Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

NGÀY NÀY 74 NĂM TRƯỚC, CỤ PHẠM QUỲNH ĐƯỢC MỜI VÀ MẤT TÍCH


Vũ Thế Khôi
 


74 năm trước, vào 2g ngày này, 23 - 08 - 1945, một nhóm người vũ trang đi xe o-tô ập vào ấp Hoa Đường trên bờ sông An Cựu, "mời" cụ Phạm Quỳnh đi gặp chính quyền Cách mạng Thừa Thiên-Huế. Cụ Phạm không bao giờ trở về nữa.

Một thời gian dài có những lời biện bạch rằng cụ Phạm bị một nhóm dân quân manh động sát hại. May thay, 8 năm trước đại tá TS Nguyễn Văn Khoan đã viết ra sự thật trong sách do Nxb CAND in ấn: “Báo “Quyết Thắng”, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ, số 11 ra ngày 9 - 12 - 1945 cho biết: “cả 3 tên Việt gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23 - 8 và đã bị Uỷ ban khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”.

Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế bấy giờ là Tố Hữu…”

Vậy tại sao Hồ Chủ tịch gọi cụ Phạm Quỳnh là "học giả" và viết thư mời ra cộng tác với Cách mạng?

Nguyễn Cảnh Thuỵ: Lúc chuẩn bị được "mời đi", cụ còn có vẻ phấn khởi, dặn các con lấy hết vải đỏ ra may cờ cho Việt Minh. Khi bị gọi đi, các con nhắc cụ chưa uống thuốc, cụ bảo chốc về uống. Cụ có ngờ đâu họ tóm cụ đi... thủ tiêu(!)
________________

TÔI ĐI CẢI TÁNG THẦY TÔI

Phạm Tuân
Phạm Tôn'blog 

Lời dẫn của Phạm Tôn: Ông Phạm Tuân là con trai út trong năm con trai của Phạm Quỳnh, sinh năm 1936 tại Huế, hiện định cư tại Mỹ. 

…Năm 1948, anh Bích tôi (Phạm Tuân – PT ghi chú) lúc bấy giờ làm Bí thư cho Quốc trưởng Bảo Đại đã dò hỏi được nơi Thầy tôi bị giết và chôn nhưng không thực hiện được việc tìm kiếm. Phần vì địa điểm là một nơi xa xôi, hẻo lánh, hiểm trở, lại là một vùng “xôi đậu” thiếu an ninh. Phần vì nghe lời khuyên can của những người am hiểu tình hình: không nên mạo hiểm, vì rất có thể đây là cái bẫy…giăng ra để bắt và tiêu diệt những người có liên hệ với các nạn nhân…Một hình thức “nhổ cỏ phải nhổ cho sạch rễ” vậy.

Mãi cho đến năm 1956…bỗng một hôm gia đình chúng tôi được thông báo chuẩn bị sẵn sàng để đi nhận lãnh hài cốt Thầy tôi! Một niềm vui mừng khôn tả, đồng thời một nỗi xúc động vô biên tràn ngập trong lòng anh chị em chúng tôi. Lập tức chúng tôi đi tìm những tin tức chính xác hơn.

Được sự giới thiệu của ông Hoàng Hùng (Bộ trưởng Bộ Kiến Thiết) (là con trai một người bạn Phạm Quỳnh, từng ở nhà Phạm Quỳnh thời còn đi học ở Hà Nội – PT ghi chú) và ông Võ Văn Hải (Văn phòng Phủ Tổng thống), chúng tôi tìm đến gặp ông Võ Như Nguyện. Được biết ông Võ Như Nguyện (nguyên Tỉnh trưởng Bình Định) cùng ông Hoàng Ngọc Trợ (Quận trưởng quận Phong Điền, Thừa Thiên) là những người được Tổng thống Ngô Đình Diệm trao cho việc tìm kiếm (hài cốt cha con Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm – PT ghi chú).


Việc tìm kiếm hài cốt không đơn giản mà là một công tác lớn lao, đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực, phương tiện và an ninh tuyệt đối

Ngày 5 tháng 2 năm 1956 (cận Tết) tôi và chị Hảo (Phạm Thị Hảo, con gái thứ ba trong tám con gái của Phạm Quỳnh – PT ghi chú) tôi đi Huế để cùng với một phái đoàn của chính phủ tìm và nhận hài cốt các nạn nhân.

…Thật “nghịch đời”, lúc sinh thời, Thầy tôi và cụ Khôi vì khác chính kiến nên đã trở thành thù địch, thề “không đội trời chung”, thế mà khi thác lại nằm chung một hố.

Chúng tôi (tôi và chị Hảo) phải ở lại Huế lâu hơn dự định, vì như đã tả ở trên, địa điểm là một nơi xa xôi, khó đi lại nên chính phủ phải huy động công binh khai quang, ủi đất làm đường, bắc cầu cho xe hơi đi…trên mười lăm cây số. Ngoài ra còn phải điều động binh sĩ đến giữ an ninh quanh vùng. Nói tóm lại là cả một công trình nan giải mà chỉ có một chính quyền mới thực hiện được mà thôi…

…Nhưng đôi lúc tôi tự hỏi, giả sử như Thầy tôi không bị chôn vùi cùng huyệt với cụ Khôi và ông Huân, những người thân của Tổng thống, thì chúng tôi có được sự giúp đỡ này không?

Suốt ngày 8 tháng 2 năm 1956, đào xới đất, kết quả chỉ bới lên được một bộ hài cốt không phải là của một trong ba người. Mọi người đều thất vọng, lại lo rằng sau mười một năm, trải qua bao mùa lũ lụt, có thể các di hài bị nước lũ cuốn trôi đi chăng?

Đến chiều hôm sau, cận Tết, dưới trời mưa lâm râm, bỗng xuất hiện một cụ già đi ngang qua. Cụ hỏi toán dò tìm: “Đã tìm thấy các cụ chưa? Đào mương nào, mương cũ hay mương mới?”. Thì ra có hai mương…Cụ già nói tiếp: “Cách đây mười một năm tại đây tôi có đào một con mương để dẫn nước từ sông lên ruộng. Hôm sau, ra tát nước thì thấy mương bị lấp. Du kích trong làng cấm không cho tới gần. Vài năm sau, có người đến thầu mấy thửa ruộng của tôi, cũng đào mương, thì bị khuyến cáo không được đào thẳng mà phải đào chếch sang một bên”.

Thì ra đây là “mương mới”, chỗ tìm ra hài cốt độc nhất nói trên. Toán công binh tiếp tục đào sâu hơn, với chu vi rộng lớn hơn, thì quả nhiên tìm được ba bộ hài cốt ở vị thế đúng như những chi tiết thâu lượm được.

Gần đến hài cốt, để tránh đụng đến xương, đám người có phận sự ngưng sử dụng cuốc, xẻng mà chỉ dùng đũa cả khơi đất ra từng mảng. Sau cùng lộ ra rõ rệt ba bộ hài cốt nằm chồng lên nhau.

Hài cốt của Thầy tôi rất dễ nhận vì dài và ngay cạnh, tôi nhận ra được đôi mắt kính cận…Hài cốt của cụ Khôi và ông Huân thì ngắn và nhỏ bé. Thân nhân nhà họ Ngô còn nhận ra được hai chiếc răng vàng và cái thắt lưng to bản (quân phục Nhật) của ông Huân.

Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn ba cái tĩnh, vải liệm trắng đỏ, ba chậu tráng men lớn chứa đầy cồn 90 để rửa xương.

Việc thử nghiệm, rửa hài cốt và tẩm liệm kéo dài đến khi trời tối

Tại làng Văn Xá, quan tài cụ Khôi và ông Huân được quàn dưới một lều vải lớn, có thể chứa cả trăm người, có đèn điện thắp sáng choang, vòng hoa phúng viếng bày la liệt, lính mặc lễ phục túc trực hai bên, các bộ trưởng thứ trưởng âu phục trắng cà vạt đen, các đại biểu, cán bộ đủ mọi cấp ra vào tấp nập…Tiếng cầu kinh của giáo chúng thập phương vang rền suốt đêm. Được biết, ngày hôm sau sẽ di chuyển hai quan tài về Hiền Sĩ. Tại đây, một nhà thờ lớn đã được dựng lên để cử hành tang lễ trọng thể theo nghi thức quốc táng, có đông người tham dự và sau mồng ba Tết mới đưa về Phú Cam chôn cất.

Trong khi đó, trên một ngọn đồi thấp cách đấy không xa, trong một chiếc lều nhà binh nhỏ bé, dưới ánh sáng mờ ảo của mấy ngọn nến, hai chị em tôi cùng cụ bà Ưng Trình (thông gia với gia đình chúng tôi) thay phiên thắp nhang bên linh cữu Thầy tôi.

Chúng tôi có mời một thượng toạ trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ trong làng đến làm lễ cầu siêu. Bên chính quyền cũng cử một đại diện đến phúng điếu và phân ưu. Sau đó, cắt cử hai quân nhân mặc lễ phục nghiêm chỉnh túc trực bên quan tài.

Như trên đã nói, ban tổ chức có cung cấp ba tĩnh bằng sành để đựng hài cốt…Cả ba có nắp in hình thánh giá của công giáo, nên chị tôi đã tế nhị từ chối để chỉ dùng cái tĩnh đã mua sẵn dành riêng cho đệ tử nhà Phật với chữ “Vạn” trên nắp.

Quá tủi thân trước sự khắc biệt, lòng ngậm ngùi thê thiết, chị em chúng tôi quyết định thuê đò chở quan tài Thầy tôi về Huế ngay đêm hôm ấy… Tám giờ sáng hôm sau thì đến chùa Vạn Phước. Thượng toạ trụ trì đã chờ sẵn. Sau nghi thức đơn giản, đúng chín giờ thì hạ huyệt. Một số đông bạn học cũ của các anh chị tôi tại hai trường Khải Định và Đồng Khánh đến chia buồn và tiễn đưa.

Thời gian dài kế tiếp sau đấy, người dân Sài Gòn được thấy một con đường lớn, rộng từ phi cảng Tân Sơn Nhất vào trung tâm thủ đô mang tên đại lộ Ngô Đình Khôi… Rồi đến thời Đệ nhị Cộng hoà của Tổng thống Thiệu “nghe nói” tên Thầy tôi đã được đặt cho một con đường nhỏ, gần đường Triệu Đà trong Chợ Lớn… Chị tôi và tôi lân la đi tìm, nhưng chẳng thấy tăm hơi…Tất cả chỉ là một “dự tính” mà thôi.

Ôi, thế thái nhân tình…

P.T.

__________

(Trích bài Sống lại với ký ức thuở ngày xưa, báo Ngày Nay (tiểu bang Minesota), số 385, ngày 30-6-2005 và Việt Học tạp chí phổ thông, số 2 (Nam Califonia) tháng 6-2005).


Viếng mộ Cụ Phạm Quỳnh - mùa hè 2019, nhân tròn 100 năm Nam Phong:


 

35 nhận xét :

  1. Nhạc sĩ Phạm Tuyên không biết có phải là con của cụ Phạm Quỳnh không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính xác ! Nhưng theo cs .

      Xóa
    2. Nhạc sỹ Phạm Tuyên, Giáo sư Bác sỹ Phạm Khuê là con trai ruột Phạm Quỳnh.

      Xóa
  2. Ns Phạm Tuyên bi hài kịch của chế độ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết Ns Phạm Tuyên có biết câu truyện này không ...???

      Xóa
  3. Biết nói gì hơn về Cụ Pham Quỳnh ! Có lẽ Cụ cũng còn may mắn hơn nhiều người ngay cả ô. Ngô Đình Diệm , Ngô Đình Nhu !

    Trả lờiXóa
  4. Chán cho ông Phạm Tuyên,người đã được nhận giải thưởng HCM,người chưa một lần nhắc đến cha mình

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên - con trai của học giả Phạm Quỳnh, vào mùa thu năm 1945, Hồ Chí Minh đã nói với hai người chị của ông là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức rằng: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng"

      Xóa
    2. Nhưng chớ quên rằng lịch sử trong bàn tay kẻ cầm quyền nên cái gì có lợi cho họ thì OK, cái gì bất lợi họ bỏ qua không thương tiếc. Chính vì vây hiện nhà sách Phương Nam đang công bố sách về ông Phan Khôi cũng có nhiều dư luận khác nhau về ông, nhưng cái bất hạnh cuối cùng là khi cải táng một nghĩa trang chôn cất nhiều tầng lớp dân nghèo trong đó có chôn cất mộ cụ Phan Khôi nhưng không hề tìm thấy một thông tin nào về Cụ.Coi như 1 bất hạnh cuối cùng.

      Xóa
  5. Đừng trách ông Phạm Tuyên mà tội nghiệp:)
    Các bác đều hiểu cái giá của sự im lặng,
    và không im lặng mà!

    Trả lờiXóa
  6. Anh Phạm Tuyên đã phải chui vào vỏ ốc để tồn tại. Cũng như cụ nhà văn Nguyễn Tuân đã nói: "tôi sống được là nhờ biết sợ".

    Trả lờiXóa
  7. Đối với NS Phạm Tuyên, đảng- bác là trên hết. Hơn cả cha mẹ, tổ tiên, ông bà. Có nịnh nọt tốt như vậy, thì từ con của một viên quan Thượng thư của một triều đình bị cho là làm tay sai cho ngoại xâm, mà cách mạng gọi là trùm phản quốc, phản cách mạng, Phạm Tuyên mới "leo" lên được chức vụ Phó Tổng GĐ Đài Tiếng nói Việt Nam, khi mà xã hội thời đó coi chủ nghĩa lí lịch là trên hết.Trong sách giáo khoa về Văn và Sử của miền Bắc những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là hai nhân vật được cách mạng dùng những ngôn từ xấu xa nhất để nói về họ, nào là tên bồi bút đê tiện, tên phản động nguy hiểm nhất về lĩnh vực văn hóa, vì họ đã "đầu độc" bao thế hệ trẻ với những tư tưởng xấu xa..vv.
    Với nhà nước CSVN, Phạm Tuyên được cho là “một trong những nhạc sĩ có nhiều sáng tác thành công nhất viết về đảng và Bác”. Trong đó, nổi bật nhất là hai bài: “ Đảng đã cho ta Mùa Xuân” và bài “ Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Hãy nghe con vẹt Phạm Tuyên “hót” ca ngợi đảng, bác của ông ta như thế nào nhé.
    Bài “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” có những câu như sau:
    “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng
    Trước như tuổi thơ tôi nào biết đường
    Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước
    Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông
    Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng
    Đảng ta ơi, cám ơn người dạy dỗ
    Từ đây lòng tôi sướng vui đau khổ
    Và tình yêu căm giận hóa lời ca
    Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà
    Đảng của tôi ơn, người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”.

    Bài “ Đảng đã cho ta mùa xuân” có những đoạn như sau:
    “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng
    Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi
    Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non
    Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời
    Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân
    Cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm
    Vừng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng
    Bóng tối lui dần tiếng chim vui hót vang
    Và rồi từ đây ánh dương soi đời mới”

    Một khi đã tôn thờ đảng-bác trên hết mọi sự, thì phải từ bỏ quá khứ của mình thì mới làm đẹp lòng đảng được. Và để phấn đấu được nhận các giải thưởng, như Giải thưởng Nhà nước năm 2001, và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012, thì Phạm Tuyên phải có một “thành tích chói lọi”. Mà một trong những việc để lập thành tích và để được đảng tin tưởng và ghi công, thì không gì bằng đoạn tuyệt quá khứ, đoạn tuyệt với cha ông mình.
    Chắc không bao giờ Phạm Tuyên muốn nhắc đến tên người cha quá cố của ông- Phạm Quỳnh. Vì như vậy sẽ làm phật lòng đảng.
    Không biết ở dưới suối vàng, Thượng thư Phạm Quỳnh có biết con mình là một đảng viên của cái đảng đã giết và vứt xác mình xuống cái mương và lấp lại vị sợ hôi thối? Và “ đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, có nghĩa là Phạm Tuyên đã đồng lõa cùng kết tội những “tội ác” của Phạm Quỳnh mà đảng đã tuyên khi giết Phạm Quỳnh?

    Đối với nhân dân Việt Nam, thì đảng CSVN là “ căn bệnh dịch hạch” đã làm ô nhiễm môi trường đạo đức văn hóa và truyền thống tốt đẹp bao đời của cha ông ta. Nhưng đối với Phạm Tuyên, thì đảng “ đã đem về tuổi xuân cho nước non”, và đảng” là ánh dương soi đời mới”. Có lẽ đây là tột đỉnh của sự lố bịch. Và với hai câu này, Phạm Tuyên xứng đáng là VUA của các loài vẹt.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành tích lớn nhất của Phạm tuyên là đã quay lưng lại với người đẻ ra mình và chiếm được tình cảm của người xử tử bố mình.

      Xóa
    2. Chắc chắn là cháu nội của cụ PQ sẽ phán xét ông cha mình!

      Xóa
  8. Vậy các bác có biết tại sao cụ Phạm Quỳnh mất sớm thế không?

    Trả lờiXóa
  9. Tôi chưa thấy ai suốt đời hát líu lo vang lừng, ngợi ca kẻ đã dùng cuốc xẻng đập đầu cha mình vùi xuống mương nước. Hơn 10 năm trước tôi từng được ăn cơm chung với NS Phạm Tuyên và ca sĩ Thanh Hoa ở Vũng Tàu. Tôi nhìn ông rất kỹ và không hiểu ông có phải là con trai cụ Phạm Quỳnh hay không? Ôi, kiếp người thật khổ đau.

    Trả lờiXóa
  10. Tác giả P.T không có gì phải tủi hổ về sự khác biệt và về thế thái nhân tình.Như tác giả đã nói,cụ Phạm Quỳnh và cụ Ngô Đình Khôi là 2 người thù địch không đội trời chung,vậy mà chính quyền cụ Diệm vẫn cử 1 viên chức đến phân ưu và cử 2 quân nhân mặc lễ phục uy nghiêm đứng bên quan tài.

    Trả lờiXóa
  11. Cũng còn một chút may mắn cho gia tộc cụ Pham Quỳnh, rằng cụ bị giết ở Huế, chứ nếu bị giết ở bắc vĩ tuyến 17 thì có lẽ xương không còn. Cứ xem con cháu cụ Nguyễn Thị Năm bị giết ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên đã phải vất vả như thế nào khi tìm mộ cụ sau khi đã xin được đủ các giấy tờ xác nhận cụ là "địa chủ yêu nước", thì biết.

    Trả lờiXóa
  12. Trích: " Thầy tôi và cụ Khôi vì khác chính kiến nên đã trở thành thù địch, thề “không đội trời chung”, thế mà khi thác lại nằm chung một hố."....
    Và: "... Bên chính quyền cũng cử một đại diện đến phúng điếu và phân ưu. Sau đó, cắt cử hai quân nhân mặc lễ phục nghiêm chỉnh túc trực bên quan tài.". Trích tiếp: "…Nhưng đôi lúc tôi tự hỏi, giả sử như Thầy tôi không bị chôn vùi cùng huyệt với cụ Khôi và ông Huân, những người thân của Tổng thống, thì chúng tôi có được sự giúp đỡ này không?". Rồi kết: "Ôi, thế thái nhân tình…".
    Cụ Phạm Quỳnh bị Việt Minh Cộng Sản giết (có người nói là bị chôn sống), thế mà trong bài viết không nghe tác giả con trai cụ Phạm Quỳnh có một lời than trách hay kết án nào. Trái lại, tác giả đã phê phán cách ứng sử không "công bằng" trong việc cải táng cụ Phạm Quỳnh và cụ Huân cùng con trai.
    Tôi thật không thể hiểu nổi. Quả là "sống sao cho vừa lòng người" thực rất khó, trường hợp này thì gần giống như kiểu "làm ơn mắc oán". Thật ra, chính quyền Ngô Đình Diệm không hề có trách nhiệm gì trong việc giết hại cụ Phạm Quỳnh. Chính quyền này cũng chẳng có "nghĩa vụ" phải cải táng cho cụ Phạm. Đây hoàn toàn là vấn đề nhân nghĩa, đạo lý, tình người và tình đồng bào... huống chi như tác giả đã viết: " Cụ Phạm Quỳnh và cụ Ngô Đình Khôi đã "là kẻ thù không đội trời chung", thì được như vậy cũng quí lắm rồi. Lẽ ra con trai ông Phạm Quỳnh (tác giả bài viết) không nên so bì như thế nếu không có được một tiếng cám ơn để chứng tỏ là người tử tế.
    Ông Phạm Tuyên có bài "Như có Bác...", còn ông Phạm Tuân thì có bài này: Anh em họ thật hợp nhau lắm!
    Cụ Phạm Quỳnh không biết vui hay buồn bên kia thế giới đây!?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giả sử cụ Khôi lại là thân nhân của lãnh đạo CS thì việc cải táng cụ Quỳnh có được như thế này chăng?

      Xóa
  13. Chuyện của ông Phạm Tuyên và gia đình ông, người ngoài không nên tham gia.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông bạn nói vậy không đúng, vì cả Phạm Tuyên và cụ Pham Quỳnh đều là người có tiếng tăm - tức là "người của công chúng" (Public figure) - Cho nên "công chúng" được phép tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp đồng thời "công chúng" cũng có quyền tung hô những điều tốt, hoặc phê phán những điều xấu mà các "nhân vật công chúng" này đã làm .

      Muốn biết "Public Figure" là gì, xin mới xem...tự điển .

      Xóa
    2. Nếu ông Tuyên, Cụ Quỳnh không là người của công chúng thì thôi- người ta không bình phẩm là đúng (bình phẩm chứ không phải bới móc)- bình phẩm để tìm ra đúng sai sao phải né tránh? hay ông bạn 22:54 là người của Tuyên Ráo chung ươn?

      Xóa
  14. Các bạn có thể xem thêm chi tiết về việc này tại :
    http://www.diendantheky.net/2010/11/vai-moi-lien-he-giua-hai-ong-ho-chi_01.html
    Theo đó thì ông Hồ đã cho ông Diệm biết chỗ chôn ông Ngô Đình Khôi và ông Phạm Quỳnh. Ngược lại ông Diệm cho tu bổ mộ phần cụ Nguyễn Sinh Sắc.
    Người viết bài này là anh họ tôi , Trần Đông Phong (Trần Đức Thắng).
    Còn người tu bổ phần mộ cụ Sắc chính là thân phụ tôi.
    Cụ không bao giờ nói việc này ra , chỉ có anh tôi là vị giáo sư kể trong bài được nghe cụ kể.

    Trả lờiXóa
  15. Dưới thời cộng sản thì việc con đấu tố cha là chuyện phổ biến.
    Ôi nhân tình thế thái !

    Trả lờiXóa
  16. Theo tôi : Cái tội lớn nhất của cụ Quỳnh là "BIẾT MẶT MỘT NGƯỜI "
    hoàn toàn theo nghĩa đen

    Trả lờiXóa
  17. Tôi rất thông cảm với nhạc sỹ Phạm Tuyên. Mặc dù vậy, tôi vẫn không thể hiểu nổi làm sao ông có thể sáng tác được nhiều bài hát ca ngợi chủ nghĩa cộng sản và đảng cộng sản với cả tấm lòng đến như vậy. Có lẽ ít có nhạc sỹ nào viết những lời ca ngợi đảng và chủ nghĩa cộng sản tha thiết cháy bỏng như ông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ của Thái bá Tân là câu trả lời hay nhất cho bạn :

      Thái Bá Tân

      PHẠM QUỲNH, PHẠM TUYÊN
      Phạm Quỳnh là tên bố.
      Tên con là Phạm Tuyên.
      Phạm Quỳnh bị đảng giết.
      Phạm Tuyên là đảng viên.
      Phạm Quỳnh, trí thức lớn,
      Thượng thư, một quan to.
      Phạm Tuyên là nhạc sĩ
      Viết “Như có Bác Hồ…”.
      Mỗi người một nhân cách.
      Quyền của họ - nhưng tôi,
      Nếu có bố bị giết,
      Tôi sẽ thù suốt đời.
      Hèn yếu, không dám chống,
      Thì ở ẩn, lặng thinh,
      Chứ không chịu hợp tác
      Với kẻ giết cha mình.
      Lại càng không viết nhạc
      Ca ngợi kiểu bốc đồng.
      Không thèm nhận giải thưởng.
      Thế đấy, dứt khoát không!
      Là con dân Đại Việt,
      Tôi tu thân, tề gia.
      Quyết không để lý tưởng
      Xếp cao hơn mẹ cha.

      Xóa
    2. Rất kính nể nhà thơ-dịch giả-nhà giáo Thái Bá Tân.

      Xóa
  18. Số mạng con người : Sinh ra, lớn lên , từ trần và chôn cất , là một bí nhiệm . Những nhân vật tiếng tăm có số mạng lại càng kì bí . Nhất là lúc sinh tiền họ có tầm ảnh hưởng đến nhiều người . Nhân vật Phạm Quỳnh, Bảo Đại , HCM, Ngô đình Diệm , cũng có số mạng kì bí .

    Trả lờiXóa
  19. Nhiều người quý Pham Tuyên, Phạm Thị Thành vì cống hiến. Cũng có người bùi ngùi, Phạm Tuyên phải ca ngợi kẻ giết cha? Cũng nên thể tất thôi. Nếu không, cái gene của cụ Phạm sẽ bị quên lãng. Người ta sẽ sáng tác đủ thứ, ai dám đứng lên?. Đời quỳ là thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hãy đọc "Tiếng gọi nơi hoang dã" đi bạn.

      Xóa
  20. Bài thơ của bác Thái Bá Tán hay quá ! Sau này nên đứa vào SGK dạy trẻ em !

    Trả lờiXóa
  21. Bài thơ của bác Thái Bá Tán hay quá ! Sau này nên đứa vào SGK dạy trẻ em !

    Trả lờiXóa