thậm chí về chủ quyền, biển đảo thì ông chủ tịch nước hay ông thủ tướng không thể nói rằng, ông ấy tổng bí thư nên chỉ có quyền ký các văn bản giữa 2 đảng thôi chứ không có quyền thay mặt cho Nhà nước, Chính phủ nên chúng tôi không thể thực hiện. Liệu lập luận ấy, nước đối tác có nghe không?

Ông Chung cho rằng quyền khởi tố là của cơ quan pháp luật chứ không phải của ông ấy. Xin hỏi ông, nếu xác định như vậy thì tại sao ông lại dám cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân Đồng Tâm? Với những cương vị ông đã và đang trải qua, không thể nói ông không hiểu biết về pháp luật. Bằng việc chối bỏ này, ông Chung đã tự vả vào mặt mình.

2. Thứ hai là ngụy biện chữ ký của ông Chung không có con dấu nên không có giá trị. Cần hiểu trong một văn bản, điều quan trọng nhất, mang giá trị pháp lý là chữ ký. Chỉ cần không phải là chữ ký giả, hoặc người ký xác nhận của mình là được. Trường hợp này, ông Chung không và sẽ không bao giờ nói đó không phải là chữ ký của tôi. Còn con dấu, nó có ý nghĩa xác nhận chữ ký của một ai đó mà thôi.

Xin mời tham khảo một bản Hiệp định. Văn bản Hiệp định Pa ri được ký bởi 4 bên. Thử hỏi trong 4 chữ ký của 4 ngoại trưởng, có chữ nào có con dấu? Không có con dấu nhưng không phải vì thế, Hiệp định Pa ri không có giá trị, không thể coi đó là mớ giấy lộn. Nếu bên nào vi phạm Hiệp định thì phải chịu sự lên án của công luận, bị quốc tế trừng phạt chứ không thể cãi chầy cối rằng, tôi ký nhưng có đóng dấu đâu nên tôi không có nghĩa vụ phải thi hành?

Cũng không thể đổ cho bản cam kết viết trên giấy học trò. Nội dung gì thì viết trên giấy nào, đánh máy hay viết tay vẫn có giá trị như nhau. Không thể đổ cho người khác viết mà ông Chung chỉ việc ký nên không thể coi là ý ông Chung. Nếu thế, xin hỏi, quyết định bổ nhiệm cất nhắc một cán bộ dưới quyền do người khác đánh máy, in ra cho ông Chung ký thì có bị từ chối không hay là phải tự tay ông Chung viết mới được?

3. Thứ ba là ngụy biện tình thế của ông Nguyễn Đức Chung khi về làm việc với người dân Đồng Tâm bắt buộc ông phải cam kết như thế. Ông Chung có nói với ông Lê Đình Kình qua điện thoại rằng dân tự viết biên bản rồi ép tôi ký và lăn tay. Nếu lúc đó tôi không ký thì chỉ cần ai hô một câu thì hậu quả như thế nào cụ biết rồi. Với kiểu cãi cùn này, e rằng rồi đây toàn dân thủ đô sẽ bắt chước ông Chung mà thoải mái ký hợp đồng hay cam kết này nọ mà không sợ phải chịu trách nhiệm, chỉ cần đưa ra lý do tình thế của tôi lúc ấy nó như thế.

Tình thế khi ấy không phải là chuyện sống mái giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền. Trước khi ông Chung về, người dân Đồng Tâm đã thể hiện thiện chí của mình: họ tuyên bố tin tưởng vào Đảng, 38 con tin được đối xử tử tế, đã nhiều ngày chờ đợi, mong mỏi đón ông Chung về làm việc.

Tình thế lúc ấy còn là cả hai bên đều muốn giải quyết xung đột. Phía chính quyền muốn thả nốt số con tin còn lại, còn người dân Đồng Tâm cũng không muốn và không thể giữ họ mãi. Cho dù ông Chung không cam kết cụ thể điều gì thì cũng không thể đến nỗi có ai “hô một tiếng” thì lập tức có chuyện gì ghê gớm lắm xảy ra được. Hơn ai hết, ông Chung là người hiểu rõ tình thế khi ấy.

Mặt khác, ông Nguyễn Đức Chung từng được ca ngợi là người có bản lĩnh. Có lần ông một mình vào gặp kẻ đang khống chế con tin để thuyết phục. Chỉ vài phút gặp đối tượng, kẻ khống chế đã đồng ý thả con tin, đi theo ông về trụ sở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.

Vì vậy, nói tình thế khi ấy bắt buộc ông Chung phải làm thế (tức cam kết đại) là không thể tin được.

4. Có một ngụy biện của một dư luận viên nào đó rằng , ông Chung hứa không truy cứu trách nhiệm đối với toàn thể dân Đồng Tâm, và căn cứ vào chữ “toàn thể” thì khởi tố một số người là không trái với cam kết. Chầy cối đến mức này thì không còn gì để mà nói nữa. Cứ theo lẽ đó mà suy, nếu Đồng Tâm có 8000 dân thì công an Hà Nội có thể có thể khởi tố 7999 người vẫn không lo trái cam kết vì 7999 người vẫn không phải là “toàn thể” nhân dân Đồng Tâm chăng?
*

Ấy là nói chuyện lý lẽ với nhau. Chứ với người đàng hoàng, một đảng phái hay một chế độ đàng hoàng thì chẳng cần phải giấy tờ, chẳng cần ghi âm hay ghi hình, chỉ cần lời nói thì vẫn phải giữ lấy lời. Chữ tín vô cùng quan trọng, là đức tính hàng đầu người quân tử phải giữ. Còn cam kết xong rồi cãi chày cãi cối dù không ai nói lại thì trong con mắt người đời, anh ta, đảng của anh ta hay chế độ anh ta phục vụ chỉ là những kẻ lừa đảo, không đáng tin cậy.

Phân tích như thế để rõ một điều rằng, không thể nói Bản cam kết Đồng Tâm không có giá trị pháp lý. Việc Công an Hà Nội khởi tố vụ án bắt giữ con tin là sự tráo trở đê hèn của nhà cầm quyền đối với người dân Đồng Tâm.

Uy tín của Đảng CSVN, của chế độ chưa bao giờ cạn kiệt như hiện nay. Phải chăng, khởi tố vụ án, lật lọng đối với người dân Đồng Tâm bất chấp dư luận chỉ nhằm giải tỏa tâm lý cay cú, muốn trả thù, rửa nhục vì họ không còn uy tín để mà mất.

  Hình 1: Bản cam kết.
.
Hình 2: Chữ ký ở Hiệp định Pa ri không có con dấu, ai bảo là không có giá trị?

1 nhận xét :

  1. Ông Dương Trung Quốc là một dân biểu đại diện cho nhân dân mà phát biểu như vậy không hiểu ông trong con mắt của người dân có được tôn trọng như trước?

    Trả lờiXóa