Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

TS. Nguyễn Xuân Diện: LUẬN ÁN CỦA NCS NGUYỄN ĐỨC THẮNG ĐÃ ỔN


Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Đức Thắng đã ổn

TS. Nguyễn Xuân Diện

Tôi đã nhận xét lần 2 cho Bản tóm tắt Luận án Tiến sĩ về Ca trù của NCS Nguyễn Đức Thắng. Tôi đồng ý để NCS này bảo vệ chính thức để nhận văn bằng Tiến sĩ. (Xem Nhận xét lần 1).

Đồng thời tôi cũng ghi nhận cơ sở đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã làm việc đúng tinh thần khoa học, cầu thị: Yêu cầu NCS sửa chữa luận án và bản tóm tắt theo các góp ý của các nhà khoa học, trong đó có tôi chứ không để NCS bảo vệ bản luận án trước đây; sau khi NCS sửa chữa, đã gửi lại cho tôi bản tóm tắt mới và đề nghị tôi nhận xét.


Tôi cũng xác nhận trong thời gian 07 tháng qua, NCS và 2 thầy hướng dẫn không có cuộc tiếp xúc riêng nào với tôi. Tôi cũng xác nhận đã nhận tiền thù lao nhận xét của Cơ sở đào tạo theo quy định là 100.000 đ (một trăm ngàn VNĐ).


Xin chúc mừng NCS. Nguyễn Đức Thắng và cơ sđào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
 
Dưới đây là Bản nhận xét tóm tắt luận án (lần 2) của tôi đối với Bản tóm tắt của NCS Nguyễn Đức Thắng.

BẢN NHẬN XÉT TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ
(Lần thứ 2)

Về đề tài: 
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số câu lạc bộ, giáo phường tại Hà Nội

Chuyên ngành: Văn hóa học       Mã số: 62.31.06.40
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Đức Thắng
Cán bộ hướng dẫn: PGS.TS Bùi Hoài Sơn và TS. Nguyễn Văn Lưu

Người viết nhận xét: TS. Nguyễn Xuân Diện
Cơ quan công tác: Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

NỘI DUNG NHẬN XÉT

1. Luận án có đối tượng nghiên cứu là “Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số câu lạc bộ, giáo phường tại Hà Nội”.

Trong bối cảnh di sản nghệ thuật ca trù đã được tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại” từ năm 2009, cách đây đã 07 năm, thì việc tìm hiểu xem ca trù đã được bảo vệ khẩn cấp như thế nào là một vấn đề thời sự và có ý nghĩa. Và hy vọng là công trình sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nghệ thuật ca trù được bài bản và hiệu quả, với sự tham gia của các cơ quan nhà nước.

Nghiên cứu về việc bảo tồn một bộ môn nghệ thuật truyền khẩu như ca trù bắt đầu từ việc tìm hiểu về hoạt động biểu diễn của các câu lạc bộ (CLB) và giáo phường là hướng nghiên cứu đúng đắn.

Vì những lý do trên, đây là một đề tài mang tính thời sự và có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

2. Đề tài của luận án là “Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số câu lạc bộ, giáo phường tại Hà Nội”, ngoài phần Mở đầu, Kết luận, các danh mục, bảng biểu, Phụ lục, Tài liệu tham khảo, được triển khai qua 3 chương.

Ở lần 1, tên các chương là:

- Chương 1- Cơ sở lý luận và tổng quan các vấn đề nghiên cứu;
- Chương 2 – Thực trạng biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số CLB, giáo phường tại Hà Nội;

- Chương 3 – Nghệ thuật biểu diễn ca trù, một số vấn đề bàn luận;

Sau khi sửa chữa, tên các chương được sửa thành là:

- Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan về tình hình nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu.

- Chương 2. Truyền thống và biến đổi của một số giáo phường, câu lạc bộ tại Hà Nội trong trình diễn nghệ thuật ca trù;
 
- Chương 3: Những vẫn đề đang đặt ra trong hoạt động của một số giáo phường, câu lạc bộ biểu diễn ca trù ở Hà Nội từ năm 2009 đến nay.

Việc sửa chữa như vậy là hợp lý và vẫn đảm bảo phù hợp giữa tên đề tài và nội dung, đúng với nội dung và chuyên ngành, mã số của chuyên ngành.

Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của luận án là chỉ quan tâm đến hoạt động biểu diễn ca trù thì sẽ là phiến diện, không khoa học vì không hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật này. Đáng lẽ luận án phải đặt vấn đề quan trọng nhất vào hoạt động truyền dạy, quảng bá nghệ thuật ca trù của các CLB và giáo phường.

3. Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu tiếp cận liên ngành văn hóa học, xã hội học, nhân học văn hóa, lịch sử văn hóa, văn hóa dân gian…trong đó hạt nhân chủ yếu là tiếp cận chuyên sâu văn hóa dân gian.

Ở lần sửa chữa này, tác giả luận án đã khai thác được các tài liệu của các học giả trước đây để so sánh và đối chiếu nhằm làm nổi bật được truyền thống và biến đổi của một số giáo phường, câu lạc bộ tại Hà Nội trong trình diễn nghệ thuật ca trù. Đây là điểm đáng ghi nhận.

4. Sau đây là nhận xét cụ thể từng phần, từng chương của Luận án “Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số câu lạc bộ, giáo phường tại Hà Nội”.

Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan về tình hình nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu.

Phần 1.1 Cơ sở lý luận: Phần này chỉ là chép lại các sách vở và định nghĩa khái niệm của thế giới, không có bình luận, phê phán.

Tuy nhiên, phần này cho thấy nghiên cứu sinh đã chủ động kết nối giữa các định nghĩa quanh văn hóa học với đối tượng nghiên cứu cụ thể là ca trù. Đó là các khái niệm: Biến đổi, cộng đồng, chủ thể sáng tạo, trình diễn, tiếp nhận.

Phần 1.2: Tổng quan về ca trù:

Mục 1.2.1: Sự hình thành và phát triển: Phần này cũng chỉ là chép lại sách, và cũng không dẫn nguồn, không có phê phán, bình luận hoặc nêu ý kiến riêng. Ví dụ, tác giả tin theo một số nhà nghiên cứu cho rằng ca trù đã có từ thời Tiền Lê, rồi phát triển qua thời Lý – Trần, Lê Sơ, Hồng Đức…nhưng không biết rằng ý kiến đó không có chứng cứ và đã bị các nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan, Nguyễn Xuân Diện bác bỏ từ lâu. Nếu tác giả tin theo thuyết này, chắc chắn là phải nêu ý kiến biện luận bảo vệ ý kiến của mình.

Mục 1.2.2 Hệ thống bài bản ca trù:

Ở phần này, tác giả đặt tiêu đề là Hệ thống bài bản ca trù, nhưng tác giả lại trình bài về:

- Danh xưng nghệ thuật trình diễn: Hát ả đào, Hát cửa đình, Hát Ca trù…

- Tổ chức thiết chế: Quản giáp, Giáo phường, Ty Giáo phường…

Như vậy, chứng tỏ tác giả không hiểu thế nào là Hệ thống bài bản ca trù.

Luận án có mục 1.2.2.2 rất hữu ích cho đề tài, đó là đề cập đến các khái niệm: Quản giáp, Giáo phường, Ty Giáo phường.

Mục 1.3. Tổng quan về tình hình nghiên cứu…

Ở phần 1.3.1. Tình hình nghiên cứu giai đoạn trước 1954. Ngay ở đoạn đầu tiên là chép từ bài của Nguyễn Xuân Diện trên Tạp chí Hán Nôm, số 1 năm 1999, không đề nguồn dẫn, không đặt trong ngoặc kép.

Chương 2: Truyền thống và biến đổi của một số giáo phường, câu lạc bộ tại Hà Nội trong trình diễn nghệ thuật ca trù;

Sau khi sửa, so với trước đây, chương này đã dựa vào các tài liệu của người đi trước để thấy được sự khác nhau giữa giáo phường ca trù ngày xưa với cái gọi là “giáo phường” ngày nay.

Các chương mục và cách triển khai trong chương này là hợp lý, hữu ích và sáng rõ và gắn kết với các chương 1 và 3.

Chương 3: Những vẫn đề đang đặt ra trong hoạt động của một số giáo phường, câu lạc bộ biểu diễn ca trù ở Hà Nội từ năm 2009 đến nay.

Chương này thể hiện rõ được các kết quả khảo sát của tác giả tại các giáo phường và câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội.

Tuy nhiên, có một số giáo phường, câu lạc bộ đã bị bỏ quên, như: Câu lạc bộ ca trù do Nghệ nhân Vân Mai làm chủ nhiệm (địa điểm hoạt động truyền dạy và biểu diễn là Bích Câu Đạo quán); Câu lạc bộ Tràng An, do Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức truyền dạy; v.v..

Những giáo phường và câu lạc bộ trên thường không có lịch biểu diễn định kỳ, hoặc không có địa điểm sinh hoạt cố định.. đáng lẽ tác giả luận án khai thác để viết thêm thì công trình được đầy đủ hơn.

5. Luận án có nội dung phong phú, sau khi sửa chữa nay đã kết cấu tương đối mạch lạc và sáng rõ; các chương mục có gắn kết và tương hỗ với nhau.

Phần Kết luận của Luận án thực sự chưa phản ánh được đầy đủ kết quả của quá trình làm việc của nghiên cứu sinh. Đây là điều đáng tiếc. Tác giả luận án không khái quát và tóm lược lại để có một kết luận phản ánh đúng với những đóng góp và giá trị của luận án.

6. Trước khi trình luận án, tác giả đã công bố 03 bài viết có liên quan đến đề tài luận án trên các tạp chí Du lịch Văn hóa học, Nghiên cứu văn hóa. Các bài viết cho thấy thành tích nghiên cứu của tác giả còn mỏng.

Luận án “Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số câu lạc bộ, giáo phường tại Hà Nội” của Nghiên cứu sinh Nguyễn Đức Thắng sau khi sửa chữa đã đáp ứng được yêu cầu của một luận án Tiến sĩ Văn hóa học.

Kết luận: Luận án “Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số câu lạc bộ, giáo phường tại Hà Nội” có thể đưa ra bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Hà Nội, Ngày 22 tháng 02 năm 2017
Người nhận xét
TS. Nguyễn Xuân Diện







5 nhận xét :

  1. Thù lao gì mà chỉ có 1 trăm ngàn! Làm sao đủ sống? Làm sao yên tâm nghiên cứu, khám phá khoa học? Việt Nam mình cần điều chỉnh vấn đề lương và thù lao chứ. Mấy ngành giải trí thì tiền vào như thác lũ, trong khi đó về khoa học thì sống không nổi!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. TÉ RA TRÒ KÉM TẠI THÀY
      THAY ĐI SỬ LẠI LÀ HAY LÊN LIỀN?
      HỌC HÀNH ĐÂU PHẢI CÕI TIÊN
      BỤT HIỆN RA GIÚP LÀ LIỀN ĐƯỢC NGAY
      HOAN HÔ BÁC TỄU LẦN NÀY!

      Xóa
  2. Cuối cùng thì cái anh nguyễn Đức Thắng này cũng biết quy phục rồi đấy!
    Biết quy phục thì đời sẽ khá!
    Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện không phải là người câu nệ tiền bạc. Là một trí thức tâm huyết, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có thể hướng dẫn không lấy tiền, nhưng trò phải ra trò!
    Biết thờ thầy hay thì thành trò giỏi.
    Không thầy đó mầy làm nên.
    Chúc mừng nghiên cứu sinh Nguyễn Đức Thắng.

    Trả lờiXóa
  3. 100 ngàn đồng, thiệt tình không biết nói gì hơn!

    Trả lờiXóa
  4. Ở nước ngoài rất nhiều trường hợp phản biện luận án không được trả thù lao.

    Vấn đề cơ bản ở đây là luận án như vậy, kết quả được đăng ở những tạp chí "nhà" mà được coi mà đủ điều kiện luận án TS. Đọc luận án của NCS này thì không có cái gì gọi là nghiên cứu khoa học (đừng nên lạm dụng từ khoa học ở đây), NCS này "chép" và thu thập một số thông tin viết ra. Nói chung luận án này không khác gì luận án ở một số lò tiến sỹ ở VN nơi đẻ ra những "nghiên cứu văn hóa cư sử của các quan" vvv.

    Trả lờiXóa