TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN HÓA PHẠM QUỲNH, 70 NĂM NGÀY MẤT
Nhà văn hoá Phạm Quỳnh
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
Nhà văn hoá Phạm Quỳnh
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
Phạm Quỳnh (1892 – 1945)
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn.”
Đó là câu nói hàm súc và hay nhất khi đánh giá giá trị nhân bản và nghệ thuật lớn lao của tác phẩm này từ một học giả Việt Nam. Câu nói này không những bao hàm một am hiểu sâu xa, một nhìn nhận nghệ thuật về Truyện Kiều – một áng văn chương tuyệt tác có một không hai của nền văn học nước ta – mà còn nói lên một tinh thần yêu nước cao độ và rất sâu sắc. Trong câu nói này, ta còn thấy được người phát ngôn đã đánh giá cao và đúng vai trò của văn hoá, nhất là văn học trong sự sống còn của một tộc người sống trong nền văn hoá đó. Ta có thể rút ra nhiều điều bổ ích nữa từ quan điểm này trong thời kì hiện nay lúc mà đang có rất nhiều lời kêu gọi giữ gìn bản sắc dân tộc trước cao trào hội nhập và toàn cầu hoá. Vì sao truyện Kiều còn thì tiếng ta còn? Vì sao tiếng ta còn thì nước ta còn? Đó là những vấn đề rất thời thượng. Nhưng trước hết, học giả này là ai?
1. Sơ lược thân thế Phạm Quỳnh
Ông là Phạm Quỳnh, Đổng lý Ngự tiền Văn Phòng, sau đó Thượng thư bộ Học rồi bộ Lại trong Cơ Mật Viện của triều Bảo Đại cho đến khi Nhật đảo chánh Pháp tháng 3/1945. Phạm Quỳnh sinh năm 1892 tại Hà Nội nhưng quê quán là người làng Thượng Hồng, xã Lương Ngọc, phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương. Ông là cha của 16 người con, trong đó có những ngườì nổi tiếng mà chúng ta đã biết như nhạc sĩ Phạm Tuyên, thầy thuốc nhân dân Phạm Khuê, tiến sĩ văn chương Phạm thị Ngoạn 1..
Xuất thân từ một gia đình Nho giáo, ông Phạm Quỳnh tốt nghiệp trường Thông Ngôn Hà Nội (trường Bưởi) rồi làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Tại đây ông đọc được nhiều sách, trau dồi thêm Hán tự và viết bài cho Đông Dương Tạp Chí do Nguyễn văn Vĩnh làm chủ bút. Ông có bút hiệu là Thượng Chi, Hoa Đường, Hồng Nhân (người làng Thượng Hồng). Ông từng được Giải thưởng Văn chương Viện Hàn Lâm Pháp (Lauréat de L’Académie Française). Hai năm trước khi Đông Dương Tạp Chí bị đóng cửa (1919), ông đã cùng Louis Marty, Chủ sự Tổng cục An ninh Pháp tại Đông Dương và Nguyễn Bá Trác lập tờ báo riêng và làm chủ bút: Tạp chí Nam Phong.
Năm 1922 ông được chọn làm Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức nhưng qua đầu năm 1925 ông Phạm Quỳnh ly khai với Hội, không đăng bài ở Kỷ yếu của Hội và diễn thuyết tại đây nữa. Cũng trong năm 1922 ông được cử sang Pháp với tư cách đại diện Hội Khai Trí Tiến Đức tham dự hội chợ triển lãm Marseille. Trong thời gian 3 tháng ở lại Paris ông đã diễn thuyết nhiều lần ở Nghị viện Pháp và Ban chính trị và luân lí của Viện Hàn lâm Pháp quốc. Tháng 11 năm 1932 ông vào Huế để tham chính, lãnh chức Đổng lí Ngự tiền văn phòng, Thượng thư bộ Học rồi thượng thư bộ Lại. Năm 1939, ông lại một lần nữa đi Pháp với Bảo Đại để điều đình với Chính phủ hầu mong lấy lại Bắc kỳ cho triều đình Huế. Kể từ khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời ông rút khỏi chính trường và có ý định trở lại nghiệp cũ.
Ông Phạm Quỳnh để lại cho đời “Thượng Chi văn tập”, tuyển tập các bài viết rất có giá trị của một nhà báo được xếp vào lớp tiền phong của nền báo chí nước ta, và một số lượng các bài báo khác đã đăng tải trên Đông Dương và Nam Phong Tạp Chí. Trong thời kì phôi thai của chữ quốc ngữ, không mấy ai có thể quên được sự đóng góp của ông và các học giả như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Bá Trạc, Nguyễn Bá Trác, Trần Trọng Kim, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Trọng Thuật,.. những người đồng thời với Phạm Quỳnh và cộng tác với ông trong tạp chí Nam Phong.
2. Phạm Quỳnh làm báo
Khi làm chủ bút báo Nam Phong từ 1917 – 1934, lúc vừa 25 tuổi, ông chủ trương thuyết lập hiến, tiếp thu văn hoá phương Tây để nâng cao dân trí và lần hồi dành lại chủ quyền tự trị đất nước dựa vào hiệp ước Harmand 1883 và hiệp ước Patenôtre 1884 (tức là quốc gia độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp). Phạm tiên sinh đã đặt tên báo dựa vào bài phong dao (tương truyền do vua Thuấn sáng tác) trong Kinh Thi: “Nam Phong ca”
Nam Phong chi huân hề 南 風 之 薰 兮
Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. 可 以 解 吾 民 之 慍 兮
Nam phong chi thời hề 南 風 之 時 兮
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề 可 以 阜 吾 民 之 財 兮
Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. 可 以 解 吾 民 之 慍 兮
Nam phong chi thời hề 南 風 之 時 兮
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề 可 以 阜 吾 民 之 財 兮
Dịch thơ:
Gió Nam mát mẻ vậy thay
Giải tan sầu muộn bao ngày của dân
Gió Nam thổi đúng lúc cần
Sẽ mang phú quí cho dân lâu dài.
(Bản dịch của Vĩnh Ba)
Gió Nam mát mẻ vậy thay
Giải tan sầu muộn bao ngày của dân
Gió Nam thổi đúng lúc cần
Sẽ mang phú quí cho dân lâu dài.
(Bản dịch của Vĩnh Ba)
Qua bài thơ ta thấy được khát vọng của một nhà làm văn hoá hay tâm tình của một trí thức Tây học trong một thời kì đầy khó khăn của đất nước ta. Vậy “Gió Nam” là gì mà lại đem đến cho nhân dân một ơn ích lớn lao như thế? Theo ông Phạm Quỳnh, “Gió Nam” chính là nền quốc văn làm nền tảng cho nền quốc học của dân tộc Việt Nam. Ông viết, “Không có quốc văn thì không thể nào có quốc học. Không có quốc học thì không thể nào có độc lập tinh thần. Không có độc lập tinh thần thì không có độc lập chính trị.” 2
Trong bài viết “Quốc học và Chính trị” trên báo Nam Phong số 165,1921 ông nói rõ hơn: “Gầy dựng, tổ chức một nền tản văn thích hợp với đời nay, và có cốt cách An Nam, vừa có thể cách tân thời đủ dùng để diễn được các tư tưởng mới, đó là cái cấp vụ hiện nay, mà là cái đường thứ nhất trong việc gầy dựng một nền quốc học sau này vậy…. Nhà văn muốn thờ nước không có cái phương tiện nào hay bằng giúp cho nước nhà có một nền quốc văn xứng đáng. Đó là chủ nghĩa của tôi bấy lâu nay, mà là cái tín điều thứ nhất trong đạo quốc gia của tôi vậy.” Nay chúng ta có một nền quốc văn không thua kém gì ai thì xét trong buổi đầu mới manh nha của chữ quốc ngữ, của nền báo chí và của văn học viết, há không trân trọng sự đóng góp của Phạm tiên sinh sao?
Về điều này, Vũ Ngọc Phan trong “Nhà Văn Hiện Đại” (NVHĐ) đã nhìn nhận: “Cái công của Phạm Quỳnh khai thác lúc đầu cho nền quốc văn có ngày nay, thật là một công không nhỏ….Trong 16 năm chủ trương tạp chí Nam Phong, ông đã xây đắp cho nền móng quốc văn được vững vàng bằng những bài bình luận và khảo cứu rất công phu mà từ Bắc chí Nam người thức giả đều phải lưu tâm đến…… Muốn hiểu những vấn dề về đạo giáo, muốn biết văn học sử cùng học thuật tư tưởng nước Tàu, nước Nhật, nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý, Trần, cho đến ngày nay, muốn biết thêm về lịch sử nước Nam, tiểu sử các đấng danh nhân nước nhà, muốn am hiểu các vấn đề chính trị, xã hội Âu Tây và cả những học thuyết của mấy nhà hiền triết Cổ La-Hy, chỉ đọc Nam Phong là có thể hiểu biết được…” (tr. 134, 136 tập 4, NXB Hội Nhà Văn).
Tuy nhiên, ta cũng cần biết nền quốc học đó đã được xây dựng trên quan điểm nào? Trên hoành phi còn lại hiện nay ở chùa Vạn Phước, Huế, ta còn có thể thấy thủ bút 4 chữ “Thổ nạp Âu Á” 吐 納 歐 亞 của chính Phạm tiên sinh. Thổ nạp Âu Á là nhả ra những cái lạc hậu cũ và thu nhập vào những tinh hoa của văn minh phương Tây và phương Đông. Bốn chữ này có thể xem là bao quát được quan điểm của tạp chí Nam Phong, chỉ ra phương hướng xây dựng nền quốc học theo ý đồ của Phạm Quỳnh.
Bút hiệu Thượng Chi của ông, theo giáo sư Tôn Thất Quỵ, là trích từ ba câu trong bài thơ “Trữ”, thiên Tề Phong, Kinh Thi cũng nói lên cái ý trên:
Thượng chi dĩ quỳnh hoa hồ nhi 尚 之 以 瓊 華 乎 而
(Lại có thêm đá quỳnh hoa che khuôn mặt (xinh đẹp của cô gái – người viết thêm)
Thượng chi dĩ quỳnh vinh hồ nhi 尚 之 以 瓊 榮 乎 而
(Lại có thêm đá quỳnh vinh che mặt)
Thượng chi dĩ quỳnh anh hồ nhi 尚 之 以 瓊 瑛 乎 而
(Lại có thêm đá quỳnh anh che mặt)
Thượng Chi có nghĩa là lại có thêm, cần có thêm tức thu nhập thêm những cái hay đẹp của các nền văn minh khác (các loại đá quỳnh – Quỳnh cũng là tên của ông, một cách chơi chữ tế nhị) bên cạnh bản sắc dân tộc đáng quý của chúng ta (khuôn mặt xinh đẹp của cô gái).
Chính ông Phạm Quỳnh đã nói đến cái bản sắc dân tộc đó trong một bài diễn văn trước mặt thực dân Pháp tức Ban lý luận chính trị Viện Hàn lâm Pháp: “Chúng tôi là một nước có một nền văn hoá cũ, chúng tôi không phải là một tờ giấy trắng có thể viết gì lên cũng được. Tức là tờ giấy có sẵn chữ viết từ đời nào đến giờ. Nếu bây giờ viết đè lên một chữ mới lên trên e thành giấy lộn mất! Cho nên bây giờ khắp nơi dạy chữ Tây cho người An Nam từ thuở nhỏ cho đến lớn như các trường Pháp Việt ngày nay kết quả chỉ làm người An Nam mất tính cách An Nam mà chưa chắc đã hoá được Tây, hẳn thành ra là một giống lửng lơ thật nguy hiểm.” 3
Lần khác ông đã dám đứng trước Nghị Viện Pháp đặt vấn đề người Pháp phải tôn trọng chủ quyền và truyền thống văn hoá Việt Nam: “Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng được đâu. Chúng tôi là một cuốn sách dầy đầy những chữ viết bằng thứ mực không phai đã hằng mấy mươi thế kỷ nay. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên những dòng chữ cũ được. Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam thế nào cho vừa truyền được học thuật cao thượng đời nay vừa không đến nỗi khiến chúng tôi mất giống đi, mất cái quốc tính của chúng tôi đi, làm thành ra một dân tộc vô hồn, không còn có tinh thần đặc sắc gì nữa, như mấy thuộc địa cổ của người Pháp kia. ” 4 Quả là những lời diễn thuyết hùng hồn và sâu sắc vô cùng của một chiến sĩ tràn trề tình yêu đất nước trên mặt trận văn hoá.
Truyện Kiều mà Phạm tiên sinh đề cập đến trong câu nói thời danh trên của ông chẳng qua là một biểu tượng của nền mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, là bản sắc dân tộc quý giá mà muôn đời trước cha ông ta để lại được thể hiện qua thành tựu văn học. Nó thể hiện đỉnh cao của nền thi ca dân tộc mà thông qua đó ngôn ngữ, cách diễn đạt, tầm hiểu biết, trình độ cảm nhận của một tộc người đã bộc lộ. Rất nhiều điển cố, hình tượng văn học, thi ca ngôn ngữ Trung quốc được Việt hoá thành một vốn liếng văn hoá cho ta bên cạnh bản sắc riêng của dân tộc ta. Ta giữ được vốn liếng văn hoá tập quán đáng quý của cha ông qua yêu thích, trân trọng, giữ gìn, tìm hiểu truyện Kiều thì còn tiếng nói, còn dân tộc giống nòi, đó là một lẽ tất nhiên mà ai ai cũng nhận ra. Tiếc thay vì bất đồng quan điểm chính trị khiến cuộc bút chiến truyện Kiều đã xảy ra giữa các sĩ phu yêu nước thời đó. Bình tâm mà xét, ta thấy rằng Phạm tiên sinh rõ ràng muốn xây dựng và phát triển một nền quốc học dựa trên bản sắc tốt đẹp của dân tộc và có tiếp thu tiến bộ của cộng đồng nhân loại. Điều quan trọng hơn như ta đã thấy qua một số trích dẫn trên rằng cái mục tiêu cuối cùng ông Phạm Quỳnh muốn nhắm đến là một nền độc lập chính trị cho một quốc gia có dân trí.
3. Nam Phong tạp chí
Nam Phong Tạp Chí với hơn 210 số, mỗi số hơn 400 trang là một số lượng tư liệu văn học đồ sộ. Tạp chí Nam Phong mỗi tháng xuất bản một kỳ, giá 4 hào tiền Đông Dương, in tại Đông Kinh ấn Quán số 14-16 Rue du Coton, Hà Nội.5 Tiền thân của Nam Phong Tạp Chí chính là “Âu châu chiến sử ” viết bằng Hán tự được phủ Toàn Quyền Pháp xuất bản và phát không tại Trung Quốc nhằm chống lại thế lực và tố cáo tội ác của phát xít Đức. Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác đã viết cho báo này. Về sau phủ Toàn Quyền bàn với ông mở ra một bản tiếng Việt nên Nam Phong mới xuất hiện. Phạm tiên sinh đã nói rõ ý đồ của ông khi nhận làm Nam Phong như sau:
“Sở dĩ tôi nhận mở báo Nam Phong vì chính phủ tự lòng cho phép chớ không phải tôi yêu cầu. Vả tôi muốn lợi dụng làm một cơ quan bồi bổ quốc văn, cho thêm nhiều tiếng, cho đủ tài liệu để phiên dịch và truyền bá các tư tưởng Âu Tây…” 6
Theo nhà nghiên cứu văn học Phạm Thế Ngũ trong “Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên” (VNVHSGƯTB), tập III tr. 129 thì đối với ông Phạm Quỳnh, việc phiên dịch và truyền bá tư tưởng Âu Tây ấy là trong một mục đích rộng rãi hơn, mà ông từng ấp ủ từ ngày viết trên Đông Dương Tạp Chí, ấy là xây dựng cho nước nhà trong buổi Âu Á giao thoa một nền học thuật mới thay thế cho Hán học suy tàn. Luôn thể ông Phạm Quỳnh muốn dần dà gây lấy trong quốc dân một chủ nghĩa quốc gia ôn hoà dựa trên cơ sở văn hoá. Ngày nay Thượng Chi Văn Tập và Du Ký Việt Nam, Luận giải Văn học Triết học,vv… đã được tái bản có thể giúp ta thấy được sự nghiệp to tát của Nam Phong Tạp Chí. Ông Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí đã phần nào thực hiện được cái tôn chỉ mà tờ báo đã đề ra: xây dựng một nền quốc văn khá vững vàng mang bản sắc dân tộc. Trong Tự điển Văn Học Việt Nam (NXB Văn Hoá – Thông in, Hà Nội, 1993) ông Phạm Quỳnh lại có tên bên cạnh các tác giả khác. Điều đó cho thấy nay ông đã được công nhận trở lại là một danh nhân văn hoá Việt Nam.
Phạm Thượng Chi tiên sinh cũng như bao nhà yêu nước Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 đều biết rằng dân trí của ta đương thời còn lạc hậu. Nền Hán học đã bộc lộ sự bất lực của mình trước nền văn minh kĩ thuật phương Tây ngày càng tiến bộ. Ngay cả ở Trung quốc các chí sĩ như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn,… đều từ bỏ chế độ phong kiến quân chủ để tìm đến các lí tưởng nhân quyền, dân chủ và tự do mà các triết gia phương tây như Montesquieu, Voltaire, J.Rousseau,… đề xướng. Nhưng để tiếp thu được các tư tưởng tiến bộ phương Tây và bảo thủ được cái quốc hồn quốc tuý thì không thể không xây dựng một vốn liếng ngôn ngữ Việt Nam nhằm diễn đạt các tư tưởng mới mẻ đó. Quả nhiên trong lãnh vực này Nam Phong đã đóng một vai trò quan trọng. Vũ Ngọc Phan trong NVHĐ đã nhận xét: “Ông là người đã chủ trương cái thuyết: đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng, lấy tinh thần văn hoá Âu Tây, để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn lọc lấy cái hay của người mà dung hoà với cái hay của mình, ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc, mà vẫn có cơ tiến hoá được.” (tr.98, tập 4, NXB Hội Nhà Văn)
Có thể nói ông Phạm Quỳnh đã tiếp nối con đường được mở ra trước đó của Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông cùng quan điểm với cụ Phan Tây Hồ khi chọn con đường nâng cao dân trí, khai hoá cho đồng bào và đấu tranh bất bạo động. Trước khi rời Nhật Bản về nước, cụ Phan Chu Trinh đã tâm sự với các đồng chí trong phong trào Duy Tân: “Tôi có định kiến rồi, công việc chúng ta làm ngày nay chỉ nên chú trọng vào việc khai hoá cho đồng bào mình, tiến được bước nào chắc bước ấy, mới mong có hi vọng về sau. Còn như chủ nghĩa muốn làm mau, muốn lấy võ lực mà bạo động trong nước hay là sức người để nối quân cách mệnh, việc ấy tất nhiên phải thất bại, tiếp đến dân bị khủng bố, nhuệ khí bị nhụt đi. Không có ích gì, tôi không tán thành cái chủ trương ấy” 7
Giáo sư Phạm Thế Ngũ trong VNVHSGƯTB đã tóm tắt sự nghiệp văn hoá của Phạm Thượng Chi tiên sinh như sau:
* Tác phẩm:
– Văn dịch: Phương pháp luận (Descartes), Sách cách ngôn (Epictète), Đời đạo lí (P.Carton), Le Cid, Horace (Corneille), Thơ của Baudelaire, Tư tưởng của Barrès, Le Bon, Maurras,…
– Khảo luận: Văn minh luận, Chính trị nước Pháp, Lịch sử thế giới, Luân lí học thuyết Thái Tây, Lịch sử và học thuyết của J.J. Rousseau, Montesquieu, Voltaire, Triết học của Auguste Comte, Triết học của H. Bergson, Văn học sử Pháp, Khảo luận về tiểu thuyết, Bình luận tác phẩm của P. Bourgel, H. Bordeaux, G. de Maupassant, Afred de Vigny, Phật giáo lược khảo, Người quân tử trong đạo Nho, Tục ngữ ca dao, Việt Nam thi ca, Khảo về truyện Kiều, Bàn về thơ Nôm, Hát ả đào, Khảo về chữ quốc ngữ, Chữ Nho với văn quốc ngữ, Hán Việt văn tự, Bàn về quốc học, Quốc học và quốc văn.
– Văn du ký: Trẩy chùa Hương, Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, Pháp du hành trình ký, Thuật truyện du lịch Paris, Du lịch xứ Lào. (Sđd tr. 134)
* Công nghiệp:
– Ông đã đấu tranh cho câu văn quốc ngữ. (Học tiếng Việt, viết văn quốc ngữ, luyện văn xuôi, văn nghị luận, dùng Hán Việt âm,…)
– Ông đã khởi công xây dựng một nền học mới. (Học tập thâu thái Tây Phương, soạn Tự điển, phiên dịch sách vở nước ngoài,..)
– Ông đã cùng giúp cho văn nghệ tiến bộ. ( Mở ra các diễn đàn tranh luận, đặt ra và tìm cách giải quyết nhiều vấn đề như bản sắc dân tộc, quốc học, quốc văn,… còn giá trị đến ngày nay,..)
– Ông đã lập được một tạp chí có giá trị: Nam Phong Tạp Chí. Theo nhà phê bình Thiếu Sơn “nhiều người không biết văn Tây văn Tàu có thể chỉ nhờ đọc Nam Phong mà có được cái trí thức phổ thông về văn chương và học thuật Đông Tây” hay nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong NVHĐ đó là một “bách khoa toàn thư “ (Sđd tr.244-247).
Hơn 40 năm sau, năm 1972 giáo sư Thanh Lãng trong cuốn “Phê bình văn học, Thế hệ 1932“ đã viết “… Muốn hiểu văn học Việt Nam vào hồi này (1913 –1932) không gì tốt hơn cho bằng nhìn vào Nam Phong. Nam Phong là linh hồn, Nam Phong là tất cả văn hoá thế hệ 1913 –1932. Câu nói trên đây quả không phải là quá đáng. Bởi vì, từ 1932 trở về trước, các nhà văn của chúng ta chưa có thói quen viết sách xuất bản sách mà chỉ có thói quen viết văn trên báo chí. Vậy Nam Phong hầu như là cơ quan ngôn luận duy nhất (Đông Dương tạp chí đã đình bản năm 1919- ghi chú của người viết) đã liên kết tất cả các cây bút có thế giá đương thời, đến nỗi nếu đêm đốt hết Nam Phong đi thì nền văn học thế hệ 1913 –1932 có thể nói là bị bóc lột rỗng tuếch. Nói như vậy để các bạn ghi nhận thế giá và uy tín của Nam Phong nó to tát đến như thế nào.Thực vậy trong mười mấy năm trường Nam Phong hầu như giữ vai trò của một Viện Hàn Lâm. Điều gì Nam Phong viết ra đều hay, văn Nam Phong viết ra là đẹp, ý kiến Nam Phong bàn là được tôn trọng, luật lệ Nam Phong đặt ra mọi người tuân theo, chữ Nam Phong chế mọi người dùng… Người ta coi Nam Phong là bực thầy.” (Sđd tr.16-17). Dẫu đây là một ý kiến có phần chủ quan nhưng Thanh Lãng cũng đã cho ta thấy được sự đóng góp có một không hai trong thời kì đầu của công cuộc phát triển nền quốc văn nước ta.
Quả nhiên, Phạm Quỳnh đã thực hiện được ước nguyện của mình với Nam Phong Tạp Chí. Ông đã tập hợp được một số trí thức tân học và cựu học để xây dựng một nền quốc học, tạo được một cao trào nâng cao dân trí sôi nổi, gây được một thế lực dân tộc khá mạnh. Ta không nên hiểu những thành tựu của Nam Phong Tạp Chí là của riêng ông Phạm Quỳnh mà là dưới sự dẫn dắt lèo lái tài ba của ông. Một lớp thanh niên đông đảo đã hưởng được ơn ích từ sự mở mang từ kiến thức đến tinh thần qua đọc báo Nam Phong, làm cơ sở cho phát triển nền văn chương học thuật sau này. Để hiểu rõ hơn đóng góp của tạp chí Nam Phong trong thời kì văn học này đòi hỏi một công trình nghiên cứu nghiêm túc và dày công, điều đó ở ngoài nội dung của bài viết này.
4. Phạm Quỳnh tham chính
Khi ông Phạm Quỳnh được ra chấp chính với chức vụ Đổng lý Ngự Tiền Văn Phòng, rồi Thượng Thư bộ Học tháng 11 năm 1932, trong dân chúng truyền tụng câu vè: “Giấc Nam Kha khéo bất bình / Bừng con mắt dậy thấy mình Thượng Thư.” Quả là oái oăm cho một học giả rất nghiêm túc như ông. Có phải vì tham chức quyền mà ông rời bỏ sự nghiệp văn học của mình chăng?
Năm 1932 vua Bảo Đại về nước. Vị vua Tây học này đã thực hiện ý đồ tân hoá và trẻ hoá đội ngũ bằng cách thay 6 vị lão thần thượng thư của Cơ Mật Viện bằng những người trẻ tuổi “Âu Á kiêm thông” trong hai gương mặt sáng giá đó là các ông Phạm Quỳnh (bộ Học) và Ngô Đình Diệm (bộ Lại). Dân gian nhắc nhở sự kiện này qua bài thơ châm biếm: Năm cụ khi không rớt cái ình / Đất bằng sấm dậy xứ Thần Kinh. Tuy nhiên sự nghiệp chính trị của ông Phạm Quỳnh không phải là điều khiến ông được nhắc nhiều về sau.
Trên website của Bộ Thông tin Văn Hoá hiện nay đã có đánh giá rất sâu sắc về những đóng góp của ông về mặt văn hoá. Còn về chính trị thì ta nên tham khảo ý kiến cách đây hơn 60 năm của Thống sứ Trung Kỳ Healewyn. Viên quan thầy người Pháp này đã không nhầm khi viết trong báo cáo ngày 08.01.1945 cho Toàn Quyền Decoux và Tổng đại diện Mordant về ông Phạm Quỳnh:
“Viên Thượng Thư này vốn đã chiến đấu suốt cuộc đời mình bằng ngòi bút và bằng lời nói, không bao giờ bằng vũ khí, cho sự bảo trợ của Pháp, cho việc khôi phục quyền hành của triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam) và cho việc người Việt Nam nắm trong tay vận mệnh của mình.
Một lần nữa, vị Thượng Thư bộ Lại đã kịch liệt chỉ trích việc trưng thu gạo cho những người Nhật. Ông ta đã nhắc lại lời đề nghị của mình về xứ Bắc kỳ và sự giải phóng mà người Pháp đã hứa. Tôi đã nhận xét với Hoàng đế Bảo Đại là vị Thượng Thư bộ Lại của ông ta đã vượt quá chức trách của mình khi vẫn khăng khăng đòi mở rộng quyền hạn của Viện Cơ Mật. Ông ta đòi chúng ta phải triển khai trong thời gian ngắn những lời hứa về sự giải phóng tiến bộ theo một kỳ hạn chính xác và đòi chúng ta khôi phục cho nhà Vua những biểu hiện của một chủ quyền trải rộng ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.
Phạm Quỳnh còn doạ sẽ khuyến khích phong trào chống đối nếu như trong những tháng tới chúng ta không thương lượng với vua Bảo Đại về một thể chế chính trị cho phép chuyển chế độ bảo hộ thành một kiểu Commonwealth (Khối thịnh vượng chung) trong đó những chức vụ chính sẽ được giao cho người bản địa. Những yêu sách của Phạm Quỳnh đòi trở lại việc chấp nhận một chế độ tự trị hoàn toàn cho hai xứ bảo hộ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ), khước từ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và thành lập một quốc gia Việt Nam.
Tôi lưu ý Ngài một điều là dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng, con người đó là một chiến sĩ không lay chuyến nổi của nền độc lập Việt Nam và đừng hòng có thể làm dịu những tình cảm yêu nước chân thành và kiên định của ông ta bằng cách bổ nhiệm ông vào một cương vị danh dự hoặc trả lương một cách hậu hĩ.
Cho đến nay, đó là một địch thủ thận trọng nhưng cương quyết chống lại sự đô hộ của nước Pháp và ông ta sớm trở thành một kẻ thù không khoan nhượng nếu ông ta để cho mình bị cám dỗ bởi những lời hứa hẹn về thuyết Đại Đông Á của người Nhật Bản.” 8
Hoá ra việc viết văn làm báo rồi làm chính trị của ông Phạm Quỳnh đều phát xuất từ một tấm lòng yêu nước, yêu dân nồng nàn và sâu sắc vì một nền văn hoá nước nhà, vì một nền độc lập chính trị cho Tổ Quốc. Để hiểu hơn nữa việc ông Phạm Quỳnh tham gia chính trị thì có lẽ ta tin được một người đương thời với ông: nhà văn Nguyễn Công Hoan. Trong “Đời viết văn của tôi” (NXB Văn Học, Hà Nội, 1971) Nguyễn công Hoan đã viết:
“Khi viết truyện Kép Tư Bền tôi liên tưởng tới bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm chính là trường hợp Phạm Quỳnh! … Bấy giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan không phải vì danh. Quốc dân biết tên Phạm Quỳnh hơn nhiều Thượng thư Nam Triều. Mà cũng chẳng vì lợi. Đơn cử làm chủ bút Nam Phong, ông được cấp 600 đồng mỗi tháng. Món tiền này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan chỉ đổi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam Triều đòi Pháp trở lại Hiệp ước 1884. Vậy là một người yêu nước như Phạm Quỳnh sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua là một việc miễn cưỡng, trái với ý mình, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn chứ thực lòng một người dân mất nước ai không đau đớn, ai không khóc thầm.”
Bi kịch của Phạm Quỳnh là ở đây. Ông đã đem cái hồn nhiên của một người làm công tác văn học vào sân khấu chính trị, ôm cái ảo tưởng chân lí sẽ thắng cường quyền, tin vào việc đấu bằng nghị trường, bất bạo động sẽ giành được chủ quyền cho Tổ quốc Việt Nam mến yêu của ông. Ông đã quá thơ ngây khi trích dẫn ngay trên bìa báo Nam Phong lời của Roosevelt: Có ngang tầm với nhau mới có chuyện bình đẳng (Il n’y a que ceux qui sont des égeaux sont égeaux) và tuyên bố với Tổng trưởng Bộ Thuộc địa Pháp P.Reynaud nhân dịp ghé thăm Hà nội ngày 06.11.1931 dưới hình thức một bức thư ngõ rằng “chúng tôi là một dân tộc đang đi tìm tổ quốc mà chưa thấy tổ quốc ở đâu. Tổ quốc ấy, thưa Ngài Tổng trưởng, không thể nào là nước Pháp được” 9. Chính trị không giản dị như thế. Phạm Quỳnh biết mình lầm, vâng ông đã rất tiếc cho lòng tin của ông vào nước Pháp văn minh trí thức với lí tưởng công bằng, tự do và bác ái.
5. Phong cách Phạm Quỳnh
Sau khi đã hiểu được tâm tình của Phạm tiên sinh, ta nên tìm hiểu một chút về nhân cách của ông. Ông sống rất giản dị, không nặng nề phô trương hình thức và thế lực như ông Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Phạm Thế Ngũ trong VNVHSGƯTB đã trích hai đoạn phóng sự của Đào Hùng đăng trên Phụ Nữ Tân Văn ngày 18.06.1931 và ngày 16.07.1931 để so sánh hai phong cách sống và làm việc của các ông Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, cho ta thấy rõ ràng sự tương phản nói trên. Về ông Phạm Quỳnh thì “Hai căn phố lầu rộng lớn ở ngay đầu con đường Hàng Da, giữa có cổng sắt làm lối ra vào, qua phía tay mặt thì thấy tấm bảng có đề hai chữ Nam Phong bằng Hán tự, đó là nơi toà soạn báo NP; còn qua bên tay trái thấy có bóng đàn bà con nít tức nhà riêng của ông chủ nhiệm Phạm Quỳnh……. Buổi chúng tôi đến thăm thì tiên sinh tuy trong người khó ở nhưng ngài cũng gắng gượng khăn áo chỉnh tề ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong hai giờ đồng hồ. Phạm tiên sinh tuổi ngoài 40, vóc vạc ốm o, dáng người hoà nhã, ăn nói cử chỉ mỗi điều đều có ý tứ giữ gìn, tỏ ra một người đã có công luyện tập tính nết cũng như câu văn theo cái khuôn khổ mực thước riêng. Sau đôi mắt kiếng, cặp mắt vui vẻ pha với nụ cười luôn trên miệng đã làm cho mất cái vẻ kiêu căng tự đại mà thông thường người ta vẫn có ý trách tiên sinh…”, còn về ông Nguyễn Văn Vĩnh thì “Tầng trên lầu là toà soạn báo Trung Bắc Tân Văn, Học báo và L’Annam Nouveau, người làm đông đúc, tiếng máy chữ rền tai, rõ là một nơi công việc bộn bề khác với cảnh tịch mịch trong toà soạn báo Nam Phong của ông Phạm Quỳnh. Thấy cảnh đủ biết tính người khác nhau như đen với trắng, bên ưa hoạt động, bên thú êm đềm. Vậy thì hai bên không hợp tác được với nhau cũng không lấy chi làm lạ và người xướng lên vấn đề lập hiến người tán dương trực trị cũng là lẽ thường… Nguyễn Văn Vĩnh tiên sinh đang ngồi nơi bàn giấy đọc các thư từ thì chúng tôi vào thăm. Tiên sinh năm nay tuổi đã ngũ tuần mà người coi sức lực mạnh mẽ lắm. Diện mạo khôi ngô, đôi mắt long lanh, cử chỉ tự nhiên, nói cười vui vẻ…” 10
Tương truyền, mỗi lần đọc sách Phạm tiên sinh đều ngồi ngay ngắn ở bàn trước một lò trầm và mặc khăn đen áo dài như đang cử hành một nghi lễ. Quốc phục khăn đen áo dài luôn luôn được ông mặc nhắc chúng ta đến tấm lòng yêu bản sắc nước nhà của Phạm tiên sinh. Cũng với bộ quốc phục đó trên đất Paris ông đã từng làm cho trí thức Pháp phải trầm trồ khen ngợi. Có người cho rằng đó là tính bảo thủ cố chấp nhưng nhìn nhận ở một góc độ khác, nhất là với một thanh niên Tây học ta mới thấy quí một nếp nhà còn được gìn giữ và tự hào. Điều nhắc nhở chúng ta là mới đây trong hội nghị APEC 2006 tại Hà Nội các nhà lãnh đạo lớn của thế giới như Nga, Mỹ , Trung Quốc, Pháp,.. đã hân hạnh được tặng và mặc bộ quốc phục như trên.
Khi mới hai mươi mấy tuổi đầu, ông đã tập hợp được những người lớn tuổi cùng cộng tác. Chính ông đồ Nguyễn bá Học đã công khai khâm phục tài năng của người trai trẻ này qua câu nói “Bách tuế lão ô bất như sơ sinh phượng hoàng” (Con quạ già 100 tuổi cũng không bằng con phượng hoàng mới sinh). Khi khăn đen áo dài diễn thuyết trước Quốc Hội Pháp để đòi hỏi cho nền độc lập văn hoá của Việt Nam, ông Phạm Quỳnh chỉ là một ký giả quèn, tốt nghiệp trung học nhưng đã làm trí thức Pháp kinh sợ với ngôn ngữ khúc chiết, lí luận đanh thép và lòng yêu nước nồng nàn hơn các trí thức Việt Nam Tây học khác tại Pháp có bằng cấp cao hơn nhiều. Giải thích việc tránh cuộc bút chiến về truyện Kiều với ông đồ Ngô Đức Kế, ông Phạm Quỳnh đã nói, “Bất luận tài học ông Nghè Ngô như thế nào, ông có điều hơn đứt tôi là ông đã vì nước mà phải tù tội… Nếu thành ra một cuộc cãi lộn thì tất phải dùng tiếng nặng tiếng nhẹ, ông mục cho tôi là văn sĩ lóp lép thì tôi nể gì ông mà không tặng ông những tên nọ tên kia, thành ra một cuộc đấu khẩu hàng rau hàng cá còn ra sự thể gì.” 11
Không thích ông phải kể đến nhóm Phong Hoá. Họ đã làm vè như sau: Nước Nam có hai người tài/ Thứ nhất sừ Ĩnh, thứ hai là sừ Uỳnh / Một sừ béo núng rung rinh / Một sừ lểu dểu như hình cò hương / Không vốn liếng chẳng ruộng nương / Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu… (Báo Phong Hoá số 14 ngày 22.07.1932). Phê bình một học giả từng diễn thuyết trước Nghị viện Pháp bằng thơ vè vớ vẩn như thế chỉ làm tăng thêm thế giá của ông Phạm Quỳnh.
Một người nữa không mấy thích ông Phạm Quỳnh là Đổng lí Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hoè. Khi vua Bảo Đại sai ông soạn đạo Dụ cử Phạm Quỳnh làm người thay mặt Chính phủ Việt Nam giao thiệp với Tối cao Cố vấn Nhật và các nhà chức trách nói chung thì ông Hoè lại thảo tờ Chỉ (thấp thua 2 cấp: Chiếu, Dụ, Sắc, Chỉ) cử Lại bộ Thượng thư Phạm Quỳnh tạm thời làm nhiệm vụ liên lạc giữa hai bên. Phạm khắc Hoè viết: “Làm như vậy, tôi chắc rằng những chữ Chỉ, tạm thời, liên lạc thế nào cũng làm cho Phạm Quỳnh căm thù mình. Ấy thế nhưng sáng ngày 14.03.1945, khi gặp tôi trong buổi lễ cáo yết Liệt thánh, Phạm Quỳnh lại tỏ ra ngọt ngào với tôi hơn bao giờ hết. Và vào lúc buổi lễ kết thúc, ông thiết tha căn dặn tôi chiều hôm ấy trên đường đi vào Đại Nội, ghé qua bộ Lại nói chuyện.” 12 Thâm nho như Phạm Thượng thư mà lại xử sự như thế thật là quá mã thượng.
Xét về hai mặt đức tài, ông Phạm Quỳnh đúng là một sĩ phu có thực học và công phu hàm dưỡng dẫu rằng ông thường tự khiêm tốn gọi mình là “một anh đồ nhà quê”. ( un lettré compagnard)
6. Nơi an nghỉ cuối cùng của Phạm Thượng Chi
Ông Phạm Quỳnh mất năm 1945 khi mới 53 tuổi lúc đang mang trong lòng bao hoài vọng cống hiến cho nền văn hoá nước nhà sau khi rút khỏi vũ đài chính trị. Ông sống ở Huế khá lâu, 13 năm và cũng gởi nắm xương tàn trên đất Huế, chùa Vạn Phước.
Chùa Vạn Phước nằm trên đường Điện Biên Phủ (xưa là đường Nam Giao) và bên hông phải của chùa Từ Đàm. Sinh tiền, Phạm Quỳnh thường lui tới chùa này lúc thư nhàn để đọc sách, nghỉ ngơi hoặc suy ngẩm nên rất thân tình với Hoà thượng trụ trì chùa lúc ấy. Chùa dành cho ông một gian nhỏ để làm thư phòng. Ông cũng rất thích nghiên cứu đạo Phật và đã viết cuốn Phật giáo lược khảo. Âu cũng là một thiện duyên mà giờ đây giác linh Phạm Tiên sinh còn nghe được tiếng chuông và lời kinh của đấng Từ Phụ. Sát ngay cổng ngoài của chùa về phía trái là mộ được cải táng của Phạm Thượng Chi. Hai trụ biểu ở cổng vào mộ có hai hàng chữ Nôm khắc trên đá hoa cương câu nói lừng danh của ông “Truyện Kiều còn tiếng ta còn” bên phải và”Tiếng ta còn, nước ta còn” bên trái do con cháu ông trùng tu năm 1992 (Ảnh 1). Mộ ông nằm dưới một tàn cây râm mát. Ở bình phong tiền có câu “Tiếng ta con, nước ta còn” viết bằng chữ Quốc ngữ (Ảnh 2). Tấm bia đá bên trong (Ảnh 3) ghi chính giữa dòng chữ Hán “Nam Phong chủ bút Phạm Quỳnh Thượng Chi di thể” (南 風 主 筆 范 瓊 尚 之 遺體 – Thân thể còn lại của chủ bút báo Nam Phong tức Phạm Quỳnh hiệu Thượng Chi), bên phải là dòng chữ “Ất Mùi niên thập nhị nguyệt thập bát nhật (乙 未 年 十 二 月 十 八 日 – Ngày 18.12. năm Ất Mùi, tức 09.02.1956) tức ngày cải táng ông từ làng Hiền Sĩ, Phong Điền, Thừa thiên-Huế vào Huế (có tư liệu nói ông được đem vào từ rừng Hắc Thú, Quảng Trị). Bên trái trên bia là hàng chữ “Nam, Phạm Bích đồng đệ muội đẳng cung chí” (男 范 璧 仝 弟 妹 等 恭 誌 – Con trai Phạm Bích cùng em trai em gái cung kính ghi). Trong chùa Vạn Phước cũng còn nhiều di vật của ông. Ở nhà học của tăng sinh là hoành phi có câu Thổ nạp Âu Á, thủ bút của ông (Ảnh 4). Có tư liệu cho rằng có một hoành phi tương tự hiện tại nhà của người con trai út là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trong hiên của điện thờ chính chùa Vạn Phước về phía trái khi đi vào còn có bức ảnh lớn hình Phạm tiên sinh đang làm việc tại văn phòng (Ảnh 5).
Biệt thự Hoa Đường thuộc đường Hải Triều (xưa là đường Vạn Vạn) nhìn ra sông An Cựu và cách đường Phạm văn Đồng (xưa là Quốc lộ 1) về phía trái khoảng chừng 2 km. Ngày xưa đây là một ngôi nhà 2 tầng xây theo kiểu Tây mà bây giờ chỉ còn lại cái tháp nước bên hông nhà trơ gan cùng tuế nguyệt (Ảnh 6). Cả khuôn viên đã bị lấn chiếm bởi những người không bà con gì với Phạm Thượng thư. Tất cả là những căn nhà tôn lụp xụp hoặc nhà trệt thấp, nhỏ như một xóm lao động nghèo khó. Khó ai có thể tưởng tượng được đây từng là một biệt thự xinh đẹp của một quan đầu triều ngày nào.
Dâu bể đã đổi thay nhưng lòng ngưỡng mộ Phạm Thượng Chi tiên sinh vẫn còn mãi trong lòng bao nhân sĩ Việt Nam.
Tháng 05/2007
Ảnh 1: Cổng vào mộ Phạm Thượng Chi tiên sinh.
.
.
Ảnh 2: Bình phong tiền trước mộ ông Phạm Quỳnh.
.
.
Ảnh 3: Bia mộ Phạm Thượng Chi tiên sinh.
.
.
Ảnh 4: Hoành phi “Thổ nạp Âu Á” tại chùa Vạn Phước, TP Huế.
.
.
Ảnh 5: Di ảnh của ông treo tại chùa Vạn Phước.
.
.
Ảnh 6: Nơi ngày xưa là biệt thự Hoa Đường.
______________
Chú thích:
1. Bà là con thứ 6 của Phạm Quỳnh và là vợ của Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng. Ông Lãng là chủ bút Nam Phong ở giai đoạn cuối 1933 – 1934. Ông Lãng về sau đã theo tướng Nguyễn Sơn và tiếp tục các hoạt động văn hoá. Bà còn có bút hiệu là Liên Trang, đã từng viết một luận án tiến sĩ văn chương về Những đóng góp của Nam Phong tạp Chí trong buổi đầu của nền quốc học Việt Nam.
2. Nam Phong Tạp Chí số 146, tháng 7.1931
3. Pháp du hành trình nhật ký, ngày thứ Tư, 19.7.1922
4. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Quốc Học tùng thư, tập III, tr. 149
5. Theo nhà báo Xuân Ba, Tuổi Trẻ On line ngày 05.11.2005.
6. Phạm Thế Ngũ, sđd tr. 129.
7. Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Hiến Lê, NXB Lá Bối,Sàigòn, 1968.
8. Theo Xuân Ba, Tuổi Trẻ Online ngày 12.11. 2005
9. Báo Nam Phong số 166, Octobre 1931, phần phụ lục tiếng Pháp.
10. Phạm Thế Ngũ, sđd, tr. 127.
11. Phạm Thế Ngũ, sđd tr. 154.
12. Những ngày cuối cùng của triều Nguyễn, Trần Huy Liệu & Phạm Khắc Hoè, NXB Thuận Hoá, Huế, 1992, tr. 15.
.
Nguồn: Nghiên cứu Lịch sử
.
Trước đây, khi học phổ thông, chúng tôi được đảng viết sử ghi là "tên việt gian Phạm Quỳnh", sau này tôi tìm hiểu sự thật, mới biết, đảng chỉ bố láo nói bậy chứ Cụ Phạm Quỳnh là người yêu nước, là văn hóa đáng nể trọng.
Trả lờiXóaKhi tôi hiểu sự thật thì thấy xưa càng phục Nh/s Phạm Tuyên bao nhiêu thì nay tôi càng thấy ông Phạm Tuyên ngu ngốc bấy nhiêu, nhất là từ khi có thông tin đa chiểu, Cụ Phạm Quỳnh đáng kính bao nhiêu, nhưng ông PT vẫn "câm như thóc" lấy nhục làm vinh -Phò đảng, thờ đảng hơn thờ bố, nâng bi đảng, nâng bi bác. Tôi khinh ông Phạm Tuyên.
Đừng bảo vua Bảo Đại ăn chơi , mê muội . Ông thật là có mắt biết dùng người như cụ Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim .
Trả lờiXóaSống vào thời nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn , kẻ tiểu nhân cũng khó giữ lấy thân . Vua Bảo Đại cũng phải đào vi thượng sách ! Thương thay cụ Phạm Quỳnh chẳng bảo toàn được sinh mạng !
Sao Nghiên cứu Lịch Sử mà không dám viết sự thật là Phạm Quỳnh bị Việt Minh giết nhỉ?
Trả lờiXóaNghiên Cứu Lịch Sử cũng có nhiều tác giả,quan điểm.Trong đó,không ít tác giả do đảng đào tạo
Xóa"Trí Phú Địa Hào đào tận gốc trốc tận rễ". Cho nên ông Phạm Quỳnh nhà trí thức lớn bị Việt Minh giết. Phạm Tuyên quá u mê mà ca tụng kẻ giết cha mình !!!
Trả lờiXóa“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn.” cho nên họ đang tìm cách viết lại Truyện Kiều? Thật khinh bỉ.
Trả lờiXóa“Không có quốc văn thì không thể nào có quốc học. Không có quốc học thì không thể nào có độc lập tinh thần. Không có độc lập tinh thần thì không có độc lập chính trị.”
Trả lờiXóa