Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Lật chồng báo cũ: RÙA ĐỘI HẠC - RÙA ĐỘI BIA



RÙA ĐỘI HẠC - RÙA ĐỘI BIA
 
Nguyễn Xuân Diện 
Ca dao xưa có câu:

Thương thay thân phận con rùa
Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia 

Ngày nay đến những ngôi đình, chùa hay văn chỉ, văn miếu ở những làng quê Việt Nam, chúng ta vẫn còn gặp lại con rùa đội hạc, đội bia lặng lẽ như ngàn năm vẫn thế. 

Rùa là loài vật có nhiều điều đáng nói. Về mặt sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư, có tuổi thọ cao, có thân hình vững chắc, cứng rắn, giỏi nhịn ăn và có khả năng tự vệ bất khả. Rùa sống rất lâu. Một nông dân ở tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) bắt được một con rùa lạ ở núi Tiên Nham. Các nhà chuyên môn đã xem xét và kết luận con rùa đó đã ra đời cách đây khoảng trên dưới 800 năm. Sử ký của Tư Mã Thiên đã chép truyện một ông già đặt con rùa làm vật kê dưới chân giường. Hai mươi năm sau, con cháu cụ già rời chiếc giường và phát hiện con rùa vẫn sống, dù không được ăn uống gì cả. Dân gian thường vẫn chúc nhau được “tuổi quy, tuổi hạc”. 

Rùa không có nhu cầu ăn uống như các loài vật khác, thức ăn đối với chúng không quan trọng. Khả năng tuyệt thực của rùa rất đáng nể. Nó có thể nhịn đói một cách tuyệt đối nghĩa là không ăn, không uống mà vẫn sống trong một thời gian dài. Không ăn nhiều, nhịn đói tốt cho nên rùa được coi là thanh cao, thoát tục. Rùa đội hạc, rùa đi với hạc trong bộ đỉnh trầm thơm ngát và thanh tịnh trên bàn thờ ở các đền, đình, miếu quán và các tư gia trong những ngày khánh tiết, húy kị. 

Nếu như trên đình, rùa tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục, linh thiêng thì ở dưới chùa, rùa tượng trưng cho sự trường tồn bất diệt. Rùa đội bia đá. Bia đá mang trên mình văn tự (chữ). Rùa đội bia là đội văn tự. Như vậy rùa là vật mang, chở thông tin và văn hóa. Trước Công nguyên hơn 1000 năm, người Trung Hoa cổ đại đã sáng tạo ra chữ viết (chữ Hán) và đem khắc vào mai rùa, xương thú (chữ ấy gọi là giáp cốt văn). Rùa không những mang chở trên mình những thông tin mà còn mang cả những suy tư, triết lý của con người về thiên nhiên, vũ trụ và xã hội loài người. Theo truyền thuyết, khi vua Vũ (Trung Quốc) trị thủy thành công, ở sông Lạc Thủy có con rùa thần nổi lên, trên lưng có hoa văn, gọi là Lạc thư (bản viết trên sông Lạc Thủy). Lạc thư cùng với Hà Đồ là những phát minh quan trọng về dãy số tự nhiên, có thể giải thích nhiều hiện tượng trước mắt và suy đoán những sự việc xảy ra trong vũ trụ. 

Trở lại với hình tượng rùa đội bia, việc lựa chọn có lẽ phát xuất từ hai khía cạnh có liên quan đến loài rùa: sống lâu - trường tồn bất diệt (ý nghĩa sinh học) và mang chở thông tin - văn hóa, triết lý (ý nghĩa nhân văn). Sự lựa chọn loài rùa để cho đội bia của người phương Đông dựa trên hai ý nghĩa ấy, thể hiện cách nhìn nhận và quan niệm mang tính nhân văn của con người. 

Rùa đội bia trở thành hiện tượng văn hóa quen thuộc đối với người Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. 

82 tấm bia trên lưng 82 con rùa ở vườn bia Văn Miếu, Hà Nội là chứng tích về sự trường tồn, là biểu tượng của thủ đô văn vật. Hàng ngàn tấm bia, hàng ngàn con rùa đội bia ở trong các khu danh lam cổ tích trên phạm vi cả nước ta đang âm thầm mang chở trên mình những thông điệp của cha ông, tổ tiên ta từ bao đời nay gửi lại cháu con. Rùa âm thâm lặng lẽ đi từ thuở xa xưa vào thẳng thế kỷ 21 và nhiều thiên niên kỷ mai sau. Thử hỏi có loài vật nào lại cần mẫn đến thế, hy sinh đến thế? 


Báo Hà Nội mới Chủ nhật số 295 (13/11/1994).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét