Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Trần Đình Sử: VỀ CUỐN SÁCH MỚI CỦA TÔI

Về cuốn sách 
"Trên đường biên của lý luận văn học" của tôi

Trần Đình Sử
.
Đường biên là nơi tiếp giáp, tiếp xúc của các nền lí luận, các trường phái lí luận văn học. Môt thời gian dài chúng ta đóng đường biên, lí luận múa đao trong nhà, nó không phát triển, thoái hóa, nói đi nói lại mấy điểm cũ nhảm. Từ ngày đổi mới, nhất là từ ngày hội nhập chúng ta mở biên, thúc đẩy giao lưu, lí luận khởi sắc. Là nhà lí luận phải đứng trên đường biên, đón gió bốn phương, tự thay đổi mình. Cuốn sách này là một trong các thành quả của cuộc mở biên trong thời hội nhập.

Lí luận của ta hiện có ba loại. Một là lí luận dưới dạng nguyên ngữ, bằng tiếng nước ngoài. Loại thứ hai là lí luận dịch thuật, tổng thuật, giới thiệu. Và ba là lí luận do tổng hợp, trình bày quan niệm riêng, vận dụng vào nghiên cứu của mình. Cuốn sách này thuộc dạng thứ ba.

Cuốn sách gồm ba phần. Phần 1 gồm 12 bài, nêu một số vấn đề của lí luận văn học Marxist và một số vấn đề lí luận mới. Phần hai gồm 8 bài, nêu một số vấn đề về lịch sử lí luận văn học mấy chục năm qua. Phần ba gồm 5 bài, nêu một số vấn đề về thi pháp học.

Phần 3 ít nhất, cũng có một vài ý mới: Tổng quan về thi pháp học, phân biệt thi pháp học với lí luận văn học, mấy vấn đề thi pháp thơ mới và suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử.


Phần 2 cũng có một số ý mới, tổng kết của tôi về hai mươi năm lí luận phê bình; tính nhân văn của phê bình văn học; về lí thuyết phê bình, về khủng hoảng của lí luận; về vận dụng tính hiện đại để nhìn lịch sử lí luận phê bình; về sử dụng văn hóa…

Phần chính yếu của cuốn sách là phần một. Phần này có hai phần. Một là nhìn lại lí thuyết văn học Marxist ở Việt Nam. Hai là nêu một vài vấn đề lí thuyết mới.

Về lí thuyết Marxist ở Việt Nam, trước hết điểm lại lí thuyết văn học Marxist và một số điểm cần xem xét lại. Lí thuyết Marxist ở Việt Nam chủ yếu tiếp nhận phiên bản của Liên Xô thời Stalin và phiên bản của Trung Quốc. Các vấn đề cần xem lại là vấn đề về phản ánh, quan hệ văn học với chính trị, văn học với hiện thực, nội dung và hình thức, vấn đề tính hình tượng, vấn đề tính đảng, vấn đề phương pháp sang tác, vấn đề nguồn gốc văn học.

Vấn đề văn học và ý thức hệ, trước đây thường đồng nhất ý thức hệ với ý thức hệ giai cấp. Bây giờ xem ý thức hệ là vấn đề văn hóa. Nó vẫn có tính giai cấp, Nhưng về loại hình ý thức hệ chỉ có hai. Một là ý thức hệ chính đảng và ý thức hệ chung, chỉnh thể. Không xem ý thức hệ là vấn đề của giai cấp. Văn học nghệ thuật thuộc ý thức hệ chỉnh thể, không thuộc ý thức hệ chính đảng, mặc dù có quan hệ với nó.

Về phản ánh, chúng tôi vận dụng nhiều tri thức để xem xét và đi đến cách hiểu: phản ánh tức là kiến tạo. Phản ánh như là kiến tạo gồm cả nhận thức và sang tạo. Xóa bỏ vấn đề đối lập phản ánh và sang tạo như lâu nay một số người vẫn chủ trương.

Về văn học hiện thực, chúng tôi hiểu rằng văn học phản ánh ý nghĩa của đời sống. Còn cái hiện thực được miêu tả chỉ là cái biểu đạt của văn học, là ngôn ngữ của văn học, không phải là đối tượng phản ánh. Đây là điểm ngộ nhận lâu nhất trong lí luận văn học.

Về quan hệ văn học với hiện thực tôi lưu ý văn học phản ánh các khả năng của hiện thực, chứ không phải phản ánh những cái có thực như lich sử, báo chí. Văn học sang tạo trên cơ sở cái có thể có (khả nhiên). Lĩnh vực của cái khả năng phong phú hơn rất nhiều so với cái có thật. Cái khả năng cho phép lựa chọn, hư cấu, kết hợp với lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn.

Hiện thực đời sống với các sự kiện, nhân vật, chi tiết thực ra là hệ thống các kí hiệu về hiện thực. Qua các hiên tượng đó nhà văn nhận ra xu thế, số phận người, ý nghĩa giá trị của cuộc sống. Xây dựng các hình tượng chỉ là sang tạo những cái biểu đạt, kí hiệu, ngôn ngữ nghệ thuật, không phải nội dung. Chủ nghĩa hiện thực chỉ là một ngôn ngữ nghệ thuật bên cạnh các ngôn ngữ khác.

Về hình tượng văn học, tôi coi hình tượng văn học là kí hiệu. Hình tượng là ngôn ngữ tự giao tiếp của con người. Ngôn ngữ tự nhiên trong văn học chỉ là ngôn ngữ miêu tả, không phải ngôn ngữ giao tiếp. Mô hình giao tiếp của hình tượng là mô hình tự giao tiếp. Người nghe chuyện, người nhận trong văn bản văn học chỉ là hình tượng ảo. Người đọc luôn luôn đọc theo điểm nhìn của người trữ tình và người kể chuyện. Các mô hình giao tiếp lâu nay vận dụng sơ lược theo mô hình của Jakobson tỏ ra không phù hợp . Mô hình của Jakobson với tư cách mô hình giao tiếp ngôn ngữ là một mô hình khoa học đúng với giao tiếp ngôn ngữ. Những vận dụng nó vào văn học theo Ju. Lotman lại phải có điều chỉnh thích đáng.

Về phương pháp sang tác, tôi cho rằng đó là khái niệm không đúng, giải tạo, có hại. Giáo trình lí luận văn hopcj ở Trung Quốc, Nga đều đã bỏ, không có nữa, duy Việt Nam vẫn dạy, là điều phi lí, nên khắc phục.

Về quan hệ văn học với hiện thực, văn học luôn luôn phản ánh phương diện khả năng của hiện thực, cái khả nưng rộng hơn hiện thực và có ý nghĩa triết học sâu xa hơn cái hiện thực nhiều. Nói phản ánh hiện thực là ngộ nhận.

Sau các vấn đề trên tôi định vị lí luận văn hocjmarrxist trong bản đồ lí luận thế giới. Đó chỉ là một trong các lí thuyết của nhân loại, không có ưu tiên nào hết. Các lí thuyết bổ sung nhau để nhận thức sâu sắc về văn học nghệ thuật.

Văn học là một diễn ngôn về thực tại mà con người đang sống. Bản chất diễn ngôn của văn học là biểu hiện của vô thức xã hội.

Diễn ngôn là một hệ hình tư duy mới đối với văn học. Diễn ngôn luận phân biệt với bản thể luận, nhận thức luận, nó xem xét văn học như một kiến tạo về thế giới.

Giải cấu trúc không chỉ là một hoài nghi trung tâm, mà còn là một cách đọc mới, vượt qua mã cũ để tìm ra ý nghĩa mới.

Trên đây là tóm lược một số luận điểm trình bày trong cuốn sách. Nó rất trừu tượng, mà cũng có thể còn có sai lầm. Không dám nói nhiều, các vị nghẹ lí thuyết nhiều sẽ đau đầu. Mong ai có hứng thú thì đọc kĩ và trao đổi. Tôi nghĩ sẽ bổ ích.

Như Michel Foucalt đã nói về tác giả. Tác giả không phải là cội nguồn của tri thức, mà chỉ là người tổ chức, nêu vấn đề. Tri thức là của chung của thời đại, nhân loại. Tôi cũng mong làm được đôi chút bổ ích cho mọi người.

Xin cảm ơn quý vị. 

(Đề cương phát biểu trong cuộc tọa đàm).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét