Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

HUẾ: TRÙNG TU LÀM BIẾN DẠNG, BẠT VÍA MẤT HỒN DI TÍCH


Ngày 25.8.2016 vừa qua, tại TP.Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng năng lực truyền thông cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở về di sản thế giới được UNESCO công nhận. 

Tại Hội nghị, ông Trần Đức Anh Sơn, TS Sử học, trước đây là GĐ Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (thuộc TT Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế), nay là 
Phó viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng lại đụng ông Phan Thanh Hải, TS Sử học, đương kim GĐ TT Bảo tồn Di tích cố đô Huế. 

Nhân dịp này, xin giới thiệu chùm ảnh và lời dẫn của Khoa Hữu, để chư vị xem Huế đã trùng tu di tích ra sao, hồn vía có còn đọng lại gì trên những công trình sau trùng tu hay là đã bạt vía kinh hồn rồi!

-------- 

Khoa Hữu
25 Tháng 8 lúc 23:58
 

Đây là những hình ảnh so sánh trước và sau khi trùng tu Lăng Tự Đức nằm trong quần thể di tích cố đô Huế.

Hôm nay (25.8), tại TP.Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng năng lực truyền thông cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở về di sản thế giới được UNESCO công nhận. Sự cẩu thả và vô trách nhiệm của các cấp quản lí và thực hiện ở Huế đã bị TS Trần Đức Anh Sơn chỉ ra nhưng họ phản bác rằng đây chỉ là ý kiến phiến diện của cá nhân TS Trần Đức Anh Sơn, không có bằng chứng cụ thể, có dấu hiệu đá trái bóng trách nhiệm cho UNESCO. Chúng ta nên làm rõ vụ này để cứu các di tích khỏi sự tàn phá có tổ chức, mang danh nghĩa trùng tu.

Link bài báo phản bác của TS Phan Thanh Hải - Giám đốc TTBTDTCĐ Huế
http://danviet.vn/…/bac-bo-cao-buoc-muu-loi-trong-trung-tu-…


Xung Khiêm Tạ trước và sau khi trùng tu.
Màu ngói không được trùng tu như nguyên trạng, vảy cá cũng bị lược bỏ chi tiết ốp sành sứ.

Việc làm này đang diễn ra trên hầu hết các di tích ở Huế.

 Xung Khiêm Tạ trước khi trùng tu năm 2009.
Màu ngói không được trùng tu như nguyên trạng, vảy cá cũng bị lược bỏ chi tiết ốp sành sứ.

Việc làm này đang diễn ra trên hầu hết các di tích ở Huế.
— tại Lăng Tự Đức.


Nguyên bản điêu khắc trên mái Dũ Khiêm Tạ hết sức tinh tế với dáng vẻ thanh mảnh, uốn lượn nhẹ nhàng, độc một màu, càng lộ rõ những ý tứ của điêu khắc. 

Sau khi trùng tu, dáng vẻ thô kệch, tỉ lệ những khoảng đặc rỗng cũng bị xóa bỏ, mất hết nét tinh tế của cha ông.

Nếu nhìn từ xa có thể ngỡ rằng nhóm trùng tu đã có cố gắng khôi phục nguyên trạng nhưng thực tế là họ đã xóa bỏ những tạo tác của cha ông Việt Nam dưới cái vỏ bọc trùng tu.
 

Nguồn: FB Khoa Hữu

-------------


Bác bỏ cáo buộc mưu lợi trong trùng tu di tích Huế

An Sơn
Dân Việt
Thứ Năm, ngày 25/08/2016 19:33 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Trước việc TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng đã có sự mưu lợi trong việc trùng tu di tích tại Huế, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (TTBTDTCĐ) Huế khẳng định ý kiến này không có căn cứ và mang thiên kiến cá nhân.

Chuyên gia kêu gọi trùng tu chùa Cầu ở Hội An
Trường nữ sinh 100 tuổi ở Sài Gòn muốn được trùng tu

Bị cáo buộc mưu lợi

Hôm nay (25.8), tại TP.Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng năng lực truyền thông cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở về di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Trong bài tham luận tại hội nghị, TS Trần Đức Anh Sơn - Phó viện trưởng Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng - cho biết, với tư cách là người từng có 18 năm làm việc tại TTBTDTCĐ Huế, ông nhận thấy chính quyền và các nhà quản lý di sản văn hóa ở Huế chưa có chính sách toàn diện và hài hòa đối với việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tất cả các thời kỳ lịch sử ở địa phương.

.
Diện mạo mới của Kinh thành Huế.

Theo ông Sơn, Huế là một vùng đất có bề dày lịch sử, với các “vỉa tầng” di sản văn hóa giàu có, nối tiếp nhau qua các thời kỳ: Tiền - sơ sử, Champa, Hóa Châu, Thuận Hóa - Phú Xuân, thời nhà Nguyễn cho đến thời hiện đại. Tuy nhiên, chính sách và sự đầu tư của Chính phủ và của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế dường như chỉ ưu tiên quan tâm tới các di sản thuộc thời kỳ nhà Nguyễn; ít quan tâm hoặc quan tâm không đáng kể đến các thời kỳ khác.

Ông Sơn nói, ngay trong thời kỳ nhà Nguyễn, cũng chỉ ưu tiên tập trung nguồn lực để bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa thuộc quần thể di tích cố đô Huế, vốn là những nơi có đông đảo du khách đến tham quan, có nguồn thu mà thiếu quan tâm đến các di tích khác như phủ đệ, đền miếu và một số công trình văn hóa tâm linh khác, trong khi các di tích này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Đặc biệt, ông Sơn nhận định, nhiều công trình trùng tu, tôn tạo di tích tại Huế sai với di tích gốc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thợ thi công non tay nghề dẫn đến làm sai lệch tính nguyên gốc của di tích, hoặc do những người chủ trì dự án trùng tu cố tình áp đặt những yếu tố mới vào di tích để mưu lợi. Ông Sơn cho rằng, vì mưu cầu lợi ích cá nhân, người ta đã sẵn sàng làm sai lệch tính nguyên gốc khi trùng tu di tích hay làm biến dạng di sản văn hóa phi vật thể khi cần thiết.

Ông Sơn đã lấy việc sơn son thếp vàng nội thất Hưng Miếu, nội thất Minh Thành ở lăng Gia Long, nội thất Minh Lâu ở lăng Minh Mạng… của Huế để dẫn chứng cho nhận định của mình.

“Nhận xét mang thiên kiến cá nhân”

Trước những cáo buộc trên của TS Trần Đức Anh Sơn, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Phan Thanh Hải - Giám đốc TTBTDTCĐ Huế.

Ông Hải khẳng định, công cuộc bảo tồn các di sản văn hóa tại cố đô Huế trong những năm qua đã được tiến hành bài bản, có chiến lược, có kế hoạch lâu dài cũng như từng bước đi cụ thể, hoàn toàn không như nhận định của ông Sơn. 

.
TS. Trần Đức Anh Sơn trình bày tham luận tại hội nghị.

Theo ông Hải, sau khi Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo TTBTDTCĐ Huế nỗ lực xây dựng một kế hoạch chiến lược để bảo tồn toàn diện các di sản văn hóa. Năm 1996, Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 1990-2010 đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành bằng Quyết định 105TTg. Năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phê duyệt Kế hoạch quản lý Quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 2015-2020, định hướng đến 2030. Bản kế hoạch này được Ủy ban Di sản thế giới đánh giá cao. Vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích cố đô Huế trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

“Như vậy, việc ông Sơn cho rằng công tác bảo tồn di sản tại cố đô Huế thiếu các kế hoạch, chiến lược để quản lý và khai thác di sản một cách bền vững là chưa chính xác, không có căn cứ khoa học và thực tiễn” - ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, việc ông Sơn nói chính sách và sự đầu tư của Chính phủ và của chính quyền tỉnh dường như chỉ ưu tiên quan tâm tới các di sản thuộc thời kỳ nhà Nguyễn, ít quan tâm hoặc quan tâm không đáng kể đến các thời kỳ khác… cũng là một ý kiến chủ quan, hoàn toàn không có căn cứ.

Về việc ông Sơn nhận định nhiều công trình trùng tu, tôn tạo di tích tại Huế sai với di tích gốc do thợ thi công non tay nghề, hoặc do những người chủ trì dự án trùng tu cố tình áp đặt những yếu tố mới vào di tích để mưu lợi, ông Hải nói đây là nhận xét rất cảm tính và mang đầy thiên kiến cá nhân.

Theo ông Hải, các dự án trùng tu di tích trong những năm qua đều được tiến hành bài bản, thận trọng, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản văn hóa và các công ước quốc tế. Các dự án này đều được xây dựng công phu và được phản biện bởi hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp bộ trước khi thông qua. Trong quá trình triển khai thì được giám sát chặt chẽ, chất lượng trùng tu các công trình tại khu di tích cố đô Huế luôn được Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và UNESCO đánh giá cao.

“Do quần thể di tích cố đô Huế là di sản thế giới nên công tác trùng tu bảo tồn di sản đều được các chuyên gia của UNESCO giám sát định kỳ. UNESCO đã nhiều lần gửi thông điệp đánh giá cao và chúc mừng các thành tựu về bảo tồn di sản của Huế. Bản thân Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia luôn đánh giá TTBTDTCĐ Huế là đơn vị hàng đầu của cả nước trong bảo tồn, trùng tu các di tích tại Việt Nam hiện nay” - ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, một số dự án tu bổ di tích cụ thể mà ông Sơn nêu ra như việc son thếp vàng nội thất Hưng Miếu, nội thất Minh Thành ở lăng Gia Long, nội thất Minh Lâu ở lăng Minh Mạng… đều là những dự án thực hiện trong giai đoạn 1994-2000. Khi đó, bản thân ông Sơn đang công tác tại TTBTDTCĐ Huế và là thành viên Hội đồng khoa học thuộc Trung tâm nên ông này đều tham gia phản biện và có ý kiến về các dự án này. Mặt khác, việc sơn son thếp vàng công trình có được thực hiện hay không thì do Hội đồng cân nhắc, thông qua, được bộ chủ quản thẩm định, phê duyệt, chủ đầu tư không thể tự ý triển khai…
 

2 nhận xét :

  1. Ở VN mà gọi là trùng tu di tích thì đúng là chuyện nực cười . Cứ gọi là lấy cái mới đè lên cái cũ rồi sơn phết nó lên ! Cái đó gọi là tích mà không di , tức là nó vẫn năm đó ! Ấy là cái dấu ấn của các QC !

    Trả lờiXóa
  2. Nói đến kiến trúc Cố Đô Huế mà không nói đến các chi tiết ốp gốm sứ đặc trưng của thời nhà Nguyễn thì coi như không biết gì về kiến trúc. Cho nên trong "dự án trùng tu" di tích Cố Đô Huế, những chi tiết ốp gốm sứ chắc chắn là phải được đưa vào. Tuy nhiên, việc thực hiện các chi tiết này đòi hỏi sự tỷ mỹ công phu, cần có những nghệ nhân giỏi mới thực hiện được. Hơn nữa kỹ nghệ gốm sứ phục vụ cho việc này hiện nay đã bị mai một, không đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu "trùng tu" của dự án này. Do đó muốn "trùng tu" di tích Cố Đô Huế một cách hoàn chỉnh thì một trong những việc phải làm là phục hồi lại nghề gốm sứ cho phù hợp với giai đoạn nhà Nguyễn. Mà việc này cực ký khó khăn và tốn kém.
    Điều đó cho thấy rằng, chưa nói đến việc những người chủ trì dự án có "tư tưởng lợi ích các nhân" hay không, thì việc không dự kiến hết các yếu tố của công việc trùng tu cũng đã làm hại cho di tích của đất nước. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học là đúng đắn. Mong rằng TTBTDTCĐ Huế tiếp thu để có hướng giải quyết tích cực.

    Trả lờiXóa