Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

ĐÃ TÌM THẤY CÂU THƠ "CANH GÀ THỌ XƯƠNG" TRONG "DƯƠNG GIA PHẢ KÝ"


Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa cành sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

Mấy câu thơ lục bát trên đã thêm một lần gây xôn xao mặt sóng thế giới phẳng. Khắp trên các mặt báo, các trang mạng xã hội đã diễn ra các cuộc tranh luận từ hàng tuần nay, và đến giờ này cơ hồ còn chưa tạm lắng. Tựu trung, thì người ta tranh luận, đại để các vấn đề sau:

1- Câu thơ này có đúng là của Dương Khuê (1839 - 1902)  không? Có tư liệu Hán Nôm nào chép mấy câu thơ này không? Chữ "canh" chép chữ canh là canh  羹 (món canh, bát canh/súp) hay canh 更 là canh khuya, canh giờ, canh chầy?
2- Canh gà Thọ Xương là "món canh gà" hay là canh giờ, canh khuya?
3- Thọ Xương ở trong mấy câu thơ trên là địa danh ở đâu?
.
Nguyễn Xuân Diện:
1.Đã tìm thấy câu thơ ..."Canh gà Thọ Xương" 
trong "Dương Gia phả ký"

Trước hết, cho đến nay, sau nhiều năm tìm hiểu về thi văn của các tác gia họ Dương ở Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Tây cũ) [ít nhất là từ năm 1993], chúng tôi chưa từng gặp một văn bản Hán Nôm nào chép bài thơ trên.

Bức thư của Ông Dương Nghiệp Bảo (Bernard Donge), lúc đang giữ chức Tổng thanh tra Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB, trụ sở tại Philippines gửi Nguyễn Xuân Diện đề ngày 18.10.1994. Khi ấy, vì ông mới chỉ đọc bài viết, chưa gặp nhau nên ông gửi thư cho "Cụ Nguyễn Xuân Diện"(năm ấy 24 tuổi). Ông Dương Nghiệp Bảo là cháu nội hậu duCụ Dương Lâm.

Chúng tôi xin giới thiệu tài liệu "Dương Gia phả ký", bản đánh máy chữ quốc ngữ trên giấy tây, do Dương Thiệu Cương lập vào cuối mùa hạ năm Quý Sửu (1973) và được Dã Lan Nguyễn Đức Dụ in ấn. Cuốn này chúng tôi có copy được 1 bản từ dòng họ Dương ở Vân Đình vào năm 1993 - 1994. 

"Dương Gia phả ký" gồm 122 trang, ngoài việc chép về thế thứ gia tộc họ Dương còn chép khá nhiều thơ văn, đối liễn của các tác gia họ Dương. 

Bắt đầu từ trang 106, có chép "thi ca của Cụ Dương Khuê, tức cụ Nghè Vân Đình, biệt hiệu Vân Trì", cũng ngay trang này, ở bài thứ hai, là bài "Hà Thành tức cảnh", gồm 4 câu thơ:

Phất phơ cành trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn - Võ, canh gà Thọ - Xương.
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,
Dịp chày An - Thái, mặt gương Tây - Hồ.

Như vậy, căn cứ theo đầu bài thì đây chính là  cảnh ở Hà Thành tức là Hà Nội, và Thọ Xương là tên địa danh thuộc Hà Nội. 

*Trong sách Tâm trạng Dương Khuê - Dương Lâm, Nxb KHXH, Hà Nội, 2005, tác giả Dương Thiệu Tống cho biết: "Bài thơ này chép và chú thích theo Dương gia phả ký và Luận đề về Dương Khuê"(trang 129). (Nguyễn Duy Diễn: Luận đề về Dương Khuê. Nhà in Khai trí, Sài Gòn, 1960, trang 160). Như vậy, từ năm 1960, tài liệu Luận đề về Dương Khuê đã khẳng định bài Hà thành tức cảnh là của Dương Khuê.

Nhưng xưa hơn thế, sách Văn đàn bảo giám, tuyển tập thơ ca do Trần Trung Viên sưu tập, do Dương Bá Trạc đề tựa, Tản Đà đề tựa năm 1934...gồm 3 tập xuất bản lần đầu từ năm 1926 đến năm 1938 thì trọn bộ. Văn đàn bảo giám cũng khẳng định Hà Nội tức cảnh là của tác giả Dương Khuê. Tuyển tập thi ca Văn đàn bảo giám xuất bản chỉ cách năm Dương Khuê tạ thế (1902) khoảng hai ba chục năm, vì thế, có thể tin được.

Dưới đây là ảnh chụp vài trang liên quan trong Dương Gia phả ký:



 

Nguyễn Ngọc Thanh:

2.“Canh gà Thọ Xương” có thực sự là món súp gà hay không?

 .

Blog người hiếu cổ - Thời gian gần đây, nổi cộm trên các phương tiện thông tin đại chúng là chuyện cô giáo dạy cho các em học sinh câu ca dao “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương” rằng: “Canh gà Thọ Xương là món ăn nổi tiếng, đặc sản của làng Thọ Xương”. Ngay khi tin này được đăng thì dư luận đã có những phản hồi vô cùng quyết liệt, rằng cô giáo dạy sai. Ngay sau đó tôi lại đọc được thông tin rằng cô giáo đó đã bị đánh nhập viện!!!

Tôi trên những hiểu biết cá nhân thì thấy quả thực cô giáo này không đáng phải chịu búa rìu dư luận lớn đến vậy. Vì sao? Vì cô ấy quả thực đã sai, nhưng cái sai đó lỗi không hoàn toàn ở cô ấy…
*
Dưới đây, tôi xin viết đôi điều để bạn đọc có cái nhìn đúng đắn hơn về bài “ca dao” có cụm từ “canh gà Thọ Xương” gây tranh cãi:

Bài “ca dao” gây tranh cãi trên thường được biết đến với nội dung:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” (A)
Hoàn toàn ta thấy đây là một bài tả cảnh Hà Nội với các địa danh: chùa Trấn Vũ, ngõ/huyện Thọ Xương, làng Yên Thái (An Thái), và Tây Hồ. Tuy nhiên ngay về vấn đề văn bản của bài này đã là vấn đề không rõ ràng rồi, các sách giáo khoa cũng như các sách lịch sử văn học tôi cũng chưa thấy ghi rõ. Vì vậy, việc xác định văn bản học của bài thơ này chủ yếu dựa vào những ghi chép của các thế hệ đi trước. Trong cuốn sách “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội” của Hoàng Đạo Thúy[1] có ghi chép khung cảnh Hà Nội:
"Những buổi sớm tinh sương mùa đông, khách dạn sương đi trên đường Thanh Niên không thấy trời, không nhìn rõ mặt nước, trên đầu cành lá rũ nặng giọt, bên trái lung linh ánh trăng úa hạ huyền; lúc ấy lòng lâng lâng, không ngâm mà cũng như ngâm câu thơ cổ: Phất phơ ngọn trúc trăng tà... Gà xóm bên hồ đã gáy, chuông hồi đã đổ dồn, đồng bào Bưởi đã dậy giã dó từ lâu. Mặt trời mới hé trên đê Yên Phụ mở ra một tấm gương phẳng lặng rắc phấn hồng
Qua mô tả của Hoàng Đạo Thúy, ta dễ dàng thấy được nội dung trùng khớp với bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê (1839 - 1902) với nội dung:
“Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái, mảnh gương Tây Hồ”[2] (B)
Vì vậy, “canh gà” ở đây không nói đến món canh/súp gà. Tôi cũng nghe một số biện giải của nhiều người là nghe kể ngày xưa ở Thọ Xương cũng có món canh gà nổi tiếng, nhưng đa phần đều là tư biện và không có căn cứ.
.
Tạm gác chi tiết “canh gà”, ta đi vào tìm hiểu một chút diễn biến văn bản của bài thơ này.
.
Sách Tâm trạng Dương Khuê và Dương Lâm[3] , Dương Thiệu Tống là cháu của Dương Khuê có ghi dòng nhận xét về câu lục mở đầu: "Có người đã sửa đổi câu thơ này là Gió đưa cành trúc la đà, nhưng có lẽ là sai vì làm mất đi ý nghĩa ẩn dụ của toàn câu mà chỉ có ý nghĩa tả cảnh mà thôi".
.
Vấn đề nảy sinh ở đây là: Ai đã sửa câu lục trong bài thơ này thành “Gió đưa cành trúc la đà”?
.
Tôi liên tưởng tới một bài thơ khác tả cảnh Huế khá giống bài thơ của Dương Khuê là:
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Thuyền về xuôi mái sông Hương,
Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay” (C)
Bài thơ này cũng đã được phổ thành nhạc trong bài hát “Thương về cố đô” của nhạc sĩ Châu Kỳ, khi đó bài thơ này đã được công nhận như một bài ca dao trong kho tàng Văn học dân gian Bình Trị Thiên (1987), nhạc sĩ Châu Kỳ chỉ dùng nó như một chất liệu sáng tác mà thôi. Một hồi tìm kiếm, tôi mới thấy hai câu thơ đầu xuất hiện trong cuốn hồi ký “Mười ngày ở Huế”[4], nói về quãng thời gian ở Huế của học giả Phạm Quỳnh. Trong đó có viết một đoạn tả cảnh Huế như sau:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế.” (Phần IV)
Như vậy là học giả Phạm Quỳnh đã dùng ý tứ của thơ Dương Khuê để viết lại cho hợp với cảnh và địa danh ở Huế, có chùa Thiên Mụ và có làng chài Thọ Xương (còn có tên là Thọ Khương, Thọ Cương, Long Thọ). Chúng ta có thể đưa ra phán đoán:

Hoặc là Phạm Quỳnh viết dựa trên thơ Dương Khuê
Hoặc là sử dụng chất liệu văn hóa dân gian bản địa
.
Nhưng dù là trường hợp nào thì văn bản (C) cũng là một chi tiết quý giá.
Vì thế, bản (A) có thể được phán đoán bằng sự “lai” giữa hai bản (B) (C). 
.
Cũng qua các chi tiết trên, mảy may không hề thấy chỗ nào đề cập đến món canh (súp) gà Thọ Xương. Hơn nữa, chúng ta cần hiểu logic bài thơ tả cảnh, đang có gió, có cành trúc, có tiếng chuông, có nhịp chày giã giấy, có mặt nước hồ long lanh, dẫu có thêm món canh (súp) gà vào cũng thật là vô duyên và không hợp lý.


[1] Cuốn đầu in bởi Hội văn nghệ Hà Nội năm 1969, tái bản nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010
[2] Trích lại tài liệu theo bài của Vô Ưu trên http://www.baomoi.com
Dẫn theo Trần Trung Viên trong Văn đàn bảo giám, cuốn 3, NXB Nam Ký, Hà Nội, 1926; Mặc Lâm tái bản, Sài Gòn, 1969, trang 159; tài liệu do nhà phê bình Đặng Tiến cung cấp. Trong Thơ văn Hà Nội do Trần Huy Liệu chủ biên, cũng viết như vậy.
[3] Dương Thiệu Tống, Tâm trạng của Dương Khuê và Dương Lâm, Nxb. Khoa học Xã hội, HN, 2005.
[4] Quý vị độc giả có thể đọc toàn văn hồi ký “Mười ngày ở Huế” tại Blog của Phạm Quỳnh ở địa chỉ:
Hoặc: Phạm Quỳnh, Mười ngày ở Huế, Nxb. Văn học, H.2001.
Nguồn: Người Hiếu cổ Blog.

11h27' ngày 17.10.2012

38 nhận xét :

  1. Bác Tễu này đã làm được việc mà các nhà văn học VN từ trước tới nay chưa làm được. Ngành GDVN có suy nghĩ gì không ?

    Trả lờiXóa
  2. "Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương" câu thơ này có yếu tố chỉ thời gian . Khi đọc lên người ta dễ dàng hình dung ra một buổi sớm (canh 5). Đọc bài của Lâm Khang thì tôi thấy có khác với cách giải thích mà tôi được nghe .Đó là tiếng chày , trước đây tôi được hiểu là tiếng chày giã gạo hay tiếng chày gõ cá của người thuyền chài .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác ạ. Ngày xưa tôi đi học thì được thày giảng cho biết là tiếng chày giã dó để làm giấy dó. Làng Yên Thái có nghề làm giấy dó.

      Xóa
  3. Điều quan trọng nhất là "canh" viết ra chữ Hán trong bài thơ cụ
    Dương Khuê có phải canh (thịt gà) hay canh (gà gáy) thì mới xác
    định chính xác được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bác! Hiện nay chưa ai trông thấy một văn bản chữ Hán Nôm nào chép bài thơ này.

      Hơn nữa, nếu bản chữ Nôm viết chữ “canh” nào thì vẫn phải hiểu “canh” là canh giờ/ thời gian chứ không thể hiểu là canh gà (món ăn/ súp gà) được.

      Chữ Nôm là loại văn tự ghi âm tiếng Việt, vì vậy, nếu chữ “canh” được viết thế nào thì điều đó cũng không là quan trọng. Và như thế việc tìm ra một văn bản chữ Hán Nôm chỉ để truy cầu xem chữ “canh” được viết như thế nào cũng không phải là quan trọng.

      Kính vậy!
      TỄU

      Xóa
    2. Như vậy, có phải theo ý bác Tễu là chỉ mới có thể xác nhận là bài thơ trên của Dương Khuê, nhưng chưa thể xác nhận canh gà ở đây là canh súp thịt gà ? Va76y bài thơ "Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê, trong Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập” chắc là không có thật, là troll ?

      Xóa
    3. Rất cám ơn bác chủ blog.Nhưng tôi vẫn "ấm ức" câu trả lời của bác
      vì có vẻ hơi suy diễn bởi chữ Nôm vẫn viết dựa theo chữ Hán (gốc)
      thì chúng ta mới có cơ sở để hiểu rõ hơn !
      Xin đồng ý với bác tả cảnh thì đưa (bát) canh gà vào làm gì,nhưng
      theo như tôi biết thì cụ Dương Khuê sành sỏi về ăn chơi,nghĩa là
      chịu chơi đủ món ! Hơn nữa,cụ không phải là nhà thơ xuất sắc,không
      phải nhà thơ có tư tưởng cao siêu mà là thuộc loại "thường thường
      bậc trung",nên thơ như thế là hợp với con người thật của cụ.
      Tôi thiển nghĩ vậy,chứ chưa chắc đã đúng.
      Một lần nữa,cám ơn bác NXD.

      Xóa
    4. Ngày xưa,trong đêm có tiếng trống điểm canh,đến gần sáng tiếng gà gáy điểm canh năm thay cho tiếng trống

      Xóa
  4. Nói ngược với bác Tễu một tí xem sao:

    1) Việc ông Hoàng Đạo Thúy nói thế chắc gì đã là cảm xúc thật của ông ấy mà chỉ là diễn xuôi mấy câu thơ mà ông ấy đọc và hiểu như thế. Vì thế lời ông Thúy nói không phải là cơ sở đáng tin cậy để chứng minh chuyện này

    2)Bác Tễu bảo "Hơn nữa, chúng ta cần hiểu logic bài thơ tả cảnh, đang có gió, có cành trúc, có tiếng chuông, có nhịp chày giã giấy, có mặt nước hồ long lanh, dẫu có thêm món canh (súp) gà vào cũng thật là vô duyên và không hợp lý." thì đấy cũng chỉ là cảm thụ của riêng bác. Theo tôi, được xì sụp nhậu món lẩu gà nóng hôi hổi bốc khói thơm phức lan tỏa vào màn sương mịt mù trong khung cảnh Hồ Tây se se lạnh và “mờ mờ nhân ảnh” do đã ngà ngà hơi men… khoái hơn hẳn cái cảnh ngồi buồn ôm gối đói bụng nghe tiếng gà gáy suông trong đêm… chứ :) Vả lại như thế cảm thụ đối với bài thơ mới trọn vẹn hơn, không những chỉ bằng thị giác, thính giác mà cả bằng vị giác nữa :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn đọc kỹ chút. Câu ""Hơn nữa, chúng ta cần hiểu logic bài thơ...."" không phải của bác Tễu nói. Mà là theo ông Nguyễn Ngọc Thanh.

      Xóa
    2. Vâng, cám ơn bác và xin lỗi bác Tễu.

      Xóa
  5. Thưa bác Diện, như vậy có phải câu truyền tụng "“Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê”" là không chính xác . Vì Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện không có lưu giữ cuốn sách này ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bác,
      Viện Nghiên cứu Hán Nôm đúng là có cuốn VÂN ĐÌNH TIẾN SĨ DƯƠNG KHUÊ THƯỢNG THƯ TIÊN SINH 雲亭進士楊珪尚書先生(144 tr., 27 x 15. Ký hiệu: A.2185)chép thơ văn của Dương Khuê, nhưng không có bài nào như bác vừa nhắc.

      Chắc bài thơ bác nhắc là bài Thơ tiên hoặc giáng bút, kiểu thơ Hoàng Quang Thuận thôi!

      Kính vậy!
      Tễu

      Xóa
  6. Hơn nữa, nếu bản chữ Nôm viết chữ “canh” nào thì vẫn phải hiểu “canh” là canh giờ/ thời gian chứ không thể hiểu là canh gà (món ăn/ súp gà) được. Nhận định này của bác Tễu rất có trọng lượng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, thưa bác, vì khi viết chữ Nôm, các cụ ta xưa không quy định từ này, âm này thì nhất thiết phải viết bằng chữ Nôm này. Một âm/một từ khi đọc thì có thể có nhiều chữ để ghi vào giấy, miễn sao ghi đúng âm là được.

      Ví dụ khi ghi chữ "canh" trong "Canh gà Thọ Xương" thì có thể ghi bằng bất cứ chữ "canh" nào trong 15 chữ canh cũng được.(15 chữ "canh": 更 畊 秔 粇 耕 庚 埄 埂 浭 粳 赓 賡 鶊 鹒 羹).

      Nhưng nếu là văn bản chữ HÁN, thì phải ghi đúng chữ với đúng nghĩa của nó.

      Kính bác
      Tễu

      Xóa
  7. Theo tôi chữ "canh " cần làm rõ cho thêm phần thú vị ,Canh có canh cua ,canh rau muống ,canh tôm,và nữa là tiết canh ...đều chỉ món ăn,
    Ca dao
    -Canh tôm nấu với ruột bầu,
    Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon ,
    -Anh đi anh nhớ quê nhà,
    Nhớ canh rau muống ,nhớ cà dầm tương.
    Tôi chưa nghe thấy ai quen gọi canh gà là món ăn ,mà chỉ gọi là súp gà,cháo gà,phở gà...
    Vậy canh gà Thọ xương đích thị chỉ tiếng gà báo canh ở Thọ Xương mà thôi.
    Về chữ " canh "thì Cụ Nguyễn Khuyến có một vế câu đối viếng anh chuyên nghề hàng thịt chết sớm , mà vợ thì còn trẻ ,cụ lại ám chỉ theo 2 nghĩa ,tôi xin đưa ra dẫn chứng để các bạn tự luận .
    " Tứ thời bát tiết canh chung chủy,Liễu ngạn đôi bờ dục điểm trang ".TR.Đ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết đúng là : Tứ thời bát tiết, Canh chung thủy
      Ngưỡng ngặn đôi bầu, Dục điểm trang (đôi bầu là 2 cái lọ cắm hoa thờ) chứ không phải liễu ngạn bác ạ. Vì là viếng tang nên có hoa, có nước.

      Xóa
    2. Bác không viết đúng câu đối của cụ Tam nguyên Yên đổ rồi

      Tứ thời bát tiết, canh chung thủy
      Ngưỡng ngặn đôi bầu, Dục điểm trang

      Tiết canh đối với bầu dục,
      hiểu đúng thì là câu đối thờ nghĩa là quanh năm có bát nước thờ, có 2 bình hoa thờ.

      Xóa
    3. bác Unknow cũng sai rồi.
      Câu đối của cụ Tam nguyên Yên Đổ phải đọc là .

      Tứ thời bát tiết canh chung thủy,
      Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.


      Các cụ ta xưa viết văn sớ chữ Nôm hoặc chữ Hán thường hay chơi chữ và không dùng dấu phảy .
      Các nhà thơ nổi tiếng đại biểu là Hồ Xuân Hương ,Nguyễn Khuyến,Tú Xương... lại là những 'Trạng 'chữ .
      Câu đối cụ Ng Khuyến viết có thể hiểu như sau ;
      Tứ thời; Xuân-Hạ - Thu - Đông,
      Bát tiết ;Lập Xuân- Xuân phân ,Lập Hạ- Hạ chí,Lập Thu- Thu phân,Lập Đông-Đông chí.
      Câu 'Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang 'mang nhiều nữ tính của một người vợ còn trẻ.
      Ngạn -chữ Hán là dòng nước,hay dòng suối.
      Liễu-cây liễu,cách người xưa thường ví phụ nữ,con gái.
      Thơ Chinh phụ ngâm Đoàn thị Điểm 'Khi ngoảnh mặt ngắm màu dương liễu,thà khuyên chàng đừng chịu tước phong...'Hoặc 'Ko chồng mà chửa'Thơ Hồ X Hương ' phận liễu sao đà nảy nét ngang ...'

      Dục điểm trang-ý nói người vợ vẫn còn muốn trang điểm và có thể còn đi bước nữa.Trái ngược với câu thơ trong Chinh phụ ngâm tả nỗi lòng người vợ chờ chồng đi đánh giặc xa ' Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai? '

      Bồ dục ,tiết canh đối với nhau ,
      Tất cả đều rất hợp tình hợp cảnh nhà anh hàng thịt.TR.Đ

      Xóa
  8. Các bác bàn luận đọc sướng cả óc....

    Trả lờiXóa
  9. Ở miền Nam hồi đầu thập niên 70 ( nếu tôi nhớ không lầm ) cũng có tranh luận về câu thơ " canh gà Thọ Xương " mà về đầu là " Tiếng chuông Thiên Mụ , Canh gà Thọ Xương " theo bài thơ của cụ Pham Quỳnh. Và cũng có một Dân Biểu ( tôi nhớ rõ họ tên ) cũng đã hùng hồn giải nghĩa " canh gà " đây là một món ăn , ông ta còn chêm thêm tiếng Anh " chicken soup " cho nó hùng hồn .
    Thế nên qua những comment trên đây, thì cô giáo nọ có thực giải nghĩa " canh gà Thọ Xương " là một món ăn, chưa chắc đã là sai .

    Trả lờiXóa
  10. Ở blog.hantimes.com/ có một cái entry như thế này :

    Canh gà Thọ Xương đúng là…canh gà?

    Canh gà Thọ Xương đơn giản là món súp?
    Bài viết của tác giả Hocmon
    Thưa bạn đọc.
    Một quí độc giả có nick là hocmon vừa post một comment về tích canh gà Thọ Xương như sau
    “Nguyên bản cuốn Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh Thi Tập hiện đang lưu trữ tại thư Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách này có chép bài thơ mang tên Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê”
    Nguyên văn viết: 裊裊搖風竹,蒼蒼鎮武鐘,壽昌多故舊,同買燉雞湯。煙鎖西湖水,杵驚安泰鄉,河城斯美景,最耐客思量
    “Niểu niểu dao phong trúc, thương thương Trấn Vũ chung, Thọ Xương đa cố cựu, đồng mãi đốn kê thang. Yên tỏa Tây Hồ thủy, chử kinh Yên Thái hương, Hà thành tư mỹ cảnh, tối nại khách tư lương.”
    Dịch nghĩa nôm na: Gió lay trúc phất phơ, chuông Trấn Vũ xa thẳm, quán Thọ Xương nhiều ông bạn cũ, đều đến mua canh gà hầm. Khói sương vây bủa mặt nước hồ Tây, nhịp chày kinh động làng Yên Thái, cảnh đẹp này của Hà Thành, khiến khách nhớ nhung nhất.
    Phía dưới có một dòng chữ nhỏ, chú rằng “sau khi bài này làm ra, sĩ phu tranh nhau ngâm tụng. Bà Thọ chủ quán Thọ Xương mắng tiếng, đích thân đến nhà ta xin chữ, song lại cầu ta diễn ra quốc âm ngõ hầu hiểu được trọn nghĩa.
    Ta liền bỏ hai câu cuối mà diễn lại rằng:
    “Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
    Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
    Dịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.”
    Thế là đã rõ nhé. Nếu tích trên có thật thì canh gà Thọ Xương đúng mà món canh gà, chẳng có tiếng gà gáy sang canh như văn học đã tưởng.
    Phát hiện này mà đúng thì đó là sự kiện động trời trong văn học.
    Bác Hocmon có nhờ các anh chị nào có điều kiện ở Hà Nội, xin xác minh lại bài văn này với viện Hán Nôm dùm, có thật như vậy hay không ?
    Tác giả: Hocmon

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện bịa để mua vui thôi, thưa bác!

      Xóa
    2. Vậy à?
      Cám ơn Nguyễn Tiên sinh
      Với lại HOCMON phán thế nhưng vẫn có ý nhờ Tiên sinh thẩm định lại mà. Chỉ có Tiên sinh mới có điều kiện xác minh thôi mà. Nay Tiên sinh đã phán thế thì chuyện này là bịa thật rồi
      Tóm lại : Canh gà Thọ Xương là tiếng gà gáy ở vùng Thọ Xương báo hiệu sang giờ khắc khác

      Xóa
  11. Trường hợp chữ "Canh" này được coi như sự hạn chế của Tiếng Việt. Mỗi ngôn ngữ đều có cái hay cái đẹp riêng. Nhưng ngôn ngữ phải làm được chức năng mô tả theo đúng trạng thái, đúng hoàn cảnh, đúng trường hợp của mỗi sự vật mới làm tròn chức năng của ngôn ngữ.
    Chữ "Canh" viết theo kiểu tiếng Việt chỉ có một mặt chữ. Tức là dù là mô tả là "Canh" gì thì cũng viết là "Canh", Bác NGuyễn Xuân Diện đã nói thì chữ "Canh" trong chữ Hán có tới mười lăm mặt chữ (15 cách viết), chữ nôm có hai mặt chữ (2 cách viết)(Bác Diện ơi nó có phát âm khác nhau không?). Tuy nhiên không phải là thích viết kiểu nào cũng được mà phải tùy vào hoàn cảnh, mô tả sự vật mới được sử dụng thì mới đúng văn phạm. Cũng như trong tiếng Anh người ta luôn sử dụng danh từ theo đúng ngữ cảnh không được sử dụng tùy tiện. Trong một đoạn văn Tiếng Anh người ta còn ít khi dùng một từ (word) đã được viết ở câu trên để viết lại cho câu văn dưới.
    Một ngôn ngữ mạnh là ngôn ngữ có đủ vốn từ (vocabulary) để mô tả hết các sự vật. Còn Tiếng Việt trong quá trình phát triển phải vay mượn từ, ghép các từ đơn tạo thành từ ghép thì mới có đủ vốn từ để sử dụng. Từ "Canh gà" trong bài được coi là từ danh từ ghép, vì thế khi ghép(canh gà, canh cua, canh điếm..) sẽ tạo ra nghĩa khác nhau dù có cùng âm "Canh". Nếu là người Việt thì khi đọc câu thơ này ta phải hiểu đó là chỉ thời gian. Nên bác NGuyễn Xuân Diện nói như trên là đúng. Câu thơ tả về cảnh vật tức là không gian thì "canh" ở đây phải là thời gian. Nếu vẫn nghi ngờ là thức ăn thì phải xét ý thơ của toàn bài vì thế nói "canh gà Thọ Xương" là thức ăn thì đúng là vô duyên, ngôn ngữ tuổi teen gọi là người có tâm hồn ăn uống.
    Chữ "canh" ở bài thơ này nếu giáo viên lấy làm ví dụ cho bài học về từ Hán Việt đồng âm khác nghĩa (canh gà, canh cua nói về thức ăn - hay canh giờ nói thời gian, hay canh giữ, canh thi nói về nhiệm vụ công việc) thì có lẽ không gặp tai nạn như thế.
    Đúng là phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bác, việc sử dụng chữ Nôm chưa từng được "chuẩn hóa" bác ạ!

      Xóa
  12. Góp vui nhân bài Gió đưa cành trúc.
    Cách đây có lẽ hơn 30 năm tôi đọc được câu chuyện này trên 1 tờ báo.
    Một người ngoại quốc đọc được hai câu:
    Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
    thì lấy làm thú vị nên tìm cách dịch sang ngôn ngữ của mình. "Gió đưa cành trúc la đà" được ông ấy hiểu là "gió rất mạnh", canh gà" thì đích thị là món cháo gà, còn chữ "Thiên mụ", không biết là gì, liền tra từ điển. Mục "thiên" thấy nghĩa là "trời", mục "Mụ" thấy nghĩa là "vợ", vậy "Thiên Mụ" là "vợ Trời".
    Về sau có người Việt đọc được bản dịch ấy, liền dịch lại sang tiếng Việt thì được 4 câu như sau:
    Cuồng phong lay ngọn trúc
    Đổ xuống tà vẹt đường
    Vợ Trời đánh một hồi chuông
    Canh gà húp vội hóc xương mấy lần.

    Trả lờiXóa
  13. Ông Dương Nghiệp Bảo không phải là cháu nội mà có lẽ là chít nội cụ Dương Lâm . Theo thứ tự tên lót từng bậc . Cho nam giới giòng họ Dương là Tự, Thiệu, Hồng, Nghiệp . Nữ là Hà , Nguyệt, Vân, Thúy . Gs Dương Thiệu Tống mới là cháu nội .
    ( Theo Wikipedia )

    Trả lờiXóa
  14. Điều quan trọng là truy tìm được bản gốc bài thơ, nếu tác giả dùng từ canh gà để chỉ món ăn thì phải tôn trọng nguyên tác, dù hơi khó tiêu hóa vì lâu nay đã quen với khẩu vị "canh giờ". Nói như bác Diện em thấy hơi buồn vì chẳng nhẽ các cụ nhà mình toàn viết sai chính tả?
    Cũng tại tiếng mình nghèo từ quá
    Cho nên bác mẹ mới đau đầu?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bác, bác cứ buồn một chút cũng không sao bác ạ.
      Khi nào bác trang bị cho mình một ít Hán Nôm, là bác sẽ hết buồn thôi mừ!

      Tễu

      Xóa
  15. Đọc comment mới thấy sự khác nhau giữa chữ Hán và chữ Nôm .Lâu nay cứ nghĩ nói khác nhau nhưng viết giống nhau như tiếng Quan thoại và tiếng Quảng Đông.Vào các chùa cổ ở trên đất nước mình thấy mấy tên Tàu đọc các chữ viết mà mình chẳng biết gì- tức thật.Bây giờ mới biết nhiều khi nó đọc mà nó cũng chẳng hiểu gì :). Cám ơn bác Diện về topic hay .Nếu có thời gian chắc phải đèn sách ra học Bác vài chiêu. Về bài thơ canh gà , tôi nghĩ cũng phải cố gắng tìm cho ra được nguồn gốc ,bối cảnh và ý thực của tác giả để trả lại sự thật cho bài thơ.Tôi thiển nghĩ :ngày xưa ông cha ta chưa có chữ viết nên phải vay mượn chữ Hán ,Ông Duơng khuê cũng chỉ dùng chữ "CANH" mộc mạc để mô tả một sự việc bình thường mắt thấy ,tai nghe , vị giác hiện thực xung quanh thôi.Nay bài thơ được hiểu đi theo nghĩa khác thì tác giả ở nơi chín suối cũng không vui vẻ gì.

    Trả lờiXóa
  16. Xin cảm ơn bác Diện ! Đúng là chuyên gia Hán Nôm !

    Trả lờiXóa
  17. NGười ta thường ca ngợi tiếng Việt là phong phú,hoặc "phong ba bão táp ko bằng ngữ pháp VN"...(Ca ngợi tiếng mẹ đẻ là tốt,nhưng đây là cuộc tranh luận về sự chính xác của tiếng Việt).Nên tôi thấy tiếng Việt đôi khi ko rõ nghĩa hoặc trùng nghĩa.Ví dụ tôi lấy chữ ĐƯỜNG thì được hiểu thành hai nghĩa vừa là đường ăn,vừa là đường đi(tiếng Việt cổ là ĐÀNG).Tôi đồng ý bài thơ trên là tả cảnh và những địa danh của Hà Nội xưa nên khó chấp nhận món canh gà ở trong ý thơ đó.Nhưng bây giờ tôi lại lấy một ví dụ khác,để mô tả món"bánh tôm Hồ Tây"thời thập niên 80 thế kỷ trước,người ta có thể tả thế này:...Chiều thu Tây Hồ hoàng hôn buông xuống...xa xa không thấy bờ trời nước ôm nhau một màu thu vàng... ước gì được cùng cố nhân liu khiu bia hơi Hà Nội cùng món "bánh tôm Tây Hồ" thì hay biết mấy...

    Trả lờiXóa
  18. Tôi cung cấp cho quí vị văn bản bài thơ này ở cuốn Văn-đàn Bảo-giám, quyển thứ nhất, in lần thứ nhất, 1926, Nghiêm-Hàm ấn quán, 58, phố Hàng Bông HANOI. (HANOI. Imprimerie Nghiêm Hàm. 58, Rue du Coton, 58. 1926). Vì văn bản hồi đó có lỗi sai chính tả so với ngày nay nên tôi gõ lại đúng như xưa để chúng ta khi trích dẫn sách cũ thì trích cho trọn.

    HÀ-NỘI TỨC CẢNH (cụ Thượng Dương-Vân-Trì)

    Phất-phơ ngọn chúc giăng tà
    Tiếng chuông Chấn-Võ, canh gà Thọ-Xương.
    Tịt-mù khói tỏa ngàn sương,
    Dịp chầy An-Thái, mặt gương Tây-Hồ.
    Vì là người quan tâm đến vấn đề này lâu ngày nên thấy ai trích dẫn tài liệu dù sai một dấu phẩy là tôi ngán lắm. Trong quá trình va chạm với đủ loại văn bản khác nhau, cả Nôm và Quốc ngữ, tôi thấy văn bản này hội đủ nhiều yếu tố gần với nguyên tác của cụ Dương Khuê hơn cả cho dù nó có những "lỗi" chính tả (thay TR bằng CH), những lỗi này trong cả cuốn của Trần Trung Viên ta gặp đầy rẫy.
    Dấu hiệu cho ta thấy sự khả tín là:
    -NGỌN chứ không phải CÀNH. Vì hội họa xưa, vẽ cây xa thì không vẽ cành lá. Trăng như vậy phải "tà" xuống "ngọn". Dân gian cũng hát rằng: Bữa tối cái đêm hôm Rằm / Nửa đêm về sáng giăng bằng ngọn tre.Cụ Dương Khuê thi họa thì quá sõi nên sẽ không dùng chữ "cành".
    -Bản Nôm "Vân Trì thi thảo" có đến 2 chữ TIẾNG trong 4 câu (tiếng chuông và tiếng chày), như vậy là lặp chữ. Cụ Dương Khuê không vụng đến vậy, ắt cụ dùng DỊP hoặc NHỊP.
    -Bản này phiên TỊT, bản 1956 của Vũ Ngọc Phan phiên TUYỆT (tuyệt mù), hai chữ này trong mã chữ Nôm viết là một. Vậy là cả hai thống nhất với nhau.
    -Bản Quốc ngữ của Phạm Quỳnh (1918) có mấy cái "lố": Thứ nhất, tôi chưa từng thấy từ 1918, trong từ thư ai đã ghi Thọ Khang (Khương/Cương) ra Thọ Xương cả.Còn nói "dân nói trại ra Xương" là khẩu thiệt vô bằng. Thứ hai, văn bản không trọn vẹn, chỉ lẩy ra hai câu thôi. Sau này mới xuất hiện bản chắp thêm. Ai sưu tầm được ghi chép bài bốn câu ở Huế có trước 1918 thì cho tôi biết với, tôi xin lạy tạ bằng một bữa rượu tây canh gà no nê. Thứ ba, văn bản Phạm Quỳnh không là một văn bản "sưu tầm", đó là một lời mào đầu cho đoạn 4 bài "phóng sự" Mười ngày ở Huế. Riêng tính chất văn bản đã giảm thiểu độ tin cậy.
    -Các mở đầu bằng "Gió đưa cành trúc la đà" bị 2 cái "lố" sau: Thứ nhất, không nhất quán về thời gian. Lúc nào chẳng la đà được. Thứ hai, chịu ảnh hưởng cách mở đầu của ca dao với đề pa "Gió đưa" rất quen thuộc. Điều này là do quá trình dân gian hóa mà thành.
    - Hiện nay chưa khảo được thời điểm chép thơ của cuốn "Vân Trì thi thảo" nhưng đó là một bản chép bài thơ này theo trí nhớ là chính, nên chữ TỨ CẢNH, dù có nghĩa cũng nên xem lại. Hi vọng văn bản này trước 1918 thì mọi chuyện sẽ sáng rõ hơn.
    - Các bản gia phả thì cũng nên xem lại vì thời điểm xác định cũng may ra là 1960. Nếu dựa trên bản cũ hơn thì chữ "Cành" trong câu đầu cũng nên xem lại. Tôi đọc một số bài thơ Nôm của cụ Dương Khuê thì thấy cụ coa thủ lắm, khó dùng chữ "cành" phi hội họa đến vậy.
    Rất mong mọi người giúp thêm tư liệu và chỉ bảo cặn kẽ cho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác trích nguyên văn như thế rất đúng. Các bác khi viết nên chú ý đúng bản gốc. Cho dù các cụ có viết sai chính tả theo quốc ngữ, chứ chữ nôm hoặc chữ hán thì ít sai.
      Nhân tiện tặng thêm một câu đối
      Trời mưa nước đổ trơn như mỡ, Giò đến hàng nem chả muốn ăn.
      bác nào đối được xin bái làm thầy.

      Xóa
  19. Nói điều này mọi người cho là bỡn cợt: Đầu thế kỉ XX trở về trước, ở Việt Nam làm gì có món ẩm thực có tên gọi là "canh gà". Thật đấy, cũng như bây giờ làm gì có món được gọi là "canh trâu", "canh lợn", "canh chó","canh chim", "canh cò","canh ếch"...dù đã có các món "canh cá", "canh miến", "canh măng","canh riêu"... Tại sao vậy? Không phải cái gì nấu với nước lõng bõng thì người Việt đều gọi là "canh+nguyên liệu". Trong tiếng Việt, người ta dùng từ "dấm" hoặc "súp" để gọi. Trong Ngôn ngữ học, có môn "Ngữ pháp ngữ nghĩa" bổ sung cho môn "Ngữ pháp hình thức" mà ta vẫn học hàng thế kỉ nay. Đại khái là, Ngữ pháp hình thức tạo ra các mô hình kết hợp trừu tượng để hiểu một cụm từ hoặc một câu. Nhưng người ta phát hiện ra rằng, không phải mô hình đúng mà các kết hợp theo mô hình lại đúng. Có những kết hợp tạo ra bằng mô hình nhưng trên thực tế chẳng bao giờ tồn tại trong một ngôn ngữ cả. Ví như áo dệt bằng tơ nhưng trong tiếng Việt có từ "áo lụa" mà không có từ "áo tơ". Chỉ Tây mới nói ngọng như vậy. Ai đã dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thì biết lắm chuyện buồn cười.
    Về hai chữ "canh gà" với tư cách là một món ẩm thực, tất cả các từ điển mà tôi đã tra cứu từ 1945 trở về trước, đều không có. Trái lại hai chữ "canh gà" với tư cách chỉ "tiếng gà gáy báo thời khắc ban đêm" thì xuất hiện liên tục ít ra từ từ điển Bá đa lộc 1769 -1772 trở về sau.
    Chưa tin, tôi thống kê tất cả các từ "gà" trong 16000 câu tục ngữ và trong 12000 bài ca dao (số lượng sưu tập nhiều nhất cho đến 2012) cũng chưa từng gặp một trường hợp nào có kết cấu CANH+GÀ = món ẩm thực. Bạn nào tìm được một cách ghi văn bản nào trong thời đó có "canh gà" là món ẩm thực thì mách cho tôi với. Tôi xin hậu tạ bằng một bữa canh gà nhòe.
    Còn cứ như bây giờ thì tôi khẳng định, gọi gà nấu xáo, hoặc nước luộc gà bỏ miến và mùi vào là "canh gà" chỉ xuất phát từ việc đùa vui hai chữ "canh gà" trong bài ca dao của cụ Dương Khuê mà thôi. Mong được chỉ giáo.

    Trả lờiXóa
  20. Thật ra cách đây khoảng 40 năm,ở trong nam chúng tôi vẫn thường đem câu chuyện này làm chuyện vui kể cho nhau nghe:một anh chàng thông dịch viên khi một người Mỹ muốn tìm hiểu về câu thơ đã trở thành như ca dao:
    Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Thiên mụ canh gà Thọ xương
    Thì anh thông dịch này đã dịch "canh gà" là "chicken soup" là để cười chơi chứ có ai hiểu như thế

    Trả lờiXóa
  21. các bạn tranh cãi chán chưa, có để ý đến cái tiêu đề của bài thơ là "Hà Thành tức cảnh" không? đã là "cảnh của Hà Thành" thì có liên quan đến món ăn không?? chẳng lẽ tâm hồn thi sĩ mà nhìn vào bát canh làm thơ hả?. thế là đủ.

    Trả lờiXóa