Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

PHONG CÁCH HÁN VIỆT HỖN HỢP TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VN

Phong cách Hán Việt hỗn hợp trong văn học trung đại Việt Nam

Trần Đình Sử



Mỗi thời đại văn học thường có một phong cách phân biệt với thời đại văn học khác. Văn học trung đại Việt Nam là một thời đại như thế và nó có nét phong cách phân biệt rõ rệt với văn học hiện đại. Đó là phong cách Hán Việt hỗn hợp của nó. Cách nói này tôi mượn của ông Ưu Thiên Bùi Kỉ (1888 – 1960) trong sách Quốc văn cụ thể (Tân Việt, 1932, tái bản năm 1950). Trong thiên thứ ba của sách này ông đã bàn đến “Hán Việt hợp dụng thể”. Chữ “thể” trong tiếng Hán cổ còn có nghĩa là phong cách. Người ta nói “văn thể” tức là phong cách thể loại. Lại nói “ngữ thể” tức là phong cách ngôn ngữ. Từ đó tôi dịch chữ của Bùi Kỉ thành phong cách. Trong bài của mình ông định nghĩa như sau: “Phàm trong một bài văn mà dùng cả lối ta và lối Tàu thì gọi là Hán Việt hợp dụng thể”.(tr.133). Ông dẫn chứng lối lục bát và lối từ khúc, lối song thất với lối biền ngẫu, cổ thi, các điệu hát thiên thai, thét nhạc, kịch, tuồng…trong đó văn đều viết theo lối biền ngẫu. Kiến giải của ông thật thú vị, nhưng ông chưa nhìn rộng ra toàn thể văn học trung đại, cho nên cái phong cách mà ông nói chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp. Nay tôi mở rộng ra và trình bày phong cách Hán Việt hỗn hợp như sau.

Sự tồn tại dòng văn học chữ Hán rồi sau đó có chữ Nôm và dòng văn học chữ Nôm không hoàn toàn tách bạch nhau mà cộng sinh, liên kết nhau.

Trước hết nói về văn học chữ Hán. Chữ Hán ở Việt Nam tuy có nguồn gốc Trung Quốc nhưng nó là chữ Hán Việt, nghĩa là cùng một chữ Hán đó, nhưng lại đọc theo cách Việt, và người Việt chỉ biết có một cách đọc đó, không ai đọc theo kiểu Tàu. Sự khác biệt này bắt nguồn từ hai hệ thống ngữ âm tiếng Hán và tiếng Việt hoàn toàn khác nhau. Hệ thống phụ âm và nguyên âm hoàn toàn khác nhau. Hệ thống thanh điệu khác nhau. Ví dụ ta đọc xuân thì họ đọc “chun”, ta đọc vũ thì họ đọc “yu”, ta đọc báo thì họ đọc “pao”, ta đọc Đường thì họ đọc “Tang”. Sự khác biệt cách đọc và ngữ âm cho thấy chữ Hán Việt Nam là một hiện tượng Việt Nam, một sáng tác Hán Việt, không thể đồng nhất với chữ Hán nói chung. Như thế văn học chữ Hán Việt Nam cũng mang phong cách Hán Việt hn hợp.

Lại nói về chữ Nôm, một thứ chữ đọc theo âm Việt, nhưng lại được cấu tạo bằng các yếu tố chữ Hán, trong đó có rất nhiều chữ Hán nguyên mà văn Nôm chỉ lợi dụng âm đọc Hán Việt của nó hoặc đọc trại đi theo âm Việt, mặc dù mã chữ vẫn là chữ Hán. Ví dụ các chữ binh, mã, xuân, thu, cách (xa cách)…đọc nguyên âm, nguyên nghĩa, nhưng nghênh (đón) thì đọc trại thành “nghiêng”, chữ “đội” nghĩa là đội hình thì đọc trại thành chữ “đòi.” Có nhiều trường hợp dùng chữ Hán nhưng đọc theo nghĩa Việt, không dính dáng gì nguyên nghĩa chữ Hán. Ví dụ cai theo chữ Hán là ngôn+hợi, Tàu hiểu là nên, cần, còn chữ Nôm thì chỉ chức Cai. Chữ “lại”, có nghĩa là bọn nha lại, trong văn Nôm thì dùng chỉ trợ từ, như lại còn, lại đi. Tỉ lệ loại này trong chữ Nôm rất cao. Như thế ta cũng có thể nói chữ Nôm là một văn tự Hán Việt hỗn hợp. Nó không thể độc lập với chữ Hán.

Sự tồn tại song song của văn Hán và văn Nôm trong một nền văn học dân tộc thì hai thứ chữ ấy không thể chỉ tồn tại bên nhau mà luôn thâm nhập vào nhau, phối hợp nhau để tạo nên phong cách Hán Việt hỗn hợp. Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam mà chỉ biết dòng thơ văn chữ Hán với dòng thơ văn chữ Nôm, mà không chú ý tới sự pha xen, hỗn hợp của chúng như một phong cách thời đại sẽ là một thiếu sót. Sự hn hợp bắt đầu từ trong văn tự, rồi lan sang thể loại đồng thời thể hiện trong lối văn Hán Việt bất phân. Cần chú ý văn học trung đại Việt Nam không chỉ là “văn sử bất phân”, mà còn là “Hán Việt bất phân” nữa.

Biểu hiện hỗn hợp thứ nhất là thơ tiếng Việt làm bằng các thể thơ, niêm, luật theo lối Hán. Thơ quốc âm trong Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông và  các bầy tôi, thơ quốc âm Nguyễn Trãi, thơ luật của Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương…Đó là thơ Việt, nhưng theo lối Tàu, không phải thuần Việt, cho nên cũng thuộc loại thơ Hán Việt hỗn hợp. Toàn bộ thơ Nôm Đường luật Viêt Nam đủ  các thể nhỏ hơn như tứ tuyệt, từ khúc, cận thể, cổ thể, cho đến nay đều là phong cách hỗn hợp.

Cùng loại này còn có văn phú Nôm, lời Việt mà quy cách là của Hán, do đó cũng là Hán Việt hỗn hợp. Những bài Ngã Ba Hạc phú, Phụng thành xuân sắc phú tiếng Việt rất sinh động, nhưng quy cách, văn pháp theo Tàu. Nó cũng là Hán Việt hỗn hợp thể. Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu cũng thế.

Biểu hiện thứ hai là những bài văn chữ Hán, nhưng làm theo thể cách Việt, như Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận, thơ bằng chữ Hán nhưng làm theo thể song thất lục bát, dài 136 câu. Đây là bài thơ làm khi bị tù oan, đêm thu nhớ nhà, nhớ quê, nhớ vợ. Chữ Hán ở đây đã phải phục tùng luật thơ song thất lục bát của người Việt. Các bài thơ chữ Hán khác  viết theo thể lục bát cũng có tình hình tương tự là vừa Hán vừa Việt. Loại này chính là Hán Việt hỗn hợp thể, là văn học Việt Nam, không phải văn học chữ Hán.

Biểu hiện th ba là chêm. chữ Hán vào các văn bản Nôm như thể ca trù, bao giờ cũng có một liên thơ chữ Hán thuần tuý. Ví dụ bài hát nói Chí Nam nhi của Nguyễn Công Trứ, cả bài làm bằng tiếng Việt, nhưng ở gĩưa chen một câu Hán văn: Nhân sịnh tự cổ thuỳ vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. Hoặc như bài hát nói Hỏi gió của Tản Đà trong đó chen các câu chữ Hán: Khoái tai phong dã, rồi: Thử thị Đà giang phi Xích Bích, Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang. Nhà thơ có thể làm toàn bằng tiếng Việt, nhưng cái thú chêm Hán văn khiên họ  coi đó là quy tắc, thể thức của hát nói.

Biểu hiện thứ tư là văn chèo, văn tuồng nhiều đoạn viết theo thể văn biền ngẫu của Tàu. Ví dụ một đoạn văn giáo đầu của vở chèo Lưu Bình Dương Lễ do Bùi Kĩ dẫn ra : “Thiên quang vân tĩnh, quân tử vô song, Nước nhà thuở quốc thái dân an, Khoa trường mở tuyển văn kén vũ. Tôi nhớ xưa tích cũ, Có hai chàng Dương Lễ - Lưu Bình,  Bạn đồng song đèn sách học hành, Ba thu lẻ kể cùng chăn gối. (Có vẻ tình đồng tính?- TĐS). Trời thương kẻ tình thâm nghĩa trọng, Cho chàng Lưu lại chiếm bảng vàng,  Nghĩa bằng hữu, đạo vợ chồng,  Tình ý ấy kể chăng chẳng xiết…” Chèo là thể kịch hát Việt Nam, mà văn thì biền ngẫu lối Tàu.

Văn tuồng cũng đặt theo biền ngẫu, thỉnh thoảng đặt chêm. thơ lục bát, song thất. Giọng hát có xướng, bộ, than, vãn, loạn, bắc, Nam, tẩu mã…Ví dụ đoạn mở đầu vở tuồng Giang tả cầu hôn như sau: “Âu vàng rực rực, Đuốc ngọc làu làu, Trên chín lần sánh gót Đưng Ngu, Dưới trăm họ vui lòng Hoài - Cát. Gặp ngày khang cát, Diễn tích người xưa, Truyện Chu Du khéo đặt mưu mô, Dùng Quận chúa để làm mồi cá. Câu lấy Kinh Châu thiên hạ, làm cho Lưu Bị cô thân, Phải Khổng Minh nhập quỷ xuất thần. Cho Triu Tử cẩm nang diệu kế…” Tất nhiên ở đây văn biền ngẫu đã được dùng rất sáng tạo, tạo ra lời nói nhịp nhàng, bằng trắc chan chát. Nhưng vẫn là một lối hỗn hợp.

Biểu hiện thứ năm là Nôm Hán chen nhau. Đó là văn trong nhiều khúc ngâm , truyện Nôm. Nhiều thể đối và điển cố Hán. Các văn bản Truyện Kiều, Cung oán ngâm…đều dày đặc chú thích , đó là vì nhiều chữ Hán và tích Hán. Thử xem một đoạn của Cung oán: “Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ, Đường thế đồ bóng rã tà huy, Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy, Kiếp phù sinh trông thấy mà đau, Trăm năm còn có gì đâu, Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.” Trong tám câu trên không có câu nào là không có chữ Hán. Những thệ thuỷ, cổ độ, thế đồ, tà huy, phong trần, sơn khê, tang thương, ảo hoá, phù sinh, cỏ khâu…Những chữ này không phải là từ tiếng Việt, và cũng chưa Việt hoá. Nhưng từ Việt từ Hán pha trộn nghe rất hay. Trong Truyện Kiều, mức độ chữ Hán thấp hơn, nhưng điển cố dày đặc. Thử gi các trang đầu, thậm chí mấy dòng đầu của truyện ta bắt gặp các từ ngữ, điển cố Tàu: trăm năm, tài mệnh tương đố, bỉ sắc tư phong, bể dâu, cảo thơm, phong tình c lục, sử xanh. Gia Tĩnh, viên ngoại, gia tư, nho gia, tố nga, mai cốt cách, tuyết tinh thần…Lục Vân Tiên, Dương  Từ Hà Mậu của nhà thơ Nam Bộ thơ văn cũng nhiều chữ Hán và điển cố như thế. Văn phong ấy là văn phong Hán Việt hỗn hợp. Chỉ có loại truyện Nôm bình dân như Trê cóc, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa…là mức độ hỗn hợp thấp.

Biểu hiện thứ bảy sáu là văn Nôm nhan đề Hán. Đại Nam quốc sử diễn ca là một nhan đề Hán của một thiên lịch sử bằng thơ Nôm, Thiên Nam ngữ lục là nha đề của một trường ca lịch sử dân tộc khác có trước. Một thiên sử Nôm khác lại có tên Thiên Nam minh giám. Truyện Kiều được gọi là Đoạn trường tân thanh, người sau gọi lại thành Kim Vân Kiều truyện vẫn là nhan đề chữ Hán. Một truyện Nôm kể chuyện tình yêu người tiên và người trần gọi là Bich Câu kì ngộ. Chinh phụ ngâm thì gọi là Chinh phụ ngâm khúc hay Chinh phụ ngâm diễn ca. Cung oán ngâm khúc cũng là bằng chữ Hán. Tên một vở tuồng là Giang tả cầu hôn. Đây hầu như là một quy tắc phổ biến. Không khó gì để đăt nhan đề Việt, nhưng thị hiếu Hán khiến họ không buông được một thói quen.

Trên đây là trình bảy những biểu hiện cơ bản của phong cách Hán Việt hỗn hợp của văn học trung đại Việt Nam, phân biệt với văn học hiện đại. Chỉ trong văn học dân gian truyền miệng như ca dao, tục ngữ, câu đố, chuyện cười…là thuần Việt. Còn toàn bộ văn học viết đều mang phong cách trên, cho nên không thuần Việt. So với văn học Nôm nói trên, văn học chữ Hán, tức Hán Việt, bao gồm toàn bộ sáng tác bằng chữ Hán và thể loại, phong cách Hán đúng theo nguyên mẫu của chúng bên Tàu.

Sự hỗn hợp Hán Việt nêu trên có quy luật của nó. Văn học trung đại Việt Nam cũng giống như các nền văn học trung đại khác trên thế giới ở vào giai đoạn sáng tác theo nguyên tắc tư từ (rhetoric). Đó là nguyên tắc văn học làm theo mẫu sẵn và câu sẵn, chữ sẵn, hình ảnh có sẵn. Mà mẫu sẵn và câu sẵn thì văn học chữ Hán đã hình thành hoàn thiện từ thời cổ đại đến đời Đường Tống. Đó là cái kho vô tận để các tác giả làm theo. Nhưng nói như thế không phải là nói văn học trung đại không sáng tạo. Nó sáng tạo theo nguyên tắc dùng mới các từ ngữ săn, khuôn hình sẵn. Mở rộng ra là sử dụng các điển cố có sẵn. các tích truyện có sẵn để biểu đạt ý mới. Cốt truyện Truyện Kiều là có sẵn, nhà văn không sửa lại bao nhiêu, nhưng cái ý nghĩa mà  nó muốn biểu đạt thì lại mới. Do đó nếu so sánh sự giống nhau Truyện Kiều với truyện của Thanh Tâm tài nhân là việc làm ít ý nghĩa, bởi đó chỉ là cái giống bề ngoài. Chinh phụ, cung oán là những môtiv có sẵn, nhưng tư tưởng của những áng văn Việt Nam là mới mẻ, sâu sắc. Văn học trung đại không đặt ra yêu cầu sáng tạo thể loại mới, từ ngữ mới, hình ảnh mới như văn học hiện đại, không yêu cấu thể hiện sắc nét cá tính, do đó cá tính vẫn có nhưng mờ nhạt, không đều. Khó phân biệt thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm là vì thế. Sự sáng tạo ra lục bát và song thất lục bát, hát nói đều là phát triển, nâng cao, thể thức hoá từ các khuôn âm vốn đã có sẵn trong ca dao, dân ca tiếng Việt. Hát nói là sự tổ hợp, phối xen của các yếu tố đã có như lục bát, song thất, đối, câu thơ dài từ tám chữ trở lên. Và một khi đã hoàn thiện thì nó không thay đổi nữa. Phong cách này chi phối cả chục thế kỉ văn học Việt cho dến thời cận đại. Nó cho thấy thời trung đại ta chưa bao giờ có văn học viết thuần Việt. Chỉ đến khi chữ quốc ngữ xuất hiện và thông dụng, ảnh hưởng phương Tây tràn vào thì phong cách ấy mới chấm dứt để chuyển sang một phong cách mới, hiện đại. Chỉ đến lúc này chúng ta mới có  văn chương thuần Việt, đặc biệt là trong văn xuôi. Từ Hán Việt trong văn xuôi lại là một vấn đề khác, vấn đề của ngôn ngữ hơn là vấn đề của văn. Nhiều người cứ tưởng rằng càng cổ xưa thì càng dân tộc, nhưng lịch sử cho thấy chỉ đến thời hiện đại tính dân tộc của văn chương mới đạt  dến hoàn thiện với một phong cách mới. Đó là phong cách sáng tạo, cá tính, chống lại mọi sự ràng buộc của các quy phạm (canon) và không ngừng thay đổi. Nhà văn lúc này phải tự tìm ra cốt truyện của mình, hình thức của mình, ngôn ngữ của mình để biểu hiện tư trưởng một cách tự do. Quan sát thơ ca và tiểu thuyết Việt Nam thế kỉ XX thì sẽ thấy thơ ca, tiểu thuyết về quy cách, văn phong, kiểu thức, phong cách cá nhân luôn luôn thay đổi, cái sau muốn thay cái trước, tạo ra một chuyển động không ngừng. Tất cả những thay đổi đó đều nhờ vào chữ quốc ngữ và văn học quốc ngữ. Giá thử không có quốc ngữ mà vẫn cứ Hán Nôm như các thế kỉ trước thì văn học Việt Nam sẽ hầu như dẫm chân tại chỗ. Chỉ cần xem sự lưỡng lự của Tản Đà thì thấy rõ. Ông là nhà thơ tài năng xuất chúng, nhưng không thể thoát khỏi cái truyền thống Hán Nôm mà ông đã đào luyện hầu như suốt đời. Hiện tượng này giống như văn học Trung Quốc hiện đại. Nhu cầu đổi thay ngôn ngữ văn học đã xuất hiện từ giữa thế kỉ XIX, ông Hoàng Tuân Hiến đã nêu ra khẩu hiệu: “Tay tôi viết miệng tôi”, tức là muốn dung khẩu ngữ, nhưng nhu cầu ấy phải có một phong trào xã hội rộng lớn thì mới hoá thành thực tế. Thời “Ngũ Tứ”(ngày 4 tháng5) năm 1919 chính là phong trào ấy, nó “lật đổ cửa hàng họ Khổng”, đạp nát mọi cũ kĩ, tiếp nhận phương Tây, xây dựng nền dân chủ và sáng tạo mới, nêu khẩu hiệu văn học bạch thoại. Nếu họ không chuyển đổi sang văn bạch thoại, từ bỏ di sản văn ngôn trong sáng tác thì họ không thể có văn học hiện đại như ngày nay. Văn học Trung Quốc hiện đại là văn bạch thoại.

Lịch sử là một sự chuyển vần tuy rối ren nhưng hầu như có quy luật. Một khi đã sang văn học hiện đại rồi thì người ta không thể quay về cái cũ nữa, mặc dù cái cũ vẫn rất trác tuyệt trong phong cách của nó.

Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2016.
Trần Đình Sử

1 nhận xét :

  1. Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ, Đường thế đồ bóng rã tà huy,
    Thầy dẫn câu 2 bị nhầm rồi!

    Trả lờiXóa