Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Mời thảo luận: ĐỀN BẠCH MÃ VÀ TỤC THỜ MÃ VIỆN


ĐỀN BẠCH MÃ VÀ TỤC THỜ MÃ VIỆN

Vinhhuy Le

19 Tháng 12 - 2016
 
Đền Bạch Mã Hà Nội trải bao đời hương khói phụng thờ Mã Phục Ba, kể từ được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia (quyết định số 235-VH/QĐ ngày 12/12/1986) đã chính thức trở thành đền thờ Long Đỗ. Về niên đại của đền, không tìm được tài liệu nào xác định cụ thể, nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy tục sùng bái Mã Viện đã có từ đời Hán và xuyên suốt lịch sử An Nam (tức Bắc Việt hiện nay). Thời thế dãi dầu bể dâu lộn lạo, cùng với sự tôn sùng đề cao Hai Bà Trưng là anh hùng dân tộc, tục thờ Phục Ba ở An Nam cũng bị dập tắt, sự đổi thay này phản ảnh một hiện thực trớ trêu: mối giao lưu văn hóa giữa hai nước Trung-Việt đã bị mây mù chính trị che phủ.


* * *

Trong kho thác bản văn khắc của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Hà Nội (E.F.E.O.) để lại cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thác bản văn bia dựng năm Đinh Mão, niên hiệu Chánh Hòa 8 (1687), nói về việc trùng tu đền Bạch Mã, văn bia này cho biết đền vốn thờ Mã Phục Ba đời Hán. Tạm dịch:

“Xét công thần lương tướng từ xưa đều có tài cái thế, chẳng những chỉ rạng rỡ đương thời mà còn truyền vẻ vang cho đời sau, lập sự nghiệp phi thường để tiếng thơm trăm đời, hương khói ngàn thu, như Phục Ba tướng quân đời Hán chính là như vậy.

“Ban sơ gặp lúc Vương Mãng lộng hành khiến anh hào cùng nổi dậy, thừa may nhận ra chân chủ (tức Lưu Tú - Hán Quang Võ đế) ở Lạc Dương, biết thần khí đà có số. Trừ Ngôi Hiêu, diệt Vương Mãng, Bắc xông sa mạc, Nam vượt bể sông, công nào cũng đảm đương, chẳng giặc nào dám chống lại, oai vỗ an Trung thổ, đức thấm nhuần trời đất.

“Tướng quân là anh hùng nhà Hán, gương mẫu của ngàn đời, lừng lẫy mãi đến nay khói hương chẳng dứt. [Ngài] được thờ trong đền Bạch Mã ở phía đông kinh thành đã lâu, oai thần hiển hách ngưỡng mộ cao dày, độ trì thương lái che chở con dân, hễ cầu tất ứng, bái tế dập dìu nào kém chi lễ báo công thuở trước.

“Đến nay đã lâu năm, gió mưa dãi dầu, tường cột hư hao, từng nhuần gội ơn huệ, há thể thõng tay làm ngơ để tồi tàn rơi rụng? Nay tháng 10 năm Bính Dần, chọn ngày lành tập hợp quyên tiền gọi thợ trùng tu. May miếu mạo huy hoàng, oai nghiêm thêm lẫm liệt, trong ngoài đều được nương nhờ, bốn phương thảy về cầu cúng. Chỉ lo rằng sau khi sửa sang chưa thể khỏi mối lo sụp lở. Để mai sau tưởng nhớ lấy đó mà noi theo, dám mong các vị góp sức cho thành việc, cùng cúng tế Tướng quân để ngày tháng thêm bền, công nghiệp mãi còn cùng trời đất. Nay khắc đá ghi lại, tên họ các nơi [góp công đức] đề rõ bên trái bia”.

Lược đi những sáo ngữ cái gì anh hùng lương tướng, oai nghiêm hiển hách, ơn đức dồi dào, lời văn vẫn cho thấy hình tượng Viện nếu không gần gũi thân thiết thì cũng không đến nỗi là đối tượng căm thù của dân An Nam.

Trong “Tân đính giảo bình Việt điện u linh tập” (ký hiệu A.335, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm) soạn năm 1774, có “Bạch Mã miếu thần truyện”, giải thích duyên do dân An Nam sùng bái Mã Viện: “[Viện] khuyến khích đốc suất nông thương, miễn trừ tô thuế, giảm bớt lao dịch, ban khen tiết tháo, chuyên chú lấy đức dạy dân, được trăm họ mến yêu. Viện tại nhiệm 6 năm thì dâng biểu hoàn hương, hoàng đế (tức Lưu Tú) bèn cho Lưu Long đến thay. Sau khi Viện đi, dân chúng ghi nhớ công ơn, lập miếu thờ phụng”[2].

Và không chỉ ở Hà Nội, các địa phương xung quanh cũng có đền thờ Viện, hình thành một hệ thống thờ cúng Phục Ba. Cố đạo người Ý Adriano di St. Thecla, đến Bắc Việt truyền giáo trong thời gian 1738-1765 có viết thành sách ghi lại sinh hoạt, xã hội và tín ngưỡng của Bắc Việt. Trong sách, Adriano di St. Thecla cho biết đền Bạch Mã là nơi thờ Mã Viện, vị thần bảo hộ kinh đô Hà Nội. Olga Dror khi dịch sách trên của linh mục Ý ra Anh ngữ đã tiến hành khảo sát thực địa và ghi nhận rằng cả ở Thanh Hóa, Bắc Ninh, Phúc Yên, cũng có miếu Phục Ba[3]. Ngoài ra, qua nghiên cứu của học giả Đài Loan Hứa Văn Đường thì đền thờ Viện có ở hầu khắp các tỉnh Bắc Việt: Bắc Ninh, Hà Tây, Hà Đông, Phú Thọ, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Hưng Yên[4]...

Từ sau khi Tần Thủy hoàng thiết lập Tượng quận ở Lĩnh Nam (214 trCn), Bắc Việt trở thành một bộ phận của Trung Hoa. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dựng Đại Cồ Việt bắt đầu “thời kỳ tự chủ”, quan hệ tông thuộc giữa Trung-Việt vẫn tốt đẹp và không hề gián đoạn. Tục thờ Mã Viện ở An Nam do đó cũng được duy trì, không chỉ trong dân gian mà cả giới quan lại.

Lộ trình đi sứ qua lại giữa Tàu và An Nam đều phải qua Quỷ Môn quan. Theo “Cựu Đường thư” thì cách huyện lỵ Bắc Lưu (thuộc châu Uất Lâm, tỉnh Quảng Tây) 30 dặm về phía Nam có một cửa quan hiểm trở tên là Quỷ Môn quan, hai bên vách núi cách nhau chỉ bằng 30 bước chân (Địa lý chí, quyển 4). Đời Đường đổi Quỷ Môn quan thành Quế Môn quan, đến Nguyên đổi ra Khôi Tinh quan. Đây là đệ nhất hiểm lộ để vào Lĩnh Nam, Mã Viện khi dẫn quân bình Nam, đến ải này đã đặt bia đá ghi nhớ, đời sau lập đền thờ Viện tại đây, sứ giả hai bên mỗi khi đi qua đều vào đền bái tế[5]. Việc thắp nhang Phục Ba không phải nghi thức ngoại giao, mà là nghi lễ tâm linh, để cầu đi đến nơi về đến chốn được bằng an.

Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” chép: “Năm Quý Hợi niên hiệu Chánh Hòa (1683), sứ nhà Thanh là Minh Đồ qua Quỷ Môn quan có làm bài văn để cúng tế miếu Phục Ba”[6]. Đọc bài văn đó, có người sẽ bảo: sứ Thanh tán dương tướng Hán là chuyện hợp lẽ tất nhiên. Vậy sứ Việt thì sao?

Đời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng 21-23 (1760-1762), chính Lê Quý Đôn, làm Phó sứ sang Tàu cũng từng ghé miếu Phục Ba ở Quỷ Môn quan, và làm bài thơ “Qua Quỷ Môn quan, viếng miếu Phục Ba tướng quân”. Bài thơ đề cao chí khí trung nghĩa của Mã Viện này vốn trong tập “Quế Đường thi hối tuyển” của Lê Quý Đôn, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Việt Nam cung cấp, được in ở trang 128, tập 3 của bộ “Việt Nam Hán văn yên hành văn hiến tập thành” 越南漢文燕行文獻集成 (Tuyển tập thơ đi sứ chữ Hán của Việt Nam); tuyển tập thơ đi sứ này là công trình hợp tác của Khoa Nghiên cứu Văn sử Đại học Phục Đán (Thượng Hải) với Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, do Đại học Phục Đán xuất bản năm 2010[7]. Bởi tiếc bài thơ viếng Phục Ba của Đôn được giới thiệu bên Tàu nhưng lại chẳng được mấy ai biết đến ở Việt Nam, nên xin chép ra đây:

《經鬼門謁伏波將軍廟》 
KINH QUỶ MÔN YẾT PHỤC BA TƯỚNG QUÂN MIẾU

瞻謁山祠向水涯 Chiêm yết sơn từ hướng thủy nhai
修然心緒動追依 Tu nhiên tâm tự động truy y
鄉並款段仙為者 Hương tịnh khoản đoàn tiên vi giả
塞漠旌旄壯亦哉 Tái mạc tinh mao tráng diệc tai
當日偉談傳米穀 Đương nhật vĩ đàm truyền mễ cốc
千秋公議恨雲臺 Thiên thu công nghị hận Vân đài
炎郊處處依餘庇 Viêm Giao xứ xứ y dư tý
鳶詀元曾此地來 Diên chiếm Nguyên tằng thử địa lai

散盡千金惠故人 Tán tận thiên kim huệ cố nhân
間並一劂事明君 Gian tình nhất quyết sự minh quân
應知功大多貽累 Ưng tri công đại đa di lụy
只為情深苦服勞 Chỉ vị tình thâm khổ phục lao
能記荒蔞酬主簿 Năng ký hoang lâu thù chủ bạc
仙緣薏苡圓將軍 Tiên duyên ý dĩ viên tương quân
至今浩氣英風在 Chí kim hạo khí anh phong tại
繚繞吳山粵嶠雲 Liễu nhiễu Ngô sơn Việt kiệu vân

(Tạm dịch: QUA QUỶ MÔN VIẾNG MIẾU PHỤC BA TƯỚNG QUÂN

Bái viếng núi đền nhìn ra chân trời; Tấm lòng kính cẩn nhớ về thuở nào. Làng quê thờ phụng vị tiên; Cờ xí biên ải thêm hùng tráng thay. Thuở ấy bậc lưu hầu truyền dạy [cho dân trồng] mễ cốc; Ngàn thu bàn luận còn ghi mối hận đài mây. Cả Viêm bang lẫn Giao Chỉ thảy được nương nhờ; Diều hâu Nguyên Mông từng thử ghé chốn này.

Trút ngàn vàng đền ơn người cũ; Cùng nắm con dao thờ minh chúa. Đành chịu công lớn nhiều âu lo; Chỉ bởi thâm tình nên phải chịu khổ. Cỏ hoang còn biết báo đáp quan ngài; Lau lách nhờ duyên trọn theo tướng quân. Chí khí phi thường đến nay vẫn còn; Quanh quẩn trong mây ở núi Ngô non Việt)
.

Muốn bình bài thơ của Lê Quý Đôn như nào tùy, chỉ xin nhớ cho: đây là thơ Đôn làm khi đi sứ, sau chép lại trong tập thơ riêng của mình, không phải thơ ngoại giao làm ra cốt để đưa người Tàu đọc. Thơ văn của sứ thần đôi bên viếng đền Mã Viện không chỉ hai bài kể trên; tựu chung, những văn thơ đó cho thấy đền thờ Viện đã thành biểu tượng của thành tín trung hiếu cho cả hai bên.

Hệ thống đền thờ Mã Viện trải dài suốt một giải Lĩnh Nam đến nay vẫn tồn tại, nhiều nhất là ở Quảng Tây, trong Khu tự trị người Tráng (Choang), nhưng ở Bắc Việt nay không còn cái nào, điều đó chứng minh người Việt đã có tinh thần độc lập tự chủ hay cho thấy sự thù hằn nghi kỵ phương Bắc của họ ngày thêm ngùn ngụt?

* * *

Cùng với hệ thống đền thờ, những truyền thuyết về Mã Viện cũng từ đó lan tỏa, nhất là về sự linh ứng của Phục Ba tướng quân, đền Bạch Mã Hà Nội khi xưa không ngoài lệ ấy.

Nói về đền Bạch Mã, không thể bỏ qua hình tượng ngựa trắng, ngựa đó từ đâu ra? Chuyện về Mã Viện thường gắn liền với hai thành ngữ liên quan đến ngựa. “Da ngựa bọc thây” (mã cách khỏa thi 馬革裹屍) tỏ chí khí hào hùng, nhiều người đã biết. Thành ngữ thứ hai “Bạch mã thông tuyền” 白馬通泉 (ngựa trắng tìm ra suối) gắn liền với ngựa trắng: chuyện kể rằng khi xuống bình định Lĩnh Nam, quân tướng đang khổ sở vì thiếu nước uống thì ngựa trắng Viện cưỡi chợt dừng lại, hai vó trước không ngớt cào lên mặt cát, quân lính theo đó đào được mạch nước ngầm mát ngọt, toàn quân được cứu. Bởi đó, các đền thờ Mã Viện đều có tượng ngựa trắng được thờ kèm theo, và Viện còn được gọi cách cung kính là “Bạch mã Tướng quân”. Tượng ngựa trắng này được cho là rất linh thông, phụ nữ cầu tự lòn ngang bụng sẽ sinh quý tử, trẻ em lòn qua thì thông minh đĩnh ngộ, học hành tấn tới.

Riêng sự linh thiêng của Bạch mã Tướng quân phố Hàng Buồm, trong bài văn bia trùng tu ở trên đã nói sơ qua, đây chỉ kể thêm về bài văn bia khác, cũng của đền Bạch Mã, “Trùng tu Bạch Mã miếu bi ký”[8], văn bia này được dựng vào Minh Mạng nguyên niên (1820), cho biết từ xưa, vì linh ứng nên Mã Viện đã được sắc phong làm Thành hoàng của Thăng Long, có chế độ tế tự trang nghiêm Xuân Thu nhị kỳ.

Đường bệ oai phong nhường ấy, sao Viện lại bị đá đít ra khỏi đền, nhường hộ khẩu lại cho Long Đỗ đứng tên chủ hộ? Đó là do nhiều nguyên nhân.

Sâu xa sự việc có lẽ từ việc người Pháp chia rẽ nhà Thanh với An Nam, hô biến khiến chị em Trưng Trắc từ chỗ chỉ vì tư thù mà dấy loạn, cuốn cả vùng Lĩnh Nam vào khói lửa, bỗng thành ra Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ đó, viên tướng Mã Viện có công dẹp loạn an dân bị xem là đại diện của thế lực bành trướng phương Bắc. Đến sau này, khi xảy ra cuộc chiến 1979 giữa hai huynh đệ đồng môn Xích Cộng bang thì Viện chính thức bị triệt hạ để nhường chỗ cho Long Đỗ đại vương, một "hộ thần" xàm xí mứng. Dầu sao thì, hỡi Phục Ba tướng quân, ngài cũng nên cảm tự Long huynh đệ một tiếng; không có y thì đền thờ của ngài có thể đã thành sân phơi lúa của hợp tác xã, và Bạch mã không biết đã phải lưu lạc tìm nguồn nước ngọt ở phương trời âm binh khí tụ nào!

_______

[1] Tôi không thạo cổ văn, bản dịch tạm không được ưng ý lắm, mong có người chỉ giáo và sửa chữa giúp cho được hoàn chỉnh. Bài “Trùng tu Hán Phục Ba tướng quân từ bi ký” này, khoảng 2010 còn thấy trên mạng, nay các link đều bị lỗi “404 Page Not Found”, may có chép lại nguyên văn chữ Hán:

稽古之勳臣良將,顯當時、垂後世者,皆具不世之才、能建非常之業,始獲流芳百代,明祀千秋者焉,夫漢之伏波將軍是矣。當初,莽之候,英傑並起,彼際識真主於雒陽,知神器之有命,責隗囂、誅王莽,北出塞漠、南渡江海,可曰無攻不克,何敵不從,威靖中原,澤弘天地。將軍誠漢世之雄豪,千古之英表也,以致振古於斯,明煙弗朽。第京都之東,有白馬祠,其來遠矣。神威赫奕而仰之彌高,佑商庇民則禱之必應,不有勝於當日崇報功之典歟!柰今歲之年深,風雨飄搖,棟壁朽頹。吾儕知沐洪庥有日,寧敢以袖手旁觀,任定其摧殘落落而已。茲於丙寅年拾月穀旦集眾捐資,鳩工重修。幸一時廟貌輝煌,逮頓成威嚴凜肅,堪中外之依皈、四方之禱叩也。但恐修葺之後,未免複有傾圯之虞。然今之可能繼昔,猶望後之亦效今也,尚賴諸君子有以成之,俾將軍享祀於日月同增,忠勳若乾坤並永矣。所以勒石為記,所有功德、各處姓名開陳於左。

[2] Nguyên văn: 勸課農商,蠲免租賦,省徭役,褒節孝,專務以德化民,百姓悅服。援在任六年,表乞骸骨,帝乃以劉隆代之。援還後,百姓追思功德,立廟奉之。

[3] Father Adriano di St. Thecla, Olga Dror, translator and annotator, Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses, A Small Treatise on the Sects among the Chinese and Tonkinese: A Study of Religion in China and North Vietnam in the Eighteenth Century, Cornell University Ithaca, New York, 2002.

[4] Hứa Văn Đường, “Tín ngưỡng dân gian Việt Nam - thần thoại Bạch Mã đại vương” 越南民間信仰—白馬大王神話. Bài đăng trên tạp chí “Nam phương Hoa duệ nghiên cứu” 南方華裔研究, số 4-2010.

[5] Các học giả Bắc Việt sau này, cụ thể là các vị soạn quyển “Văn hóa Việt Nam tổng hợp”, (Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, Hà Nội, 1989), hình như cho việc phải bái lạy Mã Viện đó là sự nhục cho quốc thể nên đã úm ba la cha chả thần thông, kéo Quỷ Môn quan bên Tàu qua thành... ải Chi Lăng, nơi tướng Tàu Liễu Thăng đã cho mượn đỡ cái đầu (mà sau này An Nam sẽ phải trường kỳ cống nạp đền lại đầu bằng vàng). Tiện đà hứng chí, họ mượn luôn câu than của dân Tàu thời xưa: “Quỷ Môn quan! Quỷ Môn quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn!” để chứng minh rằng Quỷ Môn-Chi Lăng “hiểm trở” tới nỗi bọn Tàu qua 10 đứa thì chỉ còn 1 tên trở về.

Các vị chơi lầy quá, phục hồi một tin đồn ba láp từ xưa, làm tôi mắc cỡ quéo lỗ tai, nhân tiện mượn đây để thưa lại: Quỷ Môn quan ở Bắc Lưu là nơi yếu đạo để vào hai châu Khâm, Liêm (Quảng Tây), bán đảo Lôi Châu, và đất Giao Chỉ. Lộ trình đi sứ giữa hai bên Trung-Việt ngày xưa tất phải qua ải Quỷ Môn, đồng thời sứ lộ đó cũng là lộ trình mà các quan Tàu bị biếm trích Lĩnh Nam phải đi qua. Câu vè trên kia chính là lời ta thán của những người bị lưu đày: qua khỏi Quỷ Môn quan rồi là hy vọng được về quê kể bỏ. Còn địa thế ải Chi Lăng, xin ngó thử đi, “hiểm trở” chỗ nào?

Nói thêm, Lê Quý Đôn trong “Vân đài loại ngữ” cũng khẳng định Quỷ Môn quan là ở huyện Bắc Lưu bên Tàu, đồng thời bác bỏ tin vịt Quỷ Môn quan ở Lạng Sơn. Vậy đó, chọn tin theo học giả nhà Lê hay học giả đời cộng là tùy người đọc.

[6] Có thể tìm đọc bài văn tế này trong “Kiến văn tiểu lục” do Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1961: tr.204-205.

[7] Về tuyển tập “Việt Nam Hán văn yên hành văn hiến tập thành”, Viện Nghiên cứu Hán Nôm có lời giới thiệu ở đây:
http://hannom.vass.gov.vn/noidung/TapChi/Pages/baiviet.aspx?ItemID=305

[8] “Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam (tài liệu in nội bộ, 1991), tập 1: tr.198-200”.

6 nhận xét :

  1. Ở đầu phố Hàng Sắt thành phố Nam Định cũng có một ngôi đền thờ Mã Viện, lợp ngói lưu ly, mà bỏ hoang đã từ lâu, hương lạnh khói tàn.

    Trả lờiXóa
  2. Mã viện chỉ là ngoại bang, tục thờ mã viện có từ thời nước ta bị nô lệ. nay nước ta độc lập trộm nghĩ cũng không cần phải thờ một người ngoại bang không liên quan gì đến dân tộc. Dân tộc Việt mình đâu thiếu anh hùng để thờ?

    Trả lờiXóa
  3. Thực ra thì những kẻ (hiện nay mình coi là) xâm lược (người Hán, người Pháp) khi bình định được đất Việt, đều muốn ly khai chính quốc để lập quốc gia riêng. Nếu họ thành công thì có lẽ mô hình NNVN bây giờ có thể nư Canada, Úc,...gì đó! LS không có "nếu" mà...

    Trả lờiXóa
  4. "Sâu xa sự việc có lẽ từ việc người Pháp chia rẽ nhà Thanh với An Nam, hô biến khiến chị em Trưng Trắc từ chỗ chỉ vì tư thù mà dấy loạn, cuốn cả vùng Lĩnh Nam vào khói lửa, bỗng thành ra Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
    Đừng đổ oan cho Pháp như thế, học không cần phải làm vậy, từ xưa nước Việt với nước Tàu đã không chịu nhau rồi. Nhưng người Việt ta có tính công bằng, hễ ai làm gì tốt thì ta biết ơn, lập đền thờ, dù đó là Mã Viện, kẻ xâm lược.
    Ở quê tôi có lăng Sỹ Nhiếp (làng Tam Á, huyện Thuận Thành), lăng ghi rõ là "Nam giao học tổ" (ông tổ học của nước Nam), trong khi Sỹ Nhiếp là quan thái thú nhà Hán cử sang An Nam cai trị. Có thể thấy, nhân dân rất công bằng.
    Một điều nữa, cũng cần nhắc đến, trong huyết thống người Việt, chắc chắn khá nhiều người có nguồn gốc Hán. Với 1.000 năm đô hộ, hàng trăm dòng họ ở VN có gốc Hán, vì thế, họ thờ Mã Viện cũng là bình thường.
    Với lại, ngày xưa khái niệm quốc gia cũng không như bây giờ. Trong sử Việt, rất nhiều vua chúa sáng nghiệp đều có gốc gác bên Tầu đấy thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Đền thờ Mã Viện ở phố Hàng Buồm, phố này xưa toàn người Hoa ở mà, họ lập đền thờ một kẻ đồng hương cũng không có gì khó hiểu.
    Có điều, Mã Viện có đáng để dân Việt ta bây giờ thờ không, thì cần phải bàn. Theo sử bây giờ thì Mã Viện là kẻ xâm lược, đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nhưng đó là chức trách của ông ta, chúng ta chẳng nên oán trách điều đó. Ví thử bây giờ trong Tây Nguyên, Phun-Rô nổi loạn lập nước riêng thì ta cũng phải đi dẹp bỏ thôi. Có điều khi dẹp được khởi nghĩa rồi, Mã Viện đối đãi với dân bản xứ ra sao, có giết chóc, tàn sát không? hay ông ta vỗ về dân chúng an cư lạc nghiệp!
    Miền nam nước ta xưa vốn đất của Champa, do vua Lê Thánh Tông và các vua chúa nhà Nguyễn chiếm được. Ví thử như người Chăm mà không mất nước, thì họ cũng gọi những anh hùng của ta là giặc xâm lược thôi. Vì thế, khái niệm anh hùng hay giặc là ở người thắng cuộc áp đặt. Kẻ chiến thắng là người có tất cả. Quan trọng là hành vi của người thắng cuộc sau đó là gì, mới quyết định nhân phẩm của họ.

    Trả lờiXóa
  6. An Nam tức sự (安南即事) của Trần Phu thời nhà Nguyên khi đi sứ sang nhà Trần ở thành Thăng Long (La thành) có chép:

    人家門首,必有小祠,其神曰馬大人,刻木像,猥惡不可名狀,朔望則陳于庭,老稚羅拜之。Trước cửa nhà người dân (ở kinh thành) phải có miếu nhỏ thờ thần gọi là Mã đại nhân, khắc tượng gỗ hình dạng hung ác không biết gọi làm sao cho đúng, cứ đến ngày đầu giữa tháng thì bày ở sân, già trẻ đều bái lạy cúng tế.

    Miếu nhỏ thờ thần Mã đại nhân (馬大人) có lẽ là thần Bạch Mã, không phải Mã Viện.

    _________________


    Thời xưa chính trị xã hội không như bây giờ, dân gian có nhiều đối tượng để thờ phụng, hoặc là anh hùng bản địa, hoặc là anh hùng ngoại lai, hoặc do Hoa kiều tự lập miếu thờ, hoặc phối thờ với anh hùng bản địa. Trường hợp thờ Mã Viện là một trong số đó, có ở rất nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.

    Theo "Hứa Văn Đường, “Tín ngưỡng dân gian Việt Nam - thần thoại Bạch Mã đại vương” 越南民間信仰—白馬大王神話. Bài đăng trên tạp chí “Nam phương Hoa duệ nghiên cứu” 南方華裔研究, số 4-2010." thì tín ngưỡng thờ phụng Bạch Mã Đại Vương thời nay có 15 chỗ thờ phụng:

    1. Đình Đồng Xuân (83 Hàng Giày)
    2. Miếu Bạch Mã (76 Hàng Buồm)
    3. Đình Tân Khai (44 Hàng Vải)
    4. Đình Nội Miếu (30 Hàng Giày)
    5. Đình Nhân Nội (33 Bát Đàn)
    6. Đình Đại Lợi (50 Gia Ngự)
    7. Đình Hàng Đào (47 Hàng Đào)
    8. Đình Đồng Lạc (28 Hàng Đào)
    9. Đình Cổ Vũ (85 Hàng Gai)
    10. Đình Cổ Tân (166 Trần Quang Khải)
    11. Đình Nam Hương (75 Hàng Trống)
    12. Đình Nam Ngư (48 Nam Ngư)
    13. Đình Phúc Lâm (2 Gầm Cầu)
    14. Đình Nhân Bác (17B Hàn Thuyên)
    15. Đình Thượng Giáp (96 Nguyễn Hữu Huân)

    Bạch Mã Đại Vương cũng tức là thần Long Độ, không chỉ là thành hoàng của các phố phường ở Hà Nội mà còn là thành hoàng của một số huyện Mĩ Lộc-Giao Thủy-Vụ Bản-Hải Hậu của tỉnh Nam Định, huyện Yên Mĩ của tỉnh Hưng Yên, huyện Kim Bảng của tỉnh Hà Nam, huyện Yên Khánh của tỉnh Ninh Bình, huyện An Dương của thành phố Hải Phòng, thậm chí ở huyện Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An. Có thể nói tín ngưỡng thờ Bạch Mã Đại Vương rất rộng từ Hà Nội đến Nghệ An.

    Hứa Văn Đường cũng cho rằng: Tín ngưỡng thờ Bạch Mã Đại Vương sớm nhất là vào thời nhà Lí. Còn tín ngưỡng thờ Mã Viện ở Việt Nam có lẽ sớm nhất là vào thời nhà Hán. Ở miếu thờ Bạch Mã Đại Vương tại 76 Hàng Buồm có phối thờ Mã Viện là vì có một giai đoạn vào thời kì Lê-Trịnh thì miếu thờ này bị hư hỏng được người Hoa kiều ở bên cạnh trùng tu sửa, đã phối thờ Mã Viện thay cho Bạch Mã Đại Vương (có lẽ vì sự tích Bạch Mã nên họ đã nhầm lẫn vô ý hoặc cố ý đánh tráo đối tượng thờ phụng). Còn 14 miếu thờ Bạch Mã Đại Vương khác ở Hà Nội không có tình trạng ấy. Đến thời ngày nay (sau năm 1945), do quan niệm mới đề cao tính dân tộc, cho nên tín ngưỡng thờ Mã Viện ngày càng giảm, đối tượng thờ phụng ở miếu Bạch Mã 76 Hàng Buồm là Mã Viện cũng bị loại bỏ thay vào đó là Bạch Mã Đại Vương như vốn có.

    Trả lờiXóa