Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

ĐÃ KHÉP LẠI MỘT NĂM KỶ NIỆM NGUYỄN DU

Khép lại một năm kỷ niệm Nguyễn Du

Tuổi trẻ
24/12/2015 09:56 GMT+7

TT - “250 năm trước từ đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, một trong những người Việt Nam vĩ đại nhất đã ra đời: Nguyễn Du”. 

.
Tượng đài Nguyễn Du ở Hà Tĩnh (phải) và tác phẩm truyện Kiều (trái). Ảnh tư liệu.

Đây là lời mở đầu tham luận của PGS.TS Đoàn Lê Giang đề dẫn cho hội thảo khoa học “Kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du” do Trường đại học KHXH&NV TP.HCM tổ chức ngày 23-12, khép lại một năm kỷ niệm Nguyễn Du như một danh nhân văn hóa thế giới.


Lời nhận định về Nguyễn Du như trên một lần nữa cho thấy tầm vóc của thi hào Nguyễn Du và kỷ niệm ngày ông ra đời cũng đồng nghĩa với việc nhắc lại những giá trị của các tác phẩm Nguyễn Du cả Hán lẫn Nôm mà các thế hệ học giới Việt Nam hôm nay và mai sau vẫn còn nghiên cứu, học tập.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước đã gửi đến gần 100 tham luận. Sau phiên toàn thể, hội thảo đã chia các tiểu ban để tiếp cận cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Du trên các mảng nội dung: Cuộc đời Nguyễn Du, tâm sự của ông qua thơ chữ Hán và giá trị của bộ phận thơ ca này; Những vấn đề về văn bản và tư tưởng Truyện Kiều; Giá trị văn chương Truyện Kiều; Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều; Truyện Kiều và văn học thế giới.

Dễ nhận thấy trong sự nghiệp Nguyễn Du, Truyện Kiều nổi lên như một tác phẩm quan trọng, thu hút rất nhiều ý kiến, tham luận. Tại hội thảo, vấn đề Thực trạng và định hướng xây dựng văn bản Truyện Kiều được PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đặt ra thu hút nhiều cử tọa quan tâm.

Đặc biệt ý kiến của nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng liệt kê hơn 100 lỗi theo ông là sai của bản Nôm Liễu Văn Đường 1871 đã gợi lại những vấn đề cần cân nhắc khi tiếp cận văn bản Truyện Kiều. TS Nguyễn Tuấn Cường đã nêu ý kiến như một lời cảnh báo rằng chúng ta không nên “duy văn bản” khi tiếp cận Truyện Kiều, và nếu xem Truyện Kiều như một tác phẩm kinh điển hiểu ở góc độ thường xuyên được đọc lại để xem các ý nghĩa mới, thì giới nghiên cứu cần xem xét cả hai mặt văn bản Truyện Kiều và tiếp nhận Truyện Kiều.

Ở mảng nội dung tiếp nhận Truyện Kiều, các tham luận của ThS Lê Thụy Tường Vy và TS Nguyễn Tuấn Cường gặp nhau ở chỗ cùng khảo cứu hoạt động kỷ niệm dịp 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1965) tại miền Nam Việt Nam qua các báo và tạp chí bấy giờ, mở ra một hướng tiếp cận theo “thực hành văn hóa” với các thông tin thú vị.

TS Nguyễn Xuân Diện trình bày đời sống của Truyện Kiều khi được chuyển thể thành chèo Kiều; TS Đào Lê Na thông tin về “Tiếp nhận và cải biênTruyện Kiều thành kịch bản cải lương trước 1945” là những tham luận thú vị cho thấy sức sống mãnh liệt và khả năng ứng hợp của tác phẩm Nguyễn Du trong dòng chảy các loại hình văn nghệ Việt Nam.


Lam Điền


Báo Giáo dục & Thời đại:
Hơn 50 tham luận khoa học về Nguyễn Du


GD&TĐ - Hôm nay (23/12), Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “Kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du” với sự tham dự của đông đảo các Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học, sử học, văn hóa đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Việt Nam.

Tại phiên khai mạc, GS.TS Ahn Kyong Hwan (Hàn Quốc) đã trao tặng bản Truyện Kiều và một số tác phẩm văn học VN khác do GS dịch ra tiếng Hàn (Nhật ký trong tù, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp); PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - thay mặt cho nhóm tác giả ở Liên bang Nga trao tặng Truyện Kiều bản mới dịch ra tiếng Nga cho Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.

Hội thảo chia ra thành 3 tiểu ban: Nguyễn Du và thơ chữ Hán; Văn bản và tư tưởng Truyện Kiều; Văn chương Truyện Kiều, với hơn 50 tham luận tham gia của các nhà nghiên cứu văn học.

Phát biểu tại, PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, Trưởng ban tổ chức hội thảo khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của hội thảo; đồng thời nhấn mạnh Hội thảo mong muốn lắng nghe những phát biểu mang tính chuyên môn sâu từ các nhà nghiên cứu: Sử học, Văn hoá học, Việt Nam học và Ngữ văn học với các chủ điểm:

- Nghiên cứu mới về tiểu sử, dòng họ, thời đại của Nguyễn Du; những vấn đề liên quan đến hoạt động ngoại giao, đi sứ, tiếp sứ thần Trung Quốc của ông; những hoạt động của ông trong thời gian làm quan ở Huế, Cai bạ dinh Quảng Bình; những vấn đề văn bản học tác phẩm của Nguyễn Du;

- Nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều như là nơi hội tụ, tập đại thành của văn hóa Việt Nam; những đóng góp của Nguyễn Du cho sự phát triển văn hóa dân tộc; các biểu hiện của hoạt động và ứng xử văn hóa trong Truyện Kiều và thơ chữ Nôm, chữ Hán của ông; Nghiên cứu Truyện Kiều và thơ chữ Hán Nguyễn Du như một hiện tượng văn hóa Việt Nam trong bối cảnh quốc tế; việc dịch và giới thiệu Truyện Kiều ở nước ngoài; Nghiên cứu so sánh tác phẩm của Nguyễn Du với văn học Đông Á và thế giới;

- Đặc biệt là những vấn đề ngữ văn học: nghiên cứu tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật của Nguyễn Du trong thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán; nghiên cứu thế giới nghệ thuật, nhân vật, ngôn ngữ tiếng Việt trong Truyện Kiều; bằng phương thức, cách thức nào mà Nguyễn Du đã chuyển tải một cách khéo léo, tài tình tâm hồn dân tộc và nâng tiếng Việt đến đỉnh cao như thế… .

Với báo cáo đề dẫn đầy xúc động, PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Văn học & Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) một lần nữa ôn lại hành trình sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du.

“Tưởng nhớ đến Nguyễn Du, chúng ta tưởng nhớ một trong những người Việt Nam vĩ đại nhất của dân tộc chúng ta, một con người được sinh ra như là sự chung đúc của non sông đất nước, của nền văn hóa sâu sắc và phong phú của chúng ta, đồng thời cũng là một con người góp phần làm sâu sắc hơn, phong phú hơn văn hóa chúng ta, làm vẻ vang non sông đất nước chúng ta, góp phần làm cho dân tộc ta trường tồn và phát triển mãi mãi.

200 năm trước Nguyễn Du lo không có ai hiểu nỗi lòng mình - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?, chúng ta không dám mạo muội làm người tri âm của ông, nhưng chúng ta là những người trân trọng tấm lòng của ông, trân trọng những đóng góp của ông đối với dân tộc.

“Những đấng tài hoa” như ông “Thác là thể phách còn là tinh anh”. Chúng ta đến đây thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến ông, cầm ngọn đuốc soi tỏ những trang văn “tinh anh” của ông và truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thế hệ chúng ta cho đến những thế hệ mai sau” - PGS.TS Đoàn Lê Giang kết thúc bài phát biểu.


GS.TS Ahn Kyong Hwan trao tặng bản Truyện Kiều và một số tác phẩm văn học VN 
dịch ra tiếng Hàn cho PGS.TS Võ Văn Sen (trái)


PGS.TS Trần Hữu Tá và PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh tại hội thảo


PGS.TS Đoàn Lê Giang trình bày tham luận tại hội thảo.
Chùm ảnh trên của H. Chương (Báo Giáo dục & Thời đại)
__________________

 Các nhà nghiên cứu chụp ảnh kỷ niệm trước khi vào hội thảo:





2 nhận xét :

  1. Năm nay cụ Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Thế nhưng Bộ Văn hóa quyết không vinh danh cụ. Chứng cớ là trong 15 sự kiện văn hóa tiêu biểu nhất của VN năm 2015, không có cụ Nguyễn Du. Chẳng hiểu cái bộ Văn hóa này làm cái gì?

    Trả lờiXóa
  2. Đây, 15 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2015 được bình chọn bởi Bộ VH,TT&DL phối hợp với Báo Văn hoá, báo Thể thao Việt Nam và báo Du lịch:
    1. UNESCO ghi danh Di sản đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi Kéo co.
    2. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) lần thứ hai được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
    3. Chương trình Diễu hành Nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Quốc khánh
    4. Triển lãm 70 năm Thành tựu kinh tế- xã hội với quy mô lớn nhất từ trước đến nay
    5. Lần đầu tiên Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú
    6. Việt Nam và 11 quốc gia đối tác tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)
    7. Nhà Việt Nam tại triển lãm quốc tế EXPO 2015, Milan (Italy)
    8. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
    9. Chính phủ miễn thị thực có thời hạn cho công dân 6 nước Châu Âu vào Việt Nam
    10. ABC News - Kênh truyền hình Mỹ truyền hình trực tiếp Good morning America từ hang Sơn Đoòng và hang Én (Quảng Bình)
    11. Năm thứ 2 liên tiếp, giải thưởng World Travel Awards trao danh hiệu Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới cho InterContinental Danang Sun Peninsula (Đà Nẵng, Việt Nam).
    12. SEA Games 28 các môn Olympic đóng góp tới 87% tỉ lệ các môn đoạt Huy chương vàng.
    13. Ánh Viên vào top 5 nữ kình ngư xuất sắc nhất châu Á
    14. Lần đầu tiên Cử tạ nam Việt Nam giành 3 vé chính thức dự Olympic.
    15. Ngày chạy Olympic thu hút sự tham gia của hơn 4 triệu người dân trên toàn quốc.
    (http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/15-su-kien-van-hoa-the-thao-va-du-lich-tieu-bieu-nam-2015-462436.vov)

    Thật quái gở và vô văn hóa khi Bộ Văn hóa cho rằng việc Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới, nhiều Hội thảo quốc tế và quốc gia về Nguyễn Du tổ chức rầm rộ trong năm 2015, lại không được tôn vinh bằng những sự kiện như trò chơi kéo co, lễ diễu hành quốc khánh 70 năm (nhạt nhẽo), triển lãm thành tựu kinh tế 70 năm (thảm hại), nhà VN tại triển lãm Ý (tai tiếng), bộ phim hoa vàng cỏ xanh (tầm tầm), miễn thị thực du lịch (thảm hại), khu nghỉ dưỡng (vô duyên), một vận động viên bơi lội (tàm tạm), 3 vé thi cử tạ thế giới (hài hước), hay một cuộc chạy bộ nhiều người (bông pheng)…

    Trả lờiXóa