Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Mai Thanh Sơn: BĂN KHOĂN VỀ CÁI GỌI LÀ DI SẢN CỦA CỤ HỒ

Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh tại Trung Quốc. Ảnh: tư liệu.

CHỈ LÀ MỘT CHÚT BĂN KHOĂN

Nhà cháu là người nhà quê, vốn dĩ không thích chuyện chính trị, lâu nay chỉ loanh quanh với mụ Tít Nờ. Nhưng mấy hôm nay thấy bà con "làng Phây" ồn ã chuyện Di sản của cụ Hồ Chí Minh mà nhà thơ-đạo diễn Đỗ Minh Tuấn liệt kê nên tò mò vào đọc. Nhà cháu thấy bác nào nói cũng hay, nhưng có mấy chuyện cứ băn khoăn mà chưa tìm được lời giải đáp nên mang ra đây để hỏi. Bác nào biết, xin chỉ giáo:

1. Nhà thơ-đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói di sản đầu tiên/lớn nhất mà cụ Hồ Chí Minh để lại chính là "Hiến pháp 1946, xây dựng thể chế dân chủ kiểu Tam Dân". Xin được hỏi, Tam dân có phải là "một kiểu thể chế" hay không? Theo chỗ nhà cháu biết, "Tam dân" là một học thuyết do Tôn Trung Sơn đề xuất (sau khi đã tham khảo mục đích của rất nhiều cuộc cách mạng ở phương Tây): dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Và đó cũng là mục đích của cuộc cách mạng do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Cụ Hồ kế thừa và vận dụng mục tiêu đó vào cách mạng Việt Nam cũng chẳng có gì đáng phê phán. Nhà cháu có ông bạn là một nhà nghiên cứu văn hóa, có nói rằng, có đến 90% thực hành văn hóa của mỗi cộng đồng người là do học hỏi/du nhập từ bên ngoài. Nhưng mục đích có thể gọi là thể chế hay không? Hình như 2 cái đó không đồng nhất thì phải? Thể chế, nhà cháu hiểu nôm na, là “luật chơi”. Với một quốc gia, “luật chơi” lớn nhất/có vai trò "luật mẹ" chính là Hiến pháp. Và nhà cháu nghĩ rằng, Hiến pháp 1946 thực sự có những tiến bộ. Nó ngắn gọn, cô đọng, có nhiều nét tương đồng với Hiến pháp Mỹ. Điều dễ nhận thấy nhất: Nó đã đưa ra/và đề cao nguyên tắc nhà nước dân chủ theo mô hình “TAM QUYỀN PHÂN LẬP”. Phải chăng nhà thơ-đạo diễn Đỗ Minh Tuấn muốn nói đến chính là nội dung này chứ không phải “Tam dân”?

2. Trong Tuyên ngôn độc lập, tuyên đọc ngày 02/09/1945, cụ Hồ có dẫn một đoạn trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Quá hay. Tuy nhiên, trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ, ngay sau đoạn trích dẫn trên, còn có một nội dung rất quan trọng, đề cập đến quyền lực của nhân dân: “Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.” 


Không biết vì lý do gì, cụ Hồ đã không trích dẫn đoạn văn trên. Bác nào biết xin mách giùm?

3. Nhất quán với quan điểm mọi người đều “có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” ("quyền mưu cầu hạnh phúc" được nhiều người giải thích là một cách diễn đạt khác của quyền sở hữu), tại Hiến pháp 1946, Điều thứ 11 quy định “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.”; điều thứ 12 chỉ rõ “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm.” Rất rõ ràng.

Tuy nhiên, cũng chính cụ Hồ, vào ngày 19 tháng 12 năm 1953, đã phê thuận và chính thức ban hành luật Cải cách ruộng đất, cho phép tịch thu ruộng đất/tài sản/nhà cửa của các điền chủ, không cần truy nguyên nguồn gốc; và xử bắn nhiều người không qua xét xử của tòa án nhân dân. Lưu ý rằng, khi ban hành bộ luật này, Quốc hội khóa I chưa tu chính Hiến pháp 1946. Không hiểu đó có phải là hành động vi hiến? 


Có khi nào Cụ nghĩ rằng, CCRĐ sẽ để lại những hệ lụy cho đến tận ngày nay? Và những giọt nước mắt của Cụ có thể chiêu tuyết các oan hồn trong CCRĐ?

4. Người đầu tiên bị hành quyết trong CCRĐ là một phụ nữ. Cụ Hồ chắc biết rất rõ rằng, người Việt Nam có tục thờ Mẫu. Cụ là người bôn ba khắp Đông Tây, chắc cũng hiểu rằng, theo quan niệm phổ quát của loài người, MẸ là TỰ NHIÊN, là TIÊN THIÊN. Việc hành quyết một BÀ MẸ để bắt đầu cho một cuộc cách mạng liệu có phải là một quyết định sáng suốt/khôn ngoan? Đó là chưa kể, người mẹ đó có ơn với nhiều chiến sỹ cộng sản, với chính quyền cách mạng non trẻ, lại đang có 2 con trai chiến đấu ngoài mặt trận. 


Đó có phải là một cách trả nghĩa không?

5. Tại Hiến pháp 1946, Điều thứ 10 ghi rõ: 

“Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”

Tuy nhiên, những năm 1955-1958 (Hiến pháp 1946 vẫn còn hiệu lực), các nghệ sỹ có thực sự được tự do sáng tác/xuất bản, biểu đạt quan điểm của mình? Và cụ Hồ đã làm gì để các văn nghệ sỹ được đảm bảo các quyền Hiến định của họ?

6. Hiến pháp 1959, Điều 11 quy định: “Ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong thời kỳ quá độ, các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ, và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc.” Điều đó cũng có nghĩa là những người nông dân như nhà cháu hoàn toàn có quyền tư hữu về ruộng đất. Nhưng trên thực tế, đến năm 1960, Cụ lại chủ trương phát động phong trào HTX. Nói là phong trào (đồng nghĩa với tính chất tự nguyện) nhưng khi thực hiện, tính chất áp đặt là rất rõ. Và người nông dân vừa được chia đất cách đó chưa lâu (đúng với mục tiêu của cách mạng mà Cụ đề ra là người cày có ruộng), lại phải mang góp vào HTX. Nếu không góp, thật khó sống trong họ ngoài làng; và con cái trong tuổi đi học thật khó mà chịu nổi sự ghẻ lạnh của thầy/cô cũng như bạn bè. 


Như vậy, giữa điều Cụ nói và điều Cụ làm có chỗ nào mâu thuẫn không nhỉ? Ai biết giải thích giùm?

7. Hiến pháp 1959, “Điều 27: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được bảo đảm. Không ai có thể bị bắt nếu không có sự quyết định của Toà án nhân dân hoặc sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân.”

Tuy nhiên, những năm 1967-1968 từng có rất nhiều người bị bắt và bỏ tù mà không hề có phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân cũng như phán quyết của Toàn án nhân dân. Trong số những người bị bắt/bỏ tù, có cả những người đồng chí thân thiết của Cụ. Cụ có biết điều đó không? Nếu có, cụ đã làm gì để bảo vệ Hiến pháp và minh oan cho các đồng chí của mình?

8. Để chứng minh cho sự minh triết và tài tiên đoán của Cụ, nhà thơ-đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và một vài người khác có kể lại câu chuyện, Cụ nói với ông Tố Hữu rằng “Bác chẳng sợ thằng đế quốc nào. Bác chỉ sợ các chú.” Nhà cháu công nhận điều đó. Cụ quá tài tình khi biết rằng, sẽ có lúc “các chú” của Cụ sinh chuyện. Nhưng thâm tâm, nhà cháu cứ thắc mắc, tại sao biết như vậy mà Cụ lại không để lại cẩm nang nào cho thế hệ sau giải quyết “vấn nạn các chú”? Ai có thể trả lời câu hỏi này được không? Nhà cháu tâm tư quá cơ.

Còn mấy chuyện nữa, nhưng nhà cháu đang bận, xin để lúc nào nông nhàn sẽ đưa ra nhờ các bác tiếp tục giải đáp giúp.

Nhà cháu lưu ý: Với nhà cháu, cụ Hồ Chí Minh là một vĩ nhân. Cụ xuất hiện đúng vào lúc dân tộc/quốc gia cần một người như vậy. Và chính Cụ chứ không phải ai khác, đã giúp Việt Nam có một vị thế trên bản đồ thế giới. Cháu không bình luận/tranh luận về sự khác biệt giữa Cụ với các nhà ái quốc khác như cựu hoàng Bảo Đại, cụ Trần Trọng Kim hay cụ Ngô Đình Diệm. Chuyện này có chỗ nào chưa hiểu, cháu sẽ hỏi các bác vào dịp khác. Chỉ là có những chuyện về cụ Hồ mà nhà cháu chưa hiểu nên đưa ra đây hỏi các bậc cao nhân. Vậy thôi. Ai biết thì giải đáp giùm, không biết thì thôi, không ném đá, không mạt sát, không văng tục/chửi bậy. Mọi nhận định đều phải dựa trên 2 nguồn sử liệu: (i) hành trạng/thực lục - những ghi chép từ sự quan sát trực tiếp; và (ii) trước tác của nhân vật. Vi phạm các quy định trên, xin phép được mời ra khỏi nhà cháu.

----------------

Mời xem bài của Đỗ Minh Tuấn - nhà văn, đạo diễn điện ảnh, đã đăng tại đây: 
https://xuandienhannom.blogspot.com/2017/05/ao-dien-o-minh-tuan-ai-pha-nat-di-san.html

Toàn văn bài viết của Đỗ Minh Tuấn:

AI PHÁ NÁT DI SẢN HỒ CHÍ MINH?


Hôm nay, ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chợt nhớ đến câu nói đau đớn bậc nhất của Cụ khi trả lời các học trò về việc Bác sợ đế quốc nào nhất: “Bác chẳng sợ đế quốc nào, bác chỉ sợ các chú!”. Quả thực, “các chú” học trò của Bác trong mấy thập kỷ nay vừa lấy Cụ làm bình phong vừa từng bước phá dần Di sản chính trị, văn hoá và đạo đức của Cụ. Năm 1989, nghe xôn xao chuyện mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN, tôi có hỏi khéo ông Lê Đức Thọ về quan hệ giữa ông với Lê Duẩn (mà bọn tay chân, cơ hội, xỏ xiên các kiểu thêu dệt bịa tạc dựng đứng thành những chuyện khốn nạn), ông Lê Đức Thọ chỉ nói gọn một câu: “Đụng đến Hồ Chí Minh là không được!”. Kiểm kê lại Di sản của Hồ Chí Minh, ta sẽ thấy Cụ “Chỉ sợ các chú” là đúng. Vì dù chân thành, trí tuệ và não trạng của các thế hệ học trò Cụ sau này thấp hơn, dung tục hơn, tầm thường hơn, duy lý hơn, thiển cận hơn, thực dụng hơn và thô thiển hơn Hồ Chí Minh đến cả ngàn lần. Đó là căn nguyên vô tình phá nát Di sản đích thực của Hồ Chí Minh mà không biết. 

Kiểm kê lại ta thấy Di sản của Hồ Chí Minh bị Đảng CSVN huỷ hoại cụ thể ra sao.

1.Di sản lớn nhất: Hiến pháp 1946, xây dựng thể chế dân chủ kiểu Tam Dân, với tiêu đề “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” là tiêu đề bắt buộc phải sử dụng theo một sắc lệnh số 49 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 12/10/1945. Nhưng sau này, dưới thời TBT Lê Duẩn mô hình thể chế dân chủ Tam Dân đã bị TBT Lê Duẩn đổi thành mô hình Liên Xô, đưa vào Hiến pháp mô hình thể chế mới với tiêu đề “Cộng hoà XHCN Việt nam”. Sự phá hoại này mang bản chất thô thiển hoá, hạ cấp văn minh, xoá bỏ nguyên tắc Dân chủ, lệ thuộc mô hình chuyên chính bạo lực của Liên Xô.

2. Di sản lớn thứ hai: Quân đội NDVN được Hồ Chí Minh coi là con đẻ của nhân dân, công cụ bảo vệ Tổ quốc và nhân dân, theo phương châm: “Trung với nước, Hiếu với dân” đã bị kẻ thực dụng thô bỉ nào đó đổi thành “Trung với Đảng, hiếu với dân” (Shít!) Đây là sự phá hoại trắng trợn, đẽo chân cho vừa chiếc giày thối.

3. Di sản thứ ba: Mục tiêu lớn “Độc lập- Tư do - Hạnh phúc” không được thực hiện đầy đủ, chính thức và liên tục trong nửa thế kỷ nay. Đất nước này càng lệ thuộc Trung Quốc về nhiều mặt, các quyền tự do dân chủ cơ bản của nhân dân với tư cách là tôn chỉ của chế độ do Hồ Chí Minh công bố trước quốc dân năm 1945 đã các lãnh đạo ĐẢNG CSVN các lớp gần đây coi là những định hướng và luận điệu của các “thế lực thù địch”. Kẻ nào nghĩ ra cụm từ này đã xúc phạm trắng trợn Hồ Chí Minh.

4.Di sản thứ tư: Cả một đời Hồ Chí Minh chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp xây dựng một đất nước Việt Nam thống nhất độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, Nhưng hiện nay, đất nước mà Hồ Chí Minh để lại ngày càng bị ngoại bang chiếm lĩnh (đất đai, biển đảo) và và bị các chính sách thực dụng ngu xuẩn vô văn hoá huỷ hoại (cảnh quan, môi trường, phong thuỷ tâm linh…).

5.Di sản thứ năm: Cả một đời Hồ Chí Minh đau đáu xây dựng con người vì mục đích trăm năm. Nay con người Việt nam đang từ Thần Phật mà thế giới từng ca ngợi là "dân tộc nhân hậu nhất, có văn hoá nhất trên hành tinh này" đã bị các học trò của Cụ biến thành lũ ma quỷ, con buôn, kẻ cướp, kẻ tôn thờ đồng tiền và quyền lực. 

6. Di sản thứ sáu: Thể chế đa đảng (Đảng CS, đảng Dân chủ, Đảng Xã hội) dù xây dựng trên nguyên tắc đồng thuận cũng đã được Hồ Chí Minh thành lập và duy trì mấy thập kỷ. Sau này bị Đảng CSVN giải tán.

7.Di sản thứ bảy: Khi còn sống, khi nghe nói có chuyện đúc tượng đồng mình, Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “ Đem đập nó ra!” Nhưng ngày nay hình tượng của chính Hồ Chí Minh vừa bị lợi dụng để làm bình phong cho các chủ trương hành động mang tính tham nhũng, lợi ích nhóm trái với ý nguyện của Cụ, lại vừa bị biến thành công cụ kiếm tiền của các quan chức, với những dự án xây tượng đài Hồ Chí Minh với dự toán lên tới hàng ngàn tỷ, nhưng trong cuộc sống thì đối xử với nhân dân vô cùng khốn nạn, chó má, trái ngược hoàn toàn với tinh thần, chủ trương, mong muốn và di chúc của Cụ.

Còn có thể kể ra nhiều Di sản nữa bị huỷ hoại, lợi dụng và bán chác. Nhưng chỉ cần chỉ ra việc các học trò của Cụ đã công khai huỷ hoại 7 Di sản lớn bậc nhất đó đã đủ cho thấy nỗi bất hạnh không gì đong đếm nổi của Cụ và của nhân dân Việt Nam trong tư cách là đối tượng được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu, trên tất cả mọi đảng phái và mọi người lãnh đạo dù đó là đảng phái và lãnh đạo do chính Cụ sinh ra. Nếu dân ta thực sự bị các "Thế lực thù địch" tiếp tay lật đổ chế độ và thực sự muốn làm việc đó như đã bị vu cáo đê tiện, thì những tội trên cũng đáng để dân lật đổ từ lâu rồi. Nhưng dân ta vẫn tin yêu Hồ Chí Minh, tôn trọng những học trò của Cụ, vẫn coi tất cả những kẻ phá hoại di sản của Hồ Chí Minh là những người đại diện chân chính cho Cụ, nên vẫn tôn trọng đảng, nhẫn nhục đi theo đảng, hầu như chưa bao giờ thực sự có ý ra tay như bọn khốn nạn hằng vu cáo. Vậy lũ người nhân danh Hồ Chí Minh để huỷ hoại di sản Hồ Chí Minh hãy cúi đầu sám hối trước anh linh Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam vì sự phá hoại có tổ chức những di sản lớn nhất của Hồ Chí Minh để lại và hãy quay đầu về bờ, khôi phục lại những Di sản mà Hồ Chí Minh đã trao truyền cho Dân tộc, Nhân dân.


6 nhận xét :

  1. [Như vậy, giữa điều Cụ nói và điều Cụ làm có chỗ nào mâu thuẫn không nhỉ? Ai biết giải thích giùm?]
    Quá đơn giản, vì cụ là người cs.

    Trả lờiXóa
  2. Bài so sánh Nguyễn Tất Thành với Phạm Quỳnh (đăng ở trang bauxite, nhân dịp 19-5) may ra giải đáp được phân nhỏ thắc mặc của bậc cao nhân này.

    Trả lờiXóa
  3. Di sản lớn nhất của cụ Hồ là cải cách ruộng đất đã đi vào lịch sử.
    Nhân dân Việt Nam lĩnh hội được bài học đắt giá và kinh nghiệm vô biên.

    Trả lờiXóa
  4. Di sản cụ Hồ có 9 chữ:"Không có gì quý hơn độc lập tự do" nay các đệ của cụ phá hết chỉ còn 3 chữ "Không có gì"

    Trả lờiXóa
  5. Nhân chuyện nói về bác Hồ tôi xin nói một điều băn khoăn từ lâu mà chưa có giải thích thích đáng. Hôm nay muốn nói ra để các bác cứ tự thử xem xét. Tôi là hoạ sĩ truyền chân và chân dung, có những lúc tôi quan sát, so sánh các hình chụp của HCM để thử vẽ chân dung thì thấy có những điễm rất khác nhau như hai người. Nguyễn Tất Thành và HCM trong thời gian đầu có những nét như : hóc mắt sâu, mắt khá to và quắc,lông mày khá gần mắt, mũi khá thẳng,đầu mũi khá ''thon''( cái này trong sách của Trần dân Tiên tức HCM cũng có tự nói về mình là mũi dọc dừa). Miệng như hơi chúm lại, môi dưới hơi nhọn một chút. Thế mà HCM thời sau thì hóc mắt đầy,không sâu. Mắt nhỏ và hí có thể nói là xề xoà vô tư hơn.Khoãn cách giữa lông mày và mắt nhiều hơn( điểm này rất rỏ). Sống mũi, đầu mũi tròn hơn. Nói chung là như Á Đông hay Tàu hơn. Môi dưới tròn hơn. Tôi biết là thời sau thì HCM béo hơn nhưng những điểm này không thể thay đổi nhiều và khác như vậy.

    Trả lờiXóa
  6. Công nhận là cái mặt của thằng Chu Ân Lai trong hình thật đểu giả!

    Trả lờiXóa