Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Nhà văn Lê Mai: QUỶ VƯƠNG TRONG KIẾP LUÂN HỒI

QUỶ VƯƠNG TRONG KIẾP LUÂN HỒI

Nhà văn Lê Mai

Đọc “Quỷ Vương”, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Nxb Hội nhà văn- 6/2016), tôi chợt nhớ đến tập thơ “Chẹc chẹc” của văn thi sĩ Nguyễn Đình Chính - tập thơ mà nhà văn Nhật Tuấn nhận xét: “Trên bãi cứt của nghệ thuật đương đại sẽ mọc lên kỳ hoa dị thảo”. Hai tác phẩm của hai cây bút tuổi Tuất (1946), một nghiêm cẩn nho nhã, một bông phèng biết tuốt, chửi tuốt ấy lại có chung một điểm: Lạ, rất lạ và đáng suy ngẫm…

Ở “Quỷ Vương” điểm lạ của văn phong bút pháp Vũ Ngọc Tiến là ở chỗ ông không viết tiểu thuyết lịch sử theo logic thông thường vì tác giả mở đầu cuốn sách bằng chương “Biệt thự hoa phù dung” và kết thúc bằng chương “Một cơn lũ quét”, cả hai chương đều ở thì hiện tại. Vậy thì ông viết về quá khứ, về hiện tại hay hướng tới tương lai? Bút pháp đồng hiện của cây bút có nghề này đã khía vào những kiếp luân hồi, làm nên sự sáng tạo độc và lạ. Dù bối cảnh ở thì hiện tại tác giả chỉ đề cập đến cái tỉnh K lèo tèo heo hút với một vài quỷ quan, một vài doanh nghiệp, nhưng đã giúp người đọc nhận ra cái tàn nhẫn, khốc liệt, cái đớn hèn đểu cáng, cái khốn khổ điêu linh… ở tầm rộng lớn hơn. Cái tài đó, cái lạ đó của Vũ Ngọc Tiến đã làm cho cuốn “Quỷ Vương” trở nên kỳ hoa dị thảo có sức cuốn hút ma mị.  Đọc “Quỷ Vương” ta không chỉ biết về lịch sử 100 năm thời Lê sơ tái hiện không theo trình tự thời gian của sự kiện lịch sử mà theo văn cảnh của thì hiện tại, độc giả còn phát hiện ra trong đó những mạch ngầm tinh quái, tàn bạo của lũ quỷ vương, quỷ quan xưa đã vậy, nay còn ghê gớm hơn để rồi day dứt lo lắng cho sự luân hồi của những kiếp sau trong tương lai gần nếu hôm nay đây chúng không bị diệt trừ tận gốc.

Ta bắt đầu từ chương sách mở truyện “Biệt thự hoa phù dung”, Vũ Ngọc Tiến không ngẫu nhiên miêu tả rất tỉ mỉ, rất trân trọng và run rẩy những đặc điểm sinh học, tính năng, công dụng… của một loài hoa vốn mọc ở đầu khe cuối bãi, sớm nở tối tàn (em của chị phù hoa, cháu của cụ phù vân). Trong một xã hội tha hóa, ông muốn hướng chúng ta vào sự lưu luyến, xót thương với thân phận cái đẹp mỏng manh quá, yếu ớt quá! Ông muốn hướng ta nhớ đến “Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu” của On-ga Bec-gon hay liên tưởng đến phận người trong bài ký “Hoa bên trời” thi sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng viết: “Mỗi lần nhắc đến hoa phù dung, tôi lại thấy cảm giác rờn rợn như một số phận đầy bi thảm; như thể nó không phải một loài thực vật mà là một thiếu nữ” (trang 14). Và cũng chính thi sĩ ấy đã phải bàng hoàng thốt lên câu thơ: “Nhìn hoa bâng khuâng anh nói/ mới thôi mà đã một ngày” “Đời người mỏng manh, phù du đến thế sao? “Thời gian sao mà xuẩn ngốc?/ mới thôi mà đã một đời người!” (Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường) Có lẽ cũng vì thế Vũ Ngọc Tiến muốn ta hướng tới kiếp luân hồi theo luật nhân quả: “Thiền sư Kiến Phúc trụ trì chùa Sùng Miên trong một lần tọa thiền khai mở luân xa đã nhìn thấy nàng Lệ Thanh có khuôn mặt giống hệt Thùy Dung; còn chàng nho sinh Bùi Trụ giống Hiếu Dân như đúc. Thầy Kiến Phúc quả quyết rằng đã nghe rõ thông điệp từ quá vãng mách bảo, hai người là kiếp luân sinh của họ” (trang 17- 18). Chu kỳ luân hồi xuất hiện vào 30 năm cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 (1497- 1527): “Cuối thời Lê sơ đạo đức xã hội suy vi, kỷ cương triều đình mục nát đến thối rữa nên ngồi trên ngai vàng là một thứ “Quỷ Vương”, quan chức trong triều nhung nhúc loại quỷ quan; còn ở làng quê cái ác lộng hành, người sống lẫn với quỷ ma, có khi chỉ một con gà, con chó mất cắp người ta xúm lại đánh hội đồng kẻ ăn cắp đến chết mới thôi” (trang 174). Quỷ Vương (Uy Mục) - kẻ đã bắt giam tra tấn cực hình đến chết toàn bộ gia quyến chú ruột, đánh anh đập em, thậm chí giết cả bà nội bằng thuốc độc, đốt cung Trường Lạc…; kẻ mắc chứng bạo dâm, mỗi lần phá trinh một phi tần hay cung nữ vua đều nghĩ ra những trò quỷ quái để hành hạ người đẹp trước khi ân ái… (trang 43). Rồi Trư Vương (Tương Dực), kẻ dâm loạn với hết lượt phi tần của các đời vua trước; kẻ giết hại 15 vị vương công không cần xử án; kẻ nghĩ ra nhiều trò tiêu khiển điên rồ quái ác; kẻ sai Vũ Như Tô xây cung điện 100 nóc, xây cửu trùng đài nguy nga tráng lệ… trong lúc ngân khố nước nhà cạn kiệt, dân chúng đói khổ, lầm than… Quỷ Vương, Trư Vương đã bị ngòi bút của sử gia thời nay Bùi Hiếu Dân dũng cảm lột trần trước bàn dân thiên hạ đâu phải chỉ để cho vào đề tài nghiên cứu, đóng bìa đẹp, cất trong lưu trữ. Nó như khắc khoải âu lo giờ đây Quỷ vương, Trư vương đã luân hồi vào kiếp sống nào, tập thể nào, nhóm lợi ích nào? Thấp thoáng đâu đây. Bảng lảng đâu đó. Khi hữu hình lúc vô hình có chút hơi hướng liêu trai, tác giả cho hiện ra bóng dáng Ông Cụ. Một Ông Cụ rất lạ. “Hễ nhắc đến cụ lớn L, từ quan đầu tỉnh đến thường dân không ai dám gọi tên thật, chỉ dùng hai chữ Ông Cụ nghe vừa thiêng liêng, trang trọng vừa huyền bí như một vị thánh” (trang 6). Quả có như vậy, trong đời sống thường ngày ở vương quốc tỉnh K, hễ Ông Cụ nói là phải đúng, Ông Cụ làm là phải hay; nhất cử nhất động của Ông Cụ là tấm gương soi, mọi lời Ông Cụ đều là khẩu dụ vua ban, sấm truyền của thánh.  Nhưng trong cuốn “Quỷ Vương”, dưới ngòi bút của tác giả, Ông Cụ cứ dần làm ta thất vọng: bao che nâng đỡ lũ quỷ quan như Thế Quyền, Huy Hùng; ưu ái, bọc lót cho những tập đoàn kinh tế buôn gian bán lận; lên giường với con nuôi ân ái kiểu gì, hưng phấn đến độ nàng không rên ư ử như đám ca ve mà lại rên thành tiếng ệ… Thì ra tiếng rên ấy nàng Xuân trong cuốn “Quỷ Vương” thường tự nhủ cái tiếng ệ trong quan hệ ô nhục đó đồng âm với tiếng ệ của đồng Nhân dân tệ! (trang 79). Thảo nào mà trong công trình nghiên cứu lịch sử của mình, nhà viết sử Hiếu Dân đã viết về các triều vua Lê: “Nghĩ cũng lạ, ở nước Đại Việt có chủ quyền mà phe nhóm nào trong triều cũng mượn hơi dựa vía nhà Minh…” (trang 63).

Quỷ Vương, Trư Vương còn luân sinh vào những kiếp nào? Vũ Ngọc Tiến đã chỉ ra trong chương “Xuân Tây Thi xuất ngoại”, đó là Thử Vương (vua chuột) trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo (trang 158 - 178) khiến ta sững sờ kinh ngạc về hiện trạng kinh tế nước nhà. Nó còn hiện diện trong Tập đoàn kinh tế  Bil- Kel với những hồn ma bóng quỷ của chủ nghĩa tư bản hoang dã theo chân Lê Thế Quyền, Xuân Tây Thi từ chợ “Đôm 5” ở nước Nga thời “Vua Chốp” về tỉnh K, tác yêu tác quái trong các lĩnh vực khai khoáng, ngân hàng, buôn lậu, chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng… Nơi nào liên minh ma quỷ giữa quyền lực và tiền tệ hình thành, nơi những lợi ích nhóm phát tác thì ở đó những Quỷ Vương, Trư Vương, cả đến Thử Vương tha hồ thỏa sức tung hoành, đẽo da dóc thịt dân lành như các triều vua Lê đốn mạt khi xưa cả thôi. Những bản hợp đồng ký kết giữa bọn Thử Vương ngành lúa gạo với lũ quỷ ngoại quốc phương Bắc trong truyện là tội ác với hàng triệu nông dân miền Tây Nam Bộ. Những mưu đồ tham nhũng chính sách của Quyền, thủ đoạn ghê rợn của Huy Hùng dùng thanh đồng vị Coban 60 để tiêu diệt đối thủ trước kỳ đại hội ở tỉnh K… tác giả đã gọi đúng tên chúng nó là “Quỷ”, sao có nhiều người trong chúng ta lại mới chỉ rón rén, nhỏ nhẹ gọi là “Sâu” nhỉ? Tôi chợt liên tưởng đến vụ con quỷ Formosa… Hơn 500 năm đã vùn vụt trôi qua, sao tôi lại thấy những đám tiểu yêu quái ở mấy tỉnh miền Trung thản nhiên, hớn hở tắm biển và ăn cá để chứng tỏ biển vẫn lành, cá vẫn tươi ngon trước ánh mắt nghi ngờ, thương hại của dân! Tôi nhớ đến những bộ mặt vô cảm, lỳ lợm của các quỷ quan trong vụ Vinashin, Vinaline làm thất thoát hàng núi tiền, cướp hàng biển mồ hôi nước mắt dân lành lấy tiền, vàng bỏ túi hay đem đi tiêu xài sa đọa. Tôi rùng mình lo sợ cái chu kỳ luân hồi mới của Quỷ Vương dường như đang đến sẽ tàn bạo khốc liệt hơn, nhưng cũng văn minh hơn, đểu cáng hơn chăng? Dân tộc sẽ ra sao, đất nước sẽ thế nào nếu không nhanh chóng diệt hết lũ quỷ ma này?...

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến quả thật rất thực lòng yêu thương và cảm thông cho cặp luân sinh Lệ Thanh - Thùy Dung. Cứ động đến văn cảnh nào viết về họ ta lại thấy ngòi bút ông run rẩy hơn, nhả chữ rưng rưng hơn. Tuy vậy, tôi thấy dường như ông thiên vị, ông ưu ái, ông chiều chuộng “Thần dân” Lệ Thanh hơn “Công dân” Thùy Dung chăng? Là “Thần dân” dưới chế độ phong kiến, lại ở thời mạt vận, đương nhiên nàng Lệ Thanh khó tránh khỏi kiếp nạn phải làm nô tì, là nô lệ tình dục…, trải bao ngang trái của tình yêu, bao tủi nhục của phận người, nhưng cuối cùng nàng vẫn được đoàn tụ với chàng nho sinh Bùi Trụ. Hơn 500 năm sau, ông lại khoác cho “Công dân” Thùy Dung một bi kịch dai dẳng không có hồi kết và một cái bệnh rất vớ vẩn: Bệnh viêm tuyến lệ. Một thứ bệnh không thời thượng không hiện đại như HIV, máu trắng, xương thủy tinh  hay u vú, u nang buồng trứng vẫn thường gặp trong phim Hàn Quốc. “Công dân” Thùy Dung âm thầm sống trong hôn nhân không có tình yêu, chỉ đơn giản là cuộc mua bán: Nàng bán trinh, còn chồng mua trinh. Rồi là cái máy đẻ. Rồi cũng trải qua bao tủi nhục của kiếp người. Rồi cuối cùng thì chồng chết vì bị đầu độc phóng xạ, người yêu trong mộng cũng chết vì lao lực và ung thư phổi. Tuyến lệ của nàng vẫn viêm, nước mắt vẫn chảy, hốc mắt vẫn cay…

Với cặp luân sinh Bùi Trụ - Hiếu Dân, nhà văn Vũ Ngọc Tiến cũng rất thực lòng yêu thương, trìu mến với họ. Ông dành những trang văn hào sảng, giàu trí tuệ, tràn đầy nhiệt huyết cho Bùi Trụ, nhất là khi chàng được đoàn tụ với Lệ Thanh, được vua Mạc Đăng Dung trọng dụng, giao cho việc thiết kế và xây dựng Dương Kinh, phục vụ cho chiến lược hướng ra biển Đông vươn khơi, mở rộng ngư trường và giao thương trên biển. Nhưng sao những trí thức thời nay lại khốn khổ đau thương đến vậy? Người ưu thời mẫn thế như thầy giáo Hạnh thì phải đi tu. Người thông minh dũng cảm, học rộng biết nhiều như nhà báo Quang Huy thì bị tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Người say mê khoa học, sôi sục cống hiến như nhà nghiên cứu sử học Hiếu Dân thì công trình nghiên cứu luôn bị vướng cản và không được sử dụng. Ung thư mà chết. Chết trong nghịch cảnh: người yêu mình thì mình không yêu; người mình yêu thì đã có chồng. Thương cảm lắm! Xót xa lắm!... Chỉ có gã nhà văn đê tiện, ranh mãnh, đểu cáng tên Khang được các quỷ quan thuê làm mưu sĩ cho những vụ đâm thuê chém mướn, cướp đất, thông thầu… là nhởn nhơ sung sướng hưởng chút tiền rơi lộc vãi của lũ ma quỷ trong tỉnh K. Thảm thay, thương thay những trí thức thời mạt vận. Vẳng đâu đây câu nói lạnh tanh đầy ngạo mạn của ông “Con Giời” bên nước lớn láng giềng phương Bắc: “Trí thức là cục cứt”. Viết tới đây tôi chợt ngộ ra cái điều cụ Tản Đà từng than thở: “Dân 25 triệu ai người lớn/ nước 4000 năm vẫn trẻ con”!…  

Tôi thật sự bất ngờ đến ngỡ ngàng khi đọc chương “Triết gia trong chùa Sùng Miên” (trang 201- 228). Chương sách dài 28 trang, không nhân vật lạ lùng, không chi tiết giật gân, không sự kiện to lớn… và không cả cởi truồng mà sao cuốn hút người đọc đến vậy. Tất cả chỉ là cuộc trò chuyện bình thường giữa ba nhân vật yếm thế thời hiện đại thủ thỉ luận bàn về lịch sử 100 năm thời Lê sơ. Những mong muốn, ý tưởng toát ra trong cuộc trò chuyện này đã thôi thúc nhà nghiên cứu sử học Hiếu Dân hoàn thành công trình khảo cứu “Lịch sử 100 năm thời Lê sơ” và phải kết thúc bằng sự ra đời vương triều nhà Mạc với nhiều cách tân đổi mới, cũng giống như tác giả phải kết thúc cuốn tiểu thuyết bằng chương “Một cơn lũ quét” vậy. Dõi theo cuộc trò chuyện của họ ta thấy: Té ra cái dân tộc này, đất nước này từ xa xưa gần 1000 năm trước đã từng quá quen với đa nguyên - một thuật ngữ mà giờ ta đang e dè, né tránh hễ nhắc đến coi như phạm húy. Tam giáo đồng nguyên thời Lý, đặc biệt vào thời Trần chẳng phải đa nguyên thì là cái gì? Các ông vua hiền minh đầu triều Trần đã sử dụng, Việt hóa nó thành hệ tư tưởng độc đáo của xã hội Việt Nam; biến nó thành động lực phát triển. Và nhờ thế mới có hòa giải dân tộc, hòa hợp tôn giáo chính là sức mạnh làm nên kỳ tích ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Té ra Lê Lợi, vị anh hùng dân tộc lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, có công cứu nước nhà thoát khỏi nguy cơ Bắc thuộc lần thứ hai lại đã mắc một sai lầm trầm trọng, di lụy đến bao đời qua nhiều thế kỷ. Vì ngai vàng quyền lực của họ Lê, ông kiên quyết chối bỏ hệ tư tưởng Tam giáo đồng nguyên đã thành quốc bảo thời Trần; rước về một thứ đạo Nho thời Tống hủ lậu, suy đồi, không còn giữ được mặt tích cực của đạo Nho lúc khởi thủy thời Tiên Tần. Sự thật là đánh thắng giặc Minh xong rồi, chính ông lại tự nguyện đẩy cả dân tộc vào cái rọ tư tưởng hủ bại của giặc Tầu, dùng nó làm hệ tư tưởng độc tôn, thống soái khiến xã hội trì trệ, giáo dục hư nát, con người bị mặc nhiên tước bỏ mọi sự sáng tạo. Về mặt này Lê Lợi cũng đã tự biến mình thành tội đồ của dân tộc Việt. Theo vết mòn tư tưởng hủ lậu ấy, hậu duệ của ông - vua Lê Thánh Tông nổi tiếng hiền minh, tài năng xuất chúng, kiến tạo nên một vương triều hùng mạnh, thịnh trị nhất trong lịch sử các triều vua Việt Nam, nhưng lại là ông vua hăng hái quyết liệt nhất trong việc nuôi dưỡng sự toàn trị, độc tôn tư tưởng Tống Nho, phỉ báng đạo Lão, chèn ép đạo Phật tới mức đuổi hết các vị Tăng, Ni kiệt xuất ra khỏi kinh thành, dạt về trụ trì các ngôi chùa hẻo lánh ở các làng quê hay chốn thâm sơn cùng cốc. Khi các độc tố của tư tưởng hủ Nho ấy đủ thời gian ngấm sâu vào cơ thể Đại Việt, nó phát tác: Quỷ Vương, Trư Vương xuất hiện; quỷ quan, cẩu quan nhung nhúc. Đó cũng chính nhằm vào lúc Thánh Tông qua đời, triều chính rối ren, kỷ cương phép nước hỗn loạn, giáo dục hư nát, đạo đức xuống cấp, đất nước ngập chìm trong bạo loạn, lòng người ly tán nước mắt ngập tràn… Hệ lụy này bao giờ mới dứt! Bánh xe luân hồi cứ quay, cứ quay đến tận bây giờ thành “hệ tư tưởng thùng nước gạo” nào nữa đây, khiến tôi đọc “Quỷ Vương” không thể không liên tưởng đến cá chết, biển chết, rừng chết, sông Cửu Long ngập mặn, Tây Nguyên khô hạn, người Tầu tràn ngập khắp nơi, lòng tin cạn kiệt… Phải chăng lời bàn trong cuộc trò chuyện của ba nhân vật trong chùa Sùng Miên “Đạo mất trước, nước mất sau” sớm muộn sẽ thành hiện thực nếu ta không mau thức tỉnh?...

Đọc vài trăm trang cuốn “Quỷ Vương” ta hiểu được tiến trình thăng trầm phức tạp của lịch sử 100 năm thời Lê sơ. Ta biết được một số mạch ngầm tinh quái, độc ác của các loại vua quỷ, quan quỷ thời nay nào có khác gì ngày xưa hóa kiếp lộn về trong vòng luân hồi và đặc biệt ta có thể dùng nó  đoán định tương lai… Cảm ơn tác giả - nhà văn Vũ Ngọc Tiến! Và nhân đây người viết cũng có lời xin lỗi rằng, trước đây tôi nghĩ ông cũng giống nhiều nhà văn khác ở xứ này, chỉ là người kể chuyện có duyên, nhưng đọc “Quỷ Vương” tôi mới nhận ra ông là của hiếm vì trong văn ông có tư tưởng và mang tính phúng dụ…

Hà Nội 7/2016
L.M         

2 nhận xét :

  1. http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20160806/dieu-pham-nhan-den-xay-nha-cho-giam-thi-trai-giam/1150279.html

    Trả lờiXóa
  2. Đây có phải lý do mà buổi ra mắt Quỷ Vương bị hủy ?

    Trả lờiXóa