Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

LẠI SẮP CÓ CUỘC CÁCH MẠNG ĐỐT BỎ DI SẢN HÁN NÔM ?

Câu đối chữ quốc ngữ ở chùa Quán Sứ, Hà Nội.
.
Chỉ dùng chữ quốc ngữ cho hoành phi câu đối?

Thanh Niên
07:00 AM - 04/07/2016 

Tễu Blog: Nên nhớ, ghét Tàu (nhà cầm quyền Bắc Kinh, Trung Cộng) không đồng nghĩa với ghét nhân dân Tàu và những đỉnh cao của văn hóa Tàu (Sở từ, Hán phú, Đường thi, từ Tống, tiểu thuyết Minh Thanh, thư pháp, ...). Không thể vứt hết hoành phi, câu đối ở các di tích rồi đưa về các bảo tàng được. Điều này là vi phạm Luật Di sản. Bản thân mỗi tấm hoành phi này chứa đựng những giá trị văn hóa, triết lý và mỹ thuật. Đó là di sản gắn với dân tộc ta, gắn với mỗi di tích, gắn với ký ức của người dân, và là một phần của văn hóa đất nước. Câu đối hoành phi chữ Hán đảm bảo sự trang trọng, uy nghiêm, cổ kính của truyền thống. Còn nhớ, ngày xưa, hồi cải cách ruộng đất, hồi hợp tác xã người ta hùng hổ đốt cháy đền chùa, vứt tượng Phật xuống ao, lấy hoành phi câu đối làm ghế bàn và cửa trường học, lấy bia đá để đập lúa v.v... Bài học cay đắng đó, đến nay còn hằn in trong ký ức nhiều người! Chẳng lẽ, lại sắp có cuộc cách mạng lặp lại!

Nhà nghiên cứu về Hán Nôm, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán Nôm, đã nghỉ hưu) vừa đưa ra ý kiến về việc thay hoành phi câu đối Hán Nôm bằng chữ quốc ngữ.

PGS-TS Nguyễn Tá Nhí nói không thể quên những lần mình đứng đợi bạn cạnh cửa chùa Đồng Quang, đối diện với công viên Đống Đa, Hà Nội. Người qua lại đông là thế, mà đôi câu đối trước cổng chùa chẳng ai dừng lại đọc lấy một lần. “Chứng kiến cảnh tượng lạnh lùng ấy mà thấy chạnh lòng… Gần đây, có vị đến nhờ chúng tôi soạn giùm câu đối cho ngôi chùa mới xây dựng, tôi chân thành khuyên nên thể hiện bằng chữ quốc ngữ để nhiều người đọc được”, vị phó giáo sư nêu ý kiến trong tham luận của ông tại hội thảo Văn hóa Phật giáo VN thống nhất trong đa dạng diễn ra ngày 2, 3.7 tại Hà Nội. 

Cũng theo ông Nhí, hiện nay nước ta có khoảng hơn 100.000 người có thể đọc được câu đối chữ Hán. Trong khi đó, dân số đã lên đến 90 triệu người. Như vậy, hầu hết người VN không đọc thạo câu đối chữ Hán Nôm. “Thế thì ích lợi của việc thể hiện câu đối đại tự ở chùa thu được bao nhiêu? Trong nhiều năm qua, khi đi thực tế, tôi thấy riêng ở vùng Hà Nội đã có đến hàng trăm câu đối tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm. Giả sử các câu đối đó ghi bằng chữ quốc ngữ thì dễ tiếp thu, dễ truyền thụ biết bao”, ông chia sẻ.

Những câu đối, hoành phi hay và ý nghĩa, theo ông Nhí, có thể thấy ở nhiều nơi. Việc chuyển ngữ sang quốc ngữ sẽ khiến chúng trở nên gần gũi hơn. “Chùa Địa Linh, làng Tây Hồ, P.Quảng Bá có đến 16 câu đối chữ Hán chạm khắc rất tinh xảo. Khách đến đều trầm trồ khen nét chữ cổ kính. Giả sử một nửa số chúng được viết bằng quốc ngữ thì số người đọc sẽ tăng lên, lợi ích cũng không sao kể xiết”, ông cho biết. Đặc biệt, với các lời răn dạy của Phật, ông Nhí còn kiến nghị lên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN rằng cần sử dụng chữ quốc ngữ ghi lời Phật dạy ở các ban thờ trong chùa. 

Trong ý kiến của mình, thậm chí ông Nhí còn cho rằng, các hoành phi câu đối Hán Nôm nếu liên quan đến hồ sơ gốc của di tích đã có danh hiệu thì có thể để nguyên. Tuy nhiên, các hoành phi câu đối có thể hạ xuống chuyển vào các bảo tàng, thay vào đó là các hoành phi câu đối chép lại chính những nội dung đó, nhưng bằng chữ quốc ngữ! 


Cẩn thận kẻo “đường đột với văn hóa”.

Ý kiến của ông Nhí đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà văn hóa. PGS-TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng ủng hộ việc sử dụng quốc ngữ trên các hoành phi câu đối. “Chẳng hạn, với những ngôi chùa mới xây ở vùng biên giới, hải đảo, hoàn toàn có thể sử dụng chữ quốc ngữ để viết tên chùa, đại tự, đối liễn... Tuy nhiên, với ngôi cổ tích danh lam thì cần duy trì biển, liễn bằng chữ Hán, thậm chí ở các ngôi tháp cổ vẫn nên dùng chữ Phạn”, ông nêu quan điểm. 

Theo ông Thuân, rất nên giữ các hoành phi câu đối chữ Hán Nôm đã tồn tại trong di tích. Nếu muốn để người dân có thể đọc, hiểu và thấy gần gũi thì có thể phiên dịch và đặt thêm bảng giải thích ở bên cạnh. Trên thực tế, ở các di tích, các hoành phi câu đối không chỉ là những lời hay ý đẹp mà người xưa gửi gắm, còn có những điều chép về lịch sử hình thành của chính di tích. 

Theo ông Nhí, cũng có một số chùa đã dùng quốc ngữ để viết câu đối, hoành phi như chùa Quán Sứ, Q.Hoàn Kiếm, chùa Đồng Quang ở Q.Đống Đa, Hà Nội. “Thế nhưng đáng tiếc là trào lưu dùng chữ quốc ngữ viết câu đối ở các đình các chùa ở khu vực đồng bằng Bắc bộ VN chưa được xã hội chấp nhận. Nhiều câu đối viết bằng chữ quốc ngữ đã được chỉnh sửa, ghi bằng chữ Hán, như câu đối ngắn đắp vôi ở cổng chùa Đồng Quang, Q.Đống Đa”, ông Nhí cho biết. 

Về điều này, PGS-TS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng không nên thay đổi toàn bộ các hoành phi câu đối như vậy. Bởi chúng cũng là một phần trong tổng thể giá trị văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc của một di tích đã có. Ông cũng đồng tình việc có thể đặt các bản dịch bên cạnh để người tham quan hiểu rõ hơn. Với các công trình mới, việc lựa chọn hoành phi câu đối thế nào là tùy chủ đầu tư. 

KTS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích) cũng cho rằng nên đặt các bản dịch bên cạnh các hoành phi câu đối. Hoành phi câu đối cũ tại các di tích cũng có giá trị của nó. Còn việc thay thế ngay trên diện rộng sẽ là đường đột với văn hóa.

Trinh Nguyễn

------------------

Ý kiến của cư dân mạng:

Trần Ngọc Đông Vào di tích và không đọc được chữ của tiền nhân là do hiện tại chúng ta không được dạy chữ Hán cơ bản trong phổ thông.

Lê Tđ tôi ít học nhưng cũng thấy người Việt mình vẫn lệ thuộc vào chữ Hán, mặc dù mình đã có chữ Nôm rồi Quốc Ngữ mà đến đâu cũng thấy chữ Hán. Theo tôi nên đưa các hoành phi câu đối cổ về Viện Bảo tàng và được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử, các hoành phi câu đối được thay bằng tiếng Việt.

Thomas Lee Có lẽ nên để song ngữ.. nếu viết chữ Hán nên có chữ Quốc ngữ viết nhỏ bên cạnh.. vừa để người xem có thể hiểu.

Vượng Công Nguyễn Chữ Nôm là của tổ tiên ta nên chúng ta kế thừa và phát huy giống như Tử Cấm Thành do người Việt kiến trúc chả nhẽ cay quá nó Phá đi à.

Trà Duyên Câu đối hoành phi chữ Hán, chỉ riêng nó cũng đã tạo nên sự uy nghiêm cổ kính, chiết tự lại thâm sâu.

Minh Xuân Chữ Nho chính là chữ Việt rồi, còn phải thay gì nữa. Người Việt có hẳn một cách đọc "Hán Việt", cần gì phải Nôm.

Kim Anh Tran (Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Kim Anh - nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm): Bác Nhí lẩm cẩm rồi, nghiên cứu Hán Nôm bao nhiêu năm mà hiểu về VH Việt Nam hời hợt như vậy là không ổn. Đừng góp phần xoá nốt những gì còn lại của văn hoá truyền thống chứ.

Cu Nguyen Hoành phi câu đối thuộc domg văn hoa cổ và tự cổ sản sinh ra .chúng ta tôn trọng di sản văn hoá cổ chính la tôn trọng những gỉ nó đã có . Dung chưquooc ngữ trong hoàng phi câu đối khác nào dùng sắt thép xi máng phuc chế tu bổ chùa . Kg dươc đâu các vụ ạ .

Nhân Gian Chữ việt mới có hơn 300 năm do linh mục alexandre de rhodes sáng lập và truyền bá thôi còn toàn bộ các tài liệu cổ là bằng chữ hán nôm hay còn gọi là chữ nho hết. Bỏ hết thì khác nào đốt đền như tiến sĩ Xuân Diện nói.

Nguyễn Anh Sơn: Một số nơi, các bô lão trong làng dịch hoặc nhờ dịch rồi chua tiếng Việt hiện nay lên từng chữ hán trên các câu đối, tiện cả đôi đường, một cách làm hay.

8 nhận xét :

  1. Theo nhìn nhận thế hệ hiện nay, các nhà ngôn ngữ học,.. và nhân dân cần phải có cuộc cách mạng văn hóa trong lãnh vực chữ nghĩa đặt tên, câu đối,.. trong các kiến trúc xây dựng cho hiện nay và mai sau. Nên thống nhất dùng tiếng Việt là quốc ngữ , ngôn ngữ thông dụng và phổ biến của Việt Nam để đặt tên cho các công trình kiến trúc đặc biệt là các công trình tâm linh để người dân dễ đọc, dễ nhớ, dễ phân tích và góp ý, dễ lưu trữ,...và lòng tự hào dân tộc về ngôn ngữ Tiếng Việt, một ngôn ngữ có vốn từ phong phú, đa dạng.

    Trả lờiXóa
  2. Theo thiển ý của tôi, những chùa cổ như chùa Quán sứ,thời
    xưa dùng chữ gì thì vẫn giữ nguyên như vậy. Nếu thay bằng
    chữ Quốc Ngữ không những vừa xóa đi dấu tích văn hóa của thời cha ông ta mà còn vi phạm luật về bảo tồn di sản.
    Còn những chùa ngày nay mới xây thì có thể thay bằng chữ
    Quốc Ngữ vì đó là công trình của thời nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bác là chùa Quán Sứ lại sử dụng chữ Quốc ngữ , bác xem ảnh trong bài chính là chùa Quán Sứ.
      Nhưng chùa Quán Sư hồi đó lại mang màu sắc của hội truyền bá chữ Quốc Ngữ nên các vị mới mạnh dạn cho chữ quốc ngữ cốt để nâng cao phong trào học chữ quốc ngữ mà thôi. Còn chùa quê xây trong khoảng đầu th20-1945 thì vẫn là dùng chữ Hán

      Xóa
    2. Tôi đồng ý với hai bác 15:01 và 21:50, các công trình kiến trúc mới xây hôm nay thì mình dùng tiếng Việt để đặt tên. Còn các công trình kiến trúc cổ thì phải chẳng những giữ nguyên trạng, xưa sao nay vậy, mà còn phải bảo tồn tối đa, vì đó là di tích lịch sử.
      Thử hỏi, nếu như suy nghĩ một cách ngu xuẩn cực đoan, cứ thấy chữ Tàu chữ Nôm là đốt bỏ, thì Việt Nam sẽ không còn đền chùa miếu hay những kiến trúc cổ nào, kể cả sách vở, thơ phú, cũng không còn.
      Biết bao nhiêu người yêu nước thời trước, khi chữ Quốc Ngữ chưa có, đã mượn chữ Tàu, xài chữ Nôm để viết những tác phẩm lịch sử kêu gọi chống xâm lăng, giữ gìn độc lập. Người xưa không hề vì phải mượn chữ Tàu mà tinh thần cũng quỵ lụy Tàu bao giờ.
      Hãy nhìn xem các nước Nhật Bản, Nam Hàn, họ cũng mượn chữ Tàu làm chữ viết nước họ, mà tinh thần dân tộc cao ngất, thế giới phải ngưỡng mộ, bản sắc dân tộc vẫn được gìn giữ nghiêm nhặt. Ai dám nói những nước này xài chữ Tàu để viết là vong bản?
      Thay ví đề nghị xóa bỏ chữ Tàu, chữ Nôm trên các chùa cổ, di tích cổ(nếu có ai đó), một đề nghị phá hoại di tích lịch sử - Hãy đề nghị coi lại các chương trình truyền hình trước. Chương trình truyền hình hiện nay tràn ngập phim lịch sử Tàu, phim tình, phim hình sự, gì cũng Tàu. Hãy chứng tỏ tinh thần độc lập trước nhất trong ngành du lịch, ở Đà Nẵng, Nha Trang, Tàu nắm hết du lịch, nhà nước ở đâu để chúng tràn qua làm bẩn cả môi trường du lịch, du khách các nước khác bỏ chạy hết.
      Còn ngu xuẩn đến mức chuyện đáng lo thì không lo, chỉ lo phá hoại các kiến trúc cổ, thì các vị đó đang đi cùng con đường với giặc xâm lăng nước ta. Trong mấy ngàn năm lịch sử chiến đấu với Tàu, hễ bọn chúng kéo quân đi dến đâu trên nước ta, việc đầu tiên chúng làm là đốt sách, đốt phá chùa miếu. Chúng đâu quan tâm đến việc có chữ Tàu trên những kiến trúc này. Cái chúng quan tâm là làm sao để tiêu diệt văn hóa, lịch sử của người Việt.
      Nhũng công trình kiến trúc cổ của Việt nam vẫn có nét kiến trúc riêng đạc biệt Việt, dù dùng chữ Tàu, chũ Nôm để viết tên, hay trên các trang trí, chùa đình Việt Nam vẫn có cách xây dựng và kiến trúc Việt. Tôi thấy lo khi dân phải đương đầu với mọi vấn nạn xảy ra từ môi trường cho tới văn hóa, lịch sử. Phá hoại tràn ngập mọi nơi, dân phải chống đỡ thật căng thẳng và đau đớn cho đất nước.


      Xóa
  3. Thiết nghĩ chúng ta phải giữ gìn, duy trì hoành phi câu đối...Hán Nôm ở đình chùa miếu mạo vì nó đã gắn liền với truyền thống văn hóa lâu đời người Việt ta. Để mọi người hiểu được nghĩa Hán Nôm ta nên làm bản dịch tiếng Việt dạng chữ thư pháp và gắn bên cạnh hoặc chỗ nào đó thuận tiện và có thẩm mỹ! Làm như vậy là bảo tồn được báu vật của văn hóa Hán Nôm cho đời sau!

    Trả lờiXóa
  4. Có thể tác giả Nguyễn Tá Nhi có ý tưởng thay chữ Việt vào các hoành phi câu đối có chữ Hán Nôm xuất phát từ động cơ làm cho mọi người hiểu nghĩa của hoành phi câu đối, hoặc từ trong sâu thẳm tác giả cũng như mọi người cũng đã cảm thấy chất Tàu trong đó. Nay chúng ta muốn 'thoát' ra! Nếu như vậy cũng là ý nghĩ tốt. Nhưng có điều cũng là mất mát lớn một truyền thống văn hóa của Dân ta đã từng gắn chặt với hình tượng, cảnh quan này rồi. Mà truyền thống có một sức mạnh không gì có thể thay thế được!

    Trả lờiXóa
  5. Nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc, đã bỏ chữ Hán thì bỏ luôn tiếng- nghĩa, mà như các nhà ngôn ngữ đã cho biết trên 75% tiếng Việt là từ Hán Việt, đó là chưa kể hơn 20% từ có gốc Hán đã thành Việt như cụ An Chi chỉ ra. Như vậy chi bằng ta bỏ luôn tiếng Việt, học rồi nói tiếng Anh hay Pháp làm cho nó thành quốc ngữ, có như thế mới triệt để tống Tàu ra khỏi văn hóa Việt. Không biết rồi Việt là gì nữa!?

    Trả lờiXóa
  6. Đừng ngu mà "giận cá chém thớt"!, trên thế giới chẳng có ai mà có tư duy ấu trĩ như vậy. Chữ Hán là chữ tượng hình không phải Trung Quốc "độc chiếm", là thứ chữ biểu ý không phải biểu âm, là văn tự của một số dân tộc ở Đông Á sử dụng, cùng một chữ Hán mỗi dân tộc có cách phát âm khác nhau. Trong tiếng Việt có khoảng 70% là từ gốc Hán, Nếu không học chữ Hán thì tiếng Việt càng ngày sẽ càng nghèo nàn không còn phong phú nữa. Hoành phi đối liễn chữ Hán là một lao hình văn hóa nghệ thuật đỉnh cao độc đáo, là một loại thư pháp nghệ thuật dể trang trí rất đẹp. Thay vì trong nhà trường phải dạy một số chữ Hán cho học sinh, thì lại đòi đập bỏ hoành phi đối liễn Hán Nôm thay bằng chữ abc Latin?

    Trả lờiXóa