Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

BỘ VĂN HÓA QUYẾT NGĂN LỄ HỘI XÔ BỒ XUÂN ẤT MÙI 2015

Quyết ngăn lễ hội xô bồ
 
Thứ Sáu, 23:04  02/01/2015

“Kiên quyết khắc phục triệt để những thiếu sót, hạn chế trong mùa lễ hội Xuân Ất Mùi”. Đó là chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đối với lãnh đạo các sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), cho biết để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015, tạo chuyển biến tích cực so với các mùa lễ hội trước, bộ vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc và sở VH-TT-DL các tỉnh, thành.

Cử cán bộ giám sát chặt

Theo ông Phan Đình Tân, đối với các lễ hội dân gian truyền thống, Bộ VH-TT-DL yêu cầu phát huy những mặt tích cực, khắc phục triệt để những thiếu sót trong Tết Ất Mùi.

“Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT-DL, giám đốc sở VH-TT-DL các địa phương phải bố trí cán bộ theo dõi sát diễn biến của lễ hội trên địa bàn, xử lý kiên quyết và hiệu quả những phát sinh, thường xuyên báo cáo tình hình về bộ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định” - ông Tân cho biết.

 Dịch vụ đổi tiền lẻ ở đền Bà Chúa Kho tồn tại dai dẳng nhiều năm nay

Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh việc các địa phương phải bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, không để xây dựng, sửa chữa di tích và tiếp nhận hiện vật đưa vào bài trí trong khuôn viên di tích khi chưa được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Đồng thời, chủ động di dời ra khỏi di tích những hiện vật đưa vào trái phép.

Nhìn lại hoạt động lễ hội năm 2014, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cho rằng đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thừa nhận vẫn còn những hạn chế cần xử lý dứt điểm. Nhiều nơi còn tình trạng chen lấn dẫn đến mất an toàn cho du khách và dễ phát sinh tiêu cực… Nhiều dịch vụ cờ bạc trá hình dưới hình thức các trò chơi điện tử có thưởng, bói toán, khấn thuê, chèo kéo bán hàng, hành khất… vẫn xuất hiện ở một số nơi như chùa Keo (Thái Bình), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)…

Theo Bộ VH-TT-DL, năm vừa qua, tình trạng bày bán thực phẩm mất vệ sinh, treo thịt gia súc, gia cầm sống gây phản cảm vẫn tồn tại ở nhiều nơi như chùa Hương, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), Phủ Giày, chợ Viềng, đền Trần (Nam Định)… Bên cạnh đó, việc rải tiền lẻ, cài tiền vào tay tượng, trang trí đèn lồng không rõ xuất xứ…  cũng còn phổ biến.

Cần sớm hướng dẫn xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, giám đốc một sở VH-TT-DL cho biết công tác tổ chức và quản lý lễ hội rất phức tạp, trong khi chúng ta lại không biết cách làm. Theo vị giám đốc này, Bộ VH-TT-DL nên sớm đưa ra các mô hình tốt về quản lý lễ hội để các địa phương học tập.

“Muốn tổ chức lễ hội tốt, phải có sự kết hợp giữa chủ thể của lễ hội là người dân với cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý muốn làm tốt thì phải có nhà khoa học tư vấn. Tuy nhiên vừa qua, các nhà khoa học chưa làm tốt việc này. Tham khảo hàng trăm công trình nghiên cứu về lễ hội nhưng khi áp dụng, chúng tôi vẫn thấy thiếu thiếu. Chẳng hạn, “giáo trình” về tổ chức lễ hội lại hao hao của nước ngoài, không thấy bản sắc Việt Nam. Hình như họ biên soạn từ “giáo trình” của nước ngoài. Vì thế, các nhà khoa học nên đi lễ hội trong nước nhiều rồi tư vấn cho các cơ quan quản lý văn hóa áp dụng thì việc quản lý mới hiệu quả” - ông gợi ý.

Một chuyên gia văn hóa băn khoăn rằng do không có văn bản hướng dẫn quản lý lễ hội nên việc xử lý gặp không ít khó khăn. “Có nơi phát hiện tiêu cực trong đổi tiền lẻ, đoàn thanh tra lập biên bản xử phạt nhưng việc xử lý số tiền lại lúng túng bởi đây là tiền thật, tịch thu xong không biết phải làm thế nào. Vì vậy, muốn quản lý tốt lễ hội, phải sớm có các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở” - chuyên gia này đề xuất.

Bài và ảnh: Yến Anh
____

Về vấn đề lễ hội, có 2 lễ hội do tỉnh dựng lên, bịa đặt hoàn toàn là Lễ hội Phát ấn đền Trần ở Nam Định và Lễ hội Phát lương đền Trần Thương ở tỉnh Hà Nam. Cả hai lễ hội này đều là lừa bịp và xuyên tạc lịch sử, đã được nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý lên tiếng cảnh báo. Hai lễ hội này đều diễn ra vào đêm 14 rạng sáng Rằm Tháng Giêng âm lịch hàng năm. 

Thiết tha đề nghị các ông Nguyễn Thiện Nhân (Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Trần Đại Quang (Giáo sư, Tiến sĩ, Bộ trưởng Bộ Công An) không nên đến lễ hội phát ấn đền Trần (Nam Định) vào đêm 14 rạng ngày Rằm để thực hiện nghi lễ đóng ấn.

Cũng đề nghị Bà Nguyễn Thị Doan, Giáo sư, Tiến sĩ, Phó chủ tịch nước không đến phát lương ở đền Trần Thương (Hà Nam) vào đêm 14 rạng sáng Rằm Tháng Giêng. 

Chúng tôi nghĩ rằng các vị đều là những nhà trí thức, đều là Giáo sư, Tiến sĩ không nên cổ xúy cho các lễ hội có nhiều dàn dựng khuất tất để thổi phồng tầm vóc nhằm trục lợi của hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. 




2 nhận xét :

  1. Thì ra các nhà quản lí đã từng "dựa hơi" các quan chức để lừa dân trục lợi. Cũng như các chùa trong danh sách giải hạn thường đọc tên người cấp chức cao trong đẩng và nhà nước để mơi dân ăn theo. Lừa đảo khắp nơi!

    Trả lờiXóa
  2. Nếu bỏ lễ hội xô bồ thì nên phát động lễ hội đập bình chắc chắn nhiều người ủng hộ

    Trả lờiXóa