Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

VUA QUỶ VÀ VUA LỢN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA VŨ NGỌC TIẾN

TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ “HAI TRONG MỘT” 
CỦA VŨ NGỌC TIẾN

PGS.TS. Nhà phê bình văn học Vũ Nho

.
Tiếp theo “Sóng hận sông Lô” (Nxb HNV- 2013) viết theo thể kí vãng về khởi nghĩa Lam Sơn và 30 năm thời Lê sơ, Vũ Ngọc Tiến cho ra đời tiểu thuyết mới cũng về triều Lê, nhưng là thời Lê mạt, sau cái chết của Lê Thánh Tông- vị vua anh minh của triều Lê và của lịch sử nước ta. Có thể nói không quá lời rằng có hai nhà tiểu thuyết lịch sử của hai triều đại. Đó là nhà văn Hoàng Quốc Hải với triều Trần và nhà văn Vũ Ngọc Tiến với triều Lê. Được biết, anh còn đang dụng công trăn trở viết tiếp cuốn thứ ba về triều Lê trung hưng có tựa đề “Kẻ sĩ thời mạt”…

Khác với các tiểu thuyết trước của mình, và cũng khác với tất cả các tiểu thuyết Lịch sử của Việt Nam, Vũ Ngọc Tiến viết “Quỷ vương” về hai ông vua quỷ, vua lợn của triều Lê và những quỷ quan của thời đại đó, đồng thời với một tiểu thuyết khác về sự tranh giành quyền lực ở tỉnh K của thời nay. Cuốn tiểu thuyết 12 chương của tác giả thì có 6 chương thuộc về Lịch sử, còn sáu chương thuộc về thời hiện tại. Không chỉ là phân chia theo chương, mà ngay trong chương về lịch sử, tác giả lại cũng nói về hiện tại, bởi vì có nhân vật Hiếu Dân, nhà sử học với công trình “100 năm lịch sử triều Lê sơ”. Anh ta xuất hiện trong cả các chương lịch sử và hiện tại. Với vai trò của người nghiên cứu Lịch sử, làm cầu nối giữa hiện tại và quá khứ. Những trang nghiên cứu của Hiếu Dân làm sống lại Lịch sử thời Lê mạt. Chưa hết, nhà văn dùng thủ pháp “ huyền hoặc” về kiếp trước của mấy nhân vật trong lịch sử Bùi Trụ, Lệ Thanh, thầy đồ Vọng và kiếp này của họ là Hiếu Dân, Thùy Dung, thầy giáo Hạnh. Họ sống trong thời nay. Nhưng ảo giác lại đưa họ chìm vào “kiếp trước”. Thành ra Lịch sử và hiện tại cứ đan xen, trộn lẫn trong mỗi chương. Hai tiểu thuyết trong một được triển khai song song. Một bên là triều đình nhà Lê với những rối ren từ Quỷ vương và Trư vương cùng các quỷ quan. Bên kia là tỉnh K, với Quyền và Uy trong vương quốc của tập đoàn Bil-Kel và nhân sự cho nhiệm kì mới của tỉnh. Cũng có thể coi như đó là một “vương quốc” thời nay.


Đối với nhà Lê, tác giả vẫn kiên trì một quan điểm xuyên suốt từ “ Sóng hận sông Lô” đến “Quỷ vương” khi đánh giá. Trong những sự bất ổn về triều chính, luôn luôn có bàn tay của nhà Minh can thiệp: Hoặc một cách lộ liễu, trực tiếp thông qua các nhân vật nhà buôn, chủ chứa, đạo sĩ, lọt vào tận gia đình các nhân vật trọng thần (Sóng hận sông Lô); hoặc một cách lặng lẽ, gián tiếp qua các khách buôn phương Bắc, các thầy lang, thầy bói, thầy địa lí và sứ thần nhà Minh là Nhược Thủy và Hi Tăng (Quỷ vương). Nhân vật Mạc Đăng Dung đã nhận xét về bọn sứ thần này: “chúng đã từng xoay từ lũ nhãi nhép Khương Chủng, Đình Khoa đến tận cung đình nơi bà Thái hậu Nguyễn Thị Cận đang ngồi” (trang 69). Chính Hi Tăng đã mua chuộc Khương Chủng và bày kế cho y bằng mọi cách đưa Lê Oanh (vua Tương Dực) chìm đắm trong sắc dục. Điều này nằm trong âm mưu của bọn phong kiến phương Bắc “dùng mạng lưới gian tế chia rẽ triều đình nhà Lê, khuynh đảo chính trường, làm mọi cách để nước chúng suy yếu chờ thời cơ đánh chiếm, biến Nam Man thành quận huyện của Đại Minh” (trang 123). Bài học lịch sử cảnh giác với kẻ thù phương Bắc là một bài học lớn mà tác giả tiểu thuyết muốn nhắc nhở.

Không chỉ dựng lại Lịch sử, nhà văn muốn lí giải tại sao nhà Lê, sau cái chết của ông vua văn võ song toàn và nổi tiếng hiền minh trong Lịch sử là Lê Thánh Tông thì chỉ toàn xuất hiện những ông vua hèn kém và triều đình ngày càng mục nát? Qua nhân vật Hiếu Dân và luận văn “100 năm lịch sử thời Lê sơ”, nhà văn muốn cắt nghĩa điều này. Nhân vật Hiếu Dân đã say sưa nghiên cứu và khẳng định nguyên nhân sâu xa là sự chệch hướng của giáo dục. Nói gọn lại trong mấy chữ là “Mất đạo trước, mất nước sau, ngai vàng quyền lực còn đâu”. Vì quyền lợi của triều đại mình, nhà Lê đã bãi bỏ tư tưởng giáo dục “ tam giáo đồng nguyên” vốn tiến bộ của thời Trần, để chỉ độc tôn Nho giáo. Hơn nữa là Nho giáo phản động của Tống nho chứ không phải nguyên thủy của nó thời Tiên Tần. Lí lẽ xem chừng có vẻ…thuyết phục: “Độc tôn một hệ tư tưởng tất sẽ dẫn đến độc quyền chân lí, con người dễ bị mê lạc, cái ác lấn cái thiện, thói kiêu căng và tự mãn, ích kỉ và gian dối sẽ lộng hành trong xã hội” (trang 213). Nhưng có lẽ Hiếu Dân và cả chính tác giả nữa không thể nào giải thích được nhà Trần với tư tưởng giáo dục tiến bộ như thế, với võ công hiển hách như thế, vì sao cũng cứ diệt vong và bị thay thế bởi nhà Hồ? Vấn đề không hề đơn giản như vị triết gia ở chùa Sùng Miên giảng giải. Hoặc giả người viết muốn nhấn mạnh nguy cơ của sai lầm và sự xuống cấp về giáo dục thôi chứ sự hưng vong của các triều đại phong kiến đâu có thể chỉ đơn giản quy về nền giáo dục? Tuy nhiên bạn đọc ghi nhận sự dụng công của tác giả trong chương này.

Với “ Quỷ Vương” nói về Quỷ vương, Trư vương và quỷ quan, tác giả đã dựng lại thời nhiễu nhương và đau khổ của dân tộc. Khi mà vua không ra vua, quan không ra quan, chỉ còn lại những kẻ ích kỉ, độc ác, xấu xa thì việc loạn lạc là tất yếu và dân chúng chịu lầm than . Dù sao, người viết cũng có ý thức chiêu tuyết cho một triều đại mới, triều đại nhà Mạc thay thế triều Lê đã mục nát. Tuy nói về nhà Mạc không nhiều, nhưng hai vị vua Mạc là Mạc Đăng Dung (trạng võ) và Mạc Đăng Doanh tuổi trẻ, tài cao được tác giả dành cho không ít cảm tình. Nhất là với Mạc Đăng Dung khi suy nghĩ về toàn vẹn lãnh thổ cương vực của đất nước. Hiếu Dân đã viết cả một bài báo “ Chiêu tuyết cho Mạc Đăng Dung” để bác lại những sự bôi bác của các sử gia thời Lê trung hưng.

Tiểu thuyết thứ hai lồng trong “Quỷ vương” nói về tỉnh K chủ yếu là vương quốc Bil-Kel và tình hình chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kì mới. Tác giả cắt nghĩa vì sao Lê Thế Quyền khi lập nghiệp ở tỉnh này đã thăng tiến một cách nhanh chóng. Tập đoàn kinh tế Bil- Kel của anh em ông ta vì sao có thể phát triển mạnh mẽ. Vốn là người có máu buôn và trúng quả khi làm ăn ở Đôm 5 bên Nga, Quyền đã lựa chọn tỉnh K và đã vô cùng hào phóng để lấy lòng “Ông Cụ” - người quyết định mọi việc của tỉnh được cán bộ và dân coi như vị thánh. Trong khi người ta quà cáp chai rượu ngoại với vài tút ba số, khoảng 100 đô thì Quyền đã biếu cả một cân sâm Cao li và 5000 đô. Lấy lòng Ông Cụ, lại kèm theo việc đưa Xuân Tây Thi nhận làm con nuôi, sẵn sàng “lên giường” với cha nuôi, bởi vậy mà tập đoàn kinh tế Bil- Kel phát triển vượt bực. Cùng với nó là vai trò của Quyền cũng được nâng cao đến mức Quyền “xếp đầu bảng” danh sách nhân sự. Thế nhưng các đợt sóng ngầm tranh giành quyền lực chưa bao giờ yên ở đây. Để đảm bảo cho công ti và vị trí của mình, phe Quyền đã thủ tiêu tất cả tang chứng tố cáo mình đang ở chỗ vị Chủ tịch mặt trận để rồi đã và vô tình gây ra cái chết của bà Cao Thị Thơ. Để che giấu, tiếp theo, bộ sậu lại ám hại nhà báo Quang Huy. Cuộc chiến tranh giành ghế lại càng gay gắt khi có “ người mới về tỉnh K”. Thế là cuộc đấu trí gữa Quyền ở “nhà xanh” và Huy Hùng trong “nhà đỏ” diễn ra gay gắt. Quyền định ám hại Huy Hùng bằng chất độc phóng xạ. Nhưng Huy Hùng cao tay hơn lại dùng chính chất độc đó bẫy lại Quyền. Có thể nói là trong phần viết về tỉnh K, tiểu thuyết có hơi hướng trinh thám, điều tra vụ án và phản ánh những nhóm quyền lợi thao túng bộ máy. Có hai chuyện nổi bật là việc “mua bán” chức quyền và việc “bảo vệ” tuyệt đối an toàn, bí mật của nhóm quyền lợi. Việc thứ nhất thì chính Quyền cũng phải thốt lên: “Ở xứ mình đến cái chức cán bộ đáy như trưởng thôn cũng có khối kẻ tranh giành đấu đá, đi đêm quà cáp với các bề trên nữa là những chức cao hơn” ( tr 92). Việc thứ hai thì được minh chứng bằng đội quân bảo vệ trung thành đối với tập đoàn Bil-Kel. Đến nỗi trụ sở của tập đoàn là nơi bất khả xâm phạm, là “vương quốc” trong một tỉnh vùng biên. Điều gây tò mò là tác giả ca ngợi Mạc Đăng Doanh tài cao, chí lớn. Có vẻ như Huy Hùng xuất hiện là ứng với nhân vật đó. Nhưng rốt cuộc, Huy Hùng cũng chỉ là một tay chính khách khôn ngoan và đầy tham vọng. Anh ta dám làm những việc tồi tệ nhất, cốt “hạ” đối thủ chính trị của mình. Thành ra với Quyền, người ta nghĩ rằng “Người này còn ngồi lâu trên ghế quyền lực, tỉnh K. sẽ còn loạn” ( trang 239). Nhưng Huy Hùng, người mà ông Bình và Hiếu Dân có hi vọng le lói, song họ sẽ phải thất vọng nặng nề.

Việc viết hai tiểu thuyết trong một tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi một vốn hiểu biết về lịch sử sâu rộng, chắc chắn. Đồng thời cũng đòi hỏi vốn sống, vốn hiểu biết về hiện thực trong cuộc sống thời hiện tại cũng không được non lép. Có như vậy mới cuốn hút được người đọc và không tạo cảm giác vênh lệch. Về tiểu thuyết lịch sử, Vũ Ngọc Tiến đã có bốn cuốn sách trước đó. Đây là cuốn thứ năm. Những hiểu biết về nhà Lê, về đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão, về thủy lợi, giáo dục của quá khứ đảm bảo cho sự thành công của tác giả. Về tiểu thuyết hiện đại, tuy đây là cuốn đầu tiên, nhưng vốn sống trong 4 tập truyện ngắn trước đó cộng với một bút lực mạnh, một phong cách dựng truyện đa dạng, biến hóa, một lối hành văn sáng, khúc chiết cũng làm cơ sở chắc chắn cho sự thành công.

Điều quan trọng nhất có lẽ đây là lần đầu tiên, Vũ Ngọc Tiến thử nghiệm lối viết hai trong một mà không tạo ra cảm giác rời rạc hay lắp ghép. Chính hai tiểu thuyết về nhà Lê và tỉnh K soi chiếu vào nhau làm cho chiều sâu tư tưởng và bề dày nhân vật như được nhân lên.

Hà Nội, tháng 7/ 2016
Vũ Nho

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét